Một vài nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, con người chúng ta hầu hết đều dễ rơi vào trạng thái được gọi là “căn tính được quy ước”.
Đó là khi chúng ta vội vàng định hình một ý niệm về bản ngã mà chưa có đủ sự trải nghiệm, so sánh, đối chiếu, và nguy hiểm hơn nữa là ta lại đóng chặt tâm trí khỏi những lựa chọn khác (lựa chọn thay thế phù hợp hơn) về con người mình có thể trở thành.
Tình trạng này xảy ra nhiều nhất ở giai đoạn còn là trẻ nhỏ.
Khi chúng được hỏi: “Con muốn trở thành gì khi lớn lên?”
Câu hỏi vô tình gieo vào đầu trẻ rằng việc lớn lên là thứ gì đó rất hữu hạn. Cứ như thể đến một thời điểm, con người sẽ phải trở thành ai đó và đó là dấu chấm hết. Chính những suy nghĩ cho câu trả lời có thể khiến trẻ nuôi dưỡng một suy nghĩ bị đóng khung về bản thân và công việc vào một hình mẫu có sẵn nào đó. Thay vì không ngừng tự khám phá để định hình bản thân.
Trưởng thành là khi tôi nhận ra đó là câu hỏi vô dụng nhất mà một người lớn dành cho trẻ con.
Tất cả chúng ta đều có những ý niệm về con người mà bản thân muốn được trở thành và cách thức sống mà bản thân mong muốn.
Ngay từ thuở nhỏ, những ý niệm ấy không chỉ xoay quanh những câu chuyện về ước mơ, hoài bão, nghề nghiệp muốn được làm, con người muốn trở thành, giá trị muốn cống hiến….Kể cả việc chúng ta đã hình thành những ý tưởng về nơi mình sẽ sống, ngôi trường mình sẽ theo học, kiểu người mình muốn kết hôn và mình sẽ có bao nhiêu đứa con.
Nhưng rồi có bao nhiêu ước mơ được trở thành hiện thực?
Có bao nhiêu ước mơ còn được giữ vững cho đến lúc trưởng thành?
Và có bao nhiêu con đường có thể dẫn dắt chúng ta hiện thực hóa chúng?
Chúng ta không biết thời gian và hoàn cảnh sẽ làm thay đổi thể nào về những điều ta mong muốn và thậm chí cả con người mà ta muốn trở thành.
Đôi khi chỉ vì ý niệm và kế hoạch ta đã gán chặt vào tiềm thức từ ngày bé, để rồi có khi chúng lại trở thành tấm màn che mắt ta trước những lựa chọn thay thế hay đôi khi là những cơ hội để được thay đổi con người và cuộc đời ta.
Việc chúng ta khóa chặt hệ thống định hướng cho cuộc đời mình vào một mục tiêu duy nhất có thể dẫn chúng ta đi đúng con đường đã chọn nhưng lại có thể là 1 đích đến sai.
Một số trẻ em có ước mơ thật khiêm tốn. Bởi chúng được định hình với việc đi theo truyền thống của gia đình như việc: chọn nghề nghiệp, đối tượng kết hôn, thậm chí là sở thích, tính cách sao cho mọi thứ phải thật khớp với ý muốn và truyền thống của gia đình, của bố mẹ.
Có thể làm công việc mà bản thân thật sự không thấy thích, nhưng vì nó là truyền thống kinh doanh của gia đình, là việc kế thừa tự nhiên, nên chọn vậy.
Có thể kết hôn với 1 người không thật sự có tình cảm, nhưng vì người phụ nữ đó có đầy đủ tính cách giống mẹ của họ, là người phụ nữ cha mẹ chọn, nên kết hôn vậy. Trong khi bản thân lại thích những cô gái cá tính, năng động, tự do, phóng khoáng và tất nhiên 100% là đi ngược lại với truyền thống gia đình trước giờ.
Và cứ thế họ bước đi, ngày qua ngày, và không bao giờ thật sự cân nhắc đến lựa chọn nào khác nữa.
.
Lại có một số người đối mặt với vấn đề ngược lại. Họ có ước mơ quá lớn, họ bám chặt vào một viễn cảnh quá cao vời mà không thực tế. Đó là lúc họ nhận ra để theo đuổi sự nghiệp đó họ cần một niềm đam mê to lớn hơn. Và lại cay đắng nhận ra đam mê khó mà nuôi sống được mình.
Có những điều đôi khi là ước mơ thuở nhỏ, nhưng lại có thể trở thành cơn ác mộng khi trưởng thành.
Giống như việc ta nói với đứa trẻ rằng: “Con cứ làm bất cứ công việc gì mình muốn” – hay thực tế hơn: “Con có thể làm bất cứ công việc gì mình giỏi… miễn đó là thứ người ta có tuyển dụng và nuôi sống được chính mình”.
Trẻ em tốt nhất nên được dạy rằng nghề nghiệp là công việc để làm, nó không phải là một tuyên bố về căn tính.
Khi trẻ không còn xem công việc là cơ sở để nhận diện và định hình nên căn tính, bản dạng của chính mình. Đó là lúc chúng sẽ có thể cởi mở và sẵn sàng khám phá những lựa chọn khác nhau. Một con người không nhất thiết bắt buộc phải chọn một nghề duy nhất, một người vẫn có thể làm nhiều công việc khác nhau trong suốt cuộc đời.
Chọn lựa một nghề không giống như tìm kiếm một người bạn tâm giao hay phải là một điều gì đó đã có sẵn. Tương lai chẳng ai biết trước được điều gì. Có khi công việc lý tưởng của ta thậm chí có thể còn chưa được tìm ra nữa kìa.
Khi ta cam kết cho một thứ gì đó, ta sẽ gắn nó chặt nó thành một phần bản dạng con người ta. Và việc tháo dỡ đi những bức tường kiên cố đó là vô cùng khó khăn. Và đôi khi sẽ cần rất nhiều thời gian.
Ta có thể tuyên bố muốn trở thành nhà văn vì ta thích đọc sách, nhưng rồi ta chợt nhận ra mình không có khả năng viết. Hay đôi khi vì những áp lực, gánh nặng kinh tế gia đình, ta nhận ra công việc này không đủ để nuôi sống bản thân và gia đình.
Ta có thể nhanh chóng kết thúc 1 mối quan hệ lãng mạn, vì đối phương không phù hợp với mẫu bạn đời lý tưởng mà ta đã đặt ra năm 18 tuổi, như việc đối phương mong muốn kết hôn và sinh con còn ta thì không. Để rồi nhiều năm sau đó, ta chợt nhận ra mình cũng muốn có 1 đứa con, mình cũng kết hôn, mình cũng muốn có được sự gắn bó và cam kết.
Căn tính được quy ước có thể ngăn chúng ta phát triển. Đó được gọi là tình trạng “khủng hoảng căn tính”.
Thay vì chấp nhận việc bản thân không chắc chắn về con người mình muốn trở thành, chúng ta lại tìm mọi cách để củng cố thêm niềm tin và lao vào một chọn lựa một điều gì đó mà không suy nghĩ thấu đáo.
Một số người rất chắn chắn về các kế hoạch sự nghiệp của bản thân ở độ tuổi 18, nhưng có thể sẽ là những người hối tiếc nhiều nhất ở tuổi 30. Lý do duy nhất vì họ đã không thực hiện đủ việc tái tư duy trong suốt chặng đường ấy.
Đôi khi, nguyên nhân là vì những cá nhân này họ đã quen với vùng an toàn, quá quen sống với khuôn khổ giáo dục của gia đình, hoặc có đôi khi tuổi thơ của họ sống với những bậc cha mẹ chưa trưởng thành về cảm xúc. Họ không nhận được sự tôn trọng, khích lệ, cho phép, khuyến khích họ được là chính mình. Dẫn đến tình trạng họ quá mong mỏi có được sự công nhận của cha mẹ và những người xung quanh.
Họ khát khao có được sự công nhận, họ mong muốn có được cảm giác thuộc về, họ bị mê hoặc bởi danh tiếng, địa vị xã hội, bởi họ tin rằng họ chỉ thành công khi được người khác trầm trồ và công nhận. Chỉ cần được chấp nhận kể cả việc đó là một lựa chọn sai lầm nhất.
Một số người bị kẹt lại trong chế độ tư duy của nhà truyền giáo, xem công việc như là mục đích thiêng liêng. Một số theo kiểu tư duy của công tố viên, họ sẽ lên án bạn bè đã bán mình tư bản và sẽ lao vào làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận với niềm tin cứu rỗi thế giới.
Cả 2 kiểu tư duy này đều là kiểu tư duy cực đoan. Xuất phát từ việc ít hiểu biết về công việc, ít hiểu biết về giá trị chính mình. Cố chấp theo đuổi và đưa ra nhưng cam kết trọn đời như thế.
Đến khi phát hiện ra nó không phải là lựa chọn phù hợp, họ cảm thấy đã quá trễ để suy nghĩ lại. Việc quay lưng lại với lựa chọn dường như là ván cược quá lớn. Họ sợ phải từ bỏ mọi thứ mà họ đã dày công gây dựng. Đôi khi có cả sự đánh đổi, thời gian, kỹ năng, tất cả mọi thứ. Đây là một cái giá quá đắt đối với họ.
Thà là họ tự cổ vũ chính mình, thôi kệ, gán thêm chút nữa, chịu đựng thêm chút nữa, đã đi đến ngày hôm nay rồi, không thể dễ dàng bỏ cuộc được.
Đối với họ bỏ cuộc đồng nghĩa với thất bại, sẽ phải làm lại từ đầu, trở về vạch xuất phát, trở về con số 0. Thậm chí là con số âm, bởi khi nhìn thấy xung quanh bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất và ổn định với cuộc sống riêng. Thà chịu đựng tiếp còn hơn buông bỏ đi những gì đã sở hữu.
Bản bản chất con người vốn luôn muốn sở hữu thêm. Ta luôn cố gắng đạt được một điều gì đó mà theo số đông, xã hội cho là quan trọng, trong khi bản thân lại không thật sự cần.
Ta luôn cảm thấy tiếc nuối khi phải từ bỏ những thứ đang nắm giữ mà lại chẳng thấy được giá trị của những thứ lẽ ra phù hợp hơn với bản thân.
Như Osho từng nói:
Một đứa trẻ từ khi sinh ra cho đến năm 7 tuổi, sự ngu ngốc mới bắt đầu khởi phát.
Khi được 7 tuổi, đứa trẻ đã hoàn thành đến 50% toàn bộ việc học rồi. Nếu nó sống tới 70 tuổi, thì trong 63 năm còn lại, nó sẽ chỉ học tiếp có 50% thôi – 50% kia nó đã học xong rồi. Chuyện gì xảy ra? Nó trở nên ù lì, nó ngừng học.
Về mặt thể chất, mãi về sau nó mới già.
Nếu bạn xét về mặt trí thông minh, về mặt tâm trí thì đến tuổi thứ 7, đứa trẻ bắt đầu già đi.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng độ tuổi tâm trí trung bình của con người, là 12 tuổi. Người ta không trưởng thành hơn được nữa, họ bị mắc kẹt ở đó. Vì thế nên bạn thấy quá nhiều tính khí trẻ con trên thế gian này.
Mọi người lúc nào cũng sẵn sàng quay ngược trở lại. Tuổi tâm trí của họ chỉ hời hợt bên ngoài, ẩn nấp ở bên dưới. Chỉ cần cào nhẹ, và tuổi tâm trí của họ lộ ra ngay. Tuổi thể chất không quan trọng mấy. Người ta chết khi vẫn còn như một đứa trẻ; họ chẳng bao giờ trưởng thành.
– Osho
Tantra cũng nói rằng: Hãy học những cách làm mới, và giải phóng mình khỏi những thói quen hết sức có thể. Đừng có bắt chước, không giác quan của các bạn sẽ trở nên ù lì. Đừng bắt chước. Hãy tìm ra những cách hành động của riêng bạn. Hãy tạo dấu ấn riêng lên mọi việc bạn làm”.
Bài học ở đây là, căn tính được quy ước chẳng khác nào miếng băng dính cá nhân: nó chỉ tạm che đi vết thương, nhưng không thể chữa lành vết thương đó được.
Mỗi chúng ta cần có những khoảng thời gian để ngồi lại chiêm nghiêm, đặt ra cho chính mình những câu hỏi.
- Ta bắt đầu hứng thú với công việc mình đang làm từ khi nào?
- Ta bắt đầu theo đuổi nó từ khi nào?
- Ta đã thay đổi ra sao kể khi bắt đầu công việc này?
- Ta có đang cảm thấy bị dậm chân tại chỗ, bị bão hoà, không còn giữ được niềm vui, sự hứng thú từ những công việc lặp lại mỗi ngày đó hay không?
- Và phải chăng đã đến lúc cần cân nhắc một sự chuyển hướng thay đổi nào đó?
Trả lời cho những câu hỏi là cách để kích hoạt vòng lặp tái tư duy của mỗi người.
.
.
.
.