Mặc kệ đời!
Làm sao để có thể bỏ ngoài tai những lời bàn tán từ người khác?
Giống như câu nói : “Mặc kệ miệng đời”, nói thì dễ nhưng làm sao có thể làm được điều đó.
Mạng xã hội và sự bùng nổ của sự vô ý thức trong phát ngôn và lời nói nên việc ngày càng có nhiều những anh hùng bàn phím xuất hiện. Tự nhiên không quen biết, không liên quan gì nhau mà người ta cứ thích ùa nhau bàn tán, phán xét, chỉ trích, đôi khi là buông lời cai độc, muốn nói gì nói, mặc kệ người ta có đau lòng khổ sở, tổn thương hay không.
Bản thân tôi cũng đã từng phải chật vật và mệt mỏi ra sao khi phải đối diện với những phán xét, chỉ trích từ người khác.
Nhưng sự thật cuộc đời nó đang là như thế. Hiện thực là như thế, nên ta không thể bắt cuộc đời phải thay đổi, ta không thể dẹp đi hay xoá bỏ nó được, điều duy nhất ta có thể làm là chọn cho mình một thái độ, một tư duy sống khác đi. Có thế thì đời ta mới bớt khổ được.
Nguyên tắc 1: Hiểu và chấp nhận bản chất của đời
Điều ta cần làm trước hết là ngừng oán trách, đổ lỗi mà hãy chấp nhận bản chất của nó.
Ai cũng có những khó khăn, ai cũng đều gặp phải những bất công giống nhau. Vì đời này là công bằng, may mắn, cơ hội, lựa chọn hay khổ đau của mỗi người là như nhau. Nên ở ngoài kia người ta, ai cũng có vấn đề với bản thân hết. Nhưng họ chỉ khác nhau ở cách nhìn nhận vấn đề mà thôi.
Người thì chịu bất công trước nay nên muốn đổ hết mọi tiêu cực lên đầu người khác. Họ cho rằng làm như vậy thì đời họ sẽ bớt khổ. Vì ít ra cũng có người khổ giống mình.
Người thì ganh tức khi người khác may mắn và có được nhiều thứ hơn mình. Người thì rảnh quá không có việc gì làm, góp vui , gây sự để có thể hoà nhập vào cộng đồng, theo kịp trend của thời đại.
Thế giới gần 8 tỷ người thì có 8 tỷ góc tối khác nhau, vì ai trên đời này cũng có góc tối và chốn sáng hết, không có ngoại lệ. Tôi cũng vậy, bạn cũng vậy.
Họ làm vậy là vì bản thân họ chứ chẳng có liên quan gì tới mình. Họ sẽ chẳng quan tâm mình vật vã ra sao, con người mình như thế nào, có thật sự giống như họ nói hay không.
Họ chỉ hại người một cách vô tình theo quán tính thế thôi, để lấp đầy sự trống rỗng và tạm quên nỗi đau của họ. Chỉ có mình là người cứ ôm đồm và sống trong nỗi đau mà thôi.
Vậy nên bạn cũng đừng đau khổ và tự trách bản thân, rằng tại sao họ lại đối xử với bạn như vậy. Bởi không phải bạn thì cũng sẽ là một người khác, một người cũng chung vấn đề giống như bạn. Đó là việc tất yếu mà ai cũng sẽ phải gặp trên hành trình của cuộc đời này.
Thay vì oán giận và đổ lỗi, sao bạn không thẳng thắn đối diện, nhìn nhận chúng với một thái độ tích cực hơn. Hãy xem những lời chỉ trích ấy như một lời nhắc nhở để ta tự kiểm điểm lại bản thân mình. Xem ta còn những khuyết điểm nào cần cải thiện. Đâu là những điểm mạnh, những giá trị mà bản thân thật sự đang có được.
Khi đã có thể tự phản tư rồi, thì hãy cứ tiếp tục mạnh mẽ và bước đi, vượt qua chúng, vượt qua những lời chỉ trích. Bỏ nó thêm vào hành trang để đi tiếp.
Nguyên tắc 2: Dành thời gian để thấu hiểu chính mình
Hiểu nút thắt và ngòi nổ của chính mình.
Đôi khi những lời người khác nói không đến nỗi là quá đáng hay xúc phạm gì đến bạn, mà có khi là do những câu nói đó vô tình chạm vào những nút thắt, những góc khuất bên trong mà bạn đang cố tìm cách che giấu. Để khi có người nào đó vô tình chạm vào ngòi nổ đó, thế là bạn nổ tung, không vì lý do gì cả, mà vì họ đã vô tình chạm vào nỗi đau của bạn.
Vậy nên giải pháp ở đây là dành thời gian để tìm hiểu chính mình.
Bạn có đúng như những gì họ nói hay không? Tại sao bạn lại tức giận? Vì họ nói đúng vào điểm yếu, những vấn đề của bạn. Hay vì họ buộc bạn phải đối diện với những nỗi sợ mà bấy lâu nay bạn đang tìm cách để trốn chạy.
Hãy dành ra thời gian để ngồi lại và đối diện với chính mình. Tôi là ai? Tôi đang có những vấn đề gì? Tôi đang lo sợ điều gì? Tôi có những khuyết điểm nào cần phải khắc phục? Đâu là những điểm mạnh mà tôi cần phải phát huy?
Bản thân tôi chọn cho mình một thái độ tích cực khi đối diện với những lời nhận xét và góp ý từ người khác. Khi tiếp nhận một lời góp ý từ người khác, tôi sẽ bình tĩnh và phân tích xem nếu bản thân tôi đúng như những gì họ nói thì tôi sẽ xem đó là lời nhắc nhở để mình có cơ hội được thay đổi và tiến bộ hơn.
Còn nếu đó là lời nhận xét chủ quan, trong khi họ chẳng biết gì nhiều về tôi, tôi sẽ chọn cách bỏ qua và cứ tiếp tục sống cuộc đời mình.
Áp dụng quy tắc 80/20 khi đối mặt với những lời phế bình tiêu cực. Họ chỉ biết về tôi 20, còn lại 80 con người bên trong tôi thì họ không biết được. Họ hoàn toàn không hiểu gì về tôi, vậy nên những điều họ nói không hoàn toàn là đúng.
Vậy đi nha! Đời nói gì kệ đời, hơi đâu mà để ý bạn nhỉ.