Môi trường sống là một nguyên nhân gây ảnh hưởng một cách âm thầm mà chúng ta thường không để ý. Trong một nhóm người sống gần nhau sẽ sinh ra một cái gọi là tâm thức cộng đồng. Nếu ta bước vào một cộng đồng có nhiều năng lượng tiêu cực như chỉ trích, phán xét, so sánh thì dần dần ta cũng sẽ bị ảnh hưởng mà không hay. Vậy nên việc lựa chọn chỗ ở hoặc chọn bạn để chơi là điều vô cùng quan trọng.
Như câu người khác có thể nhận xét về ta qua bạn bè của ta, hay như câu gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Nhận định này không phải là không có cơ sở khoa học, trong cuốn Power & Force, khi thường xuyên tiếp xúc với một trường năng lượng nào đó đủ lâu, ta sẽ vô thức bị trưởng năng lượng đó tác động và chi phối.
Nhận thức của con người được chia theo thang điểm từ 0 đến 700. Từ 0 đến dưới 200 thuộc về những nhận thức tiêu cực như nhục nhã, đau khổ, thờ ơ, tức giận.. Mức từ 200 trở lên thuộc về phần của tích cực như lòng can đảm, sự sẵn sàng, tình yêu, niềm vui, sự từ bi, thấu hiểu. Mức độ 700 trở lên thuộc về những bậc giác ngộ như Jesus, Phật Thích Ca, Lão Tử…Nghiên cứu của ông cho thấy bất kỳ sự vật, hiện tượng nào đang tồn tại cũng phát ra một sóng rung của năng lượng. Kể cả nhận thức của con người, cũng sẽ có phát ra những tần số năng lượng khác nhau.
Trên thang điểm ý thức của con người sẽ có 2 điểm tựa cốt lõi giúp con người tạo nên những bước tiến quan trọng trên hành trình nâng cao nhận thức và phát triển bản thân.
Điểm tựa thứ 1 ở cấp độ 200, là cấp độ khởi đầu sự trao quyền. Một người khi đạt được cấp độ này họ sẽ dừng hành động chỉ trích, họ chấp nhận và chịu trách nhiệm cho những hành động mà bản thân đã gây ra, cũng học cách chịu trách nhiệm cho những cảm xúc và niềm tin của chính mình.
Điểm tựa thứ 2 ở cấp độ 500, một người ở cấp độ này sẽ thuận theo lối sống nhân ái và vị tha, không phán xét, luôn thể hiện lòng tâm từ đối với mọi người, mọi sự vật, sự việc xung quanh, buôn bỏ lòng oán giận, họ nhìn nhận cuộc đời này với một thái độ ôn hoà hơn, bao dung hơn.
Một ví dụ mà sách đưa ra:
Thử quan sát một người ăn xin mà ta gặp trên đường bằng nhiều cấp độ ý thức khác nhau.
- Nhìn từ đáy của thang đo, cấp độ 20 (nhục nhã): họ sẽ thấy người ăn xin này thật bẩn thỉu, kinh tởm và đáng xấu hổ.
- Cấp độ 30 (dằn vặt): người ăn xin này có vẻ lười biếng, chuyên đi lừa gạt người khác, nên bây giờ ông ta đáng bị như vậy.
- Cấp độ 50 (tuyệt vọng): xã hội đã quá bất lực trong việc giúp đỡ những người như họ, đi kèm cảm giác của sự tuyệt vọng.
- Cấp độ 75 (đau khổ): nhìn ông ta thật thảm hại, không bạn bè, không người thân, ông ta thật cô độc.
- Cấp độ 100 (sợ hãi): nhìn ông ta có vẻ nguy hiểm, không biết ông ta có làm hành động gì ảnh hưởng đến người xung quanh không, có nên báo cảnh sát không.
- Cấp độ 125 (khát khao): đó là vấn đề nhức nhối, tại sao không ai có phương án nào để giải quyết tình trạng này, để giúp đỡ những người có quá nhiều bất hạnh như vậy.
- Cấp độ 150 (giận dữ): cảm thấy chán ghét, tại sao xã hội lại có những người như vậy.
- Cấp độ 175 (kiêu hãnh): nhìn ông ta thật thấp hèn, ông ta không có lòng tự trọng vì phải đi ăn xin như thế.
- Cấp độ 200 (can đảm): muốn tìm một tổ chức thiện nguyện nào đó giúp đỡ, hỗ trợ chỗ ở, việc làm cho người ăn xin.
- Cấp độ 250 (trung dung): mỗi người một cuộc đời riêng, ai cũng phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình.
- Cấp độ 310 (sẵn sàng): sẵn sàng lại gần, giúp đỡ, cho tiền hoặc liên hệ những tổ chức xã hội tới để giúp người ăn xin đó.
- Cấp độ 350 (chấp nhận): có lẽ ẩn sau người đàn ông đó là câu chuyện nào đó, về cuộc đời, về những gì mà người đàn ông đó đã trải qua để dẫn đến tình cảnh ngày hôm nay.
- Cấp độ 400 (lý trí): hiện trạng này xảy đến là do nhiều yếu tố, bản thân người ăn xin đó, xã hội, tình hình kinh tế,…
Càng lên các cấp độ cao hơn người ta càng có được thái độ cảm thông và tình thương nhiều hơn dành cho người ăn xin đó. Ta nhìn thấy điều gì hoàn toàn phụ thuộc vào vị trí mà ta quan sát.
Khi tiếp cận với nhiều cấp độ khác nhau người ta những cảm xúc và phản ứng khác nhau đối với cùng một vấn đề, con người và sự việc. Từ đó dẫn đến thái độ và lối hành xử của mỗi người. Vì thế nên, mỗi người, mỗi sự việc mà ta gặp gỡ và tiếp xúc mỗi ngày đều là những tấm gương để ta soi rọi chính mình. Ta là người như thế nào, ta nhìn thấy điều gì, cả 2 câu hỏi đó đều được quyết định bởi nhận thức.
Có thể nói đơn giản, nhận thức tạo nên thế giới quan và trải nghiệm của con người. Vậy nên nhận thức hoàn toàn là chủ quan, nó chỉ tin vào những gì nó nhìn thấy, đó cũng là cách vận hành của tâm trí.
Tâm trí con người vô cùng ma mãnh, tâm trí chấp nhận mọi điều mà nó tin là đúng. Tâm trí chỉ vay mượn mọi hình ảnh từ ý thức mà thôi, đó là lý do tại sao ngày nay việc thực tập thiền lại trở nên phổ biến và được đưa vào việc chữa trị cho các vấn đề về sức khoẻ tinh thần, bởi thiền là lúc ta sẽ dừng lại học cách quan sát tâm trí.
Và như tiến sĩ David R.Hawkins đã nói, một tâm trí khi bị quan sát sẽ trở nên khiêm nhường và bắt đầu dừng lại việc luôn tự cho là mình đúng, từ đó mới có thể xuất hiện sự trưởng thành cho nhận thức.
…
Tôi nhạy cảm, nên dễ dàng cảm nhận được năng lượng tích cực hay tiêu cực từ người đối diện. Khi tiếp xúc với một người mới quen, tôi sẽ luôn rèn luyện cho mình thói quen có mặt 100%, không chỉ là sự hiện diện của thân mà còn là cái tâm nữa. Chú ý, lắng nghe lời nói của đối phương thật kĩ, không cướp lời, không vội đưa ra phán xét, đánh giá hay lời khuyên chủ quan khi chưa thật sự hiểu hết câu chuyện. Lúc lắng nghe cũng sẽ không nghĩ ngợi chuyện khác, đặt hết cái tâm vào và không suy nghĩ lung tung.
Cũng nhiều lần, chợt nhận ra bản thân mình cũng có đôi phần phán xét người khác, mặc dù người đối diện vẫn niềm nở, trò chuyện dễ thương vô cùng, nhưng sao bên trong mình, một tiếng nói, một sự mách bảo nào đó, nói với mình rằng, sao mình vẫn không cảm nhận được cái thật từ họ. Một cảm giác mà người này vẫn có 1 điều gì đó còn có phần gian dối. Nhưng rồi chợt nhận ra mình đang bị dẫn dắt bởi tâm trí, tâm trí mình đang phán xét nè, nên nhắc nhở bản thân dừng lại những đánh giá chủ quan của mình.
Tôi hay có thói quen quan sát những người xung quanh theo dòng thời gian, vẫn giữ kết nối và theo dõi cuộc sống của họ, cách họ tương tác với những người xung quanh, cách họ tư duy về cuộc sống, cách họ nói về những người bạn, người thân, người mà họ tiếp xúc, kể cả những hành động nhỏ mà họ tiếp xúc với những người xung quanh như: một lời cảm ơn với chú bảo vệ, một cái gật đầu với bạn nhân viên phục vụ, một nụ cười với người bán vé số dạo khi họ từ chối không mua…v.v. Những hành động ấy tuy nhỏ nhưng nó sẽ phản ánh lên nét tính cách của một con người rõ rệt nhất.
Những hành xử của người ấy sẽ giúp tôi có nhiều dữ liệu hơn để nhìn lại những cảm xúc của mình thay vì chỉ tin vào những điều chưa có căn cứ, những đánh giá có phần chủ quan ban đầu.
Chúng ta sẽ rất dễ bị cảm xúc dẫn dắt bởi những vẻ bề ngoài khi lần đầu tiên được tiếp xúc. Cái đam mê bề ngoài kia nó rất mạnh và là một năng lượng mù quáng, có thể cuốn chúng ta đi theo nhiều chiều hướng tệ hại. Bởi đôi khi những cảm xúc ban đầu đa phần đều do cảm xúc dẫn dắt, ví dụ như mình thích vẻ bề ngoài của họ, trang phục của họ, mùi nước hoa trên người họ, tất cả đều kích thích cảm xúc và nếu không để ý chúng ta sẽ dễ dàng bị cảm xúc dẫn dắt và đưa ra kết luận vội vàng như: người này dễ thương quá, mình thích người này, hay người kia sao kì quá, mình không thích họ chút nào…
Có mấy lúc, thấy người bị mệt đừ sau khi đi gặp một người về dù đa phần chỉ dành thời gian để nghe họ than vãn hay kể khổ. Tôi gặp rất nhiều trường hợp như vậy, mệt đến nỗi phải huỷ cái kèo hẹn tiếp theo vì bản thân chẳng còn chút sức lực nào để trò chuyện tiếp.
Và cũng có trường hợp khi vừa gặp một vài người bề ngoài có vẻ rất bình thường nhưng lại cảm nhận được một sự ấm áp, bình an, cái phần lành bên trong con người họ toả ra. Có người lấp đầy một phần trong tâm hồn tôi theo một cách, nhắc nhở tôi rằng bên trong luôn còn 1 phần trong lành mà mình muốn trở thành. Có người khác đem đến cho tôi sự phấn chấn và vui tươi, có người khác nữa lại gợi lên trong tôi những cảm xúc ấm áp từ tận sâu trái tim.
Họ đẹp không chỉ ngoại hình mà còn ở mặt tinh thần. Vẻ đẹp của sự uyên bác, khiêm tốn, không phô trương, không ồn ảo, nhưng nó len lỏi luôn toả ra một nguồn năng lượng cuốn hút khó tả. Một vẻ đẹp ấm áp và dễ chịu vô cùng, vẻ đẹp của sự dễ chịu xuất phát từ khí chất bên trong, không phải nét đẹp theo chuẩn mực nào đó, không phải nét đẹp phải được xã hội công nhận, không phải nét đẹp sắc nước hương trời, mà là nét từ cái thần thái tỏa ra của riêng mỗi người, cái năng lượng tươi mát, dễ chịu, làm người đối diện rất thích tiếp xúc.
Chính năng lượng bên trong đó làm thay đổi dung mạo, nên người ta mới nói “tâm sinh tướng” là vậy. Tất cả những điều này có được là nhờ sự tu dưỡng mà ra.
Một vài thay đổi gần đây cũng góp phần tạo nên nguồn năng lượng tích cực cho chính mình.
Môi trường bên ngoài
Những kích thích từ hình ảnh, âm thanh cũng là nguyên nhân gây bùng nổ mà chúng ta thường bỏ qua. Làm sạch lại các tác nhân có ảnh hưởng đến đời sống thực tế lẫn đời sống online là một trong những việc quan trọng và rất đáng để cân nhắc.
Một năm trở lại đây, tôi đã ẩn bớt đi những tài khoản từ những người có nguồn năng lượng tiêu cực, hay thường xuyên than vãn trong danh sách bạn bè trên mạng xã hội. Những mối quan hệ xung quanh, danh sách bạn bè cũng ít lại, dần ít đi những mối quan hệ có phần tiêu cực, thay vào đó ưu tiên dành sự lựa chọn cho những mối quan hệ có nhiều năng lượng tích cực hơn.
Vì bản thân nhạy cảm với năng lượng, nên giờ đây cũng ít khi đi tới mấy chỗ đông người vì thấy nó có phần hơi phức tạp. Và lại thích những nơi vắng vẻ, yên tĩnh hơn.
Không còn mang tâm lý là nạn nhân của cuộc đời. Bởi đã biết được mọi nguồn cơn của cuộc sống đều nằm ở hành động gieo và gặt. Rằng hiện tại chính là kết quả từ những hành động của chính mình trong quá khứ tạo ra. Bản thân phải tự chịu trách nhiệm với nó, bắt đầu thuận theo dòng chảy, an nhiên mà đón nhận mọi thứ đến với mình.
Dinh dưỡng
Những yếu tố của thế giới vật lý bên ngoài cũng có thể gia tăng hoặc làm suy yếu đến sức khoẻ và năng lượng của con người.
Tác giả Linus Pauling và tiến sĩ David R.Hawkins đã từng tuyên bố trong cuốn “Orthomolecular Psychistry – Tâm thần học theo dinh dưỡng vi lượng” – đã chỉ ra rằng dinh dưỡng có tác động đến môi trường hoá học trong não bộ và mạch máu, do đó tác động đến hành vi, cảm xúc và rối loạn tinh thần và chất hoá học trong não.
Cuốn sách cũng nêu ra những chất tổng hợp, tạo màu, chất bảo quản, chất tạo ngọt sẽ khiến cơ thể suy yếu, trong khi những chất thuần tính, hữu cơ có xu hướng có lợi cho sức khoẻ con người. Các loại thịt đỏ, hải sản, gia vị nóng sẽ làm tăng ham muốn. Nên ăn nhiều thịt trắng, ăn nhạt hay ăn chay sẽ giúp điều hoà năng lượng này. Như trướng gà được nuôi thả vườn được chứng minh là có nhiều dinh dưỡng hơn so với trứng gà được nuôi bằng thức ăn công nghiệp và ông đã khẳng định rằng phong trào ăn sạch uống lành dường như đã đi đúng hướng.
Nên bản thân cũng bắt đầu để ý hơn đến việc chọn lựa thức ăn hằng ngày, mặc dù bản thân vẫn chưa hẳn gọi là ăn chay nhưng vẫn đang thay đổi chế độ ăn mỗi ngày bằng cách hạn chế ăn thịt, ăn nhiều rau xanh, củ quả, trái cây, và những sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Cảm nhận thấy mỗi ngày cơ thể dần nhẹ nhõm hơn, vì có ít thứ hơn để tiêu hoá, thấy tinh thần cũng thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều. Tự nhận thấy cuộc sống đang có nhiều thay đổi tích cực, và có lẽ chế độ ăn là một trong những điều đó.
.
.
.
.