Có bao giờ bạn tự hỏi chính mình chưa?
Nếu ngày đó mình không gặp họ, nếu ngày đó mình không chọn công việc đó, nếu ngày đó mình không vấp ngã, không thất bại…thì đời mình sẽ ra sao, sẽ thay đổi như thế nào?
Những năm trở lại đây, bản thân đã có sự chậm lại, quay về bên trong, dành thời gian cho chính mình, cho nhiều sự chiêm nghiệm, nên bản thân đã học được nhiều điều và có nhiều sự thay đổi trong vài khía cạnh.
Một góc nhìn khác về thất bại
Thành công giúp mình biết được bản thân đã làm gì đúng, còn thất bại là lúc mình không biết làm gì, làm ra sao, luôn nhìn thấy những khó khăn, vấn đề mình đối diện quá lớn, khiến mình hoang hoang dẫn đến những thái độ không đúng về thất bại. Nhưng khi có thể nhìn vấn đề với góc nhìn rộng hơn, mới thấy rằng nó chỉ là một phần trong nhiều vấn đề mà mình phải đối diện.
Thất bại nghĩa là mình đang trong quá trình học hỏi. Thất bại cho mình cơ hội để khám phá thêm nhiều khía cạnh khác của vấn đề, cần nhìn lại mục tiêu kỳ vọng của bản thân, đánh giá lại tình hình, thay đổi phương pháp kể cả việc có thể tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ bên ngoài.
Mình không chọn thất bại, mình chọn cách để thất bại, chọn cách nhìn rõ bản chất của sự kiện mà không phán xét người khác hay nghi ngờ bản thân.
Hiểu được nguyên nhân thất bại đến từ đâu, nhìn ra những khía cạnh thuận lợi của vấn đề, nhìn rõ và vượt qua được những suy nghĩ, cảm xúc khó khăn, từ đó có được sự phục hồi nhanh chóng.
Đã là con người sống trên cuộc đời này thì ai cũng đều sẽ gặp thất bại, chỉ là mỗi người lựa chọn cách để đối diện như thế nào mà thôi. Với tôi cuộc sống giờ đây luôn là một sự thử nghiệm, nghĩa là phải thử nhiều thứ khác nhau, để sau đó nghiệm lại.
Điều gì tạo nên một người hùng, nghịch cảnh, thất bại, vượt qua nghịch cảnh, biết đâu một hành trình người hùng mới đang chờ mình. Bản chất của hành trình anh hùng là mang đến cho mình những khó khăn thử thách để giúp mình nhận ra năng lực của mình. Chỉ biết là hành trình anh hùng vẫn luôn xuất hiện. Đôi lúc cuộc sống cần một chút khó khăn thì hạnh phúc mới vỡ oà được.
Những hành trình anh hùng mà bản thân đã đi qua: thay đổi công việc, kết thúc một mối quan hệ tình cảm, chọn một hướng đi mới, học một kỹ năng mới.
Mỗi lần thất bại là một lần hít thở sâu, ở yên với cảm xúc, rồi mọi thứ sẽ qua. Mỗi khi thấy bản thân chao đảo bế tắc hay đang kẹt lại trong một vấn đề nào đó, tôi luôn tự hỏi mình đang ở đâu trên hành trình anh hùng. Nhận ra mình có quyền có hành trình anh hùng, đó là lúc câu chuyện khác xuất hiện, mình không còn là vai phụ trong cuộc đời người khác nữa.
Trước đây luôn cho rằng mình chỉ làm nền cho câu chuyện của người khác, nên không dám bộc lộ con người mình ra. Nhưng chỉ là câu chuyện của mình chưa được viết rõ ràng thôi, thật ra mình luôn luôn là vai chính trong cuộc đời của mình và là vai phụ trong cuộc đời người khác, chỉ là trước giờ mình chạy theo cuộc đời của người khác quá nhiều mà thôi.
Những câu chuyện cuộc đời luôn đan xen lẫn nhau, không có câu chuyện nào là một mình cả. Đôi lúc mình xuất hiện trong vai trò là nhân vật chính, đôi lúc sẽ là vai phụ, đôi lúc là để tha thứ cho một ai đó làm tổn thương mình, đôi lúc là bản thân được người khác tha thứ.
Cuộc sống vẫn vậy, chỉ là khi mình trưởng thành hơn, cách đối diện với vấn đề cũng khác đi, vững vàng hơn, học cách định nghĩa lại thất bại, rèn luyện kỹ năng đối diện với những áp lực trong cuộc sống, cách nhìn nhận lại vấn đề, trân trọng những thất bại nhỏ.
Hiểu rằng cuộc sống vẫn cần những áp lực vừa phải để mình có được sức bật về tinh thần.
Điều chỉnh cảm xúc
Có những người mỗi khi gặp thất bại hay những điều bất như ý trong cuộc sống họ thường chọn cách phàn nàn, đổ lỗi cho môi trường bên ngoài, cho những người xung quanh. Nhưng thật ra việc phàn nàn đó đến từ việc họ không biết cách để đối diện với cảm xúc của mình, không biết cách điều chỉnh ngoài việc phàn nàn.
Yếu tố đầu tiên gắn với thất bại đó là cảm xúc và mỗi khi có cảm xúc mạnh, ta thường có hơi thở nông. Với những phương pháp như phàn nàn, đè nén, trốn chạy, để đánh lạc hướng phần lớn đều sẽ không hiệu quả vì lúc đó chúng ta chỉ mới tiếp cận đến vấn đề tâm lý mà thôi, còn về mặt sinh lý vẫn chưa có sự chuyển đổi.
Thứ có thể sơ cứu được yếu tố sinh lý đó là việc điều chỉnh hơi thở.
Bất như ý là điều mà ai cũng sẽ phải gặp trong cuộc đời này, cũng như việc sống và bị nhận xét gần như là chuyện hiển nhiên trong cuộc sống này mà ai cũng sẽ gặp phải.
Vậy nên luôn tự nói với bản thân thỉnh thoảng mình có một chút buồn vẫn không sao, miễn là đừng để bản thân bị kẹt lại trong cảm xúc đó quá lâu mà thôi. Và quan trọng là rèn cho mình kỹ năng đối diện thì tác động từ việc bất như ý sẽ giảm đi rất nhiều.
Giống như bài học về 2 mũi tên, khi mình bị trúng mũi tên đầu tiên, mình sẽ cảm thấy rất đau, mũi tên thứ 2 đó là khổ. Đau trước rồi mới khổ. Đau là cảm xúc mà mình bắt buộc phải có, còn khổ hay không là do lựa chọn của mình.
Mỗi nhu cầu trong cuộc sống mình đều đi kèm theo cảm xúc. Những căn bệnh thời đại ngày nay stress, trầm cảm, hưng cảm, lo âu, rối loạn lưỡng cực, điểm chung đều liên quan đến cảm xúc. Hiểu về cảm xúc là cái hiểu vô cùng lớn. Rất nhiều những liệu pháp như chánh niệm, CBT là những phương pháp trị liệu đang phổ biến hiện nay sẽ nói rất nhiều về cảm xúc.
Thiền là cách tôi lựa chọn để thực tập khả năng quan sát suy nghĩ của mình, rèn luyện những kỹ năng để đối diện với những điều bất như ý, để thấy cuộc đời này mỗi ngày vẫn trôi qua, sẽ luôn có những điều làm mình vui, và cũng có những điều làm mình buồn. Việc mình cần làm là mỗi khi cảm xúc đó xuất hiện, mình nhận diện mà không kèm theo bất kì phán xét hay đánh giá nào.
Kiên nhẫn với mình và với người
Kiên nhẫn với mình mới có thể kiên nhẫn với người khác được.
Kiên nhẫn ở lại với mình, giúp mình có thể bình tĩnh trở lại, có thể ngồi yên mà không để bị cuốn theo những cảm xúc hay suy nghĩ khó khăn, không bi kịch hoá vấn đề, không phân tích quá đà, không quá lo lắng hay tiêu cực.
Việc dừng lại không phải là để đưa ra một lựa chọn tốt nhất hay hoàn hảo nhất, mà là để tạo ra một khoảng không gian để mình bình tĩnh trước khi đưa ra những quyết định. Cho mình khoảng dừng để suy nghĩ, thu thập, tìm kiếm thêm thông tin từ đó đưa ra những lựa chọn phù hợp.
Nghịch cảnh, sự kiện, stress không đáng sợ, những cảm xúc đi kèm mới là thứ đáng sợ.
Người nào có kỹ năng nhận diện và ứng phó với căng thẳng thì dễ dàng hơn trong việc đối diện và vượt qua được tình huống. Đặc điểm chung của những người có thể vượt qua được nghịch cảnh là trong những lúc bế tắt tuyệt vọng nhất, thì luôn có một khoảng trống để họ có thể lựa chọn với niềm tin rằng có vấn đề thì chắc chắn có giải pháp.
Tại sao có nhiều người gặp vấn đề về trầm cảm họ thường tìm đến cái chết? Bởi vì cuộc sống với họ thời điểm đó có quá nhiều vấn đề diễn ra liên tục khiến họ không thể nào ứng phó được, nên muốn tìm đến sự chấm dứt.
Thật ra đã sinh ra là con người thì ai cũng muốn sống dù chỉ là sự tồn tại cơ thể vật lý, nhưng nếu nói sâu hơn thường những người tự tử đa phần không phải bệnh mãn tính hay ung thư mà do họ mất đi ý nghĩ sống, cuộc sống với họ không còn thú vị, không còn động lực để thức dậy mỗi ngày.
Thông thường những kỹ năng liên quan đến giải quyết vấn đề ít khi cân nhắc đến những yếu tố liên quan đến cảm xúc, tinh thần mà đa phần chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề.
Cuộc đời này sẽ có những thời điểm mình phải đối diện với khó khăn một mình, khi bên trong mình có quá nhiều cảm xúc.
Nhưng khi mình ổn với mình rồi, ổn với cảm xúc của mình rồi, thì mình cũng sẽ ổn với mọi người xung quanh thôi.
.
.
.
.