Ngày trẻ, những ngày muốn bước chân ra ngoài, muốn khám phá thế giới xung quanh, muốn khẳng định bản thân, muốn có được một nét riêng trong tính cách, chọn cho mình một danh tính, để rồi thường xuyên gặp bất đồng với gia đình, bất đồng về quan điểm, lối sống, góc nhìn.
Đa phần thấy những điều cha mẹ dạy đều đã cũ và có phần lạc hậu, rằng xã hội đã tiến bộ rồi, không thể cứ sống giống như những gì cha mẹ dạy được.
Tôi đã từng nghĩ thế.
Nhưng tầm gần độ tuổi ba mươi, mới dần nhận ra những điều mà cha mẹ dạy có phần đúng dù có qua bao nhiêu thời gian, dù xã hội có tiến bộ thế nào đi nữa. Mới giật mình ngẫm nghĩ truyền thống giáo dục gia đình là điều vô cùng quan trọng, nó góp phần hình thành nên nhân cách của một con người.
Tôi của ngày hôm nay phần nhiều là nhờ công lao giáo dục và nuôi dưỡng từ gia đình.
Có đôi lúc tôi không thích cách hành xử của cha mẹ, không thích những quan điểm của họ, không thích những tiếng nói to, không thích góc nhìn phán xét về hình xăm, kiểu tóc, lựa chọn sống của mình.
Vì không thích, nên khó tránh những lúc đã phản ứng gay gắt và có phần tiêu cực. Nhất là những khi bất đồng quan điểm, những lúc mâu thuẩn đỉnh điểm, những lúc cực kì cô đơn và mệt mỏi. Và có lúc tôi ước và muốn mình sẽ sống khác đi, tôi không muốn giống họ.
Nhưng sự thật là luôn tồn tại một phần nào đó của họ trong con người tôi. Nó thể hiện qua cách sống, thói quen hằng ngày của tôi.
Như khi tôi đứng nấu ăn trong bếp, khi tôi chăm chút cho bữa ăn, tôi thấy mình giống mẹ.
Như khi công việc, cuộc sống buộc tôi phải mạnh mẽ và quyết đoán, không để cảm xúc xen lẫn, hay như khi nhắc mình sẽ luôn sống với tình thương và lòng bao dung, tôi thấy mình giống cha. Vì cha là người dạy tôi 2 thứ quý giá nhất trong cuộc đời đó là lòng thương người và đạo đức.
Có những yêu thương, có những con người, có những kết nối, dẫu đã ở cùng nhau ngần ấy thời gian, dẫu đã lâu như thế, vậy mà giờ đây mới nhận ra sự tồn tại ở đó. Nhưng sau tất cả những khúc mắc, mất kết nối, hiểu lầm, tổn thương tôi chỉ nghĩ: cứ chậm lại một chút, để nghe nhau.
Trước khi kết luận, phán xét, đánh giá, hãy lắng nghe nhau trước đã. Dù rằng thời điểm đó chỉ nghe, chứ chưa thật sự hiểu và cảm thông được, nhưng bấy nhiêu đó thôi là đủ rồi. Dù rằng đâu đó bên trong mình vẫn còn những tổn thương, nhưng mình không thể phủ nhận cái tình thương cha mẹ đã dành cho mình.
Cha mẹ thương mình nhiều lắm.
Họ xem mình là cả thế giới của họ, còn mình xem họ chỉ là một phần trong thế giới của mình thôi.
Đặc biệt là những ngày còn trẻ mình còn nhiều ước mơ, hoài bão, nhiều thứ muốn chinh phục và thường trong những ngày tháng bận rộn đó, mình chỉ tìm về với họ những khi mệt mỏi, bế tắc với công việc và cuộc sống bên ngoài hay khi tổn thương và cần cái gì đó từ họ.
Những năm tháng tuổi trẻ mình muốn nhận nhiều và đã nhận rất nhiều, ấy vậy mà mình không muốn cho đi. Cho ở đây không phải là vật chất mà là những kết nối, thời gian mà mình dành cho họ.
Thật ra cha mẹ không cần gì nhiều ở mình đâu, đôi khi họ chỉ cần có một người ngồi lại và lắng nghe những câu chuyện của họ. Còn mình thì vì không quen với việc chậm lại, mình chưa biết cách để lắng nghe nên từng có lúc mình thấy họ thật phiền.
.
Một năm qua bản thân học cách kết nối nhiều hơn với gia đình, truyền thông tương tác, nói những lời yêu thương, có những hành động quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn. Từ khi về nhà, học cách lắng nghe và tương tác với cha mẹ, mới nhận ra họ có nhiều câu chuyện hay lắm. Cha hay kể về khoảng thời gian khó khăn khi cha mới lập nghiệp, rồi kể về niềm vui lúc họ sinh tôi ra, những kỉ niệm tuổi thơ mà cha mẹ đã nuôi nấng và chứng kiến chị em tôi lớn lên và thay đổi từng ngày.
Còn tôi thì chưa bao giờ dành thời gian để quan sát quá trình mà cha mẹ già đi.
Khi bản thân đã lớn hơn một chút, học được thêm một chút, tôi không trách cha mẹ, vì hiểu rằng họ cũng không biết làm sao để hiểu được con cái.
Rồi trong khoảng thời gian tương tác ấy, cũng nhận ra sự xấu xí của chính mình, cách mình hành xử, lời nói, sự mất kiên nhẫn của mình nữa. Để rồi cũng từng bước, từng bước một học cách điều chỉnh.
Sẽ thật khó để thay đổi một người, vì ngay cả chính mình vẫn đang học cách nhận diện và chỉnh sửa mỗi ngày mà lắm lúc vẫn thấy sao khó khăn quá. Huống chi những người khác họ không có được sự nhận diện và đó dường như đã trở thành lối sống họ có trước giờ.
Vậy nên mình không thay đổi người khác, mình là sự thay đổi, mình tạo ra sự thay đổi mà họ muốn, và mình sẽ luôn là người ở đây và sẵn sàng hỗ trợ.
Cảm ơn cha mẹ đã nuôi dạy con khôn lớn.
Cảm ơn những nổ lực của cha mẹ chỉ vì con.
Con thương cha mẹ nhiều lắm, nhiều hơn những gì con nói, con làm, con viết này.
.
.
.
.
.