Thành thật với mình đi, đã bao lâu rồi bạn không thấy mình có một chút tĩnh lặng dành cho chính mình rồi?
Mỗi ngày trôi qua, chúng ta tiếp nhận với hàng ngàn thông tin khác nhau được xuất hiện khắp mọi nơi, từ mọi nền tảng. Từ nhà tới trường, trên đường đi đến công sở. Đủ mọi thể loại tin tức, đủ mọi nền tảng. Giải trí thì có: facebook, instagram. Video thì có: Youtube, Tiktok, Reels. Chưa kể công việc thì lại thêm hàng chục cái group chat khác nhau: Zalo, Skype, ..v.v.
Về tới nhà, ta lại tiếp tục những cuộc chat chit với bạn bè qua mạng xã hội tới tận khuya. Từ ngày này qua ngày khác, ta không thực sự còn thời gian cho chính mình.
Với tôi dành thời gian để đọc một quyển sách, là cách để tôi ngắt kết nối với sự ồn ào ở xung quanh. Đọc sách là lúc tôi thấy tâm trí mình có thể dừng lại, không còn suy nghĩ lung tung, mà có thể tập trung hoàn toàn vào hiện tại.
……
Tôi vẫn còn cảm giác hạnh phúc khi vừa hoàn thành xong cuốn Thả một bè lau của Thầy Thích Nhất Hạnh. Lần đầu tiên tôi được tiếp cận truyện Kiều dưới gốc độ của thiền quán. Lần đầu tiên tôi thấy truyện Kiều hay đến vậy. Tôi có thể hiểu được những góc nhìn sâu sắc về cuộc đời thăng trầm của Thuý Kiều.
Và cũng là lần đầu tiên tôi nhận thức được rằng âm nhạc sẽ trở thành một công cụ vô cùng nguy hiểm, nếu chúng ta vẫn tiêu thụ hàng ngày những sản phẩm âm nhạc mang âm hưởng đau khổ, chia ly.
Tôi bắt đầu cẩn thận hơn trong việc lựa chọn thể loại nhạc để nghe. Khi tiêu thụ những sản phẩm văn nghệ ( nhạc, thơ ca,,) tôi hay chọn những bài lành mạnh, có sự cởi mở, nhẹ nhàng.
Tôi thường tránh nghe những ca khúc rên rỉ đau thương quá. Ngâm hát những câu thơ và những bài hát đó là ta đang thực tập tưới tẩm những hạt giống đau thương trong ta. Nếu cứ hát những bài khóc gió than mây thì có thể “vận cái rủi” vào số mạng của mình. Tưới tẩm những hạt giống đau buồn, điều đó không tốt.
Hát và ngâm thơ là một cách tưới tẩm những hạt giống trong lòng mình. Có những hạt giống cần tưới tẩm và có những hạt giống không nên tưới tẩm. Bên trong chúng ta có đầy đủ tất cả các hạt giống.
Chúng ta đến thế giới này với một phần vô thức tuyệt vời. Ngày ta chào đời ta vẫn còn là một bản thể sơ khai. Rồi qua quá trình ta lớn lên, thông qua quan sát, trải nghiệm, lắng nghe, nhìn nhận, được dạy bảo, ta từ từ mới hiểu hơn về thế giới xung quanh.
Dĩ nhiên rằng trải nghiệm trực tiếp là điều tuyệt vời nhất để ta có thể học hỏi và phát triển tư duy kiến thức. Nhưng vì cuộc sống này quá hữu hạn, nên qua vài trang sách thì ta cũng có thể phần nào hiểu được điều gì đang xảy ra xung quanh cuộc sống của mình.
Sách luôn là phương tiện đơn giản nhất để ta có những kiến thức về thế giới xung quanh. Đôi khi chỉ một vài cuốn sách đã có thể thay đổi hoàn toàn cách sống của ta.
Niềm vui từ những trải nghiệm như ăn uống hoặc vui chơi thì sẽ chóng qua đi. Nhưng cảm giác khi có thể hoàn thành một quyển sách đối với tôi là một cảm giác vô cùng tuyệt vời và đáng nhớ nhất.
Đọc sách giúp tôi hiểu rằng con người ai cũng có những khổ đau, tổn thương. Điều ta cần làm là đồng cảm và cảm thông, không phải là phán xét khiến họ đau nhiều hơn nữa.
Đọc sách cũng giúp tôi thấu hiểu được những nỗi đau trong quá khứ. Giờ đây tôi có thể bình an mà đối diện với những nỗi đau của mình trong quá khứ.
Tôi bắt đầu có được sự chuyển biến nội tâm kể từ khi đọc đa dạng hơn về những thể loại sách. Thời điểm tôi lo lắng, tiêu cực. Tôi chọn đọc thể loại phát triển bản thân, rèn luyện kĩ năng. Tôi tìm hiểu về khái niệm sống chậm, sống tối giản, tỉnh thức.
Tôi nhận thấy bản thân đã phát triển được cực kỳ nhiều kỹ năng. Tôi biết cách sắp xếp ý tưởng của mình một cách rõ ràng và truyền tải đến người nghe một cách đơn giản và dễ hiểu nhất. Biết cách nói chuyện cuốn hút hơn.
Khi bắt đầu kinh doanh, tôi đầu tư và dành thời gian để đọc sách về kinh tế, marketing, kinh doanh, bán hàng, quản lí tài chính.
Khi tôi chuyển sang tìm hiểu về chủ đề tâm lâm lí, một ít về tâm linh tôn giáo. Tôi biết cách kết nối với chính mình, kết nối với những người xung quanh. Tôi biết được vị trí của mình, ý thức được vai trò của mình, ý thức được một phần nào đó sứ mệnh của chính tôi.
…
“Tâm con người không an. Thiếu cái gì thì đi kiếm cái đó. Chưa kiếm được thì chưa an tâm. Nên nhiều lúc rõ ràng là mình đang có hạnh phúc, mà không hay biết điều đó. Đến lúc hạnh phúc mất đi rồi, thì mới biết là mình đã từng có nó”.
Tìm kiếm bình yên trong thế giới lộn xộn này. Tâm an thế giới an, chỉ khi nào ta có thể tìm thấy sự bình an từ bên trong, thì lúc đó thế giới bên ngoài tự động sẽ từ tốt với ta một cách lạ thường.
Hãy để giây phút này đây được chậm lại, hãy thử nếm một chút hương vị hạnh phúc, một chút cảm giác của cái an yên từ sự tĩnh lặng này.