Xã hội này, cuộc sống này, mạng xã hội này luôn nói chúng ta còn thiếu nhiều thứ lắm.
Hàng triệu những quảng cáo xuất hiện hằng ngày nói rằng ta phải mặc những trang phục này, phải xài điện thoại mắc tiền, phải đi xe sang, phải ở trong những căn hộ cao cấp, phải ăn ở những nhà hàng sang trọng, phải đi du lịch nước ngoài mới thể hiện được là người đẳng cấp, mới sành điệu, mới thuộc về thế giới giàu sang.
Rồi ai cũng ùn ùn lao vào tìm kiếm, tranh giành, bon chen, thậm chí là giẫm đạp lên nhau để mong đạt được những thứ ấy. Nhiều người cũng mải mê với cơm áo gạo tiền rồi cũng trót vô tâm với cha mẹ, người thân của mình. Nhiều người khác cũng đổ lỗi là khắc khẩu, không hợp, là cha mẹ không hiểu mình, để rồi càng ngày càng xa dần mất đi sự kết nối.
Rồi dòng đời vô thường vẫn tiếp diễn, một số người đợi đến khi mất đi những người thân yêu thì lại thốt lên:
Giá như?
Phải chi?
Nếu biết trước như vậy thì..?
Hay có khi đổ lỗi cho số phận, cho trời phật sao đã van xin, đã cầu khấn rồi mà lại không như ý. Thường con người ta chỉ đến với thần phật khi có những khổ đau, khi gặp những điều bất như ý, khi mất mát, rồi luôn muốn phải có luật công bằng, phải có luật luật nhân quả. Không ngừng trách móc người khác mà chẳng chịu nhìn lại bản thân mình.
Bao lâu rồi mình không còn ôm hôn mẹ trước khi ra khỏi nhà?
Bao lâu rồi cuộc sống của mình cứ vận hành theo guồng quay công việc, kết thúc ngày thì hẹn hò tụ tập bạn bè, không thì về nhà lao vội vào chiếc điện thoại, rồi cắm mặt vào những màn hình xanh xanh nhấp nháy không ngừng, xem hôm nay có trend gì mới nổi, xem idol tóp tóp này vừa rì viu cái gì mới, mà quên rằng mình còn những người thương bên cạnh.
Bao lâu rồi mình không gọi một cuộc điện thoại về nhà hỏi thăm mẹ đang làm gì, hôm nay mẹ ra sao? Bao lâu rồi mình không bóp chân cho cha mẹ? Bao lâu rồi mình chưa nắm tay họ, lần cuối cùng mình nắm là khi nào?
Bao lâu rồi chưa chở mẹ đi chợ mua con tôm con cá, hay bất cứ thứ gì mẹ muốn mua? Bao lâu rồi mình không cùng mẹ đi tái khám bác sĩ theo lịch hẹn? Bao lâu rồi chưa ngồi lặng im để nhìn thật kĩ, thật sâu xem mắt mẹ đã có thêm bao nhiêu vết nhăn nữa rồi?
Có ai biết xương khớp cha mẹ vẫn đang đau nhức mỗi khi trời trở lạnh không? Có ai biết cha mẹ đang có nhiều nỗi lo toan và nhiều đêm phải giật mình trăn trở? Có ai biết đêm nay mẹ cha mất ngủ, rồi họ sẽ làm gì trong đêm, họ sẽ đếm từ 1 đến 100, đếm cừu hay sẽ đếm những ngày tháng cơ cực vất vả đã qua đi? Có ai biết tuổi 60 là tính bằng năm, tuổi 70 tính bằng tháng, tuổi 80 tính bằng ngày?
Ừ, thì sống sao để đời này không phải thốt lên 2 chữ “giá như”.
Ừ, thì sống sao để đời này không phải ngỡ ngàng hay hối tiếc.
Ừ, sao lúc này mình đang có nhiều thứ quá, sao lúc này cha mẹ còn khoẻ mạnh mà mình không lo trân trọng và biết ơn đi. Hay là do họ gần gũi quá, tình thương của họ thầm lặng quá, hiển nhiên quá đến nỗi mình chẳng nhận ra rằng mình đang còn cha còn mẹ, mình đang còn cả một gia tài.
Có lẽ sau bao nhiêu thăng trầm, mệt mỏi, ồn ã ngoài kia, thì nơi yên bình nhất, nơi luôn sẵn sàng dang rộng cửa để chào đón mình trở về có lẽ là nhà. Nơi đó có những người thương luôn chờ đợi, luôn yêu thương vô điều kiện, luôn sẵn sàng bỏ qua và tha thứ hết mọi lỗi lầm của chúng ta.
Ngày xưa chào mẹ, ta đi.
Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười
Mười năm rồi lại thêm mười
Ta về thì khóc, mẹ cười lạ không?
Ông ai thế? Tôi chào ông
Mẹ ta trí nhớ về mênh mông rồi
Ông có gặp thằng con tôi
Hao hao…tôi nhớ…nó… người… như ông.
Mẹ ta trả nhớ về không
Trả trăm năm lại bụi hồng rồi đi…
Mẹ tôi trả nhớ về không – Đỗ Trung Quân
Cuộc sống mưu sinh vất vả quá, chúng ta bị cuốn theo dòng chảy cuộc đời này để rồi cũng quên dừng lại ngắm nhìn cuộc sống, ngắm nhìn nơi mình đang sống, không gian mình đang thở, người thương mình đang bên cạnh và cả việc mình đang làm.
Như nhà văn Trần Trung Đạo cũng từng viết: “Ví mà tôi đổi thời gian được, Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười”. Phải trải đời nhiều lắm, phải đau nhiều lắm, cũng từng thờ ơ, từng không trân trọng để giờ đây, khi đã đi qua những năm tháng của cuộc đời, đã hiểu, mới có thể viết được như thế.
Nhưng đâu phải ai cũng có nhà để về, đâu phải nơi nào cũng là nhà, đâu phải cha mẹ nào cũng là nơi chứa đựng tình yêu thương để đợi những đứa con trở về. Có những người con lớn lên với tuổi thơ đầy rẫy những bạo hành, nơi mà tình yêu thương chưa bao giờ dành cho chúng. Truyền thông, mạng xã hội bây giờ cũng đầy rẫy những tin tức hằng ngày, nào mẹ kế và cha ruột bạo hành đánh con đến chết, nào là chồng nghi vợ ngoại tình có con riêng rồi đem đứa trẻ ném xuống sông, rồi đầy rẫy những vụ cha dượng bạo hành xâm hại tình dục, rồi con thuốc chết mẹ, cháu giết bà để lấy tiền chơi game….v.v. Thậm chí bản thân giờ đây cũng bắt đầu hạn chế xem tin tức như thế nữa, không phải vì thờ ơ hay chai sạn với cảm xúc với cuộc đời, mà vì càng xem lại càng đau, xã hội sao thế này, một xã hội được coi là ngày càng tiến bộ mà con người bây giờ đang sống với nhau như vậy sao?
Nếu là ngày trước khi xem những tin tức như thế sẽ lập tức phán xét, nào là nêu lên quan điểm bản thân, trắng đen, đúng sai phân định rạch ròi, nhưng sự thật là bức xúc đâu làm ta vô can. Ai cũng có những vấn đề, ai cũng có những lý do để lựa chọn, mình không sống trong hoàn cảnh của họ thì làm sao mình có thể hiểu được, không hiểu, không biết thì lấy gì mà phán xét mà chỉ trích người ta.
Chỉ là khoảnh khắc đó cũng chợt hiện lên những câu hỏi: Trước khi sinh một đứa trẻ ra đời, người làm cha làm mẹ có bao giờ đặt câu hỏi mình sẽ mang đến cho nó những gì, mình sẽ nuôi dạy nó ra sao? Những đứa trẻ đó mỗi tối gia đình chúng có quây quần cùng ngồi trên mâm cơm hay không? Hay mỗi người một góc, mỗi người một cái điện thoại, mỗi người tự sống trong thế giới riêng của mình với vô vàn những clip quảng cáo, những kênh giải trí vô bổ, những clip hài đem lại tiếng cười một cách vô tri bằng hình ảnh đứa cháu nhỏ troll ông bà hằng ngày. Những đứa trẻ đó có được cha mẹ trò chuyện hằng ngày hay không, những điều chúng không biết, không hiểu cha mẹ có giải đáp cho chúng hay không? Cha mẹ chúng có đọc sách cho chúng nghe hằng đêm trước khi đi ngủ không, có dành thời gian để giáo dục chúng hay không?
Cha mẹ không dạy dỗ, không rèn luyện, không tưới tẩm, không trò chuyện với con những điều hay lẽ phải, cách sống tích cực, hướng thiện thì ai sẽ người làm những việc đó đây. Công nghệ phát triển thật, hiện đại thật, bao nhiêu ứng dụng, tính năng tiện ích ngày nay có thể tích hợp đầy đủ trên một chiếc điện thoại, ipad nhưng tính năng giáo dục nhân cách và giá trị của một con người đó có lẽ là điều mà công nghệ chưa làm được.
Nếu họ bận rộn với cuộc đời mình như thế, vậy sao còn mang con đến cuộc đời này làm gì, rồi lại không có thời gian để dành cho con??
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, hầu hết những người phạm tội ở tuổi vị thành niên, thì hầu hết chúng đều trưởng thành trong một gia đình đổ vỡ, bạo lực và tất cả đều là không truyền thông được với nhau.
Vậy nên chỉ mong, mỗi chúng ta hãy dành tình yêu thương nhiều hơn cho những người xung quanh mình. Hãy luôn là nhà để một ai đó khi mệt mỏi giữa cuộc đời rồi thì vẫn có một nơi để quay về, để được sẻ chia, được tâm sự, được khóc, được cười một cách hồn nhiên nhất, bạn nhé!
Anh Đen cũng từng hát:
Lao vào đời và kiếm cơm, lao vào đời tìm cơ hội
Những thành thị thường lấp lánh, còn đêm thành thị thường trơ trọi
Như mọi đứa trẻ khác, lớn lên muốn đi xa hoài
Nhà thì vẫn ở yên đó, đợi những đứa con đang ra ngoài.
Hạnh phúc chỉ đơn giản, là còn được về nhà
Hạnh phúc, đi về nhà
Cô đơn, đi về nhà
Thành công, đi về nhà
Thất bại, đi về nhà
Mệt quá, đi về nhà
Mông lung, đi về nhà
Chênh vênh, đi về nhà
Không có việc gì, vậy thì đi về nhà.
– Đi về nhà
May mắn quá vì mình vẫn còn được ăn bữa cơm do mẹ nấu.
May mắn quá vì mình vẫn còn có những giây phút được ngồi quây quần có mẹ, có cha, có mâm cơm gia đình, có những câu chuyện kể.
May quá vì mỗi tháng vẫn còn được nắm tay mẹ đi tái khám định kì theo lịch hẹn của bác sĩ.
May quá vì mình còn có nhà.
May quá vì mình đã về nhà.
.
.