Mỗi năm trên thế giới có hàng triệu triệu đứa trẻ được sinh ra, các con lại đến thế giới này với những hoàn cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa riêng biệt.
Nhưng bất kể là có khác biệt về văn hoá, tôn giáo, vùng miền, hay vô số những hoàn cảnh khác biệt nào đi chăng nữa, thì các con đều có một điểm chung duy nhất là đều đến thế giới này với cùng một cảm giác tròn vẹn bẩm sinh.
Mà đời cơ bản là không được tươi đẹp lâu dài cho lắm.
Tử cung người mẹ có lẽ từng là nơi mà con cảm thấy an toàn nhất, đem lại cảm giác thoải mái nhất. Bởi khi đó con được bảo bọc, được che chở, là nơi duy nhất mà các con không bị dán nhãn, không bị so sánh, không bị giới hạn, không bị áp đặt, không bị ảnh hưởng bởi xã hội và môi trường xung quanh.
Nhưng nơi an toàn ấy chỉ giữ các con lại nhiều nhất là 9 tháng 10 ngày, sau đó con cũng sẽ phải rời khỏi nơi bình yên đó để đến với cuộc đời này. Mọi chuyện không mấy tốt đẹp, kể từ ngày các con chui ra khỏi bụng mẹ.
Trải nghiệm trong những năm đầu đời có ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc định hình cách tổ chức bộ não con người.
Thế giới trong bụng mẹ vốn ấm áp, ổn định, còn lúc lọt lòng lại thành ra dồn dập những hình ảnh, không khí, âm thanh, mọi thứ đều thay đổi khác lạ. Não bộ con trẻ bị choáng ngợp bởi những kiểu đầu vào tạo cảm giác mới. Và vì có quá nhiều thứ mới mẻ, nên đó là lúc bộ não của con tạo kết nối nhanh và ráo riết hơn cả.
Thế giới này là chốn diệu kỳ. Và theo cùng những hơi thở đầu tiên, những sinh linh bé nhỏ bắt đầu cố tìm hiểu xung quanh.
Sao xung quanh con mọi thứ đều lạ lẫm quá vậy mẹ?
Sao cuộc đời lại có quá nhiều âm thanh vậy mẹ?
Sao mọi thứ thay đổi nhiều quá từ khi con lớn lên vậy mẹ?”
Con chỉ muốn được yêu thương và bình yên như ở bụng mẹ mà thôi.
Con cảm thấy sợ hãi. Con đánh dấu sự có mặt trên cuộc đời này bằng tiếng khóc đầu đời.
Đang yên ấm, ăn ngủ, chơi vui, ị tè tại chỗ trong bụng mẹ, tự dưng phải chui ra, đương đầu với đủ thứ tai ương của cuộc đời. Vậy nên khóc vì sợ, vì đau, vì đói. Nhưng nếu không khóc thì con sẽ khó sống được. Khóc là để thức tỉnh. Bởi cuộc đời này vốn dĩ đều bắt đầu bằng nỗi đau của mình, và kết thúc bằng nỗi đau của người khác. Con người vốn dĩ là một sinh vật yếu đuối. Kể từ khi sinh ra khi, đối diện với cuộc đời này ta đã là một cá thể yếu đuối.
Một số các con được chào đón với lòng biết ơn, sự hân hoan và niềm vui từ cha mẹ, để con cũng cảm nhận được tình thương, niềm hạnh phúc của thế giới này.
Một số khác, thì lại không được may mắn như thế. Có thể con bị chối bỏ bởi người mẹ trẻ đang mơ về cuộc sống khác, một cuộc sống mà ở đó có rất nhiều ước mơ hoài bão, có cả một con đường tương lai rộng mở phía trước.
Có thể sự hiện diện của con là ngoài ý muốn, là kết quả của một tình yêu ngắn ngủi, một phút sai lầm, vậy nên con cũng không được chào đón.
Có thể con đến vào thời điểm một gia đình đang bị quá nhiều gánh nặng về kinh tế, những áp lực vô hình của xã hội đang đè nặng lên vai của một đôi vợ chồng.
Và cũng có thể con đến vào thời điểm mà người phụ nữ phải chịu đựng quá nhiều những tổn thương và đau đớn bởi bạo hành gia đình, bởi một người chồng, người cha không biết kiểm soát bản thân, vậy nên con không được chào đón bằng niềm vui trọn vẹn. Để rồi ngay từ những trải nghiệm đầu tiên, các con đã phải gánh chịu những tổn thương đầu đời.
Các con không nhận được sự yêu thương từ giọng nói, không nhận được sự vỗ về hay những cái chạm âu yếm từ những người chăm sóc con, mà thứ con nhận lại chỉ là sự bạo lực mà thôi. Từ những cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy, trải nghiệm của các con cũng dần trở nên khác biệt.
.
Trong chín tháng đầu tiên, não bộ của trẻ phát triển rất nhanh có khi đạt tới tốc độ 20.000 tế bào thần kinh mới mỗi giây. Trong khi so sánh với một người lớn, khả quan nhất cũng chỉ có 700 tế bào thần kinh mới trong một ngày mà thôi.
Vậy nên giai đoạn đầu sự phát triển của trẻ con có thể gọi là mang tính bùng nổ nhất. Ở thời điểm mới được sinh ra, trẻ đã có 86 tỉ tế bào thần kinh. Các tế bào này tiếp tục tăng thêm và kết nối với nhau tạo thành các mang lưới phức tạp cho phép trẻ sơ sinh bắt đầu nhận biết thế giới xung quanh.
Ngay từ trong bụng mẹ, bộ não đã dần phát triển và bắt đầu lưu giữ các phần của trải nghiệm sống. Sự phát triển của não bộ thai nhi có thể bị ảnh hưởng bởi một loạt yếu tố bao gồm: sự căng thẳng của người mẹ, những suy nghĩ tiêu cực, thói quen lối sống không lành mạnh, chất kích thích, bia rượu, thuốc lá mà người mẹ tiếp nhận vào cơ thể, kể cả chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày.
Tất cả những đầu vào từ thế giới bên ngoài và thế giới bên trong đều liên tục được truyền đến não, nhằm giữ cho trẻ khỏe mạnh và an toàn.
Đó là khởi đầu của việc nhận biết thế giới.
.
Trong quá trình trưởng thành, tất cả các con đều luôn cố hiểu những gì xảy ra quanh mình. Âm thanh này là gì nhỉ? Hành động vuốt ve, chăm sóc, xoa lưng này có nghĩa là gì, có lợi cho mình hay không? Vẻ mặt như vậy là thế nào?
Các giác quan bên ngoài như mắt, mũi, tai, vị giác, xúc giác cũng liên tục theo dõi những gì diễn ra bên ngoài cơ thể.
Đối với một đứa trẻ, tiếp xúc bằng mắt cũng có thể truyền đến những thông điệp khác nhau như: “Người này quan tâm đến mình, người này lo lắng cho mình”. Còn với những đứa trẻ khi sống trong một gia đình bạo lực lại có nghĩa: “Người này không thương mình, người này sẽ có những hành động làm đau mình”.
Chúng ta đang nuôi dạy con cái trong môi trường nghèo nàn về kết nối, nhưng lại quá tải về giác quan do sự phát triển các công nghệ, internet, mạng xã hội. Tất cả những bậc cha mẹ giờ đây dường như có thói quen đều dán vào chiếc điện thoại, thậm chí không còn giữ sự kết nối và giao tiếp bằng mắt nữa. Nhắn tin, chat và đăng bài nhiều hơn, nhưng các cuộc trò chuyện sâu sắc, chất lượng trong thực tế thì lại ít đi rất nhiều.
Con có thể sẽ quá nhỏ và không thật sự hiểu hết được ý nghĩa của ngôn ngữ, nhưng con vẫn có thể cảm nhận được phần phi ngôn ngữ, qua tông giọng từ quá trình giao tiếp của cha mẹ. Con có thể cảm nhận được sự giận dữ, trách móc, than vãn trong lời nói của cha mẹ.
Đối với con, yêu thương phải thể hiện ở hành động: sự chăm sóc tận tâm, trách nhiệm, sự vỗ về mà cha mẹ đem lại.
Con cũng có thể biết người lớn có đang thực sự hiện diện hay không. Con có thể biết ta có vui vẻ hay hạnh phúc không. Con sẽ đều cảm nhận được hết.
Con muốn được giao tiếp bằng mắt, bởi vì đó là cách con xác định được sự hiện diện mà cha mẹ dành cho con. Sự hiện diện thực chất.
Một người cha(mẹ) có thể yêu thương con hết mực, những nếu cha(mẹ) cứ ngồi trước máy tính hay dán mắt vào điện thoại để đăng lên mạng những khoảnh khắc đáng yêu nhất của con, rằng họ đang yêu con đến mức nào, trong khi điều con đang thật sự cần chỉ là sự hiện diện thực sự. Thì những hành động đó đều vô nghĩa đối với con. Con vẫn sẽ không cảm nhận được tình yêu đâu.
Con mong muốn có được cảm giác thuộc về, muốn mình là một thành viên của gia đình. Tất cả chúng ta dù là người lớn, chắc hẳn cũng đã không ít lần trải qua cảm giác hụt hẫng mỗi khi trò chuyện với ai đó và cảm thấy bị ngó lơ vì họ chỉ chú tâm vào điện thoại.
Điều này đòi hỏi cha(mẹ) phải dành cho con sự chú ý, không phải chú ý một phần mà là chú ý toàn phần. Ta đang nhìn con đây, ta đang lắng nghe con đây, ta đang có mặt ở đây với con.
Đối với con, hơi ấm da kề da, mùi hương của cha mẹ, những hình ảnh và âm thanh của người chăm sóc, những hành động chu đáo và nhạy bén mới chính là tình yêu. Những khoảnh khắc yêu thương trong những tháng đầu đời ấy, mới thực sự xây nên nền tảng cho con định hình và diễn giải về thế giới này.
…
Nếu xét theo góc độ tâm linh, trong duy biểu học là góc độ của những hạt giống.
Bên trong mỗi chúng ta là một tập hợp của rất nhiều hạt giống, bao gồm những hạt giống ta tiếp nhận hằng ngày và những hạt giống được trao truyền từ ông bà tổ tiên để lại. Ta chứa đựng tất cả các hạt giống của vô lượng vô biên kinh nghiệm của bao thế hệ đi trước.
Ngay từ khi còn là một thai nhi nhỏ hơn hạt mè mà chứa đựng thời gian vô cùng và không gian vô biên rồi, cái bào thai nhỏ bé kia chứa đựng bao nhiêu thế hệ tổ tiên đi trước và bao nhiêu thế hệ con cháu tương lai. Một cái bào thai bị phá bỏ đi cũng làm cả vũ trụ rung lên chấn động.
Vậy nên việc giữ gìn một thai nhi là điều hết sức quan trọng.
Khi mang thai, là lúc người mẹ hằng ngày tiếp tục gieo vào tàng thức của mình và của con đủ mọi hạt giống, từ thức ăn, thức uống, đến niềm vui, nỗi buồn, khổ đau, lo lắng… Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý là những dòng sông đưa hạt giống vào tàng thức của cả mẹ lẫn các con. Ăn là ăn cho hai người, uống là uống cho hai người, vui là vui cho hai người và khổ cũng là khổ cho hai người.
Bất kể khi người mẹ đi đứng, nằm ngồi, ăn uống, khi đọc sách, xem ti-vi, nói chuyện, thẩm chí kể cả suy nghĩ, các con đều sẽ cảm nhận được.
Người cha tương lai cũng cần phải có ý thức nhiều mới được. Mỗi cử chỉ vụng về, mỗi câu nói mang năng lượng tiêu cực, không chứa đựng được sự yêu thương hay đôi khi là một lời trách móc giận hờn, mỗi cái nhìn lạnh nhạt của cha đối với mẹ, các con đều cảm nhận hết.
Những ngày đầu khi mới bắt đầu tượng hình trong bụng mẹ, khi còn là những giọt máu nhỏ, các con tuy rất mong manh nhưng luôn luôn có mặt ở đó và sẽ tiếp nhận tất cả những gì xảy ra trong đời sống gia đình.
Những hành động tiêu cực, không mang năng lượng yêu thương của người lớn, đều gieo vào tâm thức của các con, tạo nên những hạt giống khổ đau của một đời người, bắt đầu từ khi còn trứng nước trong bụng mẹ. Và có thể ảnh hưởng suốt cuộc đời các con sau này.
Nuôi con từ lúc con chưa ra đời chứ không phải chỉ nuôi con từ lúc con còn bé.
. . . .
Làm người là phải làm sao hả mẹ?
Mẹ ơi cô đơn là gì hả mẹ?
Tại sao nhiều người họ lại sợ cô đơn. Cô đơn có gì xấu hả mẹ.
Khi còn nằm trong bụng mẹ, con vẫn chỉ có một mình, một mình con cũng cô đơn lắm mẹ, nhưng con vẫn cảm nhận được sự ấm áp, và tình thương của mẹ dành cho con, con cứ nằm đó, tận hưởng sự dịu nhẹ mà mẹ mang lại cho con mỗi ngày.
Vậy cô đơn thì có tội gì. Cô đơn cũng đâu có gì xấu mẹ nhỉ.
Hay bởi lẽ vì con không biết cô đơn là gì, nên con không sợ, cũng không cảm thấy cô đơn gì cả.
Rồi khi con lớn lên, con bắt đầu làm quen và thích nghi với cuộc đời, con bắt đầu tập đi một mình, cũng bắt đầu đi xa hơn để khám phá thế giới ngoài kia, đồng nghĩa với việc mẹ cũng không thể ở mãi bên cạnh con được nữa.
Và chắc cũng từ đó, con bị tiêm nhiễm về những thú vui của thế giới bên ngoài, con vô thức bị kéo vào đám đông, có lẽ đó là lúc con bắt đầu biết tới khái niệm cô đơn mà đám đông đã đặt ra.
Đám đông làm nhiều thứ để đưa con xa rời khỏi chính mình, thay vì nuôi dưỡng con.
Đám đông cuốn con đi qua cuộc đời, dẫn dắt con từ sự kiện này qua sự kiện khác.
Con bị cuốn vào sự phấn khích của đám đông và biến nó trở thành của mình.
Làm sao để con tìm lại được sự bình yên như những ngày còn trong bụng mẹ?
Con yêu hãy nhớ rằng con không một mình, bên cạnh con luôn còn có rất nhiều người sẵn sàng yêu thương con, kể cả khi không có một ai thì con vẫn có thể tự yêu lấy chính mình.
Thật ra con không cần chui vào bụng mẹ mới tìm lại được sự bình yên đã từng có. Bởi bình yên vẫn luôn ở trong con, nó chưa hề mất đi, con chỉ cần tìm về bên trong chính mình là con sẽ lại thấy được bình yên.
Lúc ban đầu, con sẽ cảm thấy khó lắm, cảm giác chỉ một mình, đối diện với chính mình có chút quen nhưng cũng có chút lạ, vì con đã quen sống với đám đông, làm theo đám đông và bị ảnh hưởng bởi đám đông rồi.
Giờ đây khi con hướng vào bên trong, thế giới bên ngoài sẽ bắt đầu biến mất, chỉ còn tiếng vọng, có thể con sẽ bị mất phương hướng. Nhưng con yêu, hãy cố gắng đi thêm chút nữa, chút nữa thôi rồi con sẽ lại tìm thấy chính mình một lần nữa.
Mất phương hướng giữa đám đông, nhưng giờ đây con đã ổn. Mất phương hướng giữa các mối quan hệ, và giờ đây con đã được trở về nhà.
Đừng cảm thấy bối rối khi bắt đầu tách ra khỏi đám đông, đó là trạng thái bắt buộc mà con phải trải qua. Con cần phải gỡ dần những tấm nhãn đã gắn lên người bấy lâu nay. Chỉ khi đó con mới có thể bắt đầu cho hành trình tìm lại con người thuần khiết mà con đã từng.
Hãy bước vào bên trong để rồi con có thể bước ra bên ngoài với một nguồn năng lượng, tình yêu và lòng trắc ẩn.
Và luôn nhớ rằng, dù bất cứ có xảy ra chuyện gì, bất cứ khi nào con cảm thấy kiệt sức, nguồn năng lượng đó vẫn luôn hiện hữu bên trong. Chỉ cần nhắm mắt lại và bước vào.
Cuộc sống bắt nguồn từ bên trong và lan toả ra bên ngoài con ạ.
. . .
Con hãy cứ là chính con.
Con không cần phải là một ai cả.
Con không cần phải giống bất cứ đứa trẻ nào khác.
Con không cần chạy theo bất cứ một tiêu chuẩn nào của xã hội này.
Con chỉ cần bình an và khoẻ mạnh.
Con chỉ cần là con của mẹ mà thôi.
Mong tất cả sự bình an đến với các con của mẹ và cả những đứa trẻ đang có mặt trên cuộc đời này.
Mẹ của các con, một người mẹ cũng từng là một đứa trẻ.
. . .
.
.
.