Nhiều lần nhìn lại những trải nghiệm của chính mình, mới nhận ra niềm tin của bản thân đã có nhiều sự thay đổi theo thời gian. Những niềm tin mà trước đây từng giữ chặt, giờ lại thấy thật ngớ ngẩn và buồn cười.
Chỉ là ở thời điểm đó, trải nghiệm đó, mình đã từng tin vào ít nhất một điều nào đó mà thôi.
Và cuộc sống hiện tại này đây bản thân cũng đang sống với một vài niềm tin, nhưng luôn nhắc nhở mình rằng, vẫn giữ niềm tin, nhưng giữ một cách nhẹ nhàng. Bởi khi giữ một điều gì quá chắc chắn, mình sẽ trở nên cứng nhắc với thái độ và hành vi của mình, không còn nhìn thấy bất kì quan điểm hay góc nhìn nào khác nữa.
Bản thân trước đây cũng có nhiều suy nghĩ, hoang mang, nghi ngờ này nọ. Lúc ấy vì chưa có sự vững vàng, chưa hiểu được cách vận hành của tâm trí.
Mỗi khi gặp khó khăn hay có vấn đề nào, tôi luôn tìm đổ lỗi cho người khác, dẫu biết có thể họ không cố ý hay không ý thức được việc họ đang làm, nhưng biết làm sao được, tôi vẫn muốn trách họ. Muốn họ phải chịu trách nhiệm, vì họ mà cuộc sống của tôi mới khó khăn và mệt mỏi như thế này. Tha thứ cho họ là điều thật chẳng công bằng một chút nào.
Muốn họ phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của tôi, muốn họ phải thừa nhận lỗi lầm của họ. Luôn chọn vai trò là nạn nhân, luôn thấy bản thân thật đáng thương và người khác thật đáng trách.
Đỗ lỗi dường như một hành vi đã quá quen thuộc mà tôi luôn lựa chọn mỗi khi tương tác với những điều bên ngoài. Chọn đỗ lỗi cho người khác vì sự bất hạnh của chính mình. Cảm thấy khó chịu mỗi khi ai đó nhận xét về mình, luôn cố gắng làm hài lòng người khác để họ thấy rằng tôi luôn có giá trị, để khiến họ lại yêu mến tôi như trước.
Khi quay về quá khứ để nhận diện những bẫy tâm trí mà mình có, mới biết rằng tất cả niềm tin, góc nhìn, cách hành xử, tương tác với những người xung quanh, đều bị chi phối rất nhiều từ những trải nghiệm thời thơ ấu, môi trường sống, hay truyền thống giáo dục của gia đình.
Cũng biết có nhiều người phải chịu đựng rất nhiều những tổn thương. Họ bị bỏ rơi, thiếu tình thương từ gia đình, hoặc có những người mặc dù vẫn có cha mẹ đầy đủ nhưng lại bị bạo hành, phải chịu đựng rất nhiều tổn thương về cơ thể vật lý, lẫn tổn thương tinh thần.
Tự nhận thấy bản thân cũng trải qua tuổi thơ có nhiều va chạm, nhưng nó vẫn không ảnh hưởng nhiều lắm đến quá trình lớn lên và trưởng thành của tôi.
Mặc dù cũng từng bị so sánh, cũng gặp những áp lực, cũng có những kí ức buồn khi thấy cha mẹ cãi nhau, cũng có những lúc sợ hãi và áp lực vì những tiêu chuẩn, những khó khăn của cha mẹ, nhưng tổng thể tôi thấy mình vẫn ổn. Lớn lên một cách bình thường, không có nhiều gánh nặng hay áp lực về kinh tế gia đình, không có quá nhiều tổn thương, không có quá nhiều thứ cần giải quyết. Có lẽ vì vậy nên thấy mình cũng dễ chấp nhận và yêu bản thân mình hơn.
Đã đến lúc tôi cần đưa ra sự lựa chọn.
Thay vì đổ lỗi tôi chọn tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời mình, chịu trách nhiệm cho hành động và cả cảm xúc của chính mình. Đây là một lựa chọn vô cùng khó khăn nhưng ít ra nó vẫn mang đến cho tôi nhiều sự tự do so với việc đỗ lỗi cho người khác.
Không ai có thể khiến mình cảm thấy giận dữ hay buồn bã trừ phi họ tác động vật lý, sử dụng vũ lực hay sự ép buộc, còn lại thì mình là người quyết định cảm xúc của chính mình. Làm sao người khác có thể tiếp cận tâm trí mình và bắt mình phải cảm nhận điều gì chứ. Mình mới là người lựa chọn và quyết định mình sẽ cảm thấy như thế nào. Vậy phải chăng khi nhìn lại những đau khổ vằn vặt mà mình có trước giờ đều là do mình lựa chọn rồi.
Đã là con người sinh ra trên cuộc đời này ai cũng mong muốn được hạnh phúc và né tránh khổ đau. Nhưng tránh làm sao được khi ta lựa chọn khổ đau một cách vô thức, như một phản xạ có điều kiện, và rồi ngay cả chính ta cũng không ý thức được điều đó. Từ những trải nghiệm trong quá khứ, chúng ta học cách phản ứng tự động với những tình huống cụ thể mà không cần phải suy nghĩ. Khi có một tác nhân từ bên ngoài kích thích những hành vi cũ, ta cứ vô thức làm theo những hành vi đó mà không làm chủ được bản thân, chỉ đơn giản lặp lại hành vi đó mà thôi.
Khi học cách tự chịu trách nhiệm với bản thân, tôi nhận ra mình có quyền kiểm soát, biết rằng mình có khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình và quan trọng là thay đổi chính mình.
Tôi chọn tha thứ cho người khác.
Con người ta yêu ghét nhau vì hàng tỷ tỷ lý do vụn vặt. Khi thì ghét nhau vì khuôn mặt, khi thì tính cách của họ, gia đình của họ, thái độ, giọng nói, hành động… có điểm gì đó không vừa ý mình, không giống với mình, mình sẽ không thích được.
Khi lựa chọn sự tha thứ, bên trong tôi ban đầu xuất hiện một sự khó chịu và liên tục những câu hỏi: Tại sao phải tha thứ cho người khác? Tại sao phải tha thứ cho những người làm tổn thương mình, những người đã khiến cuộc sống mình khó khăn đến vậy? Tại sao mình không thể làm tổn thương họ như cách họ đã làm tổn thương mình?
Những suy nghĩ liên tục xuất hiện, một sự giận dữ khó chịu từ bên trong. Và tôi biết ngay lúc này nếu cơn giận dữ này được bộc phát, chắc chắn nó sẽ mang đến sự tổn thương cho một ai đó.
Tôi bắt đầu ngồi lại và nhận diện những suy nghĩ, những cơn cảm xúc của chính mình. Cũng như những lần khác, cơn cảm xúc đó cũng tan đi, nhưng vẫn để lại trong tôi một sự bối rối và mệt mỏi.
Cứ mỗi lần suy nghĩ ấy đến, tôi trở nên đau khổ, cho rằng những suy nghĩ đó là thật. Tôi bắt đầu đổ lỗi cho người khác. Đôi khi sẽ tranh luận với chúng, ai mà không có những tổn thương như thế, họ cũng không muốn hành xử như thế đâu, rồi tìm cách thay thế bằng những suy nghĩ tích cực khác. Tất cả chỉ với mục đích duy nhất là xoá bỏ những suy nghĩ tiêu cực đó ra khỏi đầu mình. Và rồi kết quả là không gì trong số đó có thể loại bỏ được suy nghĩ tiêu cực đó cả hoặc ít nhất ngăn cản nó đừng làm phiền đến tôi.
Cứ nghĩ mọi nổ lực của bản thân hiện tại là để cố gắng trưởng thành hơn, trở thành một người lớn vững vàng hơn, nhưng thật ra là chỉ để mình làm lành với tuổi thơ của mình thôi, bù đắp lại những điều mình đã gặp phải.
Có những bài học mình chỉ học được khi đến thời điểm, không phải lúc đó bài học mới xuất hiện mà vốn dĩ bài học đã luôn ở đó và mình chỉ đang lớn hơn mà thôi.
Mình chưa tha thứ cho người khác được vì mỗi khi mình đối diện với họ là những kí ức cũ, những tổn thương, những sự kiện trong quá khứ lại ùa về, làm mình thấy đau. Tâm trí mình luôn vẽ nên những câu chuyện về sự tha thứ rằng mình sẽ chỉ tha thứ với điều kiện này hoặc điều kiện khác.
Nhưng chỉ khi có thể kết nối lại được với con người mình, nhìn sự việc với góc độ khác, giải phóng chính mình khỏi những tổn thương, không còn giận, oán trách hay đổ lỗi, đó là lúc sự tha thứ bắt đầu.
Hận thù là mình đang để người khác cầm tù mình, cuộc sống của mình sẽ mất đi một phần tự do vì sự hiện diện của họ.
Lựa chọn tha thứ, mình không tha thứ cho những người làm tổn thương mình, mình chỉ tha thứ cho chính mình vì đã yếu đuối để người khác làm tổn thương.
Giờ đây, câu chuyện tổn thương và đổ lỗi vẫn thường xuất hiện mỗi khi có yếu tố nào đó bên trong tâm trí tôi bị kích hoạt, nhưng sự khác biệt là, nó hiếm khi làm phiền tôi nữa. Bởi biết rằng đó chỉ là những suy nghĩ, một cách phản ứng vô thức của tâm trí với mục đích duy nhất là muốn bảo vệ tôi. Vì vậy thay vì nghiền ngẫm và chìm đắm trong những suy nghĩ đó, tôi chỉ đơn giản lựa chọn bước qua và tiếp tục sống.
.
.
.
.