Xã hội này, đám đông, bạn bè, những người xung quanh kể cả người thân luôn nói với mình rằng: phải lấy chồng thì mới ổn định, và khi mình gặp vấn đề trong mối quan hệ, mình chưa tìm được người phù hợp để kết hôn, mình thấy mình vô định, để rồi mình luôn đi tìm kiếm những mối quan hệ bên ngoài để bản thân cảm thấy được ổn định.
Mình không chịu được sự vô định.
Và rồi liên tục chạy theo vật chất, tiền bạc, địa vị, những điều kiện bên ngoài, xem đó như một liều thuốc cứu cánh giúp mình thoát khỏi sự vô định, mình tin rằng sự thành công và vật chất sẽ đem lại cơ hội để mình có được một cuộc sống ổn định và hạnh phúc hơn.
Mình không khổ vì sự vô định, mà mình khổ vì mình có ý niệm về sự ổn định.
Thật ra vô định cũng chỉ là một khái niệm được tạo ra để dán lên một giai đoạn trong cuộc sống và khi mà mình không đủ vững vàng mình sẽ tin và cho rằng điều người khác nói là sự thật và khổ đau lập tức xuất hiện.
Và bất cứ sự theo đuổi nào hướng đến vật chất, quyền lực, địa vị, để có được ổn định thì đều sẽ mang đến khổ đau một khi không chạm tới được.
Người ta không khổ vì thiếu ăn, người ta khổ vì người ta không giàu. Thật ra họ không khổ, mà là họ không muốn bình thường, họ không muốn bản thân phải thua người khác.
Thế hệ cha mẹ mình là thế hệ bị ảnh hưởng rất nhiều bởi văn hoá, truyền thống, họ đã chứng kiến chiến tranh, đã trải qua sự bất an mỗi ngày với cái nghèo, cái đói. Nên ổn định với họ là điều họ luôn khát khao có được trong những ngày khó khăn đó. Còn thế hệ tụi mình bây giờ có được sự đầy đủ về tiện nghi, vật chất, nên có thể hạnh phúc của mình đã được xây trên những nỗi đau của thế hệ đi trước.
Hiểu được điều đó, tình thương trong mình cũng được lớn hơn, dễ thông cảm cho cha mẹ ở nhà hơn.
Cha mẹ vẫn rất thương mình, họ luôn muốn làm mọi thứ tốt nhất dành cho mình, nhưng chỉ là cái tình thương đó chưa có sự hiểu, để rồi vô tình tạo nên sự kiểm soát, áp đặt, bóp nghẹt những ước mơ, khát khao của con cái mà thôi.
Chính vì tình yêu thương, chính vì sự đồng nhất cảm xúc với con cái, vì cảm thấy lo sợ thay cho con nên mới tìm cách để kiểm soát, luôn muốn vạch sẵn đường đi cho con mình.
Một điều chắc chắn là bất cứ một bậc cha mẹ nào khi được hỏi, họ sẽ đều khẳng định là không một ai trên thế giới này thương con nhiều như họ, bởi vì thương nên họ đã hy sinh tất cả mọi thứ, tiền bạc, công sức, thời gian, để đem đến cho con những thứ mà họ nghĩ là con sẽ thích, để con không thấy thua thiệt so với người khác.
Ấy vậy mà khi cái tình thương đó được trao đi lại chuyển hoá thành nỗi sợ, không trân trọng trong mắt con, sự mất kết nối dẫn đến việc không có sự thấu hiểu giữa đôi bên.
Trong mắt cha mẹ họ làm mọi thứ vì tình yêu thương con, trong khi trong mắt những đứa con thì không hề nghĩ những hành động đó xuất phát từ tình yêu. Cha mẹ thấy tình thương, con thấy sự áp đặt. Cha mẹ thấy hy sinh, con thấy là gánh nặng. Cha mẹ thấy cho đi, con thấy là kiểm soát.
Và ngay cả chính mình cũng vậy, mình cũng từng có những hành xử làm cha mẹ buồn vì lý do duy nhất mình muốn sống và được làm những điều mình muốn, để rồi những hành động đó lại gây ra tổn thương cho cha mẹ. Sự mất kết nối đó đến từ việc mình chưa thật sự dành thời gian ngồi lại, truyền thông để hiểu cha mẹ, hiểu những điều mà họ thật sự mong muốn ở mình đằng sau những sự kiểm soát và áp đặt đó.
Những nỗi lo, hành động của cha mẹ là biểu hiện của cả một quá khứ lâu dài, quá trình lớn lên, tuổi thơ, niềm tin, môi trường sống của họ và khi mình không hiểu được, mỗi khi đối diện với mâu thuẩn mình thường tìm cách tránh né, đôi khi tranh cãi, tấn công nhau, để rồi tạo nên những khoảng cách ngày càng lớn. Mặc dù mỗi ngày vẫn hiện cùng nhau nhưng lại không có được sự kết nối, không bước chân được vào thế giới của nhau.
Thật ra cha mẹ thương mình lắm, nhưng trong quá trình lớn lên mình vẫn có những tổn thương do cha mẹ gây ra, nên cái năng lượng kháng cự bên trong mình vẫn còn nhiều. Không kỳ vọng họ sẽ hiểu mình, sẽ thương mình đúng cách, cũng không trách vì rõ ràng họ rất thương mình, nhưng vì vài lý do nào đó mà họ đối xử với mình theo cách mà mình không muốn.
Giả sử nếu mình nói họ cầm con dao cứa vào tay làm mình đau, mình chảy máu, thì đó là điều mà họ chắn chắn không bao giờ làm, bởi họ đâu muốn làm mình đau hay tổn thương đâu. Nhưng đó là nỗi đau thể chất bên ngoài, nó hiện diện và nhìn thấy được.
Còn cái nỗi đau về tinh thần, thật ra nó cũng đau giống như nỗi đau thể xác vậy, nhưng vì nó không nhìn thấy được, và bản thân họ cũng không biết thì ra lời nói cũng có thể làm tổn thương, nó cũng làm đau giống như bị dao cứa vào tay vậy. Và cũng bởi từ trước đến giờ, không ai nói cho họ biết, họ không được ai dạy về điều đó. Để rồi một bên thì cứ hành động gây tổn thương, một bên thì ôm ấp, giữ lại những hành động, những câu nói đó để rồi tự làm đau chính mình.
Có những lúc chỉ muốn thét lên thà là mẹ cha cứ lấy dao cứa tay con đi, đúng là con sẽ đau, nhưng ít ra con thấy được cái vết thương đó, con thấy nó chảy máu, và cha mẹ cũng thấy vết thương đó để ít ra cha mẹ sẽ dừng hành động gây tổn thương đó lại. Và con cũng biết chỉ cần con tìm bông băng thuốc đỏ, con đậy vết thương đó lại, rồi 1 ngày, 2 ngày, vết thương sẽ lành, con sẽ không đau nữa.
Nhưng còn cái vết thương trong lòng con thì nó cũng đau giống vậy, nhưng chỉ có duy nhất một mình con thấy được nó. Con không có cách nào đề cho người khác biết được là con đang đau. Con không biết cách để băng bó, con không biết làm sao để chăm sóc nó hay phải mất bao lâu để con có thể vượt qua được. Bởi thậm chí vài tháng sau, vài năm sau, mỗi khi có yếu tố bên ngoài tác động vào thì những câu nói đó lại được kích hoạt và con lại đau giống như những ngày đầu.
Cái cảm giác đó nó chẳng dễ chịu chút nào.
Nhưng rồi mình cũng biết, mình không thể bắt mẹ cha phải thay đổi, phải hiểu mình, vì chính bản thân mình mới là người tự đi và cứu lấy chính mình trước thảy. Mình không trách cha mẹ, vì cái cuộc sống mưu sinh ấy nó vất vả quá, thời gian đâu mà quan tâm đến những thứ khác nữa. Bình minh của cha mẹ luôn bắt đầu sớm hơn những đứa con mà. Mình là người phải tự đi trên hành trình này, học cách tự yêu lấy chính mình, muốn mình có một tình thương lớn hơn để ôm lấy chính mình, ôm cả những người thương xung quanh mình nữa.
Giờ đây khi đã lớn hơn một chút, trưởng thành hơn một chút, mình sẽ học cách thương họ như cái cách mà họ muốn và bản thân mình cũng thoải mái với việc yêu thương, đó là lúc những khúc mắc trong mối quan hệ sẽ được tháo gỡ dần.
Biểu hiện có khả năng thay đổi năng lượng trong một mối quan hệ, nhưng sự thay đổi sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Việc kết nối, chia sẻ, trò chuyện với người thân cần nhiều thời gian để quay lại kết nối từng chút một, bởi không có điều gì hiển nhiên trong cuộc sống này, những sự kết nối sâu sắc đều cần có quá trình xây dựng đắp bồi.
Giờ đây mỗi khi có sự mâu thuẩn, chưa có được sự thấu hiểu từ cha mẹ, hay một điều gì đó làm mình buồn. Mình thường ngồi lại, nhận diện điều gì đằng sau những hành động, lời nói đó của cha mẹ. Khi có thể tách được bản thân ra khỏi nỗi đau đó, có một góc nhìn bao quát hơn, hiểu rằng đó là nỗi đau chung của nhân loại, mình không còn thấy nỗi đau của mình là duy nhất, mình không còn bắt người khác phải bù đắp, hay chịu trách nhiệm cho nỗi đau của riêng mình.
Một trong những năng lực quan trọng để mình có thể yêu thương và đi cùng với bất kì ai đó: gia đình, bạn bè, vợ chồng, con cái…đó là năng lực nghe được, nghe mà không phản kháng, không thấy khó chịu, cho đối phương không gian an toàn để họ thoải mái chia sẻ những tâm tư, suy nghĩ. Đây mới là cốt lõi để xây dựng và duy trì một mối quan hệ, là điều mà mình muốn hướng tới trong hành trình kiếp sống này.
Nếu mình thật sự muốn, mình vẫn có thể tạo ra những kết nối thật sự chất lượng với gia đình, cho dù đó là thời gian ngắn thôi nhưng vẫn chất lượng hơn rất nhiều so với những lúc ở bên cạnh nhưng lại không dành sự chú tâm.
Ngoài chuyện dành thời gian cho gia đình, mình cũng tự hỏi mình có thật sự hiểu cha mẹ hay chưa? Cha mẹ có điều gì muốn làm, có mong muốn gì ở mình không, cha mẹ thích diều gì, thói quen sinh hoạt ăn uống ra sao? Để rồi việc ở cạnh gia đình mang lại một nguồn năng lượng bình an và dễ chịu, chứ không phải là một trách nhiệm.
Dừng lại những hành động gây tổn thương cho nhau, để trao đi những yêu thương được tiếp nối.
.
.
.
.