Đã một năm kể từ khi tôi bắt đầu hành trình đi tìm lại chính mình. Nhớ lại khoảng thời gian cô đơn và bế tắc đó, tôi vẫn luôn biết ơn vì bản thân đã có thể dũng cảm mà vượt qua được. Khi đó là thời điểm tôi mệt mỏi, bế tắc và quyết định nghỉ việc.
Tôi là một người có tính cách đôi phần hướng nội, chỉ biết bắt đầu ngày mới thi đi làm, hết ngày, hết việc thì về nhà, ăn uống, nghỉ ngơi và cứ thế một vòng lặp liên hồi. Tôi chỉ giữ mối quan hệ với một số người bạn cấp 3 và đại học, đi làm thì cũng chỉ nói chuyện với một vài chị đồng nghiệp thân thiết.
Tôi không quen biết bất kì bạn mới nào trong thời điểm đó, tôi cũng không biết cách để có thể xây dựng nên những mối quan hệ cá nhân. Mối quan hệ của tôi chỉ xoay quanh ngần ấy người.
Lẽ ra ở tuổi của tôi, tôi phải cần nhiều mối quan hệ cá nhân hơn thế. Đó là thời điểm tôi hết sức cô đơn và tuyệt vọng.
Tôi bắt đầu tự hỏi, liệu mình có thể vượt qua chuyện này không? Tôi đang chịu đựng nỗi cô đơn hay sự tự thương hại chính mình?
Chúng ta hay có xu hướng và tìm cách tránh né nỗi cô đơn. Ta luôn tìm cách để cuộc sống trở nên thật bận rộn, bởi nếu không bận rộn thì ta sẽ phải đối mặt với chính mình, đối mặt với nỗi cô đơn và rồi ta sợ hãi, ta lại tìm cách né tránh, rồi lại tìm đến những giải pháp bên ngoài. Ta mong sớm có thể vượt qua và loại bỏ được chúng.
Không ai quan tâm đến ta, thật đáng thương.
Không ai trò chuyện cùng ta, thật đáng thương.
Không ai đi chơi cùng ta, thật đáng thương.
Không còn nơi nào để đi. Chúng ta thu mình vào trong để thừa nhận sự đau khổ của bản thân. Ta thương hại chính mình.
Xung quanh ta chỉ toàn là sự trống rỗng, sự trống rỗng bên ngoài từ việc ta không có bạn bè, không có mối quan hệ kết nối với những người xung quanh. Sự trống rỗng bên trong do chính ta tạo ra vì ta không thấu hiểu được chính mình.
Nhưng sự cô đơn cũng chính là một lời kêu gọi khác để ta tiếp tục phát triển. Và cách duy nhất là ngưng phụ thuộc vào người khác, ngưng phụ thuộc vào những yếu tố, điều kiện bên ngoài. Mà giải pháp là quay về bên trong, để tạo ra nguồn năng lượng quan trọng nhất từ bên trong chính mình.
Chúng ta không chỉ sống đời sống xã hội của mình, mà ta còn phải có một đời sống nội tâm phong phú khác nữa. Vấn đề là phải học cách để trở thành người bạn đồng hành tốt nhất cho chính mình.
Để rồi ta sẽ không còn phải loay hoay và tìm kiếm câu trả lời rằng: Liệu có ai đó đến và giúp được ta không? Liệu có ai đến và mang hết nỗi cô đơn của ta đi được không? Hay bất kì người nào đó, bất cứ ai, có thể đến cứu vớt mình không?
Và tại thời điểm đó, người duy nhất có thể giải cứu ta chỉ duy nhất là chính bản thân ta mà thôi. Ta là người duy nhất có thể giải cứu chính mình.
Người khác có thể quan tâm, ai ủi, săn sóc, cho lời khuyên, nhưng để hiểu rõ bản thân ta đang cần điều gì, thì chỉ có chính ta mà thôi.
Ta là người duy nhất biết bản thân còn đang thiếu hụt điều gì, và ta cũng là người duy nhất có thể đặt những gì còn thiếu vào đó.
Ai rồi cũng sẽ phải đối mặt với nỗi cô đơn tại một thời điểm nào đó. Cuộc sống bất như ý, công việc không thuận lợi, hôn nhân không hạnh phúc, bất đồng trong mối quan hệ, thậm chí là bệnh tật, tất cả đều dẫn đến sự mất mát và cô đơn.
Nhưng nếu ta có thể tìm thấy chính mình, học cách để vực dậy bản thân, mạnh mẽ bước qua những tổn thương, để tìm lại tìm thấy được chính mình trong một công việc mới, thành phố mới, đất nước mới, thế giới mới. Đây không phải là giai đoạn để trốn tránh, lùi bước hay thu mình trong sự cô đơn. Đây là cơ hội để ta có thể thử làm những việc ta chưa bao giờ nghĩ sẽ làm. Và đến cuối cùng, đó chính là lời kêu gọi để ta trở nên mới mẻ một lần nữa.
Và tôi tự nói với chính mình rằng, rõ ràng là để có thể vượt qua chuyện này chúng phụ thuộc hoàn toàn vào bản thân tôi. Tôi biết mình cần phải thay đổi.
Tôi học được rằng, bản thân có quyền chọn lựa cách phản ứng với nỗi cô đơn trong tôi. Tôi có thể đau khổ, hoặc hi vọng, tôi có thể tuyệt vọng hoặc hạnh phúc. Tôi luôn nắm trong tay sự lựa chọn. Tôi đang ở đây, bây giờ và hiện tại, tôi đã học được cách nói chuyện với bản thân như thế, hết lần này đến lần khác, cho đến khi cảm giác cô đơn dần lắng xuống.
Tôi không phát hiện ra rằng, tất cả sự cô đơn và khát khao được chấp nhận, những thứ nảy mầm từ vùng đất của những sợ hãi, chính là biểu hiện của việc trốn chạy khỏi bản thân. Tôi đã không nhận ra rằng khi không dám đối diện với bản thân, tôi sẽ vẫn chưa thể giải thoát chính mình. Và chính tôi cũng là tù nhân của nó. Tôi giam cầm mình trong những nỗi cô đơn.
Tôi bắt đầu lập kế hoạch, lên danh sách những điều tôi muốn làm nhưng trước đây tôi mải mê công việc mà chưa có thời gian thực hiện được. Tôi ghi lại những nơi mà tôi muốn đi, những người bạn ở xa mà đã rất lâu rồi, kể từ khi chúng tôi ra trường chúng tôi vẫn chưa gặp mặt hay hỏi thăm nhau. Note lại những cuốn sách còn đọc dang dở hay những bộ phim chưa có dịp xem qua. Và kết quả tôi hầu như có thể hoàn thành được hết mọi việc trong danh sách đó.
Tôi vô cùng biết ơn khoảng thời gian trống trải đó đã cho tôi cơ hội được hoàn tất những dự định mà bản thân đã ấp ủ từ lâu. Đó là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa trong cuộc đời tôi.
Tôi nhận ra rằng, để có thể loại bỏ đi nỗi cô đơn, không còn cách nào khác ngoài việc ta cần phải nuôi dưỡng nó.
Cuộc sống dù bình thường, đớn đau hay căng thẳng cũng là cuộc sống. Ngay cả những khoảnh khắc cô đơn và buồn tẻ nhất trong cuộc đời thì cũng là cơ hội để trải nghiệm hy vọng và niềm hạnh phúc.
Cô đơn không phải là kết thúc của bất cứ việc gì. Nỗi cô đơn là lời kêu gọi dành cho bản thân ta. Đó là thời điểm để ta có thể bắt đầu cho một cuộc sống mới, lựa chọn những cách mới để sống.
Những trải nghiệm cô đơn của chúng ta không phải là một món nợ đời – mà đó là một món quà. Chúng sẽ mang lại cho ta nhiều suy ngẫm và ý nghĩa, một cơ hội để tìm thấy con đường mới, cuộc sống mới và sức mạnh của riêng ta.
. . .
.
.
.