Trước đây khi nghe những câu chuyện truyền cảm hứng, bản thân ngỡ như đó là một phép màu, luôn vô cùng ngưỡng mộ những nhân vật chính vì họ luôn biết mình muốn gì, làm gì.
Còn tôi, tôi không biết.
Tôi không thích công việc làm lặp đi lặp lại mỗi ngày buồn chán, nhưng không làm thì lấy gì nuôi thân, chẳng lẽ rãnh rồi hoài.
Ngày còn đi học, tôi không thích bị đem so sánh với con nhà người ta, nhưng vẫn cố gắng học để đạt danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm, bởi vì biết chỉ có thế thì cha mẹ mới vui được.
Tôi không thích nghe theo những sắp đặt của cha mẹ, hay những câu như kiểu: con gái phải như thế này như thế khác, nếu không người ta sẽ cười chê, nhưng nếu không nghe theo, thì cha mẹ lại buồn.
Đôi khi, nhìn thấy những bạn bè xung quanh đang sống rất vui vẻ và hài hoà với đám đông xã hội như: đi học, ra trường, đi làm, lấy chồng, sinh con. Riêng chỉ mỗi mình mình là có vẻ đang sống sai, đang không biết mình là ai, mình phải làm gì với đời mình.
Nhưng đến thời điểm này khi nhìn lại, một sự biết ơn tôi dành cho chính mình, là ở những khúc quanh đó, ngã rẽ đó, tôi đã luôn can đảm lựa chọn làm một điều gì đó.
Cái con đường mà tôi muốn đi phải đến tận hai mươi lăm tuổi, tôi mới bắt đầu chạm vào được. Từ lúc bắt đầu chạm, đến lúc dấn thân, hoang mang lạc lối mất động lực, sung sướng hạnh phúc mỉm cười, khổ đau khóc lóc tức tửi như đứa trẻ con. Đó là câu chuyện của hành trình dài chứ nào phải một ngày mà mọi thứ tự nhiên đến.
Tôi có một cái duyên may của người được tiếp xúc với nghề viết. Vì đã tìm đến sách, vì đọc quá nhiều sách nên tôi bắt đầu tập viết. Bắt đầu lập blog, viết bài cho blog, viết bài cho cộng đồng, viết bài cho fan page. Rồi dần cũng trở thành người viết.
Nghe kể về những sự việc ấy chỉ mất chừng 10 phút, nhưng hành trình đó phải tính bằng tháng, bằng năm, bằng nổ lực, bằng những lần chán nản muốn bỏ cuộc vì không thấy được những kết quả sau rất nhiều những cố gắng, bằng những đêm cô đơn, những lần khóc, bằng những ngày chán nản chẳng viết được một chữ và cũng chẳng biết viết vì điều gì.
Bên cạnh chuyện viết lách, tôi còn làm đủ thứ khác.
Tôi tập yoga. Tập chơi guitar (nhưng đến giờ thì vẫn chưa đánh được).
Tôi thích cà phê, đi tìm nguồn cà phê cho quán, đi chợ mua nguyên vật liệu mỗi cuối tuần, lên ý tưởng thống nhất menu quán, tìm mua cây cảnh về trang trí, học cách pha chế, thậm chí đã mở cả quán cà phê cùng những người bạn.
Nhìn qua những việc tôi làm vốn chẳng liên quan đến nhau chút nào, nó như những dấu chấm xuống dòng cho mỗi hành trình tôi đi qua. Nhưng tất cả, những điều ấy tạo nên tôi của bây giờ. Mà đôi khi, vẫn có đôi khi, nhận được lời khen từ ai đó rằng sao chị giỏi quá.
Tôi biết so với người khác, tôi chưa là gì cả. Nhưng so với chính mình của nhiều năm trước, tôi đã giỏi hơn nhiều, đã dám dấn thân, dám thử.
Rồi duyên này tiếp nối duyên khác, may mắn gặp được người này rồi lại gặp thêm người khác, mỗi người mỗi nét, mỗi người một câu chuyện song đều chung nhau ở cái đẹp bên trong, cái đẹp ở tấm lòng. Nếu không đối diện với sự chông chênh trên con đường mới thì bản thân chắc vẫn sẽ không có sự tự do như thế này.
Mong muốn có nhiều thứ nhưng cũng đồng thời không muốn mất quá nhiều thứ, đó vốn là sự mâu thuẩn của hầu hết mỗi người chúng ta. Cuộc sống luôn là những sự lựa chọn và rồi tôi thấy được con đường, từng bước đi một, không phải ngẫu nhiên mà bản thân có được sự tự do và vững vàng trên con đường mình đi.
Dù là công việc nào, con đường nào thì bên trong đó đều là những bối rối, sự hỗn loạn của cảm xúc và tâm trí. Khi lựa chọn một con đường mới, chuyện gặp khó khăn, những điều bất như ý, hay có khi là rất nhiều cảm xúc khó khăn khác, là hiển nhiên. Lo sợ, cô đơn, yếu đuối, buồn bã, tự trách mình, chán nản, hoang mang, mất phương hướng, muốn bỏ cuộc, nhiều lắm.
Lo lắng là một cảm xúc phổ biến mà ai cũng đã từng trải qua, lo lắng trong công việc, lo lắng chờ đợi sự phản hồi từ người khác, lo lắng vì sự phán xét đánh giá, lo lắng về sự an toàn của chính mình và của người thân, lo lắng về sự vô định không chắc chắn của tương lai. Lo lắng là một phản ứng bình thường của cơ thể, lo lắng thường xuất hiện khi chúng ta không chắc chắn về điều gì đó hoặc điều mình trông đợi nhưng đã không xảy ra.
Nhưng rồi nhận ra à đó chỉ là cảm xúc thôi, như những cảm xúc buồn ấy, khóc ấy, cảm xúc ấy mà, ai cũng có thế, nên buồn một chút, khóc một chút cũng chẳng sao, dỗ dành mình một chút, cho chính mình thời gian để bình tĩnh lại.
Khóc xong rồi thì đi tiếp.
Vừa đi vừa nghỉ. Không so sánh mình với những người đang đi rất nhanh phía trước. Ai rồi cũng đến đích, mình cứ tập trung đi con đường của mình, sao phải so sánh với người khác, mỗi người đều có một con đường riêng, thể lực riêng, sức bền riêng, ý chí riêng mà.
Như những người nông dân, công việc của họ là gieo hạt, mỗi ngày chăm bón cho hạt giống đó, họ không bắt hạt giống đó phải nảy mầm, không bắt hạt giống đó cho hoa quả thật nhanh, mà họ chỉ biết việc họ cần là bảo vệ, chăm bón và nuôi dưỡng hạt giống đó mỗi ngày, để nó có sự phát triển riêng, rồi đến một ngày nó sẽ trở thành cây khoẻ mạnh theo cách riêng của nó.
Khi đã hiểu được rồi thì mới thấy rằng hầu hết những lựa chọn trong cuộc sống của tôi thì việc cần làm là tập trung vào những điều tạo ra giá trị chứ không chờ đợi sự công nhận, sự ca ngợi hay thán phục từ những người xung quanh. Nhiệm vụ của mình làm những gì phù hợp với giá trị sống mà bản thân theo đuổi, sống thật ý nghĩa mỗi ngày chứ không sống để chờ đợi những sự phản hồi của người khác.
Để làm được điều đó cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Xã hội giờ đây mọi thứ đều nhanh và vội, còn tôi thì vẫn cứ đều đều nhưng vì hiểu cái sự vội vàng không phải là nguyên tắc duy nhất của cuộc đời này. Bởi bất cứ điều gì khi mình muốn kết quả càng nhanh, thì càng phải di chuyển vội vàng, càng di chuyển vội vàng mình sẽ càng khó để kiểm soát những hành vi của bản thân.
Lắm lúc cũng phải đối diện với sự cô đơn vì chính những lựa chọn của riêng mình mà không được người khác hiểu, đó là những thử thách để tôi hiểu rõ thêm bản thân đang làm vì điều gì, sống cuộc đời mình để được người khác hiểu hay sống cuộc đời mình như một bông hoa để tạo ra những hương thơm cho cuộc đời này.
Sứ mệnh của mình là cứ nở hoa trước đã, dù ai thích hay không thì là việc của họ. Chỉ biết là khi mình rời đi, mình sẽ để lại những gì. Cứ đi cứ bước cho đến khi ngẩng lên thì thấy rằng cũng có nhiều người đang quan tâm đến những gì tôi đang nói. Chỉ đặt mục tiêu là nội dung mình làm ngày hôm nay có thể đến được người cần bấy nhiêu đó là đã thành công rồi
Như Osho từng nói:
Thơ ca ở đó bởi vì không có mục đích.
Vì sao hoa hồng nở? nó sẽ trả lời rằng: Tôi không biết, nhưng hoa nở đẹp như thế, cần gì biết lý do? Tự thân việc nở hoa là đã đẹp rồi.
Hãy hỏi chú chim: Vì sao mày hót?, và nó sẽ trả lời ca hát là một hành động đẹp, đó là sự ban phước, sao phải hỏi?
Nhưng tâm trí con người thì lại không ngừng tìm kiếm mục tiêu, tâm trí luôn tìm cách đạt được điều gì đó, nó không thể đơn giản tận hưởng cuộc sống. Phải có điều gì đó cần đạt được trong tương lai, một mục tiêu nào đó cần đạt đến, khi đó tâm trí mới cảm thấy hài lòng.
Sao không giống như một bông hoa, bung nở không mục đích?
Sao không giống như một dòng sông, chảy không ngừng?
Sao không giống như đại dương, ồn ào những con sóng?
Nhưng Heraclitus lại nói rằng: Hãy để mọi thứ biến mất. Không có mục đích, không có mục tiêu. Khoảnh khắc hiện tại này, toàn bộ sự hiện hữu này mới chính là món quà vô giá. Thời gian là một đứa trẻ đang di chuyển các quân bài, quyền lực tối thượng nằm trong tay đứa trẻ. Còn tâm trí con người luôn hỏi: Tại sao?
Đó là sự khác biệt giữa một đứa trẻ và một người lớn. Đứa trẻ luôn sống trong một chiều không gian của sự vui chơi và tận hưởng. Còn người lớn thì có quá nhiều câu hỏi, khái niệm, định kiến, thế giới của họ bắt đầu bằng những nguyên nhân và lý do. Trừ khi người lớn trở thành đứa trẻ. Và chỉ có thánh nhân, nhà hiền triết thực sự, mới có thể hiểu được đứa trẻ bởi vì ông ta cũng là một đứa trẻ. Nếu có thể trở lại là một đứa trẻ, bạn đã có mọi thứ. Nhà hiền triết chính là đứa trẻ được sinh ra hai lần.
Những đứa trẻ được sinh ra lần đầu, sự hồn nhiên đó là bản năng. Lần chào đời thứ 2 mới thật sự là được chào đời, bởi vì khi được tái sinh, sự hồn nhiên đó là tỏ ngộ là trưởng thành. Đứa trẻ không tìm hiểu lý do hay nguyên nhân, chúng chỉ đơn giản sống, sống trong từng khoảnh khắc hiện tại. Đón nhận mọi thứ như nó là.
“Chỉ những đứa trẻ mới biết chúng đang tìm kiếm thứ gì. Chúng dành thời gian cho một con búp bê vải, và con búp bê trở nên rất quan trọng, và nếu người ta giật búp bê của chúng đi, chúng sẽ khóc” – Hoàng tử bé
Lão Tử là một người vô lý. Ông ấy đề cao sự vô dụng. Có một câu chuyện rằng Đại Lão Tử cùng với các đồ đệ đi qua một khu rừng, nơi có hàng trăm thợ mộc đang chặt cây để xây một cung điện lớn. Cả khu rừng đã bị chặt gần hết, chỉ còn lại một cây duy nhất, to lớn đến nỗi đủ chỗ cho mười ngàn người cùng ngồi dưới tán cây. Lão Tử sai đồ đệ đi hỏi thăm vì sao cây này không bị đón ngã.
Các đồ đệ của Lão Tử đến hỏi các thợ mộc: Vì sao các ông không đốn hạ cây này?
Những người thợ đáp: Cây này hoàn toàn vô dụng. Bởi vì mỗi nhánh cây đều có quá nhiều mắt. Không có nhánh nào thẳng cả, không thể làm cột, không thể đóng bàn ghế, không thể dùng làm củi bởi vì khói của nó có thể gây mù. Đây là một cái cây vô dụng cho nên chúng tôi không đốn hạ.
Các đồ đệ trở về kể với Lão Tử, ông ấy cười và nói: Nếu các con muốn tồn tại trong thế giới này, hãy giống như cái cây ấy, hoàn toàn vô dụng. Khi đó, không ai làm hại đến các con. Nếu thẳng thớm, các sẽ bị đốn hạ. Hãy giống như cái cây ấy, các con sẽ lớn nhanh và vạm vỡ, hàng ngàn người có thể tìm thấy bóng mát bên dưới các con.
Ông ấy nói hãy là người cuối cùng, đừng tìm cách làm người đầu tiên. Đừng cạnh tranh, đừng tìm cách làm tăng giá trị của mình. Không cần thiết. Hãy cứ vô dụng và tận hưởng. Bởi vì cuộc sống là để tận hưởng và đón mừng, cuộc sống không phải để trở thành một tiện ích, chỉ đơn giản tận hưởng chính mình, được là chính mình. Lão Tử nói hãy là chính mình, làm việc của mình và đừng quan tâm đến ai khác. Và cách làm được điều đó là hãy sống bình thường rồi bạn sẽ trở nên phi thường.
Có 2 loại động lực dẫn đến hành động của một con người. Động lực ngoại sinh (extrinsic motivation) và động lực nội sinh (intrinsic motivation).
Động lực ngoại sinh được tạo ra bởi những điều kiện thưởng-phạt bên ngoài. Xuất phát từ muốn đạt được một phần thưởng và tránh khỏi sự trừng phạt. Còn động lực nội sinh được tạo ra bởi chính niềm say mê và thỏa mãn từ bên trong. Ta cảm thấy nó bổ ích. Ta thực hiện hoạt động vì chính hoạt động đó thay vì mong muốn nhận được một phần thưởng bên ngoài. Bản thân hành vi đó đã là một phần thưởng rồi.
Hiểu một cách đơn giản, chúng ta làm một công việc vì tự thân chính nó, chứ không phải chỉ vì một mục đích hay một tác động nào khác từ bên ngoài. Nhiều nghiên cứu cho thấy, một cá nhân hành động xuất phát từ động lực nội sinh sẽ có khả năng đạt được nhiều thành công hơn so với những cá nhân hành động xuất phát từ những yếu tố tác động bên ngoài. Hành động của họ có thể được duy trì bền vững hơn về lâu dài. Động lực nội sinh còn giúp cho họ có những trải nghiệm đầy ý nghĩa, và một cảm giác tự lực tự chủ.
Vậy nên, để thật sự đạt được những mục tiêu của bản thân hãy bắt đầu từ chính bản thân mình. Khi có được sự đồng nhất giữa mục tiêu và giá trị con người bên trong, động lực sẽ được tạo ra từ tận sâu bên trong. Đây là con đường không dễ đi, nhưng sẽ là con đường hoàn toàn xứng đáng để ta đi.
Hoàn thiện hơn hoàn hảo. Hãy hoàn thiện đã, rồi để cho tác phẩm được sống đời độc lập của nó. Và người xem sẽ đánh giá giùm ta. Việc của ta với tác phẩm đó đã hoàn thành kể từ lúc bạn đặt dấu chấm cuối cùng. Như một bài viết mà sau khi viết xong, chúng đã tách rời khỏi ta, tự chúng sống một đời sống khác. Mọi đánh giá, từ đó về sau, đều thuộc quyền của độc giả.
Tôi quay về với list notion của mình. Tôi nhận ra tôi đã đi được 3/4 chặng đường rồi. Ấy thế mà, cái đoạn cuối cùng nó lại làm tôi chùng bước.
Tôi đang sợ điều gì? Sợ mình không đủ giỏi, sợ mình không viết ra được những bài viết hay nhất so với những tác giả giỏi khác? Nhưng nếu mình không làm được thì sao?
Tôi ngồi xuống và nhìn lại cái công việc viết lách mình đã làm nhiều năm nay. Nhìn xuống bản thảo tôi đã oằn oại cùng nó hàng tháng trời. Tôi nghĩ mình đã hơi rơi một chút, nhưng không sao. Thế rồi tôi vẫn đi tiếp.
Nghĩ lại thì cái ngày tôi quyết định viết và lập blog, tôi đã biết mình đang đi trên con đường hoàn toàn lạ, lạ so với kiến thức, góc nhìn, thế giới quan của mình hai mươi mấy năm qua. Tôi cũng biết ngay thế nào mình cũng sẽ gặp đủ thứ sai phạm, vì mình đã có miếng kinh nghiệm nào đâu. Nhưng vì liều, nên vẫn làm. Rồi cũng biết mình sẽ luôn tiến bộ, bởi vì tôi không dừng lại. Biết mình viết ngày càng tốt hơn, ít ra là tốt hơn so với 5 năm trước. Tôi đã có hơn 300 bài viết, cứ đều đặn đăng lên hàng ngày, hàng tuần, những chủ đề, những câu chuyện nhỏ nhặt bình thường trong cuộc sống cứ đều đặn được viết ra, mà ngay cả chính mình cũng hoang mang và tự hỏi không biết có hữu ích gì cho tương lai của mình hay cho bạn đọc hay không.
Rồi một lần, trong một bài viết, có bạn đọc đã nhắn cho tôi rằng: Đọc bài viết của chị, đã giúp em vượt qua được một giai đoạn khó khăn của cuộc đời mình.
Bấy nhiêu đó với tôi là quá đủ rồi, một thành công quá lớn mà tôi nghĩ rằng mình sẽ chẳng bao giờ chạm đến được.
Cảm ơn vì tôi đã không bỏ cuộc, cảm ơn vì tôi vẫn viết, cảm ơn vì tôi đã dám lao ra vào buổi chiều hôm ấy. Cảm ơn vì bản thân đã không đứng yên để tìm kiếm hay mong chờ một sự thay đổi. Cảm ơn bản thân đã đủ lì, đủ liều để đưa ra những lựa chọn. Cảm ơn vì đã dám bước đi trên hành trình đầy mù sương, chông gai và khó đoán biết. Cảm ơn vì đã dám đau, dám ngã, dám sai, dám nhận sai, dám sửa sai, dám đứng lên và dám bước tiếp.
Giờ mỗi lần kể lại như những kí ức vui. Nhưng chỉ người đi qua mới hiểu nó khó khăn, nó đau và thật sự xứng đáng đến nhường nào.
Vậy nên bạn ơi, ở thời điểm bắt đầu của tuổi trẻ, đừng vội băn khoăn quá về con đường riêng của mình. Hãy cứ thành thật với chính mình và đi tiếp cùng niềm tin đó trước đã. Hãy lắng nghe nó, từng ngày, từng ngày một. Rồi thời gian sẽ trả lời giùm bạn.
.
.
.
.