Người hùng thường là khái niệm để chỉ các nhận vật trong thần thoại hay lịch sử, sẽ đối mặt với nguy hiểm và nghịch cảnh, bằng lòng dũng cảm và ý chí kiên cường, thậm chí không ngại hy sinh thân vì lợi ích chung của dân tộc hay nhân loại.
Ngày nay, khái niệm “Người hùng” không còn giới hạn trong thời chiến, mà còn để chỉ những cá nhân có những hy sinh, những hành động dũng cảm vì người khác ngay trong thời bình. Họ thường được các phương tiện truyền thông tôn vinh là người hùng giữa đời thường.
Những khái niệm trên đều định nghĩa người hùng trong mối tương quan với tha nhân. Nhưng giờ đây ta còn có có thể xem xét khái niệm người hùng dưới một góc độ khác: trong mối tương quan với chính mình.
Nhà tâm lý trị liệu David Richo cho rằng: “Người hùng là người vượt qua được cái tôi nhỏ bé, vốn vẫn luôn chi phối tâm trí con người. Cái tôi nhỏ bé được nhận diện qua 4 đặc trưng: sợ hãi, bám luyến, kiểm soát và đòi hỏi.”
Là con người, chúng ta cũng đều sẽ sợ hãi một thứ gì đó, luôn tìm mọi cách để bám víu vào một mối quen thuộc để có được cảm giác an toàn, luôn đòi hỏi và mong muốn kiểm soát mọi thứ diễn ra xung quanh cuộc sống của mình. Người hùng là người mà tâm hồn họ đã không còn vướng bận vào những điều như thế.
Nhà tâm lý học phân tích James Hollis quan niệm: “Nguyên mẫu người hùng có mặt trong tất cả chúng ta. Nó là một năng lực thiên bẩm giúp người ta có được năng lượng đáp ứng trước cuộc sống, giúp kêu gọi được sức mạnh để đối diện với sợ hãi và đau đớn.”
Trong mỗi chúng ta đều luôn tồn tại một người hùng, ví như khoảnh khắc chúng ta có đủ sự cam đảm để chiến thắng cái tôi nhút nhát và yếu đuối, đủ sự dũng cảm để vượt qua khó khăn, thử thách trở thành một người tự tin và mạnh mẽ hơn.
Theo Campbell thì nguyên mẫu người hùng thường hay có một xuất thân khác thường. Trong bối cảnh cuộc sống yên bình và tẻ nhạt thường ngày.
Trong cuốn sách nghiên cứu thần thoại “ Người Hùng Mang Ngàn Gương Mặt”, Joseph Campbell đã chỉ ra rằng, mọi thần thoại trên thế giới đều xây dựng nhân vật người hùng dựa trên hành trình phiêu lưu đầy thử thách, khi nghe thấy tiếng gọi siêu nhiên, sự mời gọi đương đầu với thử thách, mời gọi bước vào cuộc sống mới mẻ, dấn thân vào những thử thách, thử thách từ chính mình, thử thách từ môi trường xung quanh, người hùng có thể sợ hãi và từ chối đón nhận.
Nhưng rồi, khi lắng nghe tiếng gọi từ nội tâm sâu thẳm, người hùng sẽ chấp nhận bước vào hành trình phiêu lưu mà định mệnh mang tới cho mình. Sau vô vàn khó khăn vất vả, thành công có, thất bại cũng có, đối mặt với cuộc chiến, chiến đấu oanh liệt, vượt qua được những trở ngại, và giành được chiến thắng, làm chủ được sự sống. Người hùng vượt qua được tất cả và nhận được phần thưởng là kho báu. Đó là những bài học rút ra được từ hành trình, là linh hồn bản dạng bên trong được đánh thức, thấy được sứ mệnh lớn lao là trao đi và phụng sự cuộc đời.
Đây là biểu tượng cho mô thức chung của sự sống.
Giống như Đức Phật, hay Chúa Giê Su đều có chung một mô hình biến đổi cơ bản.
Nhận được dấu hiệu mời gọi đương đầu thử thách, từ bỏ cuộc sống đời thường, bước chân vào một đời sống mới với những khó khăn thử thách, đầy hiểm nguy và cám dỗ, đối mặt với những nỗi sợ của bản thân, thất vọng, suy sụp, rồi giác ngộ, thức tỉnh và vực dậy với một năng lực mới.
Hành trình của anh hùng là một phép ẩn dụ cho sự phát triển về cá nhân. Là vòng lặp của những thử thách và biến đổi.
Nhà thần thoại học viết rằng: “Trong hang động tăm tối khiến bạn sợ hãi chùn bước, chứa đựng kho báu mà bạn đang kiếm tìm.”
Chỉ đến khi con người, có được con mắt biết nhìn ra vẻ đẹp của đời sống trong mọi hình thái khác nhau, trong những điều tưởng chừng như bình dị nhất, thậm chí kẻ cả khi đứng trước khổ đau, để tìm thấy được giá trị bên trong chính mình.
Và chúng ta cũng vậy, hành trình trở thành một “người hùng” sẽ bắt đầu khi ta sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn của mình.
Vùng an toàn là nơi giúp ta có đủ sự tự tin để kết nối bản thân. Nhưng cũng chính sự an toàn và ổn định đó sẽ giữ ta kẹt lại trong những giới hạn, và nếu ta nán lại quá lâu, đồng nghĩa với việc ta từ chối những cánh cửa dẫn đến một tương lai tốt đẹp hơn, từ bỏ đi những cơ hội để bản thân có thể phát triển.
Bên trong vùng an toàn mang lại cảm giác quen thuộc và dễ chịu, thế nên chúng ta thường lo sợ với những gì bên ngoài vùng an toàn. Bởi nó đầy rẫy những rủi ro, những điều xa lạ mà trước giờ ta chưa từng thấy và thử. Khi bước chân ra khỏi vùng an toàn đồng nghĩa với việc mọi trật tự quen thuộc trước giờ sẽ bị phá bỏ.
Bước tiếp thì không biết thứ chờ đợi ta ở ranh giới bên kia là gì. Còn mãi dậm chân tại chỗ, mãi ở trong vùng an toàn thì cũng không phải là một lựa chọn sáng suốt, ta sẽ mãi chẳng bao giờ biết được bản thân sẽ có thể phát triển được tới đâu. Bởi sẽ không có sự phát triển nào diễn ra bên trong vùng an toàn cả.
Chúng ta buộc phải liều lĩnh bước ra thế giới bên ngoài nếu muốn khám phá xem khả năng, bản lĩnh thật sự của mình có thể vươn xa được đến đâu.
Nỗi sợ bước ra khỏi vùng an toàn thường đến từ việc bản thân phải đối diện với những điều mới mẻ, một lựa chọn mới, mang tính chất quyết định cả cuộc đời ta. Hay đôi khi ta dễ có cái nhìn phiến diện và tiêu cực.
Ta sợ chọn sai, sợ thất bại. Chúng ta không muốn đối mặt với những sự thật đáng thất vọng về mình như vậy. Nhưng né tránh cũng không phải là cách, càng né tránh sẽ càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Nhưng thực tế thì không hẳn là như thế, bởi lẫn trong sự mơ hồ và hoang mang tìm ẩn những rủi ro đó còn kèm theo những cơ hội mới nữa.
Có thể là cơ hội để bản thân ta có được một bước tiến xa hơn. Đôi khi quyết định bước chân ra khỏi vùng an toàn, cũng chính là bước ngoặt thay đổi cả số phận và cuộc đời ta. Đưa cuộc đời ta bước sang trang mới tươi sáng và tốt đẹp hơn thì sao.
Cuộc phiêu lưu ra bên ngoài vùng an toàn chắc chắn sẽ mang đến cho ta nhiều thử thách, buộc ta phải đối diện với những việc mình chưa từng làm. Nhưng chính những thử thách ấy sẽ giúp ta phát triển được năng lực của bản thân.
Ta sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn, nhiều kỹ năng hơn, nhiều hiểu biết hơn, không phải chỉ về thế giới xung quanh mà còn về chính bản thân mình nữa. Và cứ mỗi lần bước qua được một thử thách, chinh phục được một giới hạn mới là vùng an toàn của ta lại được mở rộng thêm.
Thất bại ở lần xin việc đầu tiên, không có nghĩa là cuộc đời ta sẽ kết thúc tại đó. Nó có thể khiến ta thất vọng, nhưng nó sẽ giúp ta rút ra được nhiều bải học kinh nghiệm rằng bản thân cần cố gắng trao dồi nhiều thêm. Và có thể phải thất bại thêm vài lần nữa, nhưng sẽ tìm được cách tự đỡ mình dậy, kiên cường bước tiếp và biết đâu lúc ấy ta mới tìm được cho mình một công việc như ý thì sao.
Cứ như vậy, một lần, rồi thêm một lần nữa, khả năng của ta càng thêm cải thiện, khiến ta từng bước trở thành một phiên bản trọn vẹn hơn của chính mình.
Bước ra khỏi vùng an toàn, đối diện với những khó khăn thách thức, để phát triển và quay trở về bên trong với một phiên bản mới. Rồi lại nhận thấy bản thân cần tiếp tục phát triển, mỗi khi có một hành trình mới mời gọi, và cứ tiếp tục chuỗi những vòng lặp như vậy ta gọi đó là vòng lặp của người hùng. Vòng lặp tạo nên sự trưởng thành.
. . .
Khoảnh khắc tôi đăng bài viết đầu tiên trên Blog của mình có thể nói là một dấu ấn khi tôi đã dám bước chân ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
Giờ nghĩ lại tôi vẫn không tin vào chính mình, vì thời điểm ấy đã dám đưa ra một quyết định điên rồ đến vậy. Bởi thời điểm đó tôi phải đấu tranh với vô số những nỗi sợ, sợ không đủ giỏi, sợ bản thân không có năng lực, sợ thất bại, sợ bị chỉ trích, sợ những điều mình làm không có gì mới mẻ.
Có thể đối với nhiều người, việc ấy chẳng phải là gì to tát. Nhưng với một đứa hướng nội và nhạy cảm với những lời khen chê, nhận xét thì đó là một bước tiến lớn đối với tôi khi đó.
Mặc dù những bài viết đầu tiên không được nhiều người quan tâm, không nhận được nhiều sự tương tác và bình luận (có thể chưa thành công mấy). Nhưng nhờ việc đảm nhiệm toàn bộ quy trình từ việc lên kế hoạch, lập chiến lược, tự thiết kế website, tự sản xuất nội dung, mà tôi phát triển được thêm nhiều kỹ năng mới. Từ kỹ năng viết đến khả năng tư duy sắp xếp và trình bày thông tin một cách rõ ràng và mạch lạc hơn. Cách edit, biên tập và chỉnh sửa nội dung cho một bài viết.
Tôi cảm thấy như đã khám phá ra được những giới hạn mới của bản thân. Tôi bắt đầu có niềm tin nhiều hơn vào chính mình.
Nhưng rồi niềm tin đó chẳng tồn tại được bao lâu. Tôi lại phải đối diện với những vấn đề mới. Sự phát triển ngày càng nhanh của nền tảng công nghệ video ngắn, cùng với lượt truy cập bắt đầu giảm, sự quan tâm của mọi người không còn nhiều như lúc đầu. Tôi cũng bị bó hẹp trong một ngách nội dung quá nhỏ, khó có thể thu hút hoặc chạm đến nhiều người.
Mất động lực, mất niềm tin vào chính mình, bản thân không còn nguồn cảm hứng để viết. Tôi thấy mình lại mắc kẹt trong một vùng an toàn mới. Và đó là dấu hiệu cho tôi biết mình cần phải thay đổi.
Tự nói với chính mình, chỉ cần trao đi giá trị mỗi ngày, đâu cần phải so sánh bản thân với bất kì ai. Mình chỉ thể hiện sự hiểu biết qua hình thức viết mà thôi. Có thể ngày này xu hướng công nghệ là nền tảng video, nên có thể nhiều người sẽ tập trung vào những nền tảng đó để sáng tạo, mà bỏ qua những nền tảng chuyên về viết. Vậy đó chẳng phải là lợi thế cho những người viết lách hay sao? Vậy chẳng phải viết càng lại là một công cụ mạnh mẽ hơn nữa hay sao?
Trong vòng 1 năm sau đó, tôi đã thử nghiệm với rất nhiều thử thách mới. Tôi bắt đầu tham gia vào thử thách 100 ngày hoàn thiện bản thảo sách. Tham gia vào cộng đồng “Tôi muốn sáng tác” để chia sẻ và đăng bài viết đều đặn hàng tuần. Tôi bắt đầu lên ý tưởng thiết kế và xây dựng những khoá học.
Nếu như chỉ đo lường thành công bằng những con số, đó có lẽ là một năm thất bại. Nhưng đối với tôi khoảng thời gian đó tôi thấy bản thân đã tiến bộ vì học được thêm rất nhiều điều.
Bắt đầu trải nghiệm với những hoang mang và lo sợ, nhưng tôi lại có được cơ hội để được thử sức, mở mang tầm nhìn và kỹ năng ở một lĩnh vực hoàn toàn mới.
Giờ đây khi ngồi lại và chiêm nghiệm về hành trình đã qua, tôi thấy mình dường như đã trở thành một người khác, khác rất nhiều so với tôi của trước đây. Với sự tự tin mới được tạo dựng lại, tôi bắt đầu quay trở lại làm nội dung cho blog sau nhiều tháng bỏ không. Tôi đăng bài thường xuyên và đều đặn hơn.
Rồi ngay lập tức số lượng người theo dõi đã tăng vì một bài viết đã chạm đến người đọc. Đó có thể là tôi may mắn hay đó là kết quả của những gì tôi đã tích lũy được suốt thời gian qua, thành quả đền đáp cho những sự cố gắng không ngừng nghỉ.
Sau khi trải qua những khó khăn và rút ra được những bài học cho chính mình. Tôi biết rằng giai đoạn nào trong cuộc đời cũng có những khó khăn riêng. Hôm nay có được sự thành công, tôi biết ơn và trân trọng. Và tôi cũng biết rằng tương lai cũng có những thử thách chờ tôi đối mặt.
Tôi cần phải sẵn sàng chuẩn bị cho những giai đoạn khó khăn có thể tới bất cứ lúc nào. Bên trong tôi vẫn còn rất nhiều những nỗi sợ nhưng tôi vẫn sẵn sàng để đương đầu. Vì tôi có niềm tin rằng ở phía bên kia của sự hỗn loạn sẽ là một phần thưởng xứng đáng đang chờ tôi chinh phục.
Mỗi người trong chúng ta, rồi sẽ đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, đều cảm thấy sự thôi thúc, rằng bản thân cần phải thay đổi. Nhưng đó là khi nào?
Gilbert (nhà vật lý học, triết học) đã nói:
“Mỗi người hùng của đời thường đều bắt đầu với việc tự hỏi mình. Mọi chuyến phiêu lưu, hành trình đều bắt đầu từ cùng một câu hỏi, hiện ra giữa đêm khi ta nằm trong giường. Đó là “Mình đến đây sống để làm gì? Làm gì với cuộc đời mình?” Và việc chọn có “trả lời” câu hỏi đấy không, đó là điều tạo nên sự khác biệt giữa một người hùng và một người bình thường.”
.
.
,
. . .