Đối với tôi mỗi một lần xin việc dù là thành công hay thất bại đều để lại cho tôi rất nhiều những bài học kinh nghiệm quý báu. Bài viết này là chia sẻ cá nhân tôi về hành trình xin việc. Từ là một đứa sinh viên mới ra trường với xuất phát điểm kinh nghiệm làm việc = 0.
Hy vọng bài viết này sẽ truyền cảm hứng được cho những bạn trẻ đang loay hoay trên chặng đường tìm việc. Vì bất cứ ai cũng đều trải qua giai đoạn này. Và bản thân tôi cũng đã từng như vậy.
Tháng 2/2017,
Tôi hoàn thành bài báo cáo luận văn chuyên ngành. Ngay ngày hôm sau tôi nhận công việc làm thu ngân thời vụ cho một siêu thị vào dịp Tết. Lúc đó chỉ với mục đích vừa làm vừa đợi nhận Bảng điểm và Bằng tốt nghiệp tạm thời. Rồi mới bắt đầu xin việc.
Vừa làm công việc part time, bên cạnh đó vẫn lên mạng tìm thêm những thông tin tuyển dụng. Rồi cứ thấy tuyển vị trí nào phù hợp hay hay thì cứ apply Cv qua email.
Lúc ấy cứ nghĩ là apply vậy thôi, chứ trên thông tin tuyển dụng toàn ghi kèm theo: “Ưu tiên ứng viên đã có kinh nghiệm làm việc”. Thì với một đứa sinh viên mới ra trường. Chưa có kinh nghiệm như tôi. Biết đến bao giờ mới lọt vào được vòng phỏng vấn.
Rồi 2 ngày sau đó. Tôi nhận được email phản hồi. Xác nhận ngày, giờ và địa điểm phỏng vấn của một công ty khá lớn có vốn đầu tư nước ngoài.
Tôi biết đây sẽ là cơ hội tuyệt vời nếu được nhận vào làm. Nhưng tôi đã kiên quyết từ chối chỉ vì thiếu tự tin vào bản thân. Và suýt nữa thì tôi đã mất đi cơ hội quý báo đó nếu như tôi không thức tỉnh kịp lúc.
Lúc ấy mang trong người một tư tưởng lúc nào cũng mặc cảm thiếu niềm tin vào bản thân. Tôi tự vẽ ra đủ mọi lý do và thuyết phục bản thân mình rằng:
“Một công ty lớn như vậy thì chắc chắn sẽ nhận những người giỏi và nhiều kinh nghiệm chứ ai lại nhận những đứa sinh viên mới ra trường như mình”. Có đi cũng sẽ không được nhận vào làm. Chỉ làm mất thời gian. Xấu hổ với mọi người.?
Rồi một ngày trước khi phỏng vấn. Qua một vài lời nói chuyện với người bạn. Tôi có chia sẻ sơ qua về cuộc hẹn phỏng vấn và những gì bản thân suy nghĩ về nó.
Khi bạn tôi nghe được, nó cười ha hả vào mặt tôi và tuôn ra một tràng:

- Tại sao mày lại không đi?
- Mày chưa có công việc. Mày chưa có kinh nghiệm. Chưa biết tương lai phía trước sẽ như thế nào?
- Không biết nhu cầu nhà tuyển dụng ra sao? Thì mày có gì để mất mà phải sợ.
- Biết đâu trong cuộc đời mày chỉ gặp nhà tuyển dụng đó một lần thôi. Và nếu họ không nhận mày làm việc, thì thôi, đi tìm công việc khác. Chẳng có gì phải mất và xấu hổ.”
Lúc đó, tôi như chợt tỉnh ra. Ừ nhỉ, mình chẳng có gì để mất, sao mình lại phải sợ. Và tôi đã quyết định tham dự cuộc hẹn phỏng vấn đó.
Khi tôi đến địa điểm hẹn phỏng vấn, thì cũng có rất nhiều ứng viên khác đang ngồi đợi đến lượt vào. Hỏi ra thì ai cũng toàn 1-2 năm kinh nghiệm làm việc. Nhưng vì đã mang theo tư tưởng ”Chẳng có gì để mất” tôi chẳng còn sợ hãi và áp lực nữa. Tôi cứ tự tin thể hiện bản thân mình.
Rồi thì trải qua những quy trình phỏng vấn cơ bản như: giới thiệu bản thân, điểm mạnh, điểm yếu, mong muốn, mục tiêu công việc, kỹ năng cơ bản..v.v
Kết thúc buổi phỏng vấn tôi nhận được câu trả lời là về và đợi nhận thông báo kết quả qua email.
Lúc đó trong đầu nghĩ: “Thôi toang rồi, lần này coi như xong. Chắc đây sẽ lần cuối cùng mình đặt chân tới nơi này”. Tôi lấy hết can đảm lúc ấy. Cảm thấy đến lúc mình phải nói lên suy nghĩ của bản thân.
Tôi cảm ơn buổi phỏng vấn vì được trao cơ hội để trao đổi và tiếp xúc với nhà tuyển dụng. Tôi trân trọng và biết ơn điều đó dù tôi sẽ được nhận vào làm việc hoặc không. Tôi chia sẻ một số khó khăn mà hầu hết những sinh viên mới ra trường như tôi gặp phải. Đó là vấn đề yêu cầu kinh nghiệm làm việc từ những nhà tuyển dụng.
Nhà tuyển dụng luôn yêu cầu ứng viên phải có kinh nghiệ. Nhưng nếu những sinh viên như chúng tôi không có cơ hội được học tập, làm việc và trải nghiệm thực tế, thì chúng tôi lấy đâu ra những kinh nghiệm ấy. Và nó sẽ mãi là một cái vòng lẩn quẩn mà chúng tôi khó có thể thoát ra được.
Đành rằng công ty trả lương để thuê về những người có thể làm việc, tạo ra năng suất cho họ. Họ không trả lương để chúng tôi học hỏi và trải nghiệm. Điều đó là hoàn toàn hợp lý.
Nhưng tôi sẽ sẵn sàng chấp nhận mức lương khởi điểm thấp so với những người đã có kinh nghiệm. Bởi tôi coi đó là cơ hội cho tôi được học hỏi nhiều hơn về những kiến thức, kinh nghiệm thực tế. Tôi nhận được giá trị nhiều hơn là mức lương công ty sẽ trả cho tôi.
Tôi cúi đầu chào, rồi ra về. Tự cảm thấy hãnh diện về bản thân. Vì đã gạt bỏ được sự nhút nhát và dám nói lên suy nghĩ của chính mình.
2 ngày sau, Tôi nhận được thư trúng tuyển và yêu cầu xác nhận làm việc. Đó là một trong những ngày vui nhất cuộc đời tôi.
Bài học tôi đã rút ra được từ lần xin việc đầu tiên của mình là:
Ngay cả bản thân tôi. Sau này khi kinh doanh. Tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi quan điểm đó. Luôn muốn làm việc với những bạn đã có kinh nghiệm trước đó. Vì tôi nghĩ rằng như vậy thì tôi sẽ là người có ưu thế hơn, và mình có thể dễ dàng làm việc cùng nhau.
Mãi đến sau này tôi mới nhận ra được một điều rằng. Mặc dù kinh nghiệm làm việc là một trong những yếu tố cần thiết. Nhưng bên cạnh đó còn có một yếu tố vô cùng quan trọng khác, mà nó sẽ quyết định quá trình phát triển lâu dài và tôi nghĩ là bạn nên sớm rèn luyện và sở hữu cho bản thân kỹ năng ấy.
Đó là “Kỹ năng ham học hỏi”.
Chỉ cần bạn kiên trì và rèn luyện kỹ năng này. Không ngừng học hỏi và phát triển mỗi ngày, thì nhanh chóng bạn sẽ có thể đuổi kịp những người đã có kinh nghiệm. Thậm chí là có thể đi xa hơn nữa.
Hãy thử tưởng tượng. Bạn sẽ muốn làm việc với một người đã có kinh nghiệm. Nhưng họ vẫn bảo thủ và giữ thói quen làm việc cũ. Hay là một người mới nhưng họ có tinh thần ham học hỏi, tiếp thu cái mới, không ngừng thích nghi và phát triển mỗi ngày.
Dù chỉ còn lại 1% cơ hội cuối cùng, thì nghĩa là bạn vẫn còn cơ hội.
0,00001 vẫn lớn hơn 0.
Chỉ cần bạn chịu bắt tay vào hành động. Dù là những điều nhỏ bé nhất. Vẫn sẽ tốt hơn là bạn không làm gì. ( đọc thêm một trang sách, nghe một Podcast hay, học một kỹ năng mới….v.v).
Hãy cứ mạnh dạn thử và cố gắng làm hết sức mình. Vì nếu bạn cứ mãi nhốt mình lại. Tự biện ra những khiếm khuyết bản thân. Thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể biết được hết tiềm năng trong bạn đâu.
Không nhút nhát. Không khuất phục. Chỉ là thẳng thắn và mạnh dạn thể hiện bản thân. Dám nói lên suy nghĩ của bản thân mình.
Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được bạn là một ứng viên xuất sắc như thế nào. Những giá trị mà bạn sẽ mang đến cho họ. Và sẽ là thật đáng tiếc nếu họ không tuyển dụng bạn.
Thử, chưa chắc được.
Không thử, chắc chắn sẽ không được.