SỰ MẤT KẾT NỐI
Thế giới chúng ta đang rơi vào tình trạng nghèo nàn sự kết nối.
Ta sống trong những môi trường mà ta càng ít gặp gỡ người khác hơn, nhưng ngay cả khi gặp ai đó và trò chuyện với họ thì chúng ta cũng không thực sự lắng nghe nhau hoặc thực sự hiện diện. Sự mất kết nối này đang khiến con người ngày càng dễ bị tổn thương hơn.
Chúng ta mất dần khả năng bình tĩnh để lắng nghe và cân nhắc ý kiến của người khác, mất dần đi khả năng suy ngẫm và cố gắng nhìn mọi thứ từ quan điểm của người đối diện.
Mất kết nối và cảm giác cô đơn làm gia tăng cảm giác lo âu, các vấn đề về giấc ngủ, lạm dụng chất kích thích, và trình trạng trầm cảm mà chúng ta đang thấy hiện nay khá phổ biến.
Kể cả nhiều bậc cha mẹ ngày nay đang nuôi dạy con cái và thế hệ trẻ trong môi trường nghèo nàn về kết nối, nhưng lại quá tải về giác quan do sự phát triển mạng xã hội và các công nghệ trên màn ảnh.
Tất cả chúng ta như bị dán vào chiếc điện thoại, thậm chí không ai giao tiếp bằng mắt. Nhắn tin, chat và đăng bài nhiều hơn, nhưng các cuộc trò chuyện chân thực trong thực tế lại ít hơn. Ta không có đủ những giây phút cho những cuộc trò chuyện yên tĩnh và thật sự chất lượng. Ta không đủ thời gian để lắng nghe một người bạn thật sự cần sự hiện diện của ta.
Sự phân tâm, sao nhãng, thói quen vô thức lướt điện thoại, kiểu tương tác đó làm mất đi chất lượng của việc kết nối. Ta đang trò chuyện nhưng ta không giỏi có mặt trong cuộc trò chuyện lắm.
Sống trong một xã hội đầy đủ vật chất tiện nghi, những con người thì lại ngày càng đói.
Nhiều người vẫn cảm thấy trống rỗng và khao khát được kết nối. Và như một bản năng chúng ta thường tìm kiếm những kết nối đó ở bên ngoài, mạng xã hội, và đôi khi đó là những cách thức thực sự không lành mạnh. Hệ quả cuối cùng là chúng không đáp ứng được cơn đói của ta.
Ngay cả trẻ sơ sinh cũng có thể biết ta có đang thực sự hiện diện hay không. Chúng biết ta có vui vẻ hay hạnh phúc không. Chúng cảm nhận được hết, chúng biết mình có được an toàn hay không. Chúng muốn được giao tiếp bằng mắt. Chúng muốn sự hiện diện thực chất.
Bởi phần thiết yếu của quá trình trẻ nhận biết thế giới đó là xây dựng cảm giác thuộc về. Mình quan trọng, mình là một thành viên của gia đình.
Điều này đòi hỏi ta phải dành cho trẻ sự chú ý, không phải chú ý một phần mà là chú ý toàn phần. Ta đang nhìn con đây, ta đang lắng nghe, ta đang ở đây với con.
Tất cả chúng ta hẳn đã từng có trải nghiệm trò chuyện với ai đó và cảm thấy hụt hẫng khi họ ngó lơ ta mà chỉ chú ý đến chiếc điện thoại. Và trẻ cảm thấy không được tôn trọng và tổn thương là điều tất yếu xảy ra.
Khi bắt đầu sự sống, ta được bảo bọc trong tử cung người mẹ. Rồi khi sinh ra, ta bước vào đời bằng một cái ôm. Bản chất con người là giao tiếp, vậy nên để hình thành nên bản sắc sẽ không thể được hình thành trong sự cô lập, nó phải được tương tác và kết nối không ngừng.
“Chỉ khi ai đó vòng tay ôm lấy một em bé mới chào đời… khoảnh khắc TÔI LÀ mới có thể được hình thành. Hay đúng hơn là được thử thách”.
Bác sĩ tâm lý người Anh D. W Winnicott
Được chở che trong bụng mẹ từ khi còn là phôi thai, chào đời với cái ôm đầy sự yêu thương, lớn lên với hơi ấm từ gia đình và trong sự bảo bọc đầy tình yêu của cha mẹ…tất cả những yếu tố cần thiết cho nhu cầu phát triển tình cảm lành mạnh của trẻ.
Khi được sống trong một môi trường an toàn và đầy yêu thương như thế, trẻ sẽ cảm thấy mình đang được sống trong sự bảo bọc, nhưng cũng đủ “không gian” để tự do bày tỏ cảm xúc của mình. Trẻ cảm thấy bố mẹ có thể tiếp nhận và phản hồi những xúc cảm của mình bằng sự chấp nhận đầy yêu thương. Trẻ tìm thấy một chỗ cho con người thật của mình.
Khoảnh khắc đầu tiên mà con người tương tác với một ai đó. Đó là khoảnh khắc định hình nên bản thể của họ.
SỰ CĂNG THẲNG CỦA NÃO BỘ TRƯỚC XÃ HỘI HIỆN ĐẠI
Hệ thống ứng phó với căng thẳng của con người bị kiệt lực bởi liên tục phải chạy theo những âm thanh của thế giới hiện đại: âm thanh đường phố, giao thông, tiếng máy móc, radio, TV, tiếng rì rì của những thiết bị công nghệ, của máy tính.
Mỗi khi có nhìn thấy một người trên phố, bộ não của ta liền đặt ra câu hỏi: An toàn và quen thuộc không? Bạn hay thù? Đáng tin cậy không? – hết Lần này đến lần khác. Ta quét đặc điểm của từng người và so sánh chúng với “danh mục riêng” về tiêu chuẩn an toàn và quen thuộc của mình. Việc giám sát môi trường xã hội liên tục này có thể tiêu tốn một phần đáng kể năng lượng của chúng ta.
Chúng ta sử dụng ánh sáng nhân tạo để thức vào ban đêm. Thực phẩm chúng ta ăn được chế biến qua nhiều bước, chưa kể đến việc chất lượng bị giảm hay thậm chí là nhiễm bẩn – rất khác với loại thực phẩm mà cơ thể con người được tiến hóa để tiêu hóa.
Việc sống trong môi trường đô thị, càng tăng thêm gánh nặng lên các hệ thống này. Tất cả đều gây căng thẳng cho cơ thể, đặc biệt là não bộ.
HIỆN DIỆN THỰC CHẤT
Sự hiện diện thực chất, dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ cần cảm nhận được sự hiện diện của đối phương, hoàn toàn ở đây, hoàn toàn gắn bó, sẵn sàng kết nối và chấp nhận. Đó là lúc ta có được mối liên hệ mạnh mẽ và bền chặt nhất.
Ta có thể dành hàng giờ cho ai đó, nhưng nếu không thực sự hiện diện và dành trọn vẹn sự chú tâm, bao nhiêu giờ đi nữa cũng là vô ích.
Hiện diện còn bao gồm việc nhận ra và công nhận cảm xúc của người đối diện. Giúp họ xây dựng lại niềm tin vào bản thân mà không phủ nhận hay muốn chối bỏ chính mình. Mang lại cho họ một cảm giác tích cực vô điều kiện, và trong sự an toàn được chấp nhận tuyệt đối đó, đối phương sẽ không còn sợ hãi, không còn sợ bị chỉ trích hay phán xét. Họ sẽ từng bước tháo gỡ từng lớp mặt nạ, những nhãn dán, và cam đảm sống một cuộc đời chân thật hơn.
– Tôi đang nghe bạn nói.
– Hãy kể thêm cho tôi nghe về bạn.
Khi ta có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ chấp nhận và yêu thương vô điều kiện, là ta không chỉ đang dang rộng vòng tay, mà ta cũng đang mở rộng cả trái tim mình. Ta nhìn vào mắt họ, ta giữ sự tương tác, ta tạo ra một cầu nối giữa ta và họ, để họ biết rằng ta đang có mặt với họ một trăm phần trăm.
Mong muốn được chấp nhận và cảm giác bản thân được thuộc về, là nhu cầu hết sức căn bản mà đã là con người thì ai ai cũng sẽ có.
Có được sự kết nối của người khác là yếu tố quan trọng cho bất kỳ tác nhân gây căng thẳng nào cũng như để chữa lành vết thương lòng trong quá khứ. Chỉ khi ở bên những người thật sự hiện diện, những người giúp đỡ và vỗ về ta mới có được cảm giác thuộc về.
Mỗi chúng ta cần xây dựng tính kiên cường và phát triển khả năng đồng cảm.
Chúng ta ai cũng đều cần phải lắng nghe, điều hoà và suy ngẫm. Điều này đòi hỏi khả năng tha thứ và sự kiên nhẫn.
Chúng ta không nên dễ dàng giận dữ, mất kiểm soát và rời khỏi cuộc trò chuyện, mà nên học cách tự điều chỉnh lại cảm xúc của chính mình. Sửa lại những chỗ đứt gãy. Kết nối lại và phát triển.
Bởi một khi ta rời đi là ta đã thất bại trong việc giao tiếp rồi.
Sự kết nối của người khác là yếu tố quan trọng có thể chữa lành vết thương trong quá khứ của một con người. Khi ở bên những người thật sự hiện diện, những người có thể giúp đỡ và vỗ về ta.
Khoảnh khắc đó ta cảm giác được thuộc về.
.
.
.