2 năm trở lại đây, tôi bắt đầu cuộc hành trình thay đổi bản thân theo xu hướng tìm lại chính mình.
Được sống với chính con người mình.
Thật lạ đúng không, mình là mình, sao lại thay đổi để trở thành chính mình.
Và điều đó là sự thật, bởi tôi của trước đây là một đứa vô cùng nhút nhát, luôn sợ và muốn biết người khác sẽ suy nghĩ như thế nào về mình. Nên không bao giờ dám thể hiện quan điểm riêng của bản thân, nếu xuất hiện ở một nơi đông người, tôi luôn chọn cho mình một góc khuất để ngồi và quan sát người khác.
Tôi chẳng thể hiểu mình. Và chẳng bao giờ dám nói lên suy nghĩ của bản thân. Vì thế tôi không bao giờ tìm thấy được niềm vui trong cuộc sống và công việc. Tất cả đều xuất phát từ việc tôi sợ hãi nên không bao giờ hiểu được bản thân.
Luôn khát khao muốn thể hiện bản thân. Nhưng lại bị chính nỗi sợ hãi kiềm hãm lại.
Mệt mỏi bởi những thứ hiện tại. Khao khát được tự do. Khám phá những thứ mới mẻ. Nhưng khi đối mặt với sự đánh đổi, với việc bước ra khỏi vùng an toàn, thì tôi lại do dự. Một lần nữa nỗi sợ lại chiến thắng.
- Bạn có từng như tôi?
- Vậy đến cuối cùng, thứ bạn đang sợ hãi là gì?
Bản thân tôi của ngày trước, cũng từng rất sợ hãi rất nhiều thứ. Mà ở thời điểm đó tôi không thể gọi tên và diễn tả được nỗi sợ đó. Khi nhìn thấy một số bạn trẻ ngày nay cũng bị nỗi “sợ hãi” chiếm lĩnh. Tôi lại nhìn thấy được bản thân tôi của ngày trước.
Và hôm nay, tôi sẽ kể lại 5 nỗi sợ mà tôi đã mắc phải từ những ngày đầu tôi bắt đầu tập viết.
1. Nỗi sợ khi không biết bắt đầu từ đâu.
Điều này phổ biến với những người ngại show up bản thân ra bên ngoài hay trên mạng xã hội.
Bạn sợ bản thân không có ý tưởng hoặc ý tưởng của bạn không đủ hay. Bạn không biết sẽ viết gì, viết từ đâu, viết như thế nào, bạn không biết cách để truyền tải thông điệp đến người khác.
2. Sợ mình không giỏi, mình viết không được hay
Tôi trước đây là một người luôn cầu toàn. Và tôi nghĩ đó là tâm lý chung của tất cả chúng ta. Chúng ta luôn muốn xuất hiện với một hình tượng hoàn hảo nhất, đẹp nhất, không tì vết. Việc để lộ ra khuyết điểm hay lỗi sai dường như là điều đáng xấu hổ và không thể chấp nhận được.
Tôi nghĩ là thời điểm đó bản thân chưa đủ giỏi. Kiến thức chưa nhiều. Vấn đề này đã có người chia sẻ rồi. Tôi muốn đợi thêm 1 thời gian nữa để hoàn thiện bản thân hơn. Đợi thời điểm tốt hơn, phù hợp hơn thì mới xuất hiện và chia sẻ.
Nhưng bạn ơi, bạn sẽ chẳng bao giờ là đủ. Bởi một khi bạn tốt rồi, thì bạn sẽ muốn được tốt hơn nữa. Và ngày mà bạn mong chờ được hoàn hảo nhất sẽ không bao giờ xảy ra. Tôi nhận ra rằng thời điểm mà tôi bắt đầu hành động là thời điểm đúng nhất và tốt nhất.
Vậy nên bạn ơi, đừng bao giờ ngồi đợi thời điểm hoàn hảo nhất để xuất hiện. Hay sợ rằng liệu có quá muộn để bắt đầu hay không? Dẫu rằng có những vấn đề mà người khác đã chia sẻ. Nhưng chưa một ai chia sẻ với góc nhìn của cá nhân bạn. Hay là ngôn ngữ và giọng điệu của bạn. Nên ok fine. Mình cứ là chính mình. Cứ thoải mái chia sẻ những điều bổ ích.
3. Sợ bị từ chối
Lúc mới bắt đầu, mỗi khi tôi chuẩn bị đăng 1 bài viết lên trang cá nhân. Tôi thường suy nghĩ rất nhiều:
- Hay là thôi, đợi thêm 1 thời gian nữa.
- Đợi mình giỏi thêm nữa hẵng chia sẻ?
- Lỡ đâu mình viết như này người khác đọc sẽ cười mình.
- Hay mình chỉ chia sẻ trong group người lạ. Ít ra họ sẽ không biết mình là ai. Đỡ phải xấu hổ.
- Sợ mọi người sẽ nhìn mình kiểu, con này thích thể hiện là người trí thức. Rồi lại đi copy nguồn bài viết trên mạng chia sẻ.
- Hay kiểu như “Dạo này hay viết những lời sến quá vậy?
Và hàng loạt những suy nghĩ xuất hiện liên tục làm tôi từ bỏ luôn cái quyết định đăng bài.
Rồi tự nhiên lại ngồi suy nghĩ. Ngay cả cái công dụng của fb tạo ra là để cho phép tất cả người dùng đăng tải và chia sẻ những trạng thái, thông tin cá nhân. Hiểu nôm na giống như cái ngôi nhà ảo của người dùng.
Ủa, rồi tại sao nhà của tôi mà tôi lại không được tự do thoải mái làm những điều tôi thích. Tại sao tôi lại sợ?.
Ngay cả khi post bài viết lên rồi. Thì lại tiếp tục sợ bài viết của tôi không được đón nhận. Có những lúc tôi còn áp lực đến nỗi, mỗi khi facebook báo cmt hay lượt thích bài viết là tôi lao ngay vào xem. Họ bình luận gì. Họ nói ra sao. Khen hay chê.
Rồi cứ mỗi 1 lời khen, thì tôi lại có động lực viết tiếp. Nhưng đó cũng chính là áp lực cho bản thân tôi. Vì có những bài viết ít lượt xem hay tương tác. Tôi lại bắt đầu nghĩ, hay là bài viết tôi không được hay. Tôi không có năng khiếu trong mảng này. Nên mọi người không thích, và không đón nhận nó.
4. Sợ những trải nghiệm của bản thân không đủ hay , không là gì so với người khác.
Nhiều lúc cảm thấy bản thân tôi tầm thường quá. Sao người ta giỏi quá. Chắc người ta có năng khiếu bẩm sinh. Biết khi nào tôi mới được như vậy.
Sợ bị người khác ném đá. Sợ người khác chê cười rằng không phải chuyên gia thì làm sao đủ kiến thức mà chia sẻ.
Sợ người khác bảo những gì tôi trải qua có là gì đâu so với họ, mà ở đó khoe mẻ.
5. Sợ bị người khác đánh giá là thích ra vẻ trí thức
Bạn đọc được ở đâu đó một bài viết, hay một đoạn trích dẫn của quyển sách. Bạn cảm thấy tâm đắc, cảm giác như bài viết đó là dành riêng cho bạn. Nó nói lên hết những suy nghĩ bên trong bạn. Những điều mà bạn mong muốn người khác hiểu hơn về bạn, nhưng bạn lại ngại thể hiện.
Bạn muốn chia sẻ bài viết đó, như thay lời muốn nói. Nhưng rồi bạn lại sợ. Sợ người khác đánh giá hay sợ những bình luận trêu ghẹo của bạn bè như:
- “Hôm nay mày bị hack nick à?”
- “Sao tự nhiên hôm nay sến quá vậy?”
Tâm tư đang chất đầy. Cảm hứng vừa nổi lên muốn thổ lộ chia sẻ, thì đã bị dập tắt. Và sau đó thì, bạn tiếp tục chọn cách im lặng. Bạn chỉ tương tác như cái cách mà bạn bè đã quen với bạn .
Rồi thì cũng buồn, cũng nản, cũng muốn bỏ cuộc, và nghĩ “ Hay là tôi dừng lại”. Nhưng thật may mắn là bên cạnh đó vẫn còn những người bạn luôn bên cạnh và ủng hộ cho tôi.
Tôi nhận được những lời khen và cảm ơn từ những bạn thậm chí mình còn chưa kết bạn. Bạn ấy cảm ơn vì những bài viết chữa lành và truyền đi năng lượng tích cực của tôi. Bạn ấy rất thích những bài viết của tôi. Và đó chính là động lực để tôi đi tiếp.
Mỗi một bài viết tôi đều nói đi nói lại rằng. Đây là những chia sẻ với góc độ nhìn nhận và trải nghiệm của bản thân tôi. Tuỳ vào mỗi cá nhân mà sẽ có quan điểm và góc nhìn khác nhau.
Và bây giờ khi nhận được những ý kiến quan điểm trái chiều đó thì tôi không còn cảm thấy buồn nữa. Vì tôi cho rằng nếu bạn không đồng tình với tôi, thì đơn giản bạn có góc nhìn riêng và bạn không phải là đối tượng mà tôi hướng đến.