Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
tình yêu

Khi tình yêu không giống như là yêu

Posted on 12/12/202413/12/2024 by admin

Tình yêu là sự hồi hộp, thú vị, mới mẻ, đó đều là những trạng thái cảm xúc.

Một trong những thứ lớn nhất làm mình yêu ai đó chính là cảm xúc, điều này đúng nhưng chưa đủ, bởi ẩn sâu bên dưới những cảm xúc ấy đến từ việc một ai đó chấp nhận mình và thật ra nếu mình có sự nhận diện thì họ chỉ chấp nhận một phần con người mình thôi.

Phần lớn trong tình yêu, người ta yêu nhau vì điểm mạnh và sẽ chia tay vì điểm yếu của nhau. Ta chỉ yêu những điểm đáng yêu của nhau, vì đáng yêu, vì dễ thương nên mình thương cũng dễ.

Và rồi nhiều người tìm đến tình yêu vì sự dễ thương, vì cái vẻ đẹp ngoại hình bên ngoài đó, cái vẻ đẹp theo chuẩn mà truyền thông, báo chí ngày ngày ca ngợi. Nhưng trong tình yêu không phải lúc nào cũng vui, khi mình bắt đầu xuất hiện những khiếm khuyết, đó là lúc đối phương không thể chấp nhận mình, bởi họ vốn dĩ đã quen với hình ảnh lung linh và đẹp đẽ của mình rồi.

Khi có ai đó yêu mình thì mình sẽ cảm thấy vui lắm, mình hồi hộp, mong chờ, cảm thấy mọi thứ xung quanh thật mới lạ và trở nên vô cùng kì diệu. Nhưng tại sao khi người khác yêu mình thì mình có nhiều cảm xúc đến vậy, còn khi mình yêu mình thì lại không có những cảm xúc ấy?

Có lẽ đến từ việc mình ở với mình quá lâu rồi, chưa ai dạy mình biết cách để yêu mình, chưa bao giờ mình dành tình yêu cho mình nên mình không quen với việc đối xử tốt với bản thân.

Khi không có sự kiên nhẫn để yêu mình, mình sẽ có xu hướng tìm một ai đó để yêu, mình tìm đến những cuộc tình chóng vánh, những nguồn cảm xúc ngắn hạn, để rồi khi những cảm xúc ấy qua đi, mình đổ lỗi cho đối phương, đổ lỗi rằng tình yêu đã hết, đổ lỗi cho số phận, định mệnh, nhưng thật ra tất cả đến từ việc mình chưa hiểu mình, chưa hiểu được những cảm xúc, chưa hiểu nguyên nhân vì đâu mình lại có những hành động như thế.

Khoảng cách giữa yêu thương, chiều chuộng, hà khắc với bản thân không quá khó để nhận diện chỉ là mình chưa có những hiểu biết nhất định nên thấy khó mà thôi.

Chủ nghĩa khắc kỷ là chủ nghĩa có xu hướng hà khắc với bản thân, đè nén rất nhiều những nhu cầu kể cả cảm xúc.

Bản chất của cảm xúc, lý trí, trực giác thì nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là để mình sống mỗi ngày. Tất cả những hành động hằng ngày của mình đều bị chi phối bởi cảm xúc là muốn bảo vệ sự an toàn của mình. Nhưng khi được bảo vệ một cách quá mức có nghĩa là bị cảm xúc chi phối mình không còn kết nối được với những người xung quanh.

Những người ái kỷ là những người được nuông chiều từ nhỏ, họ luôn được thoả mãn rất nhiều nhu cầu khác nhau, họ không quen với việc chờ đợi, luôn muốn có được sự phục vụ, muốn là trung tâm của sự chú ý thông qua những hành động nổi loạn, làm quá vấn để hay làm quá về cảm xúc của bản thân. Lý do đến từ việc họ không kết nối được với người khác, buộc họ phải tạo ra sự chú ý, mọi điều họ làm chỉ nghĩ đến bản thân mình, họ yêu thương bản thân quá đà, thường là những người có cái tôi lớn.

Thương mình, hiểu mình, hiểu đâu là điều mình cần, mình muốn, đâu là điều làm mình vui mình hạnh phúc, mình muốn ở lại, đâu là con đường mình muốn chọn, muốn đi. Bởi hiểu rằng mục đích duy nhất trong hành trình kiếp sống này cũng chỉ để thấy mỗi ngày vẫn sống vui, sống an, sống hài lòng với những gì mình có. Chứ không phải để hoàn hảo, chạy theo đám đông, theo những con đường lấp lánh xa hoa mà người khác đang đi, để rồi đến khi bản thân đã đặt chân được trên con đường đó mới nhận ra: sao mình không vui như mình đã nghĩ, mới nhận ra mình sai, mình lạc.

Trước đây vẫn nghĩ rằng mình thương người khác là vì chính họ, mình làm mọi điều cũng vì muốn tốt cho họ, mà chưa từng dừng lại để hỏi rằng họ có vui với điều đó không? Họ có hạnh phúc khi nhận những yêu thương từ mình hay không? Chưa bao giờ hỏi rằng, có điều gì họ muốn làm, muốn thử, họ có ước mơ, mong muốn nào không? Cuộc sống họ có vấn đề gì không, công việc có nhiều áp lực không, họ có muốn mình chia sẻ, có muốn mình lắng nghe điều gì không?

Mình chưa bao giờ.

Vốn cho rằng mình thương người khác, nhưng thật ra mình vẫn đang thương chính mình. Chưa bao giờ mình thương họ như chính con người họ, mà mình thương cái hình mẫu mình muốn họ trở thành.

Nhận ra được mình sai, rồi dừng lại, dừng lại những tổn thương mình đã gây ra cho người và cho cả chính mình nữa.

Tất cả tình thương mà mình có trước đây thì ẩn sâu bên dưới là bắt nguồn từ nỗi sợ. Mình chưa có sự tách biệt tình thương ra khỏi nỗi sợ. Từ đó mà dẫn đến nhu cầu kiểm soát và chiếm hữu. Cho rằng đang yêu người khác, nhưng thật chất là mình vẫn yêu chính mình.

Mình sợ bị tổn thương, sợ cô đơn, mình sợ bị bỏ lại, sợ người khác sẽ không thương mình, mình mang cái tình thương với rất nhiều điều kiện, mình luôn thương để được thương lại.

Càng sợ, lại càng muốn quan tâm và kiểm soát nhiều hơn, rồi mình vô tình gắn chặt hạnh phúc, không gian, cuộc đời mình với người khác, luôn nhạy cảm trước những sự thay đổi, rủi ro có thể xảy ra với mối quan hệ của mình. Để rồi tất cả hành động của mình đều hướng đến việc kiểm soát nỗi sợ hơn là thấu hiểu và kết nối.

Chính cảm giác lo lắng sợ hãi và tình yêu thương xen lẫn vào nhau, làm mất đi sự tự do mà cả 2 đã từng có.

Ví như những lúc đối phương bận công việc không dành thời gian cho mình, thì mình lại kích hoạt nỗi sợ bằng cách quy chụp rằng đối phương không còn quan tâm đến mình nữa, họ không còn yêu mình, nỗi sợ này khiến mình giận dữ, đỗ lỗi, thay vì kiên nhẫn ngồi lại lắng nghe và đồng cảm.

Khi nhận thức được từng khoảnh khắc, khi tách mình ra khỏi sự bủa vây của nỗi sợ, từ đó mình mới có thể bước vào một trạng thái cởi mở hơn, một tấm lòng bao dung hơn, chứa đựng nhiều tình thương hơn, mình nhận ra được đâu là vấn đề của bản thân, từ đó cũng không còn phản ánh nỗi đau của chính mình lên cuộc đời người khác nữa.

Học cách điều chỉnh và đối diện với nỗi sợ, học cách tôn trọng không gian cá nhân, thay thế những hành vi kiểm soát bằng không gian của sự nuôi dưỡng, hoà hợp và chấp nhận con người của nhau.

Chúng ta tìm kiếm và bắt đầu một mối quan hệ không đến từ việc ta yêu đối phương mà là ta yêu cái cảm giác dễ chịu mà đối phương mang lại, cảm giác được chiều chuộng, quan tâm, cảm giác bản thân có được giá trị, xứng đáng được yêu thương.

Vậy ra mình vẫn chưa thật sự trải nghiệm được tình yêu, mình chỉ trải nghiệm việc chấp nhận nhau mà thôi. Chỉ đơn thuần là một sự chấp nhận mà lại mang tới cảm xúc mạnh mẽ như thế.

.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.