Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
giá trị của bản thân

Vấp ngã, thất bại, mất mát thì sao? Giá trị của bạn nằm ở đâu?

Posted on 04/08/202304/08/2023 by admin

Một câu chuyện nổi tiếng tờ 20 đô la và bài học đáng ngẫm về giá trị con người.

“Trong hội trường gồm 200 sinh viên, vị diễn giả nổi tiếng bắt đầu buổi nói chuyện bằng cách đưa ra một tờ 20$ và hỏi: “Ai muốn có tờ 20$ này?”

Cả 200 cánh tay đều giơ lên. Vị giáo sư lại nói: “Tôi sẽ đưa tờ 20 đô la này cho 1 người trong số các em. Nhưng trước tiên, hãy để tôi làm điều này.” Nói rồi, ông vò nát tờ 20 đô la.

Sau đó, ông lại hỏi: “Ai vẫn còn muốn tờ 20 đô la này?” Vẫn còn rất nhiều những cánh tay đưa lên.

Vị giáo sư nhìn một lượt căn phòng và nói: “Vậy nếu tôi làm thế này?” Ông thả tờ tiền xuống mặt đất và đạp lên nó, rồi sau đó nhặt tờ tiền lên – lúc này đã nhàu nát và dơ bẩn – rồi lại hỏi: “Nào, còn ai muốn tờ tiền này?”

Vẫn còn những cánh tay giơ lên trong lớp học.

Tôi vừa chia sẻ với các bạn một bài học quan trọng, cho dù tôi làm gì với tờ tiền thì bạn vẫn muốn lấy nó. Bởi vì giá trị của nó vẫn không hề thay đổi, giá trị của nó vẫn không hề bị giảm bởi vì nó bị bẩn hay bị nát. Nó vẫn là tờ 20$ phải không nào.

. . .

Đã nhiều lần trong cuộc đời này, chúng ta gặp thất bại, chúng ta bị bỏ rơi, cuộc sống xô đẩy làm chúng ta ngã xuống và bị vấy bẩn.

Và rồi chúng ta cảm giác như mình vô dụng, tự gán cho chính mình là thất bại và tệ hại đến nhường nào. Chỉ một vài thất bại nhỏ mà ta đã vội vàng kết luận rằng bản thân không có giá trị. Ta đánh mất đi sự tự tin, mất luôn cả niềm tin vào chính mình.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương từng nhận định: “Giá trị bản thân không nằm ở những gì ta cố khoác vào mà nằm ở những gì nội lực bên trong tỏa ra”.

Khi thấy ai đó thành công, tài giỏi, giàu có, ta cho rằng họ xứng đáng có được cuộc sống như thế. Rồi khi ta gặp một ai đó thất bại thì ta mặc định gán ghép rằng họ kém cỏi và bất tài. Nhưng giá trị của mỗi người không nằm ở vẻ ngoài, ở những gì người khác nghĩ về ta, mà nó xuất phát từ những gì thuộc về bản chất.

Đức Phật cũng từng nói: “Bạn chính là những gì bạn nghĩ “.

Suy nghĩ rất quan trọng, nó ảnh hưởng lớn lao lên cuộc đời mỗi người. Vậy nên hãy lấp đầy tâm trí bằng những ý nghĩ về ước mơ, hoài bão, những suy nghĩ tích cực, dần dần bạn sẽ thấy mình đi đúng hướng và nhận ra được giá trị của bản thân.

. . .

Trong 20 năm đầu đời, tôi tin rằng để có được một cuộc sống tốt, thành công và hạnh phúc thì tôi phải chạm đến những dấu mốc quan trọng.

Ví dụ như 12 năm phổ thông nhất định đều phải đạt được danh hiệu học sinh giỏi. Khi học hết trung học phổ thông thì nhất định phải thi đậu đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học nhất định phải xin được một công việc ngay lập tức. Và trước 30 tuổi tôi nên kết hôn. Kết hôn xong rồi thì tôi phải có con, rồi sau đó sẽ dành thời gian để chăm sóc cho gia đình con cái.

Và cứ thế như một lẽ bản năng, tôi miệt mài lao vào cuộc đua đường dài về cái chuẩn chung của xã hội. Suy nghĩ của người khác quyết định cái định nghĩa của tôi về cuộc đời.

Như Osho từng nói:

“Con người sống cả đời bằng niềm tin vào những điều người khác nói, phụ thuộc vào người khác. Đó là lý do vì sao mọi người rất e ngại ý kiến của người khác. Nếu mọi người cho rằng bạn xấu xa, nhất định bạn phải là kẻ xấu xa. Nếu họ buộc tội bạn, bạn bắt đầu buộc tội chính mình.”

Bố mẹ nói bạn thông mình, bạn nghĩ là mình thông minh. Bạn bè nói bạn tốt bụng, bạn nghĩ là mình tốt bụng. Đối thủ nói bạn bất tài, bạn nghĩ là mình bất tài vô dụng.

Khi có nhiều vấn đề nảy sinh, ta lại càng bị phụ thuộc nhiều vào ý kiến của người khác. Càng nhiều ý kiến trái ngược nhau, thì bên trong ta lại càng trở nên mâu thuẩn. Để rồi ta trở nên hoài nghi về chính mình, hoài nghi về bản chất và giá trị thật sự của bản thân.

Bên trong chúng ta có nhiều tiếng nói, và không ngừng phát ra những câu hỏi:

Mình là ai? Mình là những gì gia đình bố mẹ nói? Hay là những lời giáo viên nói? Hay thậm chí mình có phải là người giống như bạn bè nói hay không?

Càng có nhiều mối quan hệ, chúng ta lại có càng nhiều khái niệm về bản thân mình. Và rồi không biết đâu là câu trả lời chính xác. Làm sao đây? Tiêu chí nào để xác định điều này? Tiêu chí nào để xác định giá trị thật sự của một con người đây?

Khi càng tìm hiểu thì lại càng trở nên sợ hãi, bởi ta nhận ra tất cả những giá trị mà trước nay ta gán vào chính mình đều đến từ người khác, chưa hề có một giá trị nào là của chính ta tạo nên. Ta trở thành một con số 0 tròn trĩnh, bên trong hoàn toàn trống rỗng.

Osho gọi đây là những con người bị mất phương hướng, nơi con người trở nên hoàn toàn mù tịt về chính mình.

Trong truyền thuyết Cơ đốc giáo gọi đây là “đêm tối của tâm hồn”. Bạn phải trải qua đêm tối đó, rồi bạn sẽ nhìn thấy bình minh. Mặt trời mọc lên, và lần đầu tiên con người hiểu được chính mình. Ngay từ tia sáng đầu tiên, tất cả sẽ được hoàn thiện và lấp đầy.

Tôi cho rằng cuộc đời con người thì ai cũng vậy thôi, thế nhưng khi càng lớn lên, càng đi nhiều, trải nghiệm nhiều, nhìn thấy nhiều, tiếp xúc với nhiều người và trải qua nhiều biến cố thì khái niệm cuộc đời tôi cũng dần thay đổi.

Tôi nhận ra một điều, rằng không có công thức chung cho cuộc đời của bất kì ai cả.

Nếu bạn không đỗ đại học điều đó hoàn toàn bình thường. Bạn phỏng vấn rất nhiều lần mới tìm được công việc phù hợp, cũng không sao. Bạn muốn độc thân, không muốn gò bó với cuộc sống hôn nhân điều đó cũng không có gì sai, đó đều là lựa chọn của bạn.

Ai rồi cũng sẽ rơi vào những lúc hoang mang mất phương hướng như thế. Điều đó là hoàn toàn bình thường, bạn không sai, và điều đó cũng không tồi tệ như bạn nghĩ.

Phải trải qua được đêm đen thì mới có thể nhìn ngắm được hết vẻ đẹp của ánh bình minh rực rỡ. Đôi khi phải trải qua đau khổ, cay đắng thì con người ta mới hiểu và quý trọng nhiều điều, mà nếu như sống một cuộc sống êm đềm hạnh phúc chắc không thể nhận ra được.

Cuộc đời này là của bạn. Đích đến nằm trong tay bạn, trong những lựa chọn của bạn, bạn không cần phải tới đích nhanh chóng hay chạy đua với một ai khác.

Cuộc đời không có một công thức chung cho một ai cả, vì thế không bao giờ là quá sớm hay quá muộn để thực hiện ước mơ và tìm hiểu về chính mình. Thời điểm thích hợp nhất hoàn hảo nhất đó là thời điểm bạn quyết tâm thực hiện nó.

Bạn biết không, giá trị là cái bất biến. Bất cứ điều gì xảy đến với cuộc đời bạn đều sẽ không làm bạn mất đi giá trị.

Giá trị không phụ thuộc vào những thành tích hào nhoáng như: của cải, vật chất, bằng cấp hay trình độ. Giá trị cũng sẽ không mất đi dẫu cho bạn có bao nhiêu lần thất bại hay bị đời vùi dập đi chăng nữa. Giá trị sẽ vận vẹn nguyên. Cũng giống như tờ tiền kia, bất kể bẩn thỉu hay sạch sẽ, nhàu nhĩ hay thẳng thớm, giá trị của tờ tiền vẫn không thay đổi.

Đã bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi: Những gì bạn đang làm có phải là những gì bạn đang muốn? Chúng có mang lại cho bạn niềm vui hay không? Chúng có cho phép bạn được là chính bạn hay không? Hay bạn chỉ làm nó giống như một chiếc máy tính chạy theo một hệ điều hành đã được cài đặt sẵn. Rồi từ từ bạn thấy đam mê của mình nguội lạnh, bạn quên mất mình là ai.

Một câu chuyện ngụ ngôn:

Một ông lão người da đổ nói với cháu trai mình.

Trong thân thể mỗi người đều có hai con sói, chúng luôn tàn sát lẫn nhau. Một con sói đại diện cho sự căm phẫn, ghen ghét, kiêu căng, sợ hãi. Con còn lại đại diện cho sự ôn hòa, lương thiện, lòng biết ơn, niềm hi vọng, nụ cười và tình yêu.” Trong cháu cũng có 2 con sói đó và trong tất cả mọi người đều như vậy.

Cậu bé sốt ruột hỏi ”Vậy con sói nào mạnh hơn, con sói nào sẽ chiến thắng?“

Ông lão trả lời: “Con mà cháu nuôi nấng, con sói nào cháu chăm nó, cho nó ăn và yêu thương nó thì con sói đó sẽ chiến thắng.”

Tôi nghĩ rằng mình cũng như vậy thôi, trong mỗi chúng ta đều có 2 con sói, luôn luôn sẽ có 2 phe đối lập. Bên trong chúng ta luôn có đầy đủ những giá trị. Đó là những hạt giống, hạt giống yêu thương, hạt giống từ bi, hạt giống trí tuệ, hạt giống tư duy. Bên cạnh đó cũng có những hạt giống như tiêu cực, sợ hãi, ghen ghét, đố kỵ.…và cánh đồng thì có ở khắp mọi nơi, nhưng quan trọng là chúng ta chọn hạt giống nào và quyết định gieo trồng chúng ra sao.

Đôi khi ta gặp những khó khăn thất bại trong cuộc sống, nó giống như những mảnh đất khô cằn, những hạt giống lành bên trong ta không thể sinh sôi và phát triển được. Điều chúng ta cần làm là khả năng nhận biết được những hạt giống đang có bên trong ta. Biết cách để thử rải lại những hạt mầm mới, thì cuộc đời của chúng ta rồi sẽ đi theo cái cách mà chúng ta muốn.

Tâm của ta hướng về phương nào, thì đó chính là con đường tương lai của ta.

Có lẽ cuộc đời này là đại dương mênh mông mà ta rong ruổi đi tìm những câu hỏi mình đáng giá bao nhiêu, mong muốn biết được giới hạn và giá trị của bản thân đến nhường nào.

Cơ hội và thành công đều là vô hạn, sẽ luôn có đầy đủ cho những ai thật sự cố gắng kiên trì và quyết tâm chinh phục.

Giá trị bản thân ta cũng vậy, sự hữu hạn chỉ là do chính ta tạo ra mà thôi.

. . .

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • Một đêm đen
  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (325)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (40)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.