Mỗi người chúng ta sống trên cuộc đời này luôn đầy rẫy những nỗi sợ.
Hồi còn nhỏ mỗi lần làm sai sợ bị la mắng, lớn lên một chút đi học sợ không thuộc bài, sợ bị phạt, sợ kiểm tra, sợ thi rớt, sợ ở lại lớp. Trưởng thành chút đi làm sợ sếp la, sợ KPI, sợ khách hàng làm khó, sợ bị sa thải, sợ thất nghiệp.
Cả một thời tuổi trẻ bị cuốn vào cơm áo gạo tiền mưu sinh vất vả, tưởng rằng có tuổi xíu sẽ được an nhàn hưởng thụ cuộc sống. Đến khi có tuổi hơn thì bắt đầu sợ già, sợ xấu, sợ bệnh, sợ chết. Nhưng cuộc đời mà, kiếp người mà, ai rồi cũng phải đi qua tuổi già, những lần bệnh, những lần sinh tử, ai mà không già đi, ai mà không chết. Không hôm qua thì hôm nay, không hôm nay thì ngày mai, không ngày mai thì sẽ là một ngày nào khác.
Chúa Giê su cũng chết vì bị đóng đinh, đức mẹ Maria, Phật cùng đều chết, bởi họ cũng là một con người bình thường thôi mà. Cho đến cuối cùng những bậc giác ngộ đều phải chết, chỉ là họ chết trong sự tỉnh thức, chấp nhận và bình an mà thôi.
Sự sống là chuyển động liên tục về cái chết, nhìn một đứa bé đang lớn lên đồng nghĩa với việc chúng cũng đang đi dần đến cái chết. Và cái chết cũng là chuyển động liên tục đến sự sống. Mọi thứ đều là dòng chuyển động của năng lượng.
Như thuyết năng lượng của nhà vật lý Julius Robert Mayer từng nói: năng lượng không tự sinh ra và cũng không tự mất đi, chúng chỉ chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác hoặc từ vật này sang vật khác.
Thật ra trong cơ thể mỗi người chúng ta vẫn đang lão hoá từng giây từng phút từng giờ mà, đó là quy luật không thay đổi được chỉ là trong quá trình đó ta chọn thái độ và cách đối diện như thế nào mà thôi, có thế thì khó khăn khổ đau bệnh tật hay cái chết đến với mỗi người sẽ mỗi khác.
Ví như có người chết khi tuổi 90, có người chết khi vừa 30 tuổi, có người chết khi chưa đến tuổi vị thành niên, cũng có người vừa sinh ra đã chết. Suy cho cùng tuổi tác cũng chỉ là cách tính thời gian, số năm con người ta hiện diện trên cuộc đời này. Sự hiện diện đó đôi khi cũng được tích luỹ bằng kinh nghiệm, kiến thức, tài sản tích luỹ, niềm vui, tổn thương, khổ đau.
Thời gian hiện diện rất khác so với thời gian sống. Có người hiện diện nhưng họ thật ra họ không sống.
Tại sao con người phải chết? Và tại sao con người lại sợ chết?
Con người chúng ta có thể chết vì ốm đau bệnh tật, tai nạn, kể cả là tự tử.
Nếu nói về mặt sinh học, khi cơ thể vật lý đã làm việc liên tục trong ngần ấy thời gian một kiếp người, thì cũng đến lúc dần yếu đi và không còn có thể hoạt động như trước nữa và đến một lúc nào đó thì dừng lại.
Về tâm linh: mỗi người đến với cuộc đời này đều có một số mệnh riêng, khi đã làm hết trách nhiệm cuộc đời mình thì đến ngày đó, giờ đó, phút đó, họ phải rời khỏi nơi trần gian này. Chết vừa là sự kết thúc cũng là mở đầu cho sự khởi đầu mới.
Về mặt xã hội: Xã hội chúng ta đang sống là xã hội được tích luỹ theo thời gian, sẽ có những người sống trước mình và những người sống sau mình. Nếu con người không chết thì xã hội sẽ bị quá tải. Đây có thể được xem như một vòng đời xã hội, chết để những thế hệ tiếp theo được tạo ra.
Về mặt tâm lý: chết vì không còn tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống. Ví như đôi lúc thấy những người xung quanh sống đến tuổi 80-90 , nhưng liệu có hạnh phúc không, họ đang sống vì điều gì. Hay chết là vì chúng ta đã từng sống.
Vậy làm thế nào để sống mà không sợ chết, làm thế nào để có thể đón nhận cái chết một cách nhẹ nhàng. Đây là những câu hỏi mà chúng ta ít khi đặt ra và cũng rất ít khi được hỏi? Có lẽ vì sợ đau. Vì không biết được chuyện gì sẽ xảy ra sau khi chết, phải cô đơn khi đi một mình. Vì lòng tham ta muốn sống thêm nhiều ngày nữa, nhiều năm nữa. Vì tiếc nuối, người thân, quyền lực, tài sản, những gì đang nắm giữ. Vì không có sự chuẩn bị, dọn mình cho cái chết. Vì có những niềm tin sai lệch về cái chết.
Lão Tử từng nói: “Con người sống ở giữa trời đất, nên cùng với trời đất là một thể. Trời đất vạn vật là tự nhiên vậy. Con người cũng là thuận theo tự nhiên. Người có thay đổi từ trẻ em, thiếu niên, tráng niên, và già. Cũng giống như trời đất có xuân-hạ-thu-đông đổi thay, có gì buồn đâu. Sinh ra trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, cứ để nó tự nhiên, thì bản tính không loạn”. Như thiên nhiên, như cỏ cây, như đất trời. Có cây cổ thụ sống tận mấy trăm năm nơi rừng sâu, nhưng cũng có những cây bé nhỏ, lớn lên nở hoa một mùa rồi lại chết. Mỗi cây mỗi loài khi đến với cuộc đời này đều để hoàn thành một sứ mệnh nào đó.
Và con người cũng vậy, mỗi người đến với thế giới này đều mang trên người một sứ mệnh. Phải chăng khổ đau, mất mát, chới với, tuyệt vọng đều đến từ việc con người chưa hiểu được sứ mệnh của cuộc đời mình, nên còn mong muốn mọi thứ phải thay đổi khác đi, nên có nhiều tiếc nuối và hoảng loạn.
Chẳng phải mọi con đường tu học của mọi tôn giáo trên thế giới này đều có chung mục đích là giúp con người có thể bình tâm trước sinh tử, trước những biến đổi vô thường. Mục đích của tôn giáo là giải phóng con người được tự do thoát khỏi những khổ đau, chứ không bám chấp vào những giáo điều lễ nghi. Ấy vậy tại sao vẫn có chùa chiềng, vẫn thờ tượng phật, trong khi tượng đó cũng được tạo nên từ vật chất đá sỏi mà thôi. Nhưng thật ra việc tu cũng giống như khi mình muốn qua sông phải cần có đò, nhưng việc của người qua sông là khi đến được bờ bên kia rồi thì thôi không còn bám vào con đò đó nữa.
Có phải khi tâm con người ta càng yếu đuối thì càng cần đến thần phật, những lời kinh lời kệ, đền chùa để tìm được tâm an. Có lẽ vì thế mà mỗi câu kinh kệ thốt ra đều kèm theo một mong muốn khát khao nào đó, muốn được thế này, muốn được thế khác, mong cho con, mong cho gia đình con, mong cho chồng của con, mong cho con của con……rồi nhiều lời kinh kệ được thốt ra như chỉ để thôi miên chính mình, vì tin rằng chúng mang lại phép màu, sự kì diệu, hay phật trời đã nghe được lời khấn và chứng ngộ để được tai qua nạn khỏi.
Mỗi người đều có những lựa chọn, con đường riêng để đi, mình không thể đi thay thế con đường của người khác được. Bản thân vẫn đang còn phải loay hoay từng bước một đi trên con đường của mình, thì làm sao có thể phán xét rằng con đường của người khác là đúng hay sai được.
Vô thường vốn vẫn luôn diễn ra chỉ là những sự thay đổi nhỏ quá nên đôi khi chúng ta không nhận ra được. Thế giới rộng lớn ngoài kia mỗi ngày đều có những người mất đi, đều có những em bé được sinh ra đời, sự thay đổi liên tục, cuộc sống vẫn diễn ra, đó là bản chất của sự không ổn định và không chắc chắn. Tất cả mọi pháp môn, mọi kinh kệ, suy cho cùng cũng không thể thoát ra khỏi vô thường, hay vòng sinh tử.
Thật ra thiên đàng, hoả ngục, linh hồn đều là sản phẩm do trí tưởng tượng của con người tạo ra. Tại sao lại muốn có linh hồn, bởi có linh hồn thì con người mới đầu thai (theo đạo phật), nếu nói theo chúa thì là để được phục sinh. Phải chăng vì con người vẫn chưa chấp nhận cái chết, chết là hết, họ muốn bất tử theo dòng thời gian, họ muốn có một lời hứa hẹn rằng có niết bàn, có luân hồi để phần nào vơi bớt những khổ đau và nỗi sợ. Tuy nhiên nhìn sâu hơn có lẽ niềm tin ấy vẫn tốt, bởi chí ít nó cũng giúp tâm con người ta được an hơn, có còn hơn không mà. Niềm tin vào ngày mai tươi đẹp cho chúng ta động lực để sống tốt ngày hôm nay.
Liệu rằng một lời khấn, một lời kinh có làm cho con người ta buông bỏ được những tham sân giận được hay không? Như trong kinh phật có câu: Buông bỏ đồ đao, lập đàn thành phật hay Biển khổ mênh mông quay đầu là bờ.
Tương truyền rằng: Thời của Đức Phật có một tên cướp vô cùng hung hãn, hắn chiếm đóng cướp của tất cả những ai đi qua khu rừng. Một ngày khi Đức Phật đi ngang qua khu rừng, tên cướp thấy ngài đi ngang bèn hét lớn: Dừng lại. Nhưng ngài vẫn đi bình thản nhẹ nhàng. Tên cướp càng hét lớn: Dừng lại. Lúc này Đức Phật mới dừng lại và nói rằng ta đã dừng lại lâu rồi, ta dừng lại việc làm khổ đau cho người khác rồi, chỉ có anh là vẫn chưa dừng lại.
Tên cướp hỏi: Tại sao phải dừng việc làm khổ đau người khác trong khi họ cũng đang làm khổ tôi. Họ cũng đâu dành tình thương cho tôi đâu.
Chỉ cần anh biết dành tình thương cho chính mình là được. Chỉ khi có thể thương được mình, anh sẽ biết chế tác những hạnh phúc, bình an nội tại mà không cần bất cứ ai trao tặng. Và chỉ khi thương mình thì mới có thể thương được người khác, ta chỉ cho đi những gì ta có.
Lúc này tên cướp quỳ dưới chân Phật xin được xuất gia, nhưng sao này khi đã xuất gia tên cướp ấy vẫn bị người khác đuổi giết vì những thù oán năm xưa hắn đã gây ra, nhưng hắn đã không còn đáp trả, sẵn sàng đứng yên để người khác đánh. Bởi vậy mới có câu buông bỏ đồ đao lập đàn thành Phật, không phải là vừa buông đao xuống là lập tức có thể thành Phật liền, mà là buông bỏ những bám chấp, sân hận, chấp nhận quy luật đất trời, nhân quả, có gieo có gặt, mình sẽ nhận lại những gì mình đã gieo. Trả vay tuần hoàn, thì lòng sẽ nhẹ, tâm sẽ an. Cái trạng thái nhẹ nhõm và bình an đó Phật gọi nói là “niết bàn”.
Không ai là vô can cả, mỗi người chúng ta là một phần của vụ trụ này mà, mỗi hành động ta làm đều góp phần tạo nên một sự thay đổi nào đó. Ví như ô nhiễm môi tường, dịch bệnh xảy ra, bản thân mỗi người chúng ta cũng đã từng góp phần tạo nên điều đó mà. Ta đã từng vứt rác, từng thải ra môi trường những chất thải sinh hoạt hằng ngày. Như hiệu ứng cánh bướm vậy, một cái vỗ cánh cũng tạo ra cơn sóng thần bên kia địa cầu mà. Thật ra việc buông bỏ gươm đao, buông bỏ hận thù, giác ngộ tỉnh thức, không phải là sẽ xoá bỏ được những lỗi lầm trong quá khứ mà đó là việc mình nhận diện được những hành động mình đang làm, biết đã sai và giờ là biết dừng lại. Không còn cuốn vào những sai phạm ấy nữa cũng không phải chạy vạy khắp nơi để chối bỏ, để chứng minh là mình vô can, mình không có lỗi.
Kinh thánh có câu: “Phù hoa trong mọi phù hoa, thảy đều phù hoa” sớm muộn gì mọi thứ đều tiêu tan, mọi thứ đều vô thường, điều chúng ta cần là nhận thấy rằng mọi thứ đều mong manh, không bám chấp những điều cố định, vững chắc để vui vẻ sống trong vô thường.
Vô thường là một sự thật mà nếu chúng ta chấp nhận nó sớm hơn, ta sẽ cởi trói cho chính mình. Chấp nhận như chìa khoá vạn năng nó có thể mở được bất kì ổ khoá dù khó khăn cỡ nào đi chăng nữa. Đó là chìa khoá để từ bỏ mọi ảo tưởng về quyền kiểm soát để thừa nhận rằng chúng ta sai, chúng ta yếu đuối và rồi từ bỏ quyền lực hiện có để một sức mạnh cao hơn trỗi dậy. Khi chấp nhận rồi sẽ không còn loay hoay, không còn kháng cự. Sự việc tới mình đón nhận, đôi khi sự mất mát không làm ta tổn thương nhưng chính cách ta đối diện với mất mát lại tạo thêm nhiều tổn thương khác nữa.
Giống như thường sẽ có 2 dạng cơn đau: cơn đau vật lý và cơn đau tâm lý. Cơn đau vật lý là khi mình bị một tác động nào đó đến từ bên ngoài và đôi khi mình không thể thay đổi được. Còn cơn đau tâm lý về mặt tinh thần mình có thể thay đổi được nếu mình có được khả năng chấp nhận.
Khi chấp nhận sự vô thường là ta cho phép bản thân được trở thành bất kì ai, đón nhận bất kì điều gì đến với cuộc sống của mình, cũng cho phép người khác được là chính họ, để họ được mắc sai lầm. Đồng thời cũng chừa không gian, một khoảng trống cho những nỗi buồn, cho những điều bất như ý, và cho sự khác biệt.
Vậy mình sống đến bao nhiêu tuổi là đủ?
Hay như bài hát em ơi 60 năm cuộc đời. Hiện nay khi công nghệ, y tế phát triển thì con người sống đến 80, 90 tuổi là việc hết sức bình thường, không còn quá là đặc biệt. Nhưng liệu bản thân mình có muốn sống thật nhiều tuổi hay không?
Khi chứng kiến sự qua đời của những người xung quanh, người thân có, người quen biết có, có người qua đời vì bệnh tật, có người qua đời vì tuổi già và rồi tôi nhận ra có những người lớn tuổi, những người già họ không sống hạnh phúc, họ duy trì tuổi già, duy trì cuộc sống vì không muốn ra đi, nhưng ở lại vì điều gì thì họ cũng không biết được, mỗi ngày ăn uống sinh hoạt một mình đi lại.
Vẫn là mỗi người đều có những lựa chọn riêng nhưng mà với cá nhân tôi thì cho rằng sống sao cũng được miễn sống sâu, hãy thật sự là sống là được.
Ngày bé đến lớn ít khi chúng ta được dạy về cái chết, hay điều gì thật sự xảy ra đằng sau cái chết, có thể là những người lớn họ cũng không biết, hay theo quan điểm người Á Đông, cái chết là điềm xui rủi nên ít khi được nhắc đến. Nhưng bản thân tôi nhận ra rằng khi chúng ta nghĩ về cái chết với góc độ tích cực thì nó mang đến rất nhiều thông điệp và bài học giá trị: sống tỉnh thức, biết ơn trân trọng hơn, bớt đi trạng thái sống vật vờ, sống không mục đích.
Khi có thể nhìn nhận cái chết dưới nhiều góc độ khác nhau, giúp tôi thấy được rằng cái chết của mình trở nên đa chiều và có nhiều ý nghĩa hơn, cái chết không phải là sự chấm dứt hay điều gì phải hối tiếc.
Vô thường luôn rình rập, ta đâu biết nó sẽ đến vào lúc nào, chúng ta đã có chuẩn bị hay chưa?
Phần lớn mục đích sống của con người chúng ta là chạy theo những nghề nghiệp, mối quan hệ xung quanh, những nghĩa vụ, mặt nạ ta phải đeo lên, ít khi nào chúng ta sống được với sự tự do, sự tỉnh thức. Có lẽ chẳng sai khi Đức Phật nói rằng đời là bể khổ. Chúng ta thấy mệt khi gắn quá nhiều thứ trên vai.
Mỗi ngày thức dậy với sự mệt mỏi nhưng vẫn phải làm việc. Về nhà với sự chán chường, đối diện với những mối quan hệ không còn tiếng nói chung, không còn sự thấu hiểu. Chúng ta không có cơ hội để sống một cách thật sự trọn vẹn, sống một cách thoải mái, sống không có những giới hạn ràng buộc. Tại sao mình phải làm nhiều thứ nhưng mình lại không hạnh phúc, mình vẫn không thấy vui, bình an, mỗi năm trôi qua thêm 1 tuổi mình lại thêm 1 mục tiêu mới, rồi lại thêm thất vọng về chính mình, về cuộc sống mà mình đang có.
Khi nghĩ nhiều về cái chết, nhận ra mình cần thực hành nhiều hơn lối sống tỉnh thức trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Đưa sự tỉnh thức vào cuộc sống, đưa ý thức, hành vi, suy nghĩ, cảm xúc của mình để biết được bản thân cần làm gì không chạy theo đối tượng.
Trân trọng và hiện diện với chính mình nhiều hơn. Hiện diện được với những người mình yêu quý. Biết được rằng cuộc đời này là hữu hạn, rồi mình cũng sẽ chết, vậy nên luôn nhắc nhở mình sống thật tự do, không ràng buộc bởi định kiến hay bất kì mong đợi nào từ những người xung quanh. Bắt đầu tìm lại chính mình và sống với giá trị thật của bản thân.
Tất cả chúng ta đều đau khổ. Chúng ta đều tổn thương, đều chịu đựng, đều khao khát. Chúng ta đều trách cứ bản thân trước những quyết định tồi tệ, đều tiếc thương trước những mất mát, đều ám ảnh vì những khiếm khuyết cơ thể, đều dằn vặt vì những lựa chọn sai lầm, đều chới với vì những cơ hội đã vụt qua. Chúng ta biết mình có thể hạnh phúc hơn, giàu có hơn, viên mãn hơn nếu không làm những điều nào đó. Nhưng chúng ta không thể làm được gì.
Điều ta cần làm là hãy sống thật sâu ngay trong phút giây hiện tại này đây. Chánh niệm giúp tôi tận hưởng được giây phút hiện tại, không còn bị lang thang, không còn sợ bỏ lỡ những điều quan trọng, cũng không còn sợ cái chết, vì biết rằng nỗi sợ đó cũng chỉ là một trong những cảm xúc, nó tới rồi cũng sẽ đi mà thôi.
Chấp nhận vô thường nên không nắm giữ, chuyện gì xảy ra thì đều có lý để xảy ra, cuộc hợp tan nào cũng đều phải hợp tan. 2 chữ “tuỳ duyên” không là buồn xuôi, không cố gắng hay không mong cầu, mà rõ hơn là tuỳ duyên ứng pháp, tuỳ vào hoàn cảnh mà biểu hiện thôi.
Như Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết:
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…
Lỡ mai trong con đau vùi, làm sao có nhau…
Một ngày nằm mơ tôi thấy tôi qua đời…
Ru em tình như lá, trăm năm vẫn quay về…
– Cát Bụi
Lời ca khúc nào cũng chạm vào nỗi sợ lớn nhất của con người đó là cái chết. Nếu mai này ai rồi cũng sẽ về với cát bụi, vậy sao hôm nay không sống thật hân hoan, rực rỡ, sao không đối đãi với nhau bằng tình yêu thương và lòng chân thành đi.
.
.
.
.