Thời đại ngày nay con người chúng ta đang không ngừng trò chuyện và lắng nghe mỗi ngày. Nhưng để có thể lắng nghe sâu, lắng nghe không phán xét thì đó là điều mà không phải ai cũng có thể làm được.
Chúng ta có thể nghe người khác nói gì, nhưng để thực sự hiểu họ thì điều đó không hề dễ. Bởi việc lắng nghe sâu đòi hỏi ở mỗi người một sự chú tâm, không phán xét, lắng nghe bằng sự cởi mở, đôi khi cần đặt bản thân vào vị trí của người khác. Khi ấy những cuộc trò chuyện mới thật sự được cởi mở và thấu hiểu được nhau từ tận sâu bên trong mỗi con người.
Như một lẽ bản năng, con người ta sẽ vô thức có những phán xét về người khác.
Chỉ trích phán xét bản thân, điều mà chúng ta làm khá là giỏi, vì thông thường hoặc là chúng ta chỉ trích người khác, hoặc là chúng ta chỉ trích chính mình. Khi nguồn năng lượng giận dữ xuất hiện, chúng ta khó để biết mình phải làm gì. Nên hoặc là chúng ta hướng ra bên ngoài, hoặc là chúng ta hướng vào bên trong.
Hoặc với những ai nếu như có tính cách nhút nhát không dám tương tác với mọi người, luôn cho rằng người khác sẽ không thể hiểu được mình. Để rồi không dám mở lòng, không dám tiến về phía trước.
Làm sao để có thể vượt qua được định kiến và giao tiếp với những người mà chúng ta đã có ấn tượng xấu trước đó?
Chúng ta có thể sẽ lờ đi và hợp lý hoá rằng họ không hợp với mình đâu. Để rồi chúng ta không cố gắng cho mối quan hệ đó nữa. Dù rằng những khó khăn đó nó chỉ đến từ một vài trải nghiệm đầu tiên thôi. Tất cả đều đến từ việc chúng ta không sẵn sàng để lắng nghe và thấu hiểu họ.
Giống như trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng có những vấn đề của riêng mình, ai cũng có những góc khuất và nếu như không có cơ hội để bài tỏ, thì ta sẽ rất khó để chuyển đổi.
Ta sẽ có xu hướng giữ nó ở trong lòng. Nếu không tìm được một người lắng nghe, nếu chúng ta không dám thử những cách thức mới thì vấn đề cũng sẽ vẫn vậy.
Hầu hết những vấn đề bất như ý diễn ra trong cuộc sống của ta đều đến từ thiên kiến xác nhận. Một cái bẫy tâm trí mà chúng ta dễ mắc phải, chúng ta dễ nhìn cuộc sống bằng lăng kính phiến diện. Khi đã không thích một điều gì đó rồi, thì chúng ta sẽ tìm mọi cách để chứng minh việc mà ta không thích là đúng và bỏ qua những lý do khác.
Và khi hệ quy chiếu này được áp đặt lên ai đó, ta cũng sẽ rất dễ đóng khung, dán nhãn họ trong những định kiến chủ quan của mình.
Lắng nghe đâu phải chỉ bằng tai. Lắng nghe phải bằng cái tâm mới thật là lắng nghe. Tức phải thấu hiểu được họ đang chia sẻ gì từ cái tâm họ.
Rõ ràng chúng ta chưa trau dồi nghệ thuật lắng nghe. Chúng ta không biết lắng nghe nhau. Chúng ta ít có khả năng để theo đuổi một cuộc đàm thoại thông minh và có ý nghĩa.
Vậy làm sao để ta có thể lắng nghe được tốt hơn? Làm sao để có thể lắng nghe khi mà đối tượng ta tiếp xúc họ có những lời lẽ làm tổn thương đến ta?
Tôi vô cùng tâm đắc với câu nói của nhà tiến sĩ tâm lý học Jordan Peterson, người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm trị liệu. Ông đã đúc kết ra được một kinh nghiệm rằng:
“Hãy luôn giả định rằng người mà bạn đang lắng nghe biết những điều mà bạn không biết”
Bởi dù đối tượng mà ta đang lắng nghe, họ có là ai đi chăng nữa, có làm bất cứ ngành nghề công việc nào, hay dù cho họ ở độ tuổi nào, thì họ đều mang đến cho ta những kiến thức mới, đều sẽ giúp ta mở mang tầm hiểu biết.
Bởi vì thế giới quan của mỗi người đều chứa đựng rất nhiều điều thú vị, bên trong họ luôn tồn tại những câu chuyện mà nếu ta không sẵn sàng lắng nghe sâu và thấu hiểu thì chắc ta sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được. Những mối quan hệ khác nhau, những người bạn khác nhau, sẽ cho ta những chủ đề khác nhau để trò chuyện.
…
Tôi thích rủ bạn bè làm gì đó cụ thể hơn là gặp gỡ chung chung. Hoặc giả là có rủ rê cafe thì cũng sẽ nói về một topic nào đó. Để mọi người có một thứ để cùng bàn luận, quan sát và học hỏi lẫn nhau.
Khi chúng tôi trò chuyện thường chỉ nói về một vài vấn đề rất cụ thể nào đó mà chúng tôi đều hứng thú. Bởi lúc đó mọi người sẽ thật sự đầu tư vào việc nói chuyện thay vì xem facebook, lướt mạng xã hội, tiktok. Câu chuyện của chúng tôi sẽ sâu hơn. Tôi có thể hiểu thêm nhiều khía cạnh khác nữa ở những người bạn của mình.
Bởi mỗi người đều có thế giới quan riêng, quan điểm khác nhau, đương nhiên góc nhìn cũng sẽ chẳng giống nhau. Nên bất cứ ai cũng đều sẽ có những câu chuyện để tôi có thể học hỏi được.
Người khác có thể nói đó là thực dụng, có mục đích. Nhưng tôi gọi đó là sự ưu tiên. Đó là cách để tôi bổ sung thêm kiến thức và phát triển bản thân thêm mỗi ngày. Bởi đôi khi sẽ có những bài học mà ta vẫn có thể học được từ chính sự trải nghiệm của người khác.
Cũng như Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: Lắng nghe với lòng từ bi có thể giúp cho người khác bớt khổ. Khi một người nói ra những lời lẽ làm tổn thương người khác, thì có lẽ trái tim của họ đang có quá nhiều tổn thương, đau đớn, thất vọng, và sân hận. Nên khi ta giao tiếp ta phải biết rằng người này đang đầy đau khổ, và tôi sẽ lắng nghe để giúp họ vơi bớt khổ đau.
Việc lắng nghe sâu sắc, chỉ đơn giản là dành trọn vẹn sự tập trung vào người mình đang giao tiếp cùng lắng nghe với sự chủ động, một tâm thế cởi mong để hiểu được chính con người thật sự của đối phương, chứ không phải nghe để phán xét hay chỉ trích.
Khi tâm trí mình ngập tràn suy nghĩ, nó cũng như một chiếc cốc chứa đầy nước. Điều gì rót thêm vào cũng đều bị tràn ra ngoài cả.
Hãy để những hệ quy chiếu, những đánh giá, những phán xét của cá nhân ta sang một bên. Hãy lắng nghe một cách trọn vẹn, lắng nghe với lòng từ bi và sự cảm thông.
Bạn đã sẵn sàng đồng hàng cùng Nguoithuongkhoinghiep.com chưa?
- Nếu bạn là người mới, bạn có thể tìm lại toàn bộ bài viết cũ tại đây.
- Nếu bạn muốn cập nhật những thông tin mới nhất, bạn có thể ghé thăm chúng mình tại fanpage Nguoithuongkhoinghiep.com
- Nếu bạn có bất kỳ chia sẻ nào khác hay liên hệ hợp tác, bạn có thể gửi thư cho chúng mình tại địa chỉ htmd.95@gmail.com
Cảm ơn vì bạn đã ghé thăm!