Ai sinh ra trên đời này mà chưa từng trải qua nỗi sợ đâu, sợ những thứ mình chưa bao giờ làm, sợ không đủ tự tin, sợ mình không làm được, sợ không biết làm sao để vượt qua được nỗi sợ.
Cảm giác đó là bình thường, vì đã là con người, khi bị đẩy ra khỏi vùng an toàn, bị buộc làm những thứ mình chưa từng làm, chưa biết có làm được hay không, thì ai cũng lo lắng, ai cũng có vài phần sợ hãi. Ai trên đời cũng thế và ta không phải là người duy nhất.
Có chăng là khác nhau ở việc, có người thì học cách mở rộng giới hạn vùng an toàn, dấn thân vào những thử thách mới, thay vì có người thì chọn ở lại rồi ngồi đó sợ hãi và không ngừng than thở.
Không phải người thành công rồi mới tự tin, mà chính sự tự tin và không ngừng trau dồi rèn luyện mỗi ngày, giúp cho người ta thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Muốn thành công, muốn phát triển thì phải học hỏi và rèn luyện mỗi ngày.
Trong cuộc đời mỗi con người, ai cũng sẽ có 3 vòng tròn, hay nói cách khác là 3 vùng tâm lý khác nhau mà chúng ta phải đối mặt:
1/ The comfort zone – vùng an toàn
Đây là nơi chúng ta cảm thấy thoải mái nhất, vì mọi việc đã quá quen thuộc và dễ dàng. Vì tất cả mọi thứ đều nằm trong vùng an toàn nên ta đều có thể kiểm soát và xử lý được.
Nhưng cũng chính vì mọi thứ quá an toàn, quá quen thuộc nên đôi khi sẽ sinh ra một cảm giác chán nản, vì nó không tạo ra được nguồn động lực hay một chút áp lực nào để con người ta phấn đấu cả.
2/ The growth zone – vùng phát triển hay vùng học hỏi
Vùng phát triển, học hỏi, hay còn gọi là vùng kéo căng là khoảng không ở giữa vùng an toàn và vùng hoảng loạn. Đây là những nơi mà chúng ta chưa từng đến, những việc ta chưa từng làm, chưa từng thử, vậy nên sẽ có chút lo âu, sợ hãi, kém tự tin.
Thứ ta sợ là những thứ rất mơ hồ, không rõ ràng, không có căn cứ gì cả. Chúng ta sợ vì bản thân chưa bao giờ thử, chưa bao giờ làm, sợ không biết rồi có làm được không, lỡ thất bại thì sao. Chúng ta sợ sự bất định, sợ kết quả không như ý, sợ bị đánh giá, phê bình, chỉ trích, cười chê.
Nhưng đã gọi là vùng bất định, nghĩa là nếu chúng ta không thử thì làm sao biết có làm được hay không. Không thử thì làm sao biết được bản thân đang có những tiềm năng, khả năng nào chưa được khai phá.
Đây cũng là vùng tạo ra sự áp lực nhiều nhất, nhưng cũng chính là vùng giúp chúng ta có thể phát triển tốt nhất. Bởi có áp lực, thì con người mới không ngừng vươn lên học hỏi, chinh phục những đỉnh cao mới, và vì vậy mà ngày càng phát triển và thành công.
3/ The panic zone – vùng hoảng loạn
Vùng hoảng loạn là nơi mà khi đối diện với những thử thách chúng ta cảm thấy bối rối, loay hoay đôi khi có phần hoảng loạng nếu lỡ rơi vào. Trong vùng hoảng loạn, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái cạn kiệt, gục ngã vì không quản trị nổi áp lực quá lớn.
. . .
Và tất cả chúng ta, ai cũng vận hành trong ba cái vùng này hết. Không có ai sinh ra hơn ai, sinh ra biết hết, an toàn hết. Và 3 vùng tâm lý sẽ không giống nhau ở mỗi người.
Ví dụ một số người có thể tự tin để nói chuyện trước đám đông, thì việc đó nằm trong vùng an toàn của họ. Ngược lại, đối với người chưa bao giờ làm chuyện này, với một số người nhút nhát có phần kém tự tin hơn thì nó trở thành thứ cực kỳ không an toàn, có thể là đáng sợ, thì việc nói trước công chúng, trước quá nhiều người đó lại là vùng hoảng loạn.
Như bản thân tôi ngày trước, từng nhút nhát và rụt rè không đủ tự tin để giao tiếp và trò chuyện cùng người lạ. Nhưng tôi hiểu rằng, không làm được chuyện này thì cả đời chẳng thể phát triển hay thành công gì được.
Tôi chỉ có 2 sự lựa chọn, một là tôi sẽ tiếp tục ở lại vùng an toàn của chính mình, hai là tôi phải bước ra khỏi giới hạn. Phải thử dấn thân, học hỏi và rèn luyện, bắt đầu từng bước nhỏ, thử bắt chuyện với những người quen xung quanh tôi trước, và giờ đây tôi đã có thể tự tin hơn trong việc giao tiếp hằng ngày.
Nếu bạn hỏi rằng liệu có một con đường tắt hay có một phương pháp thần kì nào đó khiến tôi từ một người nhút nhát trở thành một người tự tin như bây giờ hay không, thì xin thưa là không rồi.
Là tôi, từng bước từng bước một, phá vỡ từng giới hạn một, cố gắng chinh phục nỗi sợ hãi của mình để có ngày hôm nay.
Và tôi của hôm nay, cũng không đồng nghĩa là tôi đã chấm dứt hết mọi nỗi sợ. Mỗi khi đứng trước một thử thách nào mới, hay một mối quan hệ mới, tôi vẫn hồi hộp, vẫn lo lắng, nhưng tôi luôn nói với bản thân mình rằng, tôi đang ở trong vùng phát triển, đây là cơ hội để tôi có thể phát triển bản thân mình hơn. Đây chỉ là những bài toán để kiểm tra năng lực bản thân tôi mà thôi, xem tôi có đủ sự cố gắng và quyết tâm theo đến cùng hay không.
Không kiên trì, kiên định thì sẽ chẳng thể làm được điều gì trong đời. Điều tôi làm được, là không ngừng mở rộng vùng an toàn của chính mình, không ngừng mở rộng vùng phát triển.
Bởi sẽ không có đường tắt hay thuốc tiên gì cứu được ai đâu. Cứ phải dựa vào mình, dựa vào sự nỗ lực rèn luyện của bản thân mình hàng ngày, hàng giờ, từng bước từng bước một.
Tiềm năng của con người là không giới hạn (tư duy growth mindset), khi ta càng có nhiều niềm tin, càng kiên trì, bền bỉ, cố gắng từng chút một, thì ta sẽ càng ngạc nhiên vì có quá nhiều thứ mà bản thân có khả năng làm được. Và trên hành trình học hỏi, rèn luyện, thử nghiệm và chinh phục đó, ta ngày càng trở nên tự tin hơn, vì biết mình làm được.
An toàn vốn là điều gì đó rất mong manh. Hôm nay ta có nó. Hôm sau lại không. Sự an toàn khiến cho việc thay đổi trở nên khó khăn, bởi bên ngoài sự an toàn chứa nhiều nhân tố sợ hãi.
Thay vì dấn thân và trải nghiệm để thực hiện hết những khả năng còn lại, ta lại bám vào đôi chút ít ỏi cảm giác thoải mái mà mà vùng an toàn đem lại. Ta giữ lấy sự an toàn với cái giá quá đắt. Ta không thể vượt ra khỏi những gì an toàn.
Chỉ có một cách duy nhất để đối phó với sự an toàn. Đừng tôn thờ nó, đừng dựa dẫm vào nó.
Luôn có một điều gì khác đang chờ đợi ta bên ngoài vùng an toàn. Hãy sẵn lòng chấp nhận tương lai chưa biết với hai bàn tay rộng mở và trái tim vui tươi, đó chính là chìa khoá đến với những cuộc phiêu lưu của tâm hồn.
Cuộc phiêu lưu ra bên ngoài vùng an toàn chắc chắn sẽ mang đến cho ta nhiều thử thách, đòi hỏi ta phải đối diện với những việc mình chưa từng làm. Nhưng chính những thử thách ấy sẽ giúp ta phát triển được năng lực của bản thân.
Ta sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều kỹ năng hơn, nhiều hiểu biết hơn, không phải chỉ về thế giới xung quanh mà còn về chính bản thân ta nữa.
Và cứ mỗi lần bước qua được một thử thách, chinh phục được một giới hạn mới là vùng an toàn của ta sẽ lại được nới rộng thêm.
. . .
.
.
.
,