Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
nghề y

Nghề y chắc chỉ toàn chuyện mất mát và đau thương, anh hả?

Posted on 22/03/202415/03/2024 by admin

Một người anh chơi chung làm bác sĩ khoa hồi sức tích cực, có lẽ luôn phải thường xuyên đối diện với sinh tử, nên anh thấm hơn về 2 chữ “vô thường”.

Anh kể ngày ba anh mất là ngày để lại trong anh nhiều nuối tiếc nhất. Gia đình có 2 đứa con đều học bác sĩ, vậy mà ngày ba anh mất vẫn không uống được một viên thuốc nào. Chỉ vì gia đình khó khăn, không có tiền chữa trị, anh và chị gái thì còn đang đi học. Có lẽ ngày ấy sẽ vui lắm. Có lẽ cha và mẹ sẽ cùng chụp ảnh mừng ngày anh tốt nghiệp trở thành một bác sĩ.

Vậy mà?

Ai ngờ đâu?

Ờ, thì đâu ai ngờ được, tự dưng khoẻ mạnh thì bất chợt rối loạn nhịp tim, rồi nhồi máu cơ tim, rồi chết. Thì đâu ai ngờ đang sống với biết bao dự định, thì bất chợt lại nhắm mắt xuôi tay. Cũng đâu ai ngờ đã hẹn nhau một ngày đẹp trời, chọn một cái áo sơ mi thật đẹp, chụp một tấm hình kỉ niệm ngày con trai tốt nghiệp bác sĩ, tự dưng giờ lại không còn thấy nhau.

Mấy lần ngồi trò chuyện cùng anh, đủ thứ chủ đề nào là tâm linh, tôn giáo, phật pháp, nào là đạo là đời. Anh nói cũng từng tìm hiểu và nghiên cứu một chút về phật pháp, bởi vì ngày mà ba anh mất, anh cũng nghe người ta nói:

“Mày phải bỏ tiền đi cúng nhiều chùa, phải thỉnh nhiều sư thầy để tụng kinh cầu nguyện thì ba mày mới siêu thoát mới lên thiên đường được”

Nhưng vì nhà nghèo, tiền đâu để cúng dường, tiền đâu để mời nhiều thầy về tụng kinh siêu thoát. Rồi anh mới bắt đầu tìm tòi đọc sách về phật pháp, bởi anh không tin vào cái gọi là siêu thoát hay thiên đường. Chẳng lẽ nghèo thì ba anh sẽ không được siêu thoát, chẳng lẽ nghèo thì ba anh sẽ không được lên thiên đường.

Mấy lúc cũng từng chợt giật mình không khỏi tự hỏi tại sao mình chọn nghề y? Dù nghề y bạc lắm. Bao nhiêu năm học hành rèn luyện, nhồi nhét biết bao nhiêu là kiến thức, bao nhiêu cực khổ, được mất mà có ai thấy được đâu.

Có người lựa chọn vì đó là ý muốn của gia đình. Có người lựa chọn vì hồi bé nghe được câu nói vô ý của người lớn: “Thằng này bệnh cứ phải đi bệnh viện suốt, lớn lên chắc phải làm bác sĩ cho đỡ tốn tiền đi chữa bệnh”. Cũng có người lựa chọn vì nhìn thấy một con đường dài, với một tấm lòng thiện để được giúp người giúp đời.

Nghề y này phải học nhiều lắm, phải giỏi lắm mới thi đậu vào ngành y, và phải tiếp tục học giỏi lắm và phấn đấu lắm mới tốt nghiệp được trường y sau 6 năm ròng rã. Cứ nghĩ rời khỏi ghế nhà trường là đã xong, đã là bác sĩ, đã cứu chữa bệnh, đã kiếm được tiền. Nhưng nào đã xong đâu, phải học và hành thêm 18 tháng ở bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề, rồi phải thêm vài năm mới đi học tiếp chuyên khoa 1 hay thạc sĩ lại mất thêm 2 -3 năm. Rồi nếu muốn học tiếp chuyên khoa 2 thì phải mất thêm 3-8 năm nữa.

Học và học mãi. Rồi nào là chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ quản lý bệnh viện, quản lý nhà nước, chính trị, đến khi học xong thì tóc cũng đã bạc rồi.

Đến khi đi làm ngoài kiến thức chuyên môn, thì bao nhiêu là áp lực định kiến của cuộc đời nào là lương y như từ mẫu, bác sĩ phải coi như bệnh nhân như người nhà, bệnh nhân không hết bệnh là lỗi ở bác sĩ, mà chưa từng hỏi xem người bệnh đó là chịu hợp tác, có chịu nghe theo lời khuyên chỉ định của bác sĩ hay không,…Rồi những vụ xô xát, những vụ ẩu đả xảy ra mà chẳng cần hỏi nguyên nhân ra sao, bác sĩ đánh bệnh nhân là bác sĩ đã sai rồi.

Ừ, thì có lẽ bác sĩ sai thật, sai vì đã chọn con đường hành y này, sai vì một phút mất bình tĩnh mất kiểm soát. Ừ, chắc cũng sai vì đã là con người, bởi con người nên mới có cảm xúc, mới có hỉ nộ ái ố, chứ cũng đâu phải thần tiên mà không biết buồn biết giận. Rồi cũng có mấy người họ chọn im lặng, chọn không phản kháng trước những điều tồi tệ chỉ bởi vì họ là bác sĩ.

Nghề y này muốn cao quý thì phải sống với tất cả lương tri, nhưng lương tri thì đâu đổi được cơm, đâu đổi được áo quần để mặc. Bên cạnh sự cao quý là sự hiểm nguy, bệnh truyền nhiễm, hoá chất chưa kể những vụ ẩu đả hành hung từ bệnh nhân và gia đình. Bên cạnh những vinh quang chức vụ là mồ hôi nước mắt và phải học suốt cả cuộc đời.

Anh từng chia sẻ, bản thân cũng đã nhiều lần đứng giữa lựa chọn lương tâm và kinh tế.

Có nhiều đêm trực có những ca bệnh nặng, tiên lượng không qua khỏi, dẫu biết là đời vô thường, dẫu biết bản thân đã quen với việc đối mặt với sinh tử hằng ngày, nhưng sao lòng vẫn buồn, vì bệnh nhân đã đến lúc chết mà mình chưa muốn cho họ chết, mấy lúc đó lòng buồn, rồi cũng nản, rồi tự dưng cũng muốn bỏ nghề.

Lúc đó mới thấm câu: Tiền mua được nhiều thứ lắm, tiền giúp con người ta yên tâm hơn, vững lòng hơn trước những khó khăn biến cố của cuộc đời này. Nhưng cũng có lúc tiền lại chẳng thể đổi được thời gian và sức khoẻ. Thì tiền có thể mua được nhiều thứ trong cuộc sống, nhưng tiền không bao giờ mua được sinh mạng của một con người. Khoảnh khắc đó chỉ còn lại một bác sĩ, một bệnh nhân cùng nhau vượt qua lằn ranh sinh tử. Chỉ còn một bác sĩ đang chiến đấu cùng thần chết chỉ mong giành lại những phận người mỏng manh.

.

Nhiều người trong chúng ta có lẽ chúng ta đã quá thụ động, và quen với cách tiếp cận thông tin một chiều, mà không chịu nhìn nhận với nhiều góc độ khác nhau. Khi thấy bất kì một thông tin nào xuất hiện, phù hợp với quan điểm của mình thì lao vào share ủng hộ. Còn điều gì trái với những gì trước giờ mình tin thì vội vã phán xét, chỉ trích, mà không chịu suy nghĩ rằng: tin tức đó từ đâu đến, đơn vị cung cấp tin tức đó có đủ chuyên môn uy tín không hay đó chỉ là góc nhìn của một cá nhân nào đó. Còn chưa kể đến những điều mình tin, những điều mình biết trước giờ chắc gì đã hoàn toàn là đúng đâu. Mình không biết không có nghĩa là nó không tồn tại.

Đến cả Socrates cũng nói:”Chỉ có một điều tôi biết chắc chắn đó là tôi chẳng biết cái gì cả”.

Có những chuyện phải nhìn thật sâu thì mới có thể hiểu được. Có những con đường mình phải đi đến tận cùng thì mới phát hiện ra là mình cũng sẽ lạc giống người khác. Dường như những điều này có khi phải đánh đổi cả đời cũng chưa chắc gì đã có thể hiểu được. Vậy mà chỉ với một vài thông tin, một vài giây thôi, mà nhiều người lại dễ dàng phán xét, đánh giá đúng sai.

Có người tâm rộng như sông, mênh mông như biển, để có thể bao dung và chứa được nước của muôn sông, ao hồ đổ về, nên với họ mọi chuyện lớn đều hoá nhỏ, chuyện nhỏ cũng hoá không. Lại có người lòng hẹp đến nghẹt thở, đụng chút xíu chuyện gì thì làm trời làm đất lên, chút xíu gió mà thấy như bão.

Hay có lẽ giữa thành thị đông đúc, giữa phố phường tấp nập, giữa dòng đời vội vã, giữa cuộc sống vô thường, nên ai cũng muốn đi nhanh, ai cũng vội, ai cũng tranh thủ, có thì giờ đâu mà dừng lại, thì giờ đâu mà lắng nghe mà thấu hiểu.

.

Cũng có dịp đi thiện nguyện cùng, anh chia sẻ có những đợt khám chữa bệnh cho người dân miền núi hay những có cơ sở vật chất khám chữa bệnh chưa đầy đủ, người dân còn nhiều khó khăn về kinh tế.

Anh bảo, mỗi một ca khám anh sẽ khám rất lâu, hầu hết thời gian anh dành để cho lời khuyên về lối sống, nếu có điều kiện khuyên bệnh nhân nên đến nơi khám bệnh gần nhất để có những xét nghiệm chuẩn đoán cụ thể chính xác hơn là cứ mua thuốc uống một cách vô tội vạ. Bởi anh là người làm khoa hồi sức tích cực, hay nói vui khoa mà những chiếc giường đặc biệt, những chiếc giường nằm giữa lằn ranh sinh tử, 10 người vào may lắm được 2 người khoẻ mạnh trở ra, hầu hết những triệu chứng đều là suy gan suy thận, đều là tác dụng phụ của việc uống thuốc hằng năm trời.

Nhưng mà em biết đó, tâm lý bệnh nhân đặc biệt là những người còn thiếu thốn quá nhiều thứ, họ nghe ở đâu có khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí, thì họ đến chỉ mong bác sĩ kê toa cho thuốc thật nhiều để uống, tiết kiệm được phần nào hay phần đấy.

Nhưng cũng có mấy người họ vẫn khoát áo blouse bình thường đó thôi. Chỉ là một chiếc áo như những chiếc áo mặc để tô vẻ bên ngoài. Bất kể ngành nghề nào cũng đều có mặt tốt và mặt xấu, bác sĩ được trả tiền cho những loại thuốc và phương thức chữa trị mà họ kê đơn, họ hưởng lợi từ số lượng hơn chất lượng. Họ không được trả tiền cho thời gian tư vấn bệnh nhân.

Ngày anh chọn cái tâm và kết thúc công việc, anh thấy nhẹ người khi cởi xuống được cái áo blouse trắng đó, bởi mỗi khi anh khoát nó lên người là anh thấy mình cần chịu trách nhiệm không chỉ cho bản thân, mà còn cho mạng sống của bệnh nhân.

“Anh thấy nó nặng”.

“Không phải bác sĩ nào cũng cứu được người em ạ.”

”Nghề y chắc chỉ toàn là những câu chuyện chết chóc, mất mát và đau thương, anh hả?”

”Ờ, thì cái chết nhưng không có nghĩa là tiêu cực.

“Ờ, thì cái chết là để nhắc nhở mỗi người biết trân trọng hơn cuộc sống của chính mình.”

Cuộc sống này là một cuộc rong chơi, chúng ta có mặt để tận hưởng, đừng làm nghiêm trọng hoá vấn đề nào cả, mà nhiều khi vấn đề đó cũng chẳng có thật. Tập nhìn như thế tự khắc cuộc đời mình cũng bình an và hạnh phúc và nhẹ nhòm hẳn.

“Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào. Tử sinh chỉ là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt, nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới” – Sư Ông.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.