Nhiều người mải mê bận rộn cho câu chuyện của cuộc đời mình, cho rằng bản thân là trung tâm của vũ trụ, mới là quan trọng nhất.
Cũng phải có lẽ khi nắm trong tay quá nhiều danh vọng, quyền lực thì con người ta sẽ khó mà chấp nhận được quy luật của vũ trụ, quy luật của cuộc đời vốn vô thường không gì là mãi mãi, mọi thứ chỉ là thoáng qua, được mất trong gang tấc. Như đất trời có 4 mùa xuân-hạ-thu-đông. Như ngày 24h, 12h mặt trời mọc, 12h mặt trời lặn. Như hoa nở rồi sẽ tàn. Còn trốn tránh, còn tìm cách níu giữ, còn cố gắng đi ngược lại dòng chảy là ngày ấy còn kẹt lại trong vòng lẩn quẩn, là vẫn còn đau.
Người ta bàn về sự sống, nhưng ít khi nhắc về cái chết. Người ta dạy nhau làm thế nào để giàu có, để thành công, nhưng ít ai lại dạy làm thế nào để đối mặt với thất bại, mất mát, nỗi buồn.
Cũng như nỗi buồn là không thể đong đếm, chẳng thể nói nỗi buồn nào lớn nỗi buồn nào. Thời gian thì ngắn, mà nỗi buồn của ai cũng lớn, cũng dài.
Tất cả niềm vui mà ta đang hưởng thụ trong cuộc sống đều đi kèm với một thứ thuế, thứ thuế đó chính là nỗi buồn. Mong muốn khát khao được sở hữu niềm vui, con người cũng buồn. Đến khi có được niềm vui rồi, tận hưởng rồi thì lo sợ sẽ mất đi, con người cũng buồn. Rồi khi niềm vui qua đi, mỗi lần nhớ lại, tiếc nuối những kỉ niệm đẹp, con người cũng buồn. Đời có vay có trả, vay niềm vui sẽ trả lại nỗi buồn.
Có những nỗi buồn nhẹ như gió thoảng, buồn vu vơ một chút rồi thôi. Lại có những nỗi buồn nhấn chìm làm cho con người ta gục ngã, dẫu có đứng lên và đi tiếp thì vẫn mang theo một vết sẹo dài.
Có những tổn thương tâm hồn cần được thấu hiểu và chữa lành, có những người mang nỗi buồn thật ra họ chẳng cần lời khuyên nào đâu, mà cái họ cần chỉ là 1 giây phút có ai đó dừng lại và chịu lắng nghe họ. Và đó có lẽ cũng là khoảnh khắc mà chúng ta hay nhắc đến 2 từ “Tri kỷ”
Thương đôi khi cũng là để cho nhau biết tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình. Thương thế nào để không ràng buộc, thương thế nào để đừng là gánh nặng để đừng tạo áp lực cho nhau. Cho thế nào để chẳng cần đáp lại. Trong đêm tối một đoá hoa quỳnh được nhận biết không phải bởi màu sắc, mà đó là hương thơm. Trong lúc khó khăn tri kỷ không nhận biết bởi vẻ bề ngoài mà là bởi sự chân thành, ấm áp, biết lắng nghe, biết chia sẻ.
“Tri kỷ là người hiểu mình. Chỉ cần nhìn một cái, nghe một câu là hiểu. Tìm được một người tri kỷ thật khó khăn hi hữu. Người gặp được tri kỷ là người rất may mắn, hạnh phúc” – Sư Ông
Người chữa lành và giúp đỡ người khác, không chỉ cần kiến thức về tâm lý trị liệu, khoa học não bộ hay những kiến thức tâm lý học, mà họ cần phải am hiểu cả về xã hội, văn hoá, tín ngưỡng, tình yêu, hôn nhân gia đình, bởi có thế mới nhìn rõ được những góc khuất khác của người đối diện, mới có thể giúp đỡ họ quay lại cuộc sống hài hoà.
Nhưng đôi khi đó cũng là một mặt trái, bởi khi đã nhìn sâu, đã lắng nghe, đã thấu hiểu, thì cũng sẽ đau nhiều, buồn nhiều, họ đau với nỗi đau của người bệnh.
Nhạy cảm với đời nhiều quá lại đâm ra mệt, giá như vô tư một chút chắc sẽ nhẹ hơn. Nhưng rồi nghĩ lại nhạy cảm để biết ơn hơn, trân quý hơn và để chạm nhiều hơn vào những khía cạnh khác nhau của cuộc đời này.
Người nhạy cảm sẽ đau nhiều, buồn nhiều, nhưng nhờ vậy cũng sẽ biết ơn nhiều, vì còn đau là còn sống. Bởi chỉ sợ khi không còn đau, mình sẽ chai lì, sẽ không còn hiểu và không thương được nữa. Chỉ khi ở cùng với nỗi đau của người khác ta mới có thể thật sự đồng cảm và giúp đỡ được.
Chỉ 1 phút lắng lại mà có thể cứu vớt một tâm hồn thoát khỏi cơn mê.
Chỉ 1 phút lắng lại mà có thể giúp một con người vượt qua cơn tuyệt vọng.
Tháng năm tìm kiếm, lòng người đã an.
Chợt ngày dừng lại, thấy hiền và an.
.
.
.
.