Bác Trịnh Công Sơn từng chia sẻ thế này: “Mỗi đêm, tôi nhìn trời đất để học về lòng bao dung, nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục. Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng chỉ để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm.”
Có những người luôn biết cách đối phó với những điều bất như ý trên đường đời bằng thái độ đầy vững tâm. Họ luôn nhìn đời với con mắt hiểu và thương. Cuộc đời là vô thường, nhưng tình thương và sự hiểu biết là di sản có thể tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Trong cuộc sống cũng vậy, khi tâm mình không đủ để điềm tĩnh, khi sức mình không đủ để thuyết phục hay thay đổi một ai khác … thì tốt hơn là dừng lại. Bởi những lời nói hành động trong lúc nóng giận có thể gây nên những tổn thương và sự hối hận của chính mình sau này.
Đủ duyên hoa mới nở, đủ nặng mây mới hoá thành mưa, đủ hiểu thì mới thương nhau được.
Khi nhìn lại chính mình mới thấy rằng bấy lâu nay tình thương mình vẫn có, chỉ là trong tình thương ấy chưa có sự hiểu mà thôi. Chúng ta quen muốn và bắt người thân, người xung quanh sống theo ý của mình, rồi nhân danh đó là tình thương. Nhưng tình thương thì không phải vậy. Tình thương thật sự là luôn cho họ không gian để họ được tự do, được thoải mái là chính họ. Không ép buộc, không phán xét, không mong cầu, không mong muốn họ phải thay đổi.
Có lẽ đặc điểm dễ dàng nhất để nhận ra một người thật sự trưởng thành lại đến từ việc mất mát hơn là đến từ những thứ bên ngoài như tiền bạc, vật chất hay địa vị.
Trải qua đám tang của ngoại tôi thấy thương ông, nhưng lại thương mẹ và những người ở lại hơn. Thật ra, người chết rồi có biết gì nữa đâu, chết rồi bỗng thấy nhẹ tênh, như mây như khói, chỉ có người còn sống mới thương, mới đau.
Rồi khi có sự nhìn nhận và nhạy bén hơn với cảm xúc từ những người xung quanh, mới thấy hoá ra trước đến giờ mình chưa bao giờ quan tâm hay để ý đến nhu cầu cảm xúc của người khác.
Ngày bé việc chứng kiến một đám tang diễn ra thì chỉ biết đó là chuyện buồn, thấy có nhiều người khóc. Lớn hơn rồi thì mới thấy đằng sau không khí buồn đó là sự mất mát.
Khi bắt đầu có sự chú tâm hơn đến cảm xúc của những người xung quanh, tôi không còn đòi hỏi hay kỳ vọng dành cho mọi người xung quanh mình nữa. Có lẽ so với việc đòi hỏi những người xung quanh phải thật hoàn hảo và làm theo ý mình, thì giờ đây mới nhận chỉ cần sự hiện diện và có mặt của họ đã là một điều thật sự quá may mắn và nên trân quý rồi.
Khi trải qua khoảng thời gian khó khăn, những mất mát, có người chỉ coi việc yêu thương gia đình, những người cùng chung huyết thống là nghĩa vụ và trách nhiệm. Nhưng bản thân tôi lại nhìn sự mất mát đó là sự nhắc nhở để mình trân trọng hơn những thứ mình đang có.
Nếu ta chọn tin vào sự thật có tồn tại linh hồn, thì cũng sẽ hiểu rằng luôn tồn tại rất nhiều những kiếp sống khác nhau. Kiếp sống mà chúng ta đang sống ở đây không phải là duy nhất, mà đã có rất nhiều kiếp sống trước đây nữa.
Tôi và bạn, tất cả chúng ta đã từng gặp nhau trong quá khứ, trong những kiếp sống khác, có lẽ vì kiếp sống ấy chúng ta còn nhiều điều chưa hoàn thành nên giờ đây chúng ta gặp lại nhau trong kiếp sống này, giữa mấy tỷ người, cùng một môi trường, cùng một nơi chốn, để nhắc nhau về những bài học về nhân duyên và sự kết nối.
Linh hồn tồn tại được là nhờ vào cơ thể này, vì thế mà nhờ đó linh hồn sẽ học được một bài học mà ở những kiếp sống trước nó đã bỏ lỡ.
Bài học thì có thể nhiều vô số kể, có thể bài học của mọi người là về sự thành công, tiền bạc, vật chất, địa vị. Nhưng với tôi bài học ở kiếp sống này đó có lẽ đó là học cách yêu lấy chính mình và yêu người khác. Và cả 2 bài học này vốn chẳng dễ dàng gì.
Có thể trước đây điều tôi cần là những vật chất, sự sở hữu và giá trị bên ngoài, điều đó tạo nên sức ép và gánh nặng. Còn bây giờ thì đã nhận ra thật sự điều duy nhất mình cần đó là sự hiện diện của chính mình và những người thân yêu.
Hiện diện, còn sống, ở đây, ngay lúc này.
Ừ thì ….có cuộc chia ly nào không buồn đâu, có sự ra đi nào mà không để lại mất mát đâu. Nhưng nhờ vô thường giúp tôi nhận ra, còn sống một ngày, còn thấy thương được nhau, còn hy vọng ngày mai sẽ khác hơn …thì khi ấy còn nên trân trọng và biết ơn nhau nhiều hơn.
Và sau cùng, chúng ta đến cuộc đời này là học cách chấp nhận. Người nào càng trưởng thành người đó càng biết chấp nhận. Chấp nhận cuộc đời là như vậy, có sinh thì phải có tử, có đến thì phải có đi, có tốt thì phải có xấu, có ánh sáng thì phải có bóng tối như 2 mặt của một đồng xu
Người nào còn đòi hỏi một cực của cuộc sống, thì người ấy sẽ vẫn còn khổ đau.
.
Càng quan sát nhiều hơn, ngẫm nghĩ nhiều hơn về mọi thứ đang diễn ra xung quanh, cũng suy nghĩ nhiều hơn về cái chết, mới thấy sự sống này thật sự quá quý giá.
Năm nay đại gia đình lại có thêm một thành viên mới. Thành viên đó chỉ mới được 2 ngày tuổi và tôi thì lại có được sự trân trọng và biết ơn khi ngắm nhìn sự sống mới đó.
Nhìn trái tim nhỏ bé không ngừng đập liên hồi, liên tục phồng lên xẹp xuống, mới thấy trái tim nhỏ bé đó thật kì diệu, mới thấy trân quý hơn cái sự sống này. Trái tim liên tục đập để bơm máu nuôi dưỡng sự sống cho cơ thể mỗi ngày. Ấy vậy mà trước giờ mình lại ít cảm nhận nhịp tim ấy, chỉ biết mỗi ngày mình còn hít vào-thở ra là vẫn còn sống.
Giờ đây mỗi sáng thức dậy tôi đặt tay lên ngực cảm nhận nhịp tim, hít một hơi thật sâu thở ra thật chậm, thầm nói cảm ơn một ngày mới, cảm ơn vì mình vẫn còn sống.
Càng sống, càng cảm nhận và trân trọng sự sống tôi lại càng suy nghĩ nhiều hơn và ý thức hơn về việc sinh một em bé ra đời. Việc con ra đời là khởi đầu sự sống được đưa vào cơ thể nhỏ bé ấy, đó là một điều vô cùng xứng đáng để trân quý.
Nếu một ngày nào đó bạn thấy cuộc sống mình quá bận rộn, bạn quá mệt mỏi vì những áp lực bên ngoài, thấy nặng vì những trách nhiệm phải gánh lên vai, thấy cuộc sống thật nhàm chán còn bản thân lại không có giá trị, không còn biết mình sống vì điều gì, đâu là ý nghĩ cuộc đời này, đâu mà mục đích sống mà mình muốn hướng tới,…những khi ấy hãy dừng lại, dừng lại mọi hành động, dừng lại cả những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu, chỉ để quay về đặt tay lên ngực để cảm nhận nhịp tim, cảm nhận hơi thở, để nhận ra giá trị và sức mạnh của một hơi thở.
Bởi hành trình của kiếp người này, cứ ngỡ dài rộng nhưng thật ra mọi thứ lại chỉ gói gọn trong một hơi thở này mà thôi.
Hơi thở là sự sống, mình còn hơi thở là mình còn sống, ngày nào mình còn sống là ngày ấy bản thân vẫn còn giá trị. Đó là món quà vô cùng quý giá cho chính mình và cho cả người thân mình nữa.
Mong bạn hãy trân trọng sự sống này.
.
.
.
.