Gửi đến mẹ, con từng là một đứa trẻ không hiểu chuyện.
Mấy mươi năm trời ba mẹ tôi sống với nhau là những chuỗi ngày khó khăn và vất vả, ba mẹ tôi kết hôn và lập nghiệp với 2 bàn tay trắng, kinh doanh thất bại. Khi sinh tôi và chị ra, gia đình lúc đó rất nghèo, nghèo đến nỗi phải ở đậu trên đất của ông bà ngoại. Có lẽ điều đó đã làm nên áp lực về tâm lý và sự khó tính của mẹ tôi sau này.
Mẹ tôi là kiểu mẫu người phụ nữ truyền thống, người phụ nữ của gia đình. Thỉnh thoảng tôi và mẹ cãi nhau, cả hai giận hờn triền miên. Thật ra điều đó càng thể hiện rằng người phụ nữ hy sinh cả đời để lo cho chồng cho con đã phải vất vả và thiệt thòi ra sao.
Khi lớn lên, tôi dần rời xa vòng tay gia đình, bước chân ra ngoài và bắt đầu sống tự lập, những bữa cơm với gia đình cũng thưa dần. Áp lực công việc, những khúc mắc từ những mối quan hệ bên ngoài khiến tôi dần trở nên khó chịu và cáu kỉnh với mẹ mỗi khi mẹ than phiền hay muốn tâm sự điều gì đó.
Nhiều lúc tôi đang cáu kỉnh và khó chịu, mẹ cầm điện thoại sang hỏi tôi: “Tại sao mẹ muốn vào mục này, nhưng tìm hoài không được, mẹ muốn gõ chữ này thì phải gõ ra làm sao?”Có vậy thôi mà tôi cũng cáu được. Rồi mẹ giận, mẹ chẳng buồn hỏi nữa.
Khi chúng ta lớn lên, chúng ta may mắn được đi nhiều nơi hơn ba mẹ, biết được nhiều thứ hơn ba mẹ. Vậy là ta tự cho mình là đúng, rằng ba mẹ là lạc hậu, cổ hủ chẳng hiểu mình. Ta tự cho mình cái quyền được quyết định mọi thứ, được tự lập, được thoải mái làm những điều mình muốn mà chẳng cần bị một ai kiểm soát.
Ngày bé thế giới trong tôi là muôn điều lạ lẫm, tôi có rất nhiều câu hỏi, có thể hỏi cả ngày và ba mẹ luôn là những người sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc cho tôi. Vậy mà giờ đây, chỉ một gặp một vài áp lực, chút xíu khó khăn của cuộc sống, chỉ một vài câu hỏi nhỏ của mẹ mà tôi lại trở nên cáu gắt và khó chịu.
Thỉnh thoảng mẹ kể tôi nghe, ngày xưa cha và mẹ gặp nhau thế nào, rồi cưới nhau ra sao. Sau khi sinh tôi và chị, cuộc sống đã phải vất vả và khổ cực đến nhường nào.
. . .
Ngày thi tốt nghiệp xong, tôi dọn đồ lên Cần Thơ để tìm trọ, chuẩn bị cho kì ôn luyện thi đại học.
Mẹ dặn dò tôi đủ thứ, phải mang theo thứ này, mang theo thứ kia, sợ tôi đi lạc, sợ tôi gặp chuyện …lúc đó tôi chỉ muốn đi thật nhanh, vì thấy mẹ lo nghĩ nhiều quá.
Mà lúc đó tôi thật ích kỉ, tôi chỉ muốn được đi thật xa, thật nhanh, để không phải nghe những lời cằn nhằn của mẹ. Nhưng tôi không hề nghĩ rằng, khi tôi đi, căn nhà sẽ trở nên trống trải, chỉ còn ba và mẹ. Những nỗi lo âu, những điều cần tâm sự mẹ chẳng thể nói cùng ai.
Ở tuổi ba mẹ, tôi chưa bao giờ được nghe họ nói về ước mơ của họ. Có lẽ cái gọi là ước mơ đó vốn chẳng hề tồn tại trong mẹ. Đối với mẹ ước mơ có lẽ là việc dành cả đời để lo cho chồng cho con, chăm từng bữa cơm, giấc ngủ.
Tuổi 20 ta tập trung dành hết thời gian cho sự hướng ngoại và kết nối từ bên ngoài, mải mê đi tìm kiếm giá trị của bản thân bằng sự công nhận của những người xung quanh. Cũng chính vì mãi mê chạy theo những điều lớn lao. Mãi mê tìm kiếm sự công nhận từ bên ngoài mà ta lại quên mất đi việc dành thời gian cho gia đình.
Chúng ta bận rộn và bị cuốn vào nhịp sống hối hả ngày nay, smartphone, mạng xã hội giờ đây trở thành gia đình ảo của ta. Ta bị cuốn vào những cuộc vui, những mối quan hệ bên ngoài, thậm chí về đến nhà rồi tay vẫn cầm khư khư chiếc điện thoại. Mẹ hỏi, miệng trả lời, nhưng mắt vẫn dán chặt vào điện thoại.
Ấy vậy mà mẹ cũng chẳng buồn giận, vẫn ngồi đó và kiên nhẫn đợi câu trả lời. Bởi điều mẹ cần chẳng phải là những câu trả lời cho những câu hỏi của mẹ, điều mẹ cần là nhìn thấy con mình ngồi đó là đã đủ vui rồi.
Bao lâu rồi ta không dành thời gian để ở cạnh gia đình, đúng hơn là dành trọn vẹn thời gian để ở cạnh ba mẹ.
Thế hệ của chúng ta và ba mẹ cách nhau quá xa, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội như ngày nay, thì việc ba mẹ không thể theo kịp những xu hướng, không thể nắm bắt được công nghệ là chuyện bình thường. Vậy nên việc hai thế hệ không thể có chung tiếng nói, không thể hiểu nhau là việc đương nhiên.
Cha mẹ nào cũng yêu thương con mình, cũng đều mong muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Mọi sóng gió khó khăn hãy để phần của ba mẹ, con cứ việc lớn lên với một tuổi thơ bình an và đủ đầy.
Ta luôn than trách rằng tại sao ba mẹ không hiểu con. Nhưng có bao giờ ta ngồi lại để tự hỏi chính mình: Vậy ta có đang hiểu ba mẹ hay không?
Hay có lẽ phải đợi đến sau này, khi chúng ta đã lập gia đình, rồi sinh con, chúng ta phải trải qua việc nuôi lớn một đứa trẻ là vất vả như thế nào, khi ấy ta mới có thể hiểu được hết nổi lòng của người làm cha làm mẹ.
8.3 năm nay con không tặng mẹ những bông hoa hay món quà giá trị, con tặng mẹ những bữa cơm, những giây phút có thể rời khỏi chiếc điện thoại, rời khỏi thế giới internet, chỉ để ngồi cạnh mẹ và lắng nghe những câu chuyện: chuyện của cô hàng xóm, chuyện của chị gái nhà cạnh bên, chuyện mẹ giận ba như thế nào, mẹ buồn ra sao….hay bất cứ câu chuyện nào mà mẹ muốn kể, con sẽ đều lắng nghe.
Bởi con biết rằng, điều mẹ cần chẳng phải là một lời khuyên hay giải pháp nào cả, điều mẹ cần là có người ở cạnh và sẵn sàng lắng nghe.
(Bài viết được trích từ: ” Một cuốn sách về trò chuyện bằng an”)