Sáng mở mắt tỉnh dậy, thấy trời hôm nay trở lạnh, mấy buổi tối trên đường về thấy mấy ngoài đường, trước các cửa hàng người ta cũng bắt đầu trang trí cây thông, mấy shop quần áo treo nhiều đồ len, mấy cửa hàng cũng bày bán nhiều đồ lưu niệm cho mùa giáng sinh.
Tôi mới giật mình quá, mùa đông đã nhón được một ngón chân đầu tiên rồi.
Chỉ vài chục ngày nữa, trời sẽ trở lạnh, tối nhanh hơn. Và nhạc Giáng Sinh sẽ sớm được bật khắp từ các siêu thị, quán ăn, đến mấy quán cà phê lề đường, trên vỉa hè hay những nơi chốn tôi thường ghé.
Đến lúc dọn lại tủ quần áo, lục lại mấy chiếc áo dài tay, mấy cái áo khoát len mỏng. Tạm cất đi mấy cái chân váy ngắn, áo cộc tay.
Mấy năm gần đây, từ khi bắt đầu lựa chọn lối sống tối giản, tôi bắt đầu một thói quen mới, đó là “luân chuyển tủ quần áo” – không còn mua sắm quá nhiều đồ mới nữa, hoặc trước khi muốn mua một món đồ nào mới đều sẽ cân nhắc về giá trị sử dụng lâu dài.
Thay vào đó tôi sẽ cất đi những món đồ ít mặc, chỉ để lại ở tủ những món đồ hay mặc, lâu lâu, sẽ luân chuyển 1 vòng, vì đa số những món đồ tôi chọn đều mang tính tối giản và tiện lợi thoải mái như áo thun, quần jeans. Nên sẽ không phụ thuộc nhiều vào xu hướng thời trang, vì áo thun và quần jean thì mùa nào cũng vẫn mặc được.
Việc này giúp tôi dễ dàng định hình tủ quần áo hơn, đỡ mất thời gian lựa chọn quần áo mỗi khi ra ngoài, vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là áo thun và quần sọc mà thôi.
.
Mới thấy càng lớn sao thời gian trôi nhanh quá.
Làm sao để thời gian chậm lại? – Thi thoảng lại giật mình và đặt câu hỏi này cho chính mình.
Ngày bé thấy thời gian cứ trôi chậm lắm, đợi mãi đến Tết để được mẹ sắm cho cái đầm cái áo mới, những ngày Tết năm ngoái dường như lâu lắm rồi.
Ấy vậy khi trưởng thành rồi, thấy thời gian bắt đầu trôi nhanh hơn, và có vẻ càng về sau, lại thấy một năm cứ trôi qua chỉ trong vài cái chớp mắt.
Giáo sư Cindy Lustig, chuyên ngành tâm lý học ĐH Michigan (Mỹ), từng trả lời câu hỏi về thời gian thế này: ”Khi ta nhìn lại một khoảng thời gian với rất nhiều trải nghiệm mới, ta thấy điều đó như kéo dài ra”.
Theo giáo sư, nhận thức về thời gian cũng bị ảnh hưởng bởi trí nhớ và mức độ bạn trải qua. Với một đứa trẻ 8 tuổi, một tuần là phần quan trọng nhưng với người 80 tuổi, một tuần chỉ là chấm nhỏ trong cuộc đời họ. Điều này góp phần tạo cảm giác nó trôi qua nhanh chóng.
Hay giáo sư Adrian Bejan của ĐH Duke (Mỹ), cũng từng phát biểu:
“Bộ não của chúng ta được thiết kế để ghi lại sự thay đổi hay những hình ảnh mới mỗi ngày. Cách chúng ta xử lý những gì nhìn thấy có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận thời gian. Bộ não được đào tạo để tiếp nhận nhiều hình ảnh từ khi ta còn là trẻ sơ sinh. Bởi còn nhỏ, chúng ta đang tiếp thu rất nhiều hình ảnh mới nên cảm thấy tháng năm rất dài.”
Khi còn là những đứa trẻ chúng ta không ngừng học hỏi và khám phá mỗi ngày, và mọi thứ trong mắt đứa trẻ đều hoàn toàn mới lạ. Vậy nên cảm giác về thời gian cũng dài hơn và trôi chậm hơn.
Ngược lại, khi càng lớn lên với nhịp sống và guồng quay công việc mỗi ngày được lặp đi lặp lại, mọi thứ dần trở nên quen thuộc đến nỗi nhàm chán. Đó là lúc não bộ của chúng ta không còn được nạp thêm những hình ảnh mới. Bộ não nhận được ít hình ảnh hơn so với mức nó được đào tạo để tiếp nhận khi còn trẻ. Cũng từ đó, chúng ta thấy mọi thứ dường như trôi qua nhanh hơn.
Có lẽ thay vì hỏi “Vì sao thời gian trôi nhanh hơn?”, sao ta lại không hỏi “Có cách nào để thời gian trôi chậm lại hay không?
Bejan nhấn mạnh câu ngạn ngữ “sự đa dạng là gia vị của cuộc sống”. Rằng ta nên thoát khỏi thói quen của mình và tận dụng thời gian mà ta có. Điều này sẽ giúp ta cảm thấy như có nhiều thời gian hơn.
Lustig đưa ra lời khuyên việc tham gia đầy đủ và tận hưởng hết khoảnh khắc có thể khiến khoảnh khắc đó dường như kéo dài hơn.
Và nhiều nghiên cứu trong phòng thí nghiệm chỉ ra rằng các bài tập chánh niệm giúp kéo dài nhận thức của chúng ta về thời gian. Vì vậy, ngừng việc tập trung vào nhiều nhiệm vụ cùng lúc. Thay vào đó, chỉ tập trung vào trải nghiệm trong hiện tại mà thôi.
.
Dẫu biết rằng, quy luật tự nhiên là không thể thay đổi, cũng như 12h mặt trời mọc, 12h mặt trời lặn, mỗi ngày vẫn chỉ có 24 tiếng. Nhưng không có nghĩa là ta không có cách để trải nghiệm và tận hưởng thời gian trọn vẹn.
Ta luôn có thể chủ động sáng tạo trong từng phút, từng giờ ta sống. Để thời gian trôi chậm thôi, bằng cách hãy tích luỹ thật nhiều những trải nghiệm mới mẻ cho tâm trí mình. Học những điều mới là cách hay khiến thời gian dài hơn khi nhìn lại đời mình.
Hoặc học cách biến mỗi ngày của mình trở nên khác đi.
Bắt đầu ngày mới bằng một chút thay đổi nho nhỏ nào đó, ví dụ đổi một cung đường khác để đi làm, để thử cảm nhận trọn vẹn một cảm xúc mới, thử một món ăn sáng mới.
Dành thời gian ở bên người thương, với những câu chuyện nhỏ hằng ngày, nhưng đầy sự mới mẻ. Thử sáng tạo và làm đều bất ngờ nào đó cho người thương của mình mỗi khi cả 2 hiện diện đủ đầy bên nhau.
Thế giới của người lớn chúng ta với những chu trình lặp lại, có thể đôi lúc quá bận rộn để có thể chú tâm đến những điều nhỏ nhặt nhưng lại nhiều mới mẻ.
Ta không thể làm thời gian trôi chậm lại nhưng ta có quyền kiểm soát cách ta trải nghiệm khoảng thời gian đó như thế nào.
Ước mong sao thời gian chậm lại.
Muốn đóng băng khoảnh khắc này đây.
Cất giữ lại trong vùng ký ức này.
Khoảnh khắc hiện tại nhưng đủ đầy.
Trong tâm trí và trái tim trọn vẹn tình yêu thương.
.
.
.