Ngày bé việc nói câu: ”Con không biết” có lẽ là việc vô cùng dễ dàng.
Đây là cái gì vậy mẹ? Đây là con gì vậy mẹ? Đây là cây gì vậy mẹ?
Và mẹ cha luôn là người sẵn sàng trả lời hết mọi câu hỏi, mọi thắc mắc.
Rồi con bắt đầu biết đến con chó gâu gâu, con mèo meo meo, con chim líu lo, con gà cục tác, con vịt quạc quạc, con heo ủn ỉn, sư tử gầm gừ. Con biết dạ khi người lớn gọi, biết cảm ơn khi có người cho quà, biết thổi thổi khi thấy tay mẹ chảy máu. Tất cả con đều là do cha mẹ dạy cho.
Càng lớn thấy những điều con không biết vẫn còn rất nhiều, thấy hành trang vào đời mình vẫn còn thiếu.
Nhưng con sẽ vẫn giữ cho mình câu “con không biết”, vì con tin đó sẽ là hành trang quý báo nhất mà con cần mang theo để vào đời.
Việc thừa nhận mình không biết nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật ra chẳng đơn giản chút nào, bởi nó đòi hỏi rất nhiều những cố gắng, nhiều thứ phải vượt qua: vượt qua cái tôi cho rằng mình là người giỏi nhất, vượt qua những lối mòn tư duy, bẫy tâm trí, thiên kiến mà mình có trong quá trình lớn lên, vượt qua cái cảm xúc xấu hổ lúng túng vì mình không biết.
Và khoảnh khắc con dám thừa nhận mình không biết là con đã sẵn lòng đặt xuống cái tôi tự cao là mình biết tất. Là con đã sẵn sàng để học hỏi, để lắng nghe người khác chỉ bảo. Là giữ tinh thần ham học hỏi, muốn tìm hiểu khám phá để phát triển tri thức cho mình. Là muốn trải nghiệm, muốn thử, muốn khám phá thêm nhiều sở thích, hứng thú khác để mình luôn có thể tươi trẻ, khác đi mỗi ngày và để cuộc sống ngày một phong phú hơn.
Ngày hôm qua vẫn còn nhiều vụng dại
Nhiều lỗi lầm, sai phạm đã gây ra
Những nói năng lời lẽ chẳng kĩ càng
Những muộn phiền sứt mẻ gây thương tổn
Nên khiến ta và người không hạnh phúc.
Nhìn lại vẫn thấy mình còn nhỏ dại, vẫn thường mắc nhiều sai phạm, chẳng sai phạm nào giống sai phạm nào.
Nhưng thật may vì thấy mình vẫn sống tốt theo một cách nào đó.
.
.
.