Nhiều người vẫn thường hỏi rằng làm thế nào để có thể học được cách vượt qua quá khứ?
Làm thế nào để đối mặt với những thử thách trong cuộc sống hằng ngày và vượt qua được những nỗi đau tưởng chừng như vô tận? Làm thế nào để sống cùng với những lỗi lầm của quá khứ? Làm thế nào để tôi có thể vực dậy niềm tin, mở rộng giới hạn của bản thân để có thể sống cuộc đời như tôi là?
Vượt qua? Xoá bỏ ư?
Tôi chưa xoá bỏ được bất kì điều gì cả.
Có lẽ tôi vẫn nhớ rất rõ một buổi sáng cách đây từ rất lâu, khi ai đó đột nhiên rời bỏ mình, một buổi chiều khi ai đó im lặng và hiện diện cùng tôi, một buổi tối khi ai đó trao tôi một cái ôm từ phía sau, cho tôi cảm giác an toàn và trọn vẹn nhất. Mỗi một nỗi đau, mỗi một tổn thương, mỗi một khoảnh khắc đều như mới hôm qua.
Tôi chưa bao giờ quên được quá khứ.
Và có lẽ, quá khứ cũng chưa bao giờ lãng quên tôi. Không, chúng chưa bao giờ biến mất. Chưa bao giờ phai nhạt. Chưa bao giờ bị cắt bỏ.
Tất cả chúng đang sống trong tôi, trong kí ức này.
Nhưng cùng lúc đó, có một nhận thức cứu lấy tâm hồn và cuộc đời tôi, cho phép tôi sống để nhìn thấy tự do từ tận sâu bên trong trái tim của mình. Đó là tôi lựa chọn tự do và tôi học được cách tha thứ. Tha thứ cho chính mình, và tha thứ cho cả người khác.
Một số người sẽ trở nên đau khổ mỗi khi họ nhắc đến hai từ tha thứ, bởi họ tin rằng tha thứ nghĩa là chọn sự quên lãng, nghĩa là đầu hàng. Và sẽ dễ hơn khi ta ôm lòng oán hận và tìm kiếm sự trả thù.
Sao tôi phải tha thứ cho những điều từng làm tổn thương tôi chứ?
. . .
Trong một liệu pháp trị liệu có tên “Liệu pháp lựa chọn – Choice Therapy”.
“Tự do không có gì khác ngoài nắm trong tay lựa chọn – lựa chọn đam mê, hài hước, lạc quan, trực giác, tò mò hay biểu đạt. Tự do có nghĩa là sống trong phút giây hiện tại. Nếu chúng ta đang bị mắc kẹt trong quá khứ, chẳng hạn như: “Nếu tôi đến đó thay vì ở đây…” hoặc “Giá như tôi kết hôn với người khác..”, điều đó có nghĩa là chúng ta đang sống trong một nhà tù do chính mình tạo ra.
Tương tự như vậy, nếu chúng ta dành thời gian để sống ở tương lai, chẳng hạn: “Tôi sẽ không hạnh phúc cho đến khi tôi tốt nghiệp…” hoặc “Tôi sẽ không được hạnh phúc cho đến khi tôi tìm được đúng người.” Thì nơi duy nhất mà bạn có thể thực hành liệu pháp lựa chọn là ở trong hiện tại.”
Mỗi người trong chúng ta có những giai đoạn trong đời phải trải qua nỗi đau đớn, tuyệt vọng khó khăn. Mỗi cuộc đời khác nhau lại có những nỗi đau, khó khăn, vất vả khác nhau.
Nhưng hãy một lần lựa chọn sự mạnh mẽ, một lần lựa chọn sự can đảm, một lần thử bước ra ngoài, bước ra khỏi những khổ đau của bản thân, một lần nhìn ra xung quanh, để nhìn thấy những nỗi đau khác nhau trong đời sống. Nhìn nỗi đau của người khác không phải để so sánh rằng nỗi đau của ai lớn hơn ai, mà là để chỉ ra cho ta thấy rằng bản thân không phải là người duy nhất chịu đau khổ.
“Thấy nỗi đau của nhân loại, nỗi đau trong ta dần bé lại, và ta hiểu ra rằng. Duy nhất cái chết, còn lại mọi chuyện đều có thể vượt qua” – Trích Bố con cá gai.
Chỉ khi có thể chào đón và chấp nhận quy luật cuộc sống, ta sẽ không còn đặt câu hỏi “Tại sao điều này lại xảy ra với tôi?” mà là “Được, bây giờ thì sao?”.
Khi trưởng thành hơn tôi nhận ra hạnh phúc không phải là một phần thưởng và đau khổ cũng không phải là một hình phạt. Những gì cuộc sống mang đến, dù là nỗi đau có lớn đến đâu, thì đó không phải là một hình phạt, một dấu chấm hết mà là một món quà, một sự khởi đầu mới.
Nỗi đau chính là một món quà. Và mỗi người chúng ta lại có một cách sử dụng món quà khác nhau. Đối với nhiều người, nỗi đau là thứ sẽ không bao giờ nguôi ngoai. Nhưng người khôn ngoan sẽ học được cách mang gánh nặng mà vẫn uyển chuyển.
Trưởng thành là khi không còn nhãy cẫng lên vui sướng khi mọi sự suông sẻ theo như ý muốn, và cũng không chôn vùi bản thân khi những lúc bất như ý trong cuộc đời. Bởi tôi biết rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng sẽ diễn ra theo kế hoạch, nhưng bản thân tôi vẫn là người đưa ra sự lựa chọn, tôi chọn sự bình tĩnh và chấp nhận những gì đang có và cảm ơn những gì đã qua.
Một tâm thế đĩnh đạc, vững chãi, bình thản chính là sức mạnh có thể giúp tôi vượt qua được mọi thăng trầm trong cuộc sống.
Học cách đón nhận bằng tất sự điềm nhiên và bình tĩnh. Chỉ thay đổi những gì có thể thay đổi và chấp nhận những gì không thể thay đổi.
Học cách nhìn lại những khổ đau, những thăng trầm mà tôi đã trải qua bằng một ánh mắt âu yếm, cảm thông và không phán xét. Bởi nó dạy cho tôi biết yêu từng khoảnh khắc bằng tất cả những gì tôi đang có và yêu từng khoảnh khắc bằng tất cả những gì tôi đang là.
Tôi trân trọng tất cả, vì bằng cách nào đó, chúng đều là những phần thưởng cho sự trưởng thành của tôi, chúng đều là một phần tôi phải có trên hành trình trong cuộc đời này.
Đức Phật từng dạy rằng: “Nhân sinh không bao giờ có thể phát triển trong một thế giới chỉ toàn sự thỏa mãn. Chúng ta cần trải nghiệm mọi thăng trầm của cuộc sống để có được nhận thức đầy đủ. Chỉ trong một thế giới với những điều bất như ý, đời sống nội tâm của chúng ta mới có thể phát triển ngày một vẹn toàn hơn“.
Ta sẽ không thể trưởng thành nếu không trải qua thử thách. Thử thách là thứ giúp ta xây dựng khả năng phục hồi và thấu cảm.
Sự phát triển lành mạnh đòi hỏi ta phải vượt qua những thử thách, tiếp cận những điều mới mẻ và thất bại cũng là một phần quan trọng của quá trình.
Ta thử- ta ngã- ta đứng dậy- ta lại thử -rồi lại ngã- rồi lại thử lần nữa. Thành công nào cũng đến sau thất bại, và thường thì ta sẽ vấp phải nhiều thất bại trước khi quen một điều gì đó.
Cho dù cuộc sống ngoài kia có diễn ra thế nào đi chăng nữa, cho dù khổ đau có lớn đến đâu đi nữa thì tất cả chúng ta đều luôn có cho chính mình một sự lựa chọn: Nhìn vào những thứ đã mất đi hoặc tập trung vào những điều chúng ta đang nắm giữ.
Đó chính là chất liệu để tạo nên sự trưởng thành.
Và phải mất nhiều năm tôi mới hiểu được hết những ý nghĩa sâu sắc ẩn trong những nỗi đau đó.
. . .
.
.
.