Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Đến bao giờ chúng con mới thôi nhớ về ngoại

Đến bao giờ chúng con mới thôi nhớ về ngoại

Posted on 04/04/202405/04/2024 by admin

Ngày… tháng… năm…là ngày mà ngoại đã chọn để rủ bỏ tấm thân bụi trần, gửi trả chiếc áo mà ông đã mượn ở cõi tạm này.

Đêm trước ngày đưa đi cấp cứu, ông vẫn khoẻ mạnh và dùng cơm chiều với con cháu vui vẻ. Rồi đến rạng sáng ông thức giấc với hơi thở nặng nhọc, ông được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.

– Mong bác sĩ giúp đỡ gia đình, cứ xài thuốc tốt nhất, không dùng bảo hiểm, gia đình đủ điều kiện để lo.

– Thật ra tuổi 91 ở cụ ông đã là thượng thọ rồi, nên gia đình cũng đừng quá đau lòng.

– Ừ thì 91 là tuổi trời rồi, nhưng người thân mình mà bác sĩ, biết là trước sau gì cũng sẽ phải vĩnh biệt, nhưng cứ hễ ngày nào còn thấy được thân hình đó thì ngày ấy còn yên tâm, còn thương, còn muốn níu giữ, còn chưa buông được.

Dẫu biết là đời người có sinh có bệnh có lão có tử, dẫu biết rằng không thể nào mong cầu ngoại sống mãi bên cạnh chúng con, nhưng mỗi cuối tuần đi đâu về, còn thấy ngoại ngồi đó, là còn cảm thấy bình yên và hạnh phúc. Cũng hiểu rằng ai rồi cũng già cũng bệnh cũng chết, nhưng do con vẫn không chấp nhận hay vẫn luôn cho rằng vô thường sẽ đến với một ai khác, chứ chẳng phải là con.

Và rồi ông đã không trở về nhà với con cháu trong hình hài người ông quen thuộc nữa. Ông đã qua đời ở tuổi 91.

Ngày ngoại ra đi, con không kịp nhìn mặt ngoại lần cuối. Khi con về đến nơi thì ngoại đã lạnh. Con chỉ kịp nhìn mặt ngoại dưới lớp khăn phủ lên mặt, bởi con sợ giây phút đó con sẽ run lên và không làm chủ được cảm xúc của chính mình.

Giây phút nhận được tin ngoại qua đời, con vẫn tự nhắc nhở bản thân phải bình tĩnh. Lần đầu nhìn di ảnh ngoại trên bàn thờ, con vẫn cảm thấy bàng hoàng dù đã chuẩn bị tinh thần nhiều thế nào đi nữa. Ngoại qua đời để lại trong con nhiều mất mát. Khi ngoại qua đời, dẫu biết rằng đã đến lúc ngoại phải bỏ cái thân già bệnh đó và ngoại đang tiếp nối trong các con. Nhưng sao con vẫn thấy trống vắng, mất mát và thương nhớ vô cùng. Bởi con biết rồi những ngày tháng sắp tới đây con sẽ không còn được nhìn thấy bóng dáng của ông nữa, không được nghe tiếng nói của ông không được ôm và chạm vào ông.

Ngày đưa ngoại đi, nhìn người ta đặt linh cửu ngoại xuống sâu lòng đất lạnh. Không một ai có thể cầm được nước mắt. Trời mưa lất phất, nước mắt và nước mưa hoà quyện vào nhau. Trong giây phút đó, tâm con chỉ duy nhất một ý nghĩ: Ngoại là đang ngủ, chỉ là một giấc ngủ dài mà thôi.

“Có rất nhiều cái cây đẹp ở Bear town. Đôi khi chúng tôi nói đó là vì một cái cây mới mọc lên mỗi khi chúng tôi chôn cất ai đó. Cũng vì vậy mà tờ báo địa phương luôn đặt thông báo về những ca sinh đẻ bên cạnh các cáo phó, như thể cây cũng như người, không bao giờ hết. Thật vô ích. Chúng tôi đâu có muốn một cái cây mới. Một con người mới. Chúng tôi chỉ muốn người cũ quay trở lại.” – Trích Bear Town 2.

Cuộc sống là một điều kì lạ. Con người chúng ta hầu hết dành thời gian của cả cuộc đời chỉ để mong muốn kiểm soát mọi khía cạnh của nó. Nhưng tiếc thay chúng ta vẫn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát. Ta không thể bắt mặt trời mọc lên vào ban ngày, không thể bắt thời gian một ngày phải có nhiều hơn 24 tiếng. Bởi đó vốn là quy luật của tự nhiên.

Ví như đời người vô thường, sinh tử vốn là quy luật của tự nhiên đất trời. Cái chết là một quy luật hiển nhiên, việc ta có chấp nhận hay không thì nó vẫn tồn tại. Là thứ mà con người dù cho có cố gắng hết sức, dù cho có dốc toàn lực như thế nào đi chăng nữa, chúng ta vẫn sẽ thua. Khi cái chết diễn ra, thì cuộc sống bình thường của những người ở lại sẽ trở nên dài hơn. Đôi lúc nó dài đến nỗi người ta sẽ chẳng còn biết được rằng họ đã xoá bỏ được nỗi đau đó hay họ chỉ đang quen với sự tồn tại của nó mà thôi.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: “Khi tưởng nhớ về cuộc đời một người mà ta thương mến, ta có khuynh hướng đóng khung sự hiện hữu của họ trong 2 mốc thời gian: “sinh ra và mất đi”. Ngày họ rời bỏ cuộc đời này, để lại trong ta một sự trống trải vô định, sự mất mát quá lớn.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng kể về giây phút ngừng lại tất cả mọi việc đang làm để quán chiếu một chiếc lá.

– Người hỏi chiếc lá: “Em có sợ mùa thu không, vì tới mùa thu, em sẽ phải rời cây?”

– Chiếc lá đáp: “Dạ không. Suốt mùa xuân, mùa hạ em đã sống rất đủ đầy. Em đã giúp cây hết lòng để cây được sống. Em thấy mình trong cây. Em thấy mình là cây. Em không phải là một chiếc lá. Khi em trở về đất, em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cây. Em chẳng có gì phải lo sợ. Khi em rời cành bay bổng trên không, em sẽ vẫy tay chào cây. Ta sẽ gặp lại nhau một ngày rất gần. Chiếc lá vừa nói xong thì một ngọn gió thoáng qua. Chiếc lá bay lượn nhẹ nhàng trước khi rơi xuống đất.

Trong Kinh Bụt có 2 dạng thái cực: Chấp thường và Chấp đoạn.

Chấp thường là cho rằng con người sẽ như vậy cho đến vô biên, không thay đổi trong tương lai. Chấp đoạn là cho rằng con người chết là không còn gì nữa.

Nhưng con đường Bụt dạy là con đường Trung đạo, thực tại không phải thường mà cũng không phải đoạn. Trước khi chết cũng vậy và sau khi chết cũng vậy. Khi nhìn thấy một người đang sống, đang hiện diện, ta phải nhìn họ với con mắt không thường không đoạn. Sau khi họ mất đi rồi mình cũng phải nhìn người kia với con mắt không thường không đoạn. Tuệ giác đó sẽ đem lại cho con người bình an, hạnh phúc, không tiếc nuối.

“Thân này không phải là tôi. Tôi không kẹt vào nơi thân ấy. Tôi là sự sống thênh thang. Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt.” – Sư ông

Trong kinh A Nậu La Độ, có một người ngoại đạo từng hỏi rằng: Sau khi Bụt qua đời, Bụt còn hay không còn? Và Bụt đã không trả lời, bởi Bụt không hề tồn tại trong những khái niệm, mệnh đề hay bất cứ khuôn khổ nào cả. Bụt chính là tiếp nối. Bụt luôn có ở trong mỗi chúng ta.

Vì con người không bao giờ chết cả và cũng chưa từng được sinh ra. Thế giới là một bể năng lượng, “năng lượng không sinh ra cũng không mất đi, chúng chỉ chuyển từ dạng này sang dạng khác”. Mỗi chúng ta là một cá thể cũng không khác một giọt nước, lúc ở trạng thái lỏng (sông, suối, sương), lúc ở trạng thái đặc (tuyết, băng) và lúc ở trạng thái khí (hơi nước, mây). Lỏng hay đặc thì có thể được nhìn thấy hay xúc chạm, còn khí thì vô hình nhưng không có nghĩa là không tồn tại. Mỗi kiếp sống, mỗi vòng đời là dịp để chúng ta học tập và tiến hoá.

Thiền sư No Ajahn Chan từng nói: “Sinh và tử là một, bạn không thể có cái này mà không có cái kia. Người ta buồn rầu than khóc khi ai đó mất đi và vui mừng nhảy múa khi ai đó được sinh ra. Thật khôi hài. Hãy khóc lóc đi khi ai đó được sinh ra, khóc cái gốc ấy, vì không có sinh thì sẽ không có tử. Thế nên đừng buồn khi có người mất, cái khổ của họ hết rồi. Hãy buồn cho người mới sinh ra, vì họ lại đến, lại chịu khổ và chết lần nữa.”

Chết là là bước vào vòng luân hồi sanh tử mới, để được tái sinh, nên hãy sống ngày hôm nay thật an lành, gieo yêu thương, cho đi niềm vui, cho đi nụ cười. Chẳng phải mỗi ngày bên trong cơ thể mỗi con người chúng ta cũng có hàng triệu, hàng tỷ tế bào chết đi và rồi cũng có hàng triệu hàng tỷ tế bào mới được sinh ra thay thế, bởi chúng phải chết đi, vì quá già cỗi với hình dáng và chức năng của mình.

Càng lớn lại thấy thời gian sao trôi đi nhanh quá. Càng không muốn những người thân phải rời xa mình. Ông bà, những kỉ niệm, cứ lần lượt rời xa, đọng lại trong con giờ chỉ còn là những kí ức. Tất cả chỉ còn lưu lại trong những bức ảnh đã ố vàng theo thời gian.

Không một ai có thể chống lại được sức mạnh của dòng chảy thời gian. Và cũng như “quá khứ” là thứ mà không một ai có thể níu giữ được. Rồi sẽ đến một lúc nào đó tất cả những gì ở hiện tại này đây đều sẽ trở thành kí ức của quá khứ. Đều sẽ không thể chống lại được sức mạnh của dòng chảy thời gian.

Nhưng vẫn biết ơn nhân duyên cuộc đời này cho chúng con được gặp ngoại, biết ơn khoảng thời gian vừa qua được bên cạnh ngoại như vậy là đã nhiều lắm rồi. Ông đã dạy cho chúng con biết thế nào là thiên thu trong khoảnh khắc. Chúng con biết chúng con sẽ còn nhớ ông nhiều lắm và lâu lắm nữa. Con nguyện giữ lại hình ảnh của ông, cái nắm tay của ông, và tất cả những khoảnh khắc chúng con được bên cạnh ông, để những khoảnh khắc ấy mãi mãi là thiên thu trong chúng con.

Và giờ đây con cũng hiểu rằng, ngoại không đi đâu cả, ngoại vẫn là một phần ở trong con, trong con có được sự tiếp nối từ ngoại. Con có quyền buồn, nhưng con không được khổ. Con có thể khóc thật nhiều, nhưng sẽ không để mình chìm đắm trong thương tiếc.

Ngoại đã dành cho con rất nhiều tình thương và tất cả vẫn rất đẹp vẹn nguyên và tròn đầy trong con. Con hiểu rằng, ngoại vẫn còn đó, ngoại đang có mặt khắp mọi nơi và con có thể cảm nhận được. Ngoại vẫn đang sống trong con. Ngoại đều có mặt trong mỗi tế bào của chúng con. Ngoại không bị giới hạn bởi bất kì hình hài nào. Cảm nhận rằng con đang nắm tay ngoại, cảm nhận rằng ngoại đang bước đi bằng 2 bàn chân của con. Mỗi khi nhớ ông, chúng con sẽ trở về và dõi theo hơi thở và bước chân chánh niệm để nhận biết được rằng ông đang có mặt trong chúng con.

Giờ đây mỗi khi bất an, con tập trở về với thân thể và hơi thở, thầm gọi ngoại ơi, để ngoại luôn có mặt trong con để yêu thương và giúp con đối diện với nỗi bất an đó.

Đời người sinh lão bệnh tử vốn là quy luật của thế gian. Ai rồi cũng già, cũng ốm đau, bệnh tật và cũng sẽ rời bỏ thế gian này. Thay vì trốn tránh sự thật ấy, tại sao ta không sống hết lòng cho hiện tại. Sống cho sâu sắc, hết lòng biết ơn và trân trọng trong giây phút này.

Rèn cho mình đôi mắt để nhìn người với một tình thương trọn vẹn. Rèn cho mình đôi tai để có thể lắng nghe những khổ đau bên trong chính mình và cả khổ đau của những người bên cạnh. Nếu mỗi ngày chúng ta biết sống trọn vẹn cho từng khoảnh khắc, thì có khi vô thường đến cũng sẽ không phải thốt lên 2 chữ “giá như”.

Biết đến bao giờ chúng con mới thôi nhớ về ngoại. Chắc sẽ còn lâu lắm.

Giờ đây mỗi lần gia đình ngồi chơi với nhau, chúng con lại kể rất nhiều chuyện về ngoại, chúng con cười thật vui vì trong trái tim chúng con luôn có ngoại. Tất cả chúng con đều thương ngoại. Ngoại đã sống một cuộc đời rất dài, đã phải trải qua quá nhiều khổ cực của một cuộc đời nghèo khó, cơ cực, ngoại đã vất vả quá nhiều trong suốt cuộc đời mình. Ngoại đã lại cho chúng con một gia đình với tình thương trọn vẹn. Bây giờ ngoại có thể nghỉ ngơi rồi. Ngoại sẽ sống mãi trong chúng con. Chúng con sẽ sự tiếp nối của ngoại.

Sự ra đi của ngoại giúp con thấm nhuần hơn về đạo lý vô thường. Điều mà con đã bở lỡ khi cô con mất vì căn bệnh u phổi. Lúc đó con không thể có mặt cho nỗi đau đó của mình. Con không biết cách để chữa lành và không biết làm thế nào để vượt qua.

Giờ đây con đã rèn luyện cho bản thân có mặt trong giây phút hiện tại để ôm ấp và chữa lành những nỗi đau này, cũng là để chữa lành cho những nỗi đau trong quá khứ. Chỉ khi học được cách ôm ấp nỗi đau mất mát thì mới có thể hiểu, làm lắng dịu và chuyển hoá được chúng.

Khổ đau giống như bùn, nếu biết sử dụng bùn để chăm bón cho cây, thì một mai cây sẽ lớn lên và đơm hoa làm đẹp cho đời. Tâm con người cũng vậy, luôn là một khu vườn chứa đựng những bông hoa vẫn luôn chờ một ngày đó được nở rộ.

“Có một lần mất mát

Mới thương người đơn độc

Có một thời khóc than

Mới hiểu đời đá vàng” – Đời đá vàng

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • Một đêm đen
  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (325)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (40)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.