Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Ai trả cho tôi?

Ai trả cho tôi?

Posted on 26/03/202421/03/2024 by admin

Cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ cuốn chúng ta đi, những thành công, những khát vọng, những hình ảnh hạnh phúc của người khác được up lên trang cá nhân hàng ngày.

Một gia đình hạnh phúc 3 thế hệ cùng chung sống, chồng thành đạt, vợ vun vén gia đình, có trai có gái đủ nếp đủ tẻ, gia đình 3 thế hệ cùng sống chung một căn nhà đầy đủ tiện nghi. Nhưng có ai biết được đôi khi đó chỉ là hình mẫu, là những lớp bỏ bọc người khác cố tạo nên, bởi khi họ log out khỏi mạng xã hội rồi, thì cuộc sống thực tế vẫn đầy rẫy những áp lực những vấn đề thôi: khoảng cách giữa 2 thế hệ, vợ chồng không thấu hiểu và chia sẻ được với nhau, không thống nhất được cách nuôi dạy con cái…v.v.

Ta so sánh từ thứ bậc, địa vị, đời sống cá nhân, tiền bạc, vật chất. Sự so sánh vốn đã ăn sâu vào bản chất con người, ngay từ thời nguyên thuỷ, thời của ông cha ta ngày trước.

Gareth Davey là một nhà tâm lý học xã hội đã từng nói rằng: Con người chúng ta chỉ là một trong khoảng 4 ngàn loài động vật có vú. Việc đầu tư vào thế hệ tương lai là vô cùng quan trọng. Thời gian nằm trong bụng mẹ đã hao tổn rất nhiều năng lượng. Sau khi chào đời hầu hết những loài động vật có vú đều không thể sống sót nếu không có sự bảo vệ, thức ăn và huấn luyện. Trong thời gian mang thai và cho bú, con mẹ không thể giao phối với con đực tiềm năng tốt hơn, đó là một trong những hạn chế dẫn đến việc con cái càng phải quyết định thận trọng hơn trong việc chọn con đực để giao phối ngay từ đầu. Bởi vì đối tất cả các loài động vật có vú, địa vị cao kể cả loài homo sapiens giúp đảm bảo việc tiếp cận tài nguyên, nên bản năng của con cái luôn kìm kiếm con đực có địa vị cao. Điều này dường như đã diễn ra trong vô thức.

Ở giống cái có sự ưu tiên địa vị, trong khi ở giống đực, địa vị chính là nỗi sợ ngấm ngầm. Và kết quả là loài người chúng ta đều tự xếp mình vào những địa vị và thứ bậc từ công việc, mối quan hệ xã hội, gia đình, đến việc giải trí..chúng ta không thể nào thoát ra khỏi những thứ bậc này.”

Với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội giờ đây cho chúng ta biết hết mọi ngõ ngách tường nhà người khác, chúng ta giờ đây không chỉ so sánh xếp hạng thứ bậc đối với người thân trong gia đình, với hàng xóm, với môi trường xung quanh, mà sự so sánh giờ đây đã lan rộng ra những quốc gia khác, mang tầm quốc tế.

Những tin tức hàng ngày vinh danh top những người giàu nhất thế giới, những cá nhân xuất sắc ảnh hưởng đến nhân loại, tập trung vào những cá nhân xinh đẹp nhất, thành công nhất. Những tin tức ấy làm cho hệ thống thứ bậc tự nhiên vốn đã khốc liệt nay lại càng căng thẳng hơn bao giờ hết, để rồi những người bình thường, những người không sở hữu sự xinh đẹp theo chuẩn chung của đám đông xã hội, luôn bị bao phủ bởi áp lực, tự ti, căng thẳng và lo âu. Chúng ta so sánh với những người không liên quan gì đến mình, càng so sánh ta thấy mình càng nhỏ bé và tầm thường.

Cuộc sống nào cũng có những khó khăn, công việc nào cũng có những vất vả, thay vì chống đối, than vãn, so sánh với công việc, với cuộc đời người khác, để rồi thở dài rồi mệt mỏi. Chúng ta chỉ thấy được vẻ bề ngoài của họ, quần áo, nụ cười những gì họ muốn cho mình thấy, còn ẩn sau những vẻ bề ngoài, một hình ảnh chỉnh chu chuẩn mực trên mạng xã hội, đó là cả một cuộc đời sâu thăm thẳm.

Hàng ngàn khoá học, hàng ngàn bài viết, hàng trăm cuốn sách dạy về làm giàu, dạy người ta thành công, dạy người ta tiến về phía trước. Nhưng đâu ai dạy phải lùi lại, đâu ai dạy khi gặp khó khăn ta phải đối mặt như thế nào. Hay có chăng chỉ là những câu nói truyền động lực, hãy vượt qua khó khăn đi, đừng buồn nữa, đừng để những suy nghĩ tiêu cực đó trong đầu nữa….v.v.

Quên làm sao được, đâu ai muốn giữ những suy nghĩ tiêu cực đó đâu, ai cũng muốn được vui vẻ mà. Nhưng họ đâu chọn được, họ cũng muốn quên đó, không quan tâm đó, nhưng làm sao, khi càng muốn quên thì lại càng nhớ rõ.

Không phải ai cũng may mắn được làm công việc mình đam mê. Có những hoàn cảnh, có những góc khuất, có những điều bất đắc dĩ, để dẫn đến những lựa chọn của mỗi người. Nên nếu đã chọn, đã xác định là sẽ không thể thay đổi thì sao không học cách đối diện và chấp nhận mọi thứ đến với mình đi.

Sao không chọn một cách nhẹ nhàng hơn để bước qua mỗi ngày, sao không tìm những niềm vui trong những ngày còn đang sống, trong mỗi việc mình đang làm? Sao không nhìn công việc của mình với sự hiểu biết và lòng biết ơn vì chí ít nó cũng mang lại thu nhập nuôi sống chính mình? Không có đúng hay sai, không có tốt hay xấu, không có hay hay dở, chỉ có phù hợp, nhiều khi đó chỉ là cách chúng ta thay đổi góc nhìn mà thôi.

Có khi nào ta muốn “sống chậm” nhưng lại bị người khác cho là “buồn chán” hay “lười nhác”?

Ngược lại, khi làm việc ngày đêm, tập trung cho tương lai thì lại nhận lời nhận xét là “không để ý những thứ khác trong cuộc sống”?

Vậy, đâu là điểm “cân bằng” để sống đây?

Khi cuộc đời còn quá nhiều những vấn đề, khi cuộc sống còn quá nhiều khó khăn chật vật, khi kinh tế còn quá nhiều thiếu thốn, nếu nói với nhau hãy chậm lại, hãy dừng lại để hiểu để thương, để đồng cảm, hãy vực dậy tinh thần, hãy an nhiên bình an giữa những thăng trầm, thì có lẽ đó là câu nói sáo rỗng nhất trên cuộc đời này.

Phải mưu sinh đi rồi mới hiểu. Phải vất vả đi rồi có còn nói như thế được hay không. So với những triết lý dạy người ta sống đúng, sống tích cực, sống lạc quan, nhưng cuộc đời thì đâu dễ dàng như nhưng câu triết lý đó. Lọ lem sẽ gặp được hoàng tử, nhưng đâu phải ai cũng may mắn được làm lọ lem.

Mấy ai có thể sống đúng với chính mình, đúng với những nhịp đập của trái tim, hay cứ gồng lên để vừa vặn với đám đông với xã hội, để được hàng xóm ngợi khen. Rồi bỗng một ngày nhìn lại, chợt nhận ra mình đã sống phí hoài những năm tháng mà lẽ ra mình phải sống thoải mái, phải hạnh phúc.

Ai trả lại tôi những năm tháng ấy đây?

Ai trả lại tôi những giây phút ấy đây?

Đám đông, xã hội, cuộc đời, có trả cho tôi không?

.

Một sớm mai thức dậy, ngồi sau nhà, ngắm trời ngắm mây, lòng chợt yên đến lạ.

Có người nói sống chậm quá, hờ hững quá, là bỏ phí những tháng năm thanh xuân đáng lẽ ra phải sống rực rỡ.

Nhưng bản thân lại nghĩ, cũng giống như việc “Nếu không nói được lời hay thì tốt nhất là nên im lặng”. Nếu không giúp được gì cho đời, cho người, thì tốt nhất là cứ ngồi yên. Bởi đôi khi sự ngồi yên của một ai đó đã là giúp đỡ cho thế giới rồi. Ngồi yên cũng tốt, ngồi yên thì sẽ không nói hay làm gì để tổn thương đến ai cả. Ngồi yên cũng là tránh cho mình bị thương và cũng là để tránh làm tổn thương người. Ngồi yên cũng là một cách chữa lành.

Ngồi yên để nhìn ngắm những buồn vui này đến rồi đi. Để bỏ đi ảo tưởng mọi việc sẽ khác đi mà chấp nhận sự việc như nó là.

Không phải ai cũng có thể dễ dàng ngồi yên được, bởi chúng ta đã quen sống với sự ồn ảo của phố thị, giữa đi về vội vã, chúng ta giam giữ mình trong bức tường do mạng xã hội tạo nên với đủ thứ so sánh, đố kị, mà quên sống. Chúng ta có thể lướt web giải trí vài tiếng đồng hồ nhưng lại không có thời gian để ngồi thật lâu bên cạnh bạn bè, những người thương, để trò chuyện sẻ chia, để nói cho nhau nghe thật nhiều cảm xúc, thật nhiều ước mơ và cả những buồn lo của cuộc đời. Không phải chỉ mùa dịch chúng ta mới cách ly đâu, mà chúng ta trước giờ vốn dĩ vẫn đang cách ly mà, cách ly với người thân, cách ly với cuộc sống, cách ly với đồng nghiệp.

Chúng ta sống nhưng để tiếp xúc với sự sống thì chưa bao giờ.

Chúng ta biết cách kiếm sống nhưng chưa biết cách sống.

Ngồi yên bên cạnh những người thương. Bao lâu rồi ta chưa nắm tay cha mẹ? Bao lâu rồi chưa ôm chặt người thương của mình để trao và cũng nhận lại sự ấm áp mà không bị bất cứ một thiết bị công nghệ nào ngăn cản?

Có những người thích sống ở quê, thích những nơi yên tĩnh, thích những điều giản dị, đối với họ ngồi yên là đủ, ngồi yên đã là hạnh phúc. Nhưng với một số người ngồi yên là buồn chán, bởi đã quen với những nơi ồn ào, phố thị nhộn nhịp. Nhưng ở chỗ nào cũng được miễn là thấy an bình, còn cảm nhận được hơi ấm là được.

Ngồi thật yên để quán sát chính mình.

Trang Tử từng nói: “Không ai soi mình trong dòng nước chảy siết”. Chỉ khi ngồi thật yên chúng ta mới có cơ hội để để quan sát mình và cũng là để nhìn rõ hơn những vấn đề mà mình đang phải đối mặt.

Mọi thứ sẽ nhìn được rõ ràng hơn khi chúng ta dừng lại. Vậy nên đừng vội phán xét hay kết luận bất kì điều gì, cho mình thời gian để lùi lại, để suy nghĩ cặn kẽ, đừng để tâm trí dẫn dắt rồi buông ra những lời nói hay có những hành động làm tổn thương người khác, dẫn đến bản thân phải hối hận sau này.

“Trong khi di chuyển bạn không thể biết thế giới là gì, sự chuyển động của bạn khiến mọi thứ trở nên lộn xộn. Một khi không còn chuyển động bạn có thể nhìn thấy thế giới. Lần đầu tiên bạn biết thực tại là gì. Một tâm trí bất động mới biết thực tại là gì, một tâm trí chuyển động không thể biết được điều đó. Tâm trí của bạn giống như chiếc máy ảnh, bạn cứ vừa đi vừa chụp ảnh, nhưng bất cứ hình ảnh nào xuất hiện cũng trở nên không rõ ràng bởi vì máy ảnh cần phải tĩnh. Nếu máy ảnh không tĩnh thì tất cả các bức ảnh đều là mớ hỗn độn.” – Osho

Dừng những suy nghĩ tiêu cực, hạn chế tối thiểu việc phán xét và so sánh với người khác. Bởi hiểu rằng mỗi người có một cuộc đời riêng, mình không ở trong hoàn cảnh của họ nên đâu biết họ đã phải chiến đấu như thế nào. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì khó đoán được, có người gặp giông bão đến vẫn bình thản điềm nhiên mà đón nhận, có người thì lại chật vật khổ sở bởi những câu nói vu vơ hay vô tình của người xung quanh. Nhưng hãy nhớ rằng mọi thứ đều bắt nguồn từ mình, vui buồn sướng khổ đều do mình mà ra, chứ không phải do đời hay do người bất công mà làm vậy.

Sư ông cũng dạy: Tâm an trời đất cũng an. Nhìn ra sân nắng mới thấy được cúc vàng lung linh.

Bản thân giờ đây cũng không còn hỏi, không còn quan tâm, cũng không còn muốn hiểu, không còn muốn phán xét đúng sai. Có những câu hỏi người khác không đau nhưng chính mình lại đau, lại buồn vì điều đó.

Chẳng phải ai cũng có cuộc đời riêng hay sao, chẳng phải ai cũng có những lý do bắt buộc, những lựa chọn bất đắc dĩ hay sao? Mình không là họ, mình chưa từng ở vào vị trí hoàn cảnh của họ, mình chưa từng sống cuộc đời giống họ, thì sao mình có thể hiểu hết được, vậy hà cớ gì mình lại phán xét đúng sai. Đúng sai để làm gì, đời này có những câu hỏi sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời, có những thứ xảy đến vì nó phải xảy đến mà đâu cần lý do.

Rồi cũng sẽ không can thiệp vào cuộc sống của người khác khi không được yêu cầu hay nhờ vả. Nếu được yêu cầu cũng sẽ cẩn thận, dừng lại, lắng nghe thấu đáo sự việc, không vội vàng đưa ra lời khuyên chủ quan của mình.

Cũng không còn bận lòng vì những chuyện thắng thua, đúng sai, trắng đen rạch ròi, mà chỉ là một chút im lặng, nhẹ nhàng để đi qua năm tháng, để có thể điềm nhiên mà mỉm cười, mà đón nhận những điều bất như ý trong cuộc đời.

Đó không phải là nhút nhát, không phải là thua cuộc, mà đó chỉ đơn giản là sự lựa chọn, chọn cuộc đời bình an cho mình và cho người mà thôi. Đôi khi chờ đợi một chút, chậm một chút, nhường nhịn nhau một chút, vậy mà hạnh phúc, vậy mà bình an.

Osho từng nói: “Hãy khởi đầu trong vị trí người quan sát, chứng kiến, mọi việc diễn ra trước mắt với một vẻ bình thản, không can dự. Ta nhìn mây bay trên bầu trời, ta nhìn dòng sông đang chảy, ta nhìn mọi người đang hối hả đi qua, rồi ta nhìn từng ý nghĩ của ta, chúng cũng bận rộn, hối hả, vụt qua biến mất. Ta nhìn chúng như đã nhìn các sự việc đang diễn ra, bình thường thanh thản. Ta nhìn bình thản vì ta giữ vị trí người quan sát, không can dự, không bình phẩm, hay đi vào sự việc. Đó cũng là lúc không còn phán xét đúng sai, tốt xấu, bởi bản thân chỉ giữ vai trò quan sát trọng tâm không để bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài”.

Ngồi yên để tìm lại đứa trẻ hồn nhiên bên trong chính mình, đứa trẻ từng nghĩ rằng thời gian đã lấy đi sự ngây thơ của nó, nhưng rồi chợt nhận ra kho báu vốn luôn ở bên trong dẫu qua bao năm tháng, dẫu qua bao nỗi buồn, và không một ai hay bất cứ điều gì có thể lấy đi được. Rồi cũng vỡ oà hạnh phúc vì đã gặp được những hình ảnh ngọt ngào ngày xưa nơi đứa trẻ đang nô đùa. Không gì là quá muộn. Chẳng phải mọi thứ đã có sẵn hết sao, chỉ cần ngồi yên là sẽ thấy được.

Lớn rồi mà thấy mình như đứa trẻ.

Về đến nhà gặp mẹ là lại ôm.

Ừ thì đâu còn gì giữ mình lại nữa.

Về nhà thôi để sống thật hồn nhiên.

Mừng tôi đã trở về.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.