Con người có 5 giác quan nhưng đôi khi chúng ta lại dùng nó một cách thật hời hợt. Như kiểu mắt là chỉ để nhìn. Tai là để nghe. Mũi là để ngửi. Miệng là để nói nhưng đa phần phán xét là nhiều. Tay chỉ để cầm, nắm. Nhưng thật ra ta có thể dùng chúng nhiều hơn nữa.
Ví như không chỉ dùng Tai để nghe, mà còn phải dùng cả trái tim nữa, nghe bằng cả tấm lòng, nghe bằng chánh niệm và tất cả sự yêu thương mà ta dành cho người đối diện.
Như Sư Ông Thích Nhất Hạnh từng dạy rằng: “Phải lắng nghe sâu mới hiểu thấu đáo. Trách cứ và buộc tội người khác thì ai cũng làm được. Nhưng để hiểu để tha thứ, và để giúp đỡ người khác…chỉ có những người trí tuệ và từ bi mới làm được.”
Mắt không chỉ để nhìn thấy sự hiện diện của nhau, mà còn là để nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi tận sâu tâm hồn người khác, những điều tích cực họ đã làm. Mắt đâu chỉ nhìn ra bên ngoài, mà còn phải nhìn vào bên trong, nhìn vào chính mình, để tự thay đổi mình.
Rồi mũi đâu chỉ để ngửi mùi hương, bởi cuộc đời này có những mùi hương mà nếu chỉ dùng mũi thôi thì sẽ khó nhận ra được. Ví như mùi thương, mùi nhớ, mùi của năm tháng ta đã và đang sống, và có khi cũng là mùi vị của sự trưởng thành.
Lưỡi không chỉ cùng để nếm, vì cuộc đời này còn hàng tỷ vị khác nhau như vị của hạnh phúc, vị ngọt đôi môi, vị ngọt của những nụ hôn.
Rồi bàn tay.
Có bàn tay cầm nắm rất nhiều, có bàn tay có thể điều khiển được người khác, có bàn tay khéo léo sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Có bàn tay vụng về đụng vào rồi làm đổ bể mọi thứ. Có bàn tay luôn mong muốn chiếm hữu thứ của người khác đem về làm của riêng mình. Có bàn tay cho đi, cũng có bàn tay giữ lại. Nhưng ai rồi cũng sẽ về với đất, ai rồi bàn tay cũng sẽ buông lơi, cũng sẽ trống rỗng mà thôi. Vậy nên, mỗi ngày còn được sống là mỗi ngày còn biết ơn, tay không chỉ để nắm, mà là để chạm vào nhau nhiều hơn, chạm vào trái tim, tâm hồn của nhau, những cái chạm chân thật, những cái chạm chân thực thay vì chạm vào màn hình điện thoại, ipad.
Là chạm nhiều hơn vào những năm tháng ta còn đang được sống trên cuộc đời này.
Khi lặng thầm cảm nhận những khoảnh khắc bình yên giữa dòng đời huyên náo, giữa mịt mù những bon chen, vội vã, là khi lòng chợt hiểu giá trị thật của một kiếp người. Có lẽ không sai khi nói rằng tuổi trẻ là những bài học.
Bài học về sự biết ơn và trân trọng.
Là nhận ra rằng, điều ấm áp nhất không phải là khi được ngồi bên bếp lửa, mà là khi được ngồi giữa những thương yêu. Là nhận ra rằng, khi giữa trời mưa bão, đằng sau luôn có người choàng áo cho mình. Là nhận ra rằng, những khi vấp ngã thấy bản thân yếu đuối nhất là luôn có một cái chạm, một vòng tay, một cái ôm, dù thật nhẹ thật nhỏ, nhưng lại giúp mình đủ vững vàng để bước tiếp.
Bài học về sự hoang phí.
Hoang phí tuổi trẻ, sức khoẻ, thời gian, tình cảm của những người thương xung quanh vì nghĩ rằng đời còn dài, thời gian này là vô hạn. Khi còn hoang phí, là vẫn chưa trưởng thành, dẫu rằng mình có bao nhiêu tuổi.
Bài học về sự tiết kiệm.
Tiết kiệm đôi khi không phải là cắt giảm hay loại bỏ. Mà nó còn là việc biết cách tối ưu hóa cuộc đời mình tốt hơn. Biết lựa chọn dành thời gian cho sự ưu tiên để kết nối với những mối quan hệ lâu dài mang lại nguồn năng lượng tích cực, hơn là chỉ những cảm xúc thoả mãn nhất thời. Tiết kiệm cả những cảm xúc của mình cho những điều và những người xứng đáng vậy.
.
.
.