Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
cốt lõi của sáng tạo

Cốt lõi sáng tạo

Posted on 11/10/202311/10/2023 by admin

Nỗi sợ.

Sáng tạo nội dung, tham gia chia sẻ ở những cộng đồng, đối mặt với những bình luận, ý kiến chỉ trích, phán xét, bất đồng quan điểm, bản thân tôi có sợ không? Bằng cách nào để tôi có thể vượt qua được?

Tôi sợ từ lúc mới bắt đầu, và sau hai năm, những nỗi sợ vẫn còn nguyên vẹn.

Nỗi sợ vốn là một thứ cảm xúc rất bản năng, mà hầu như đã là con người thì ai ai cũng sẽ đều có. Cảm thấy sợ trước những thứ xa lạ, mới mẻ ở ngoài vùng an toàn là một phản ứng hết sức bình thường.

Như Aristotle từng khẳng định: “Người không biết sợ là gì, chỉ có thể là… người điên, hoặc người vô cảm”

Nỗi sợ như một ranh giới, nhiều người khi đứng trước ranh giới họ lựa chọn từ bỏ, để rồi chọn cuộc đời là những chuỗi ngày sống trong những nỗi sợ. Còn với những ai đủ can đảm, mạnh mẽ vượt qua ranh giới, phá bỏ những giới hạn để bước ra khỏi vùng an toàn, thì khi đó sự phát triển mới được diễn ra.

Phía bên kia nỗi sợ, ta chắc chắn sẽ là một phiên bản trưởng thành hơn đôi chút. Và nỗi sợ chính là một mảnh ghép, là một phần không thể thiếu trên hành trình phát triển bản thân mà thôi.

Nhìn lại mình trong suốt những năm tuổi 20, tôi là một đứa luôn rụt rè, nhút nhát và tự ti về bản thân. Mặc dù kết quả học tập 12 năm phổ thông luôn đạt loại giỏi nhưng tôi vẫn luôn cảm thấy mình vẫn không có giá trị gì.

Tôi luôn khao khát sẽ làm được điều gì đó xứng đáng với kỳ vọng của mình. Nhưng đồng thời, chính tôi cũng tự cản trở mình bởi những suy nghĩ tiêu cực, những niềm tin giới hạn rằng: “Lỡ đâu tôi không đủ giỏi, lỡ đâu tôi sẽ thất bại, vì không đủ quyết tâm và cam kết với chính mình”. Tôi không chắc mọi chuyện đã thay đổi thế nào.

Tôi luôn cảm thấy ganh tị mỗi khi nhìn thấy ai đó đạt được những gì tôi thật sự muốn có, mà không hề biết rằng, trong lúc tôi kẹt lại trong những sợ hãi thì họ vẫn đang không ngừng cố gắng, nỗ lực tiến lên mỗi ngày. Khác biệt duy nhất đó là họ tin vào bản thân họ nhiều hơn. Còn tôi thì không.

Và điều đáng sợ nhất, có lẽ là khi tôi nhận ra rằng mình đã tự bỏ phí một cuộc đời cho quá nhiều nỗi sợ.

Hành trình đưa chính mình khỏi những niềm tin giới hạn, hoàn toàn không dễ dàng. Đã có những lúc, nó khiến tôi phải đối diện với những sự bất an về bản thân, hay những tổn thương từ quá khứ, những điều mà tôi luôn muốn quên đi. Nhưng khi vượt được qua, tôi dần cảm thấy một sự tự do mãnh liệt.

Những niềm tin, sức mạnh bên trong tôi đang dần được chạm đến, được nuôi lớn, và được khai mở. Khi tôi tin vào chính mình nhiều hơn, tôi mới thấy được trở thành chính mình là điều tuyệt vời nhất và mang lại cho tôi nhiều hạnh phúc nhất.

Bất chấp việc này nghe nghịch lý thế nào, niềm tin rồi sẽ quyết định thực tại.

Dù bạn tin rằng “mình làm được” hay “mình không làm được”, thì cả hai niềm tin ấy đều đúng. Vì chính niềm tin sẽ tạo ra hành động.

Danh tiếng.

Mỗi khi nhắc đến công việc sáng tạo nội dung, khái niệm về thành công thường được đi kèm với những con số, số năm kinh nghiêm, bằng cấp, học vị, chứng chỉ, lượng bài viết, lượt xem, lượt bình luận, lượt chia sẻ, lượt theo dõi..v.v. Hay nói cách khác nó chú trọng nhiều vào danh tiếng.

Danh tiếng, sự hào nhoáng bên ngoài là con dao 2 lưỡi, dễ làm cho người ta đánh mất đi chính mình bất kì lúc nào. Danh tiếng làm cái tôi tăng thêm sức mạnh, khiến ta dễ sa vào cái bẫy của vật chất và danh vọng.

Tôi bắt đầu với blog rất thận trọng và chậm rãi, tới bây giờ cũng chưa có dấu hiệu nào của sự tăng tốc. Nhưng quan trọng là tôi vẫn cảm thấy hài lòng với sự chậm rãi đó, bởi tôi biết rằng xét cho cùng thì lý do tôi đến với blog không phải vì sự nổi tiếng hào nhoáng hay phải đạt được sự công nhận thông qua những con số đó.

Đã có nhiều bài viết tôi cũng từng chia sẻ rằng, hầu hết những bài viết trước hết là đều viết cho chính tôi, và tôi vẫn sẽ tiếp tục viết dù có được sự công nhận từ bất kì ai hay không, bởi đơn giản tôi chọn viết là cách sống của mình. Viết là sự sống, cũng giống như hơi thở vậy.

Cái bẫy của thời đại công nghệ nói chung và mạng xã hội nói riêng là rất dễ để con người ta có cơ hội được thể hiện bản thân, thể hiện cái tôi của mình. Nhưng kèm theo đó là cảm giác phụ thuộc vào sự công nhận từ bên ngoài, luôn phải chạy theo số đông, PR lên một chút, nói quá lên một chút, tạo tiêu đề giật gân lên một chút, thì đám đông mới vào xem và ủng hộ được.

Chứ nếu cứ âm thầm làm, âm thầm cống hiến, cho rằng cứ hữu xạ rồi sẽ tự nhiên hương, thì có lẽ còn phải xếp hàng dài phía sau nữa mới mong được mọi người biết đến.

Nhưng mạng xã hội mà, nó chẳng khác gì một xã hội thu nhỏ trên không gian ảo, có hàng triệu người thì kèm theo hàng triệu ý kiến khác nhau. Rồi khi nhận được những bình luận trái chiều thì lao vào tranh cãi, phản bác, chẳng ai chịu nhường ai.

Có những cuộc tranh cãi không hồi kết, nhưng cũng có những cuộc tranh cãi xuất phát từ mục đích truyền thông bẩn, mục đích để thu hút sự quan tâm của nhiều người vào xem, được nhiều người biết đến và sẽ nổi tiếng. Tóm lại kết quả của 2 trường hợp trên đều mang lại sự tiêu cực.

Thay vì lao vào cuộc chiến của những con số, đếm xem có bao nhiêu lượt bình luận, khen chê. Tôi chỉ tập trung vào việc trao dồi và không ngừng cải thiện nội dung bài viết, chất lượng sản phẩm mà mình làm ra. Bởi những con số là điều tôi không thể kiểm soát được và tôi nghĩ cũng không nên kiểm soát làm gì.

Có hôm mất cả mấy tiếng đồng hồ để viết, chỉnh sửa, và post bài lên blog, thế mà khi đã đọc đi đọc lại nhiều lần vẫn cảm thấy không được hay, vẫn chưa thấy hài lòng. Tự thấy thất vọng, mất hết cảm hứng. Rồi khi nhìn lại và tự hỏi chính mình, trong suốt quá trình mình viết, mình có cảm thấy thoải mái không?những cảm xúc đó có thật không? khoảnh khắc đó mình có cảm thấy vui không?

Chợt nhận ra một điều rằng, thật ra vấn đề không nằm ở bài viết, mà là ở cảm xúc của chính tôi. Khi tôi thấy bài viết không hay chẳng qua là do tôi đang so sánh với bài viết của một cá nhân nào đó, tôi thấy không hay là do kết quả tôi nhận được quá khác biệt so với kỳ vọng trước đó tôi đã ngầm đặt ra mà thôi.

Những thứ bề ngoài như hình thức, nội dung, xu hướng theo chuẩn của người khác là hoàn toàn có thể bắt chước được. Cảm xúc mới chính là thứ không thể sao chép được từ người khác. Đó là cái rất khó để học được.

Công việc sáng tạo luôn có 2 phần:

Phần thứ nhất, đây là phần cá nhân ta có thể kiểm soát được. Từ lúc nảy ra ý tưởng, rồi bắt đầu viết, chỉnh sửa, đọc lại nội dung, toàn bộ thời gian và sức lực ta tập trung cho bài viết. Đây là lúc mà ta quên hết thế giới bên ngoài để hoàn toàn tập trung vào việc mà ta đang làm một cách tuyệt đối.

Phần thứ hai, đó là cách người khác cảm nhận, và đưa ra nhận xét đánh giá dưới góc độ cá nhân họ.

Nếu may mắn nhận được sự ủng hộ của những người đồng quan điểm, thì đó là điều đáng vui mừng, còn nếu như gặp phải những bình luận, chỉ trích tiêu cực thì toàn bộ sự sáng tạo của ta có thể bị giết chết, vì sự kì vọng và đánh giá hoàn toàn không theo một mô thức nào của đám đông.

Đám đông hoàn toàn có quyền nhận xét, đánh giá, khen ngợi, chê bai thậm chí là bôi bác tác phẩm của ta, đó là quyền của họ (kể cả khi những đánh giá đó chỉ là quan điểm của một cá nhân nào đó, hoàn toàn không có tính chuyên môn). Nhưng cách mà ta tiếp nhận với những lời chỉ trích đó sẽ quyết định ngay tới sự tự tin và ảnh hưởng tới những tác phẩm tiếp theo của ta.

Vui sướng vì được khen ngợi và tổn thương vì bị chỉ trích. Đó sẽ là 2 trạng thái cảm xúc mà ta sẽ phải trải qua. Và thông thường lời khen sẽ làm ta vui, nhưng chỉ được vài ngày. Còn một lời chê có thể làm tổn thương ta tuần này sang tuần khác.

Sức khoẻ tinh thần là điều quan trọng hàng đầu với người làm sáng tạo.

Và môi trường online không phải là nơi an toàn để chúng ta có thể rèn luyện một đời sống tinh thần khoẻ mạnh (trừ trường hợp bạn sở hữu một tinh thần thép, thậm chí ngay cả khi ta đã phải trải qua nhiều nhận xét tiêu cực đi chăng nữa, thì khi vấp phải một lời nhận xét tiêu cực khác ta vẫn sẽ ít nhiều bị tổn thương, nếu nói không buồn thì chắc là nói xạo.)

Vậy nên nếu đã xác định sẽ theo con đường sáng tạo nội dung này, thì điều đầu tiên cần làm là hãy xây dựng một bức tường để tự bảo vệ chính mình, bảo vệ cả những kì vọng mà bản thân đặt ra.

Giờ đây mỗi bài viết được post lên, tôi không còn đặt quá nhiều kỳ vọng mà thay vào đó là tôi chú trọng vào cảm xúc của chính mình nhiều hơn.

Tôi dần tìm được cảm giác yêu thích trong quá trình viết. Dần hiểu rõ được tâm trí của chính mình, điều khiển được tiếng nói không ngừng phát ra bên trong tôi, biết cách trình bày và sắp xếp những suy nghĩ thành những câu văn rõ ràng và mạch lạc.

Một bài viết được upload lên, nếu có nhiều view thì tốt, không có nhiều view thì cũng chẳng xấu chút nào cả. Nhiều view đơn thuần đó là thông điệp mà nhiều người muốn nghe và họ cần nghe vào thời điểm đó. Ít view thì đơn thuần thông điệp mà tôi truyền đi không cùng quan điểm với họ nên họ không cần phải nghe, chỉ đơn giản như vậy. Việc của tôi là cứ bước tiếp.

Tôi đã từng phải trải qua những ngày sống với cảm xúc rất tiêu cực, khi bài viết nhận phải những bình luận tiêu cực. Nó lấy đi của tôi rất nhiều năng lượng và sự tập trung. Sự thật là trong 1 năm đầu tiên, số lượng bài viết của tôi khá ít và không thường xuyên (từng có khoảng thời gian hàng tháng trời tôi vẫn không viết bất cứ một bài nào).

Nhưng giờ đây khi đã hiểu về các giai đoạn của một người làm sáng tạo, tôi bắt đầu chú trọng vào cảm xúc, vào flow nhiều hơn.

Tôi rèn luyện bản tân có thể lướt trên con sóng cảm xúc hay khi đối diện với những lời khen chê. Học cách bảo vệ bản thân trước những nguồn năng lượng tiêu cực để động viên chính mình có thể quay lại với guồng sáng tạo. Flow tạo cho tôi nhiều cảm xúc và có nhiều sự sáng tạo hơn trong quá trình viết.

Tôi luôn tin mình sẽ mang được giá trị tới cho ai đó, và rất tin là có rất nhiều người vẫn đang dõi theo từng bước chân của tôi trên hành trình này.

Ngày xưa có thể là đơn giản là tôi có được cơ hội được rèn luyện về kỹ năng viết. Và cộng với việc tham gia vào những cộng đồng tích cực có cùng mục tiêu và hệ giá trị. Và tôi thấy được mình trong bức tranh đó. Tôi thật sự thấy được rằng nếu như mọi hoạt động của con người hiện tại đang tiếp diễn nó chỉ tạo ra những ảnh hưởng tác động xấu đến sức khoẻ tinh thần cho cả thế hệ tương lai thì đó là khoảnh khắc tôi tìm thấy giá trị của chính mình ở đó.

Sáng tạo là nền tảng cho rất nhiều thứ mà tôi đang làm. Hầu hết mọi thứ tôi đang làm và thực hành thì đều liên quan về sáng tạo.

Sáng tạo không phải là năng khiếu bẩm sinh.

Sự sáng tạo sẽ được nuôi dưỡng thông qua những công việc mà tôi làm hằng ngày.

Sáng tạo cũng sẽ xuất phát từ chính trải nghiệm và cảm xúc của bản thân tôi trước hết. Đối với tôi dù là làm kinh doanh hay là làm gì đều sẽ hướng đến cộng đồng, với mong muốn trao đi giá trị cho cộng đồng vì bản thân tôi vẫn là một phần của cộng đồng.

Làm sáng tạo ngoài sự nhảy cảm, ta cần có một cái nhìn rõ ràng để biết được là đâu là giá trị cốt lõi, giá trị thật sự mà mình muốn hướng đến.

Tôi không chạy theo số đông, xu hướng hay trend xã hội. Tôi không để tâm lắm đến những con số như lượt like, lượt chia sẻ, mà điều tôi thật sự quan tâm là giá trị, tác động mà tôi đem đến cho cộng đồng. Nó có tác động ra sao? Có chạm đến cảm xúc hay sự rung động cho người khác hay không? Và họ sẽ chung tay đóng góp với tôi ra sao?

Sáng tạo không phải là điều tự nhiên mà có. Cũng không phải là định hướng ngay từ ban đầu của tôi. Mà là trong quá trình trưởng thành và có cơ hội tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, thì tôi nhận ra những giá trị đó rất phù hợp với tính cách của mình.

Sáng tạo cũng đi kèm theo niềm vui.

Giả sử như trước đây tôi có nhiều tham vọng về những mục tiêu lớn, luôn muốn chinh phục một điều gì đó mà đôi khi bản thân không thật sự cần. Để rồi ép buộc bản thân mình vào một cái vai trò mà mình không thích nó.

Nhưng giờ lại khác, tôi bắt đầu nhìn nhận lại những điều mình đang làm, làm sao sự cống hiến của mình phải mang lại cho mình một niềm vui. Đó mới là sự cho đi và cống hiến bền vững nhất.

Ví dụ như tôi thích việc sáng tạo nội dung và viết blog, nên tôi có thể ngồi hằng đêm để lên ý tưởng, viết, chỉnh sửa, thiết kế trên website.

Sáng tạo là trải nghiệm.

Trải nghiệm để kích thích sự sáng tạo.

Trước đây khi nhắc đến trải nghiệm, tôi chỉ đơn giản hiểu rằng, trải nghiệm như một khung thời gian, một hành trình, nhưng lại ít khi để ý rằng, trong trải nghiệm còn có cả chữ “nghiệm”. Có nghĩa là đằng sau mỗi hành trình đã trải qua, luôn cần có sự chiêm nghiệm và ngồi lại để rút ra những bài học cho chính mình.

Nguồn ý tưởng cho sáng tạo luôn có mặt khắp mọi nơi. Mỗi ngày nó sẽ đều là một câu chuyện mới, nếu chịu khó quan sát thì ta sẽ luôn có một nguồn ý tưởng vô cùng dồi dào.

Tất cả chúng ta đều là những con người có thể làm sáng tạo hết, hãy bắt đầu ngay từ nơi bạn đang đứng, thay vì cứ loanh hoanh đi tìm kiếm một cái gì đó, một nơi lý tưởng đúng với tất cả mọi thứ.

. . .

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.