Một người phụ nữ từ khi sinh ra đến khi mất đi sẽ trải qua rất nhiều vai trò khác nhau: từng là một đứa con gái của cha mẹ, là người yêu của một chàng trai, là vợ của một người đàn ông, là con dâu của một gia đình mới và là mẹ của những đứa trẻ.
Có lẽ người phụ nữ không chỉ sống một cuộc đời và một vai trò duy nhất. Và không một vai trò nào trong các vai trò vừa kể trên là dễ dàng.
Ngoài việc kết hôn thì làm mẹ là việc hệ trọng nhất trong đời người phụ nữ, đây là một thiên chức cao đẹp chỉ phụ nữ được trao tặng.
Vậy nên phụ nữ cần phải chuẩn bị tâm lý cho việc làm mẹ, đừng mặc định rằng mình là phụ nữ thì tự nhiên đã biết làm mẹ. Sinh con là một chuyện, làm mẹ lại là chuyện hoàn toàn khác. Bất cứ người phụ nữ nào cũng có thể sinh con. Nhưng để làm một người mẹ thì cần đến nghệ thuật tuyệt vời, sự thấu hiểu tuyệt vời.
Làm mẹ cũng giống như việc yêu vậy, làm mẹ cũng là một nghệ thuật, và chính vì là nghệ thuật nên đôi khi cũng cần phải học.
Như Osho từng nói: “Làm mẹ là một cơ hội mà Thượng Đế ban cho người phụ nữ. Làm mẹ là một trong những trách nhiệm lớn lao nhất trên thế gian”.
Người phụ nữ có thể tạo ra sự sống, tự nhiên đã chọn phụ nữ để tái tạo sự sống chứ không phải đàn ông. Đứa con đến thế giới này và nuôi dạy con đó là một nhiệm vụ khó khăn mà người phụ nữ cần đảm nhiệm. Mỗi đứa trẻ đều mang trong mình một sứ mệnh của riêng mình, và thông thường con sẽ không biết rõ được mình là ai và mình muốn gì trong thế giới này, vậy nên phụ nữ được chọn để làm mẹ và giúp con hiện thực hoá điều này.
Phụ nữ có khả năng tạo ra một sinh linh bé bỏng, một mầm sống mới. Sự ra đời của con chính là sự tái sinh của người phụ nữ dưới thân phận mới – một người mẹ. Ngay khi khoảnh khắc đứa trẻ ra đời, người mẹ cũng được sinh ra, điều mà trước đây chưa bao giờ có, và người mẹ là một điều hoàn toàn mới.
Con là một phần máu thịt của người mẹ, nhưng không đồng nghĩa với việc người mẹ xem đứa con của mình như một vật sở hữu. Con chỉ đến với thế giới thông qua mẹ chứ không phải là vật sở hữu của mẹ. Đừng bao giờ sở hữu đứa trẻ.
Hãy yêu con, nhưng đừng bao giờ sở hữu con.
Bởi khoảnh khắc người mẹ sở hữu và áp đặt bản thân mình lên con thì đứa trẻ bắt đầu trở thành một tù nhân. Chính ta đang cản trở sự phát triển tâm hồn con, phá huỷ đi cá tính của con. Ta muốn con có được những điều mà ta cho là tốt đẹp nhất, nhưng trong quá trình nổ lực để đạt được điều này, ta dễ dàng quên mất điều quan trọng nhất đối với con là quyền được là chính mình.
Chỉ mong người làm mẹ/cha đừng đặt lên người con những những nhu cầu chưa được giải quyết, những kỳ vọng chưa được đáp ứng hay những ước mơ tan vỡ của chính mình. Hãy cho phép con mọi thứ và để cho con cảm thấy được là chính mình. Khi nuôi dạy con không phải ta đang nuôi dưỡng một bản sao thu nhỏ, mà là một linh hồn sống động và riêng biệt. Hãy nuôi dưỡng con theo nhu cầu của con chứ không nhào nặn con cho vừa với nhu cầu của ta.
Người phụ nữ trải qua chín tháng mười ngày mang thai 1 đứa trẻ. Và rồi công việc vẫn chưa kết thúc khi họ sinh con. Thực ra, khi đó, công việc thực sự mới bắt đầu – khi đứa con ra đời.
Con lại mang một phẩm chất hoàn toàn mới tới cho cuộc sống. Mỗi đứa trẻ đều nguyên sơ, hoang dại, người mẹ phải là người nuôi dưỡng và giáo dục cho chúng. Con là một tờ giấy trắng, và người mẹ phải mang tới cho nó văn hóa, phải dạy nó cách sống, cách làm người, dạy cho con những nguyên tắc nền tảng ở đời, dạy cách suy nghĩ, cách phân biệt phải trái đúng sai, còn những thứ khác không cố áp đặt chúng mà cũng không thể áp đặt được.
Một trong những nghiên cứu của nhà tâm lý học Angela Duckworth từng chỉ ra rằng: “Đa số những đứa trẻ được cha mẹ trao quyền lựa chọn một số việc nhất định sẽ dễ dàng phát triển những sở thích mà sau này có thể phát triển thành đam mê. Điều đó giúp đứa trẻ sớm nhận biết được mình muốn gì, thích gì, và hiểu bản thân mình được rõ hơn.”
Thomas Gordon từng nói: “Tôi nghĩ tất cả bố mẹ đều có tiềm năng là những kẻ bạo hành trẻ nhỏ, bởi vì cách cơ bản để nuôi trẻ là dùng sức mạnh và uy quyền”.
Nhiều trường hợp khi con đã lớn lên, đã thực sự là một người trưởng thành với đầy đủ ý thức và năng lực hành vi trong xã hội, nhưng vẫn chịu sự bảo bọc của cha mẹ. Cha mẹ vẫn luôn muốn kiểm soát, ra lệnh, vẫn coi con mình như những đứa trẻ.
Osho mới có câu: “Trẻ con hết tuổi thì không còn là trẻ con, nhưng cha mẹ vẫn không chịu thôi làm cha mẹ”.
Khi con đã lớn, vai trò của cha mẹ đã đến lúc dừng lại hoặc bớt can thiệp vào những quyết định và cuộc sống của con. Khi còn nhỏ, trẻ cần được người bảo bọc, nhưng khi con đủ lớn để tự đứng vững, ta phải học cách rút lui khỏi đời con, để con tự quyết định và tự chịu trách nhiệm với những gì con làm. Hãy biết tôn trọng con – không chỉ yêu thương, mà còn tôn trọng. Nếu không có sự tôn trọng thì tình yêu trở thành chiếm hữu.
Hãy đối xử với con bằng niềm tôn trọng sâu sắc. Một khi tôn trọng con, ta sẽ không cố gắng áp đặt suy nghĩ của mình lên con, cũng sẽ không cố gắng áp đặt bất cứ điều gì lên con. Ta chỉ đơn giản trao cho con sự tự do – tự do khám phá thế giới. Ta giúp con trở nên ngày một mạnh mẽ hơn trong cuộc khám phá thế giới, nhưng ta không bao giờ điều khiển con.
Ta trao cho con năng lượng, cho con sự bảo vệ, cho con sự an toàn, tất cả những gì con cần, giúp con đi xa khỏi bạn để khám phá thế giới.
Trao tình yêu, chứ không phải là khuôn phép. Trao tình yêu, chứ không phải là tính cách. Trao tình yêu, nhưng sự tự do phải được đảm bảo nguyên vẹn.
Là yêu thương, chăm sóc con hết sức. Nhưng không ép buộc gò bó, áp đặt, bắt con làm theo ý mình. Trân trọng sự hiện hữu của con, để con được sống mà không vướng vào cái bẫy kỳ vọng của ta.
Là để con trẻ phát triển tự nhiên. Không đòi hỏi con chạy theo thành tích bên ngoài, hay cái tiêu chuẩn con nhà người ta.
Hãy là một sự trợ giúp, nuôi dưỡng con, nhưng hãy để con tự lớn lên. Một đứa trẻ giống như một cái cây. Ta có thể chuẩn bị đất, bón phân cho cây, tưới nước, chăm bón cho cây tạo mọi điều kiện để cây được lớn lên và phát triển tốt nhất. Nhưng ta không thể lớn thay cây được, khi có được đầy đủ các điều kiện cần thiết thì bản thân cây phải tự vươn mình và lớn lên. Ta có thể hỗ trợ, nhưng ta không thể nuôi nó lớn.
…
Lời hứa làm mẹ.
Mẹ, Con biết mỗi lần ở một ngã rẽ, chúng ta không thể cứ chần chừ là xong. Mà phải lựa chọn.
Là phụ nữ thường có xu hướng chọn lựa những gì ta thường được dạy, những thứ mà người khác cho rằng là tốt. Chọn gia đình, chọn là một người vợ tốt, một người mẹ tốt, chọn sự hy sinh. Chọn việc phải đánh đổi, phải bỏ bớt đi, bớt đi một phần cái tôi mình lại, bớt đi một phần cái tôi mong muốn được trở thành. Chọn trở thành người mà bố mẹ, hàng xóm, họ hàng và xã hội muốn ta trở thành.
Nhưng giờ đây con muốn 1 lần được chọn khác đi.
Con muốn chọn trở thành người phụ nữ hạnh phúc, tự do.
Con muốn được là chính con trước tiên, mẹ à.
Chuyện có làm vợ hay làm mẹ, không nói lên được hết con người con đâu. Nhiều lần con cũng không ngừng đổ lỗi và trách rằng tại sao cha mẹ lại không hiểu con, mà chưa một lần ngồi lại để thấy rằng, ngày cả chính con cũng chẳng bao giờ hiểu cha mẹ.
Con không trách cũng không giận mẹ, vì con biết mẹ chỉ vì thương và lo cho con mà thôi.
Mẹ ơi, con biết ơn mẹ vì đã vất vả nuôi chị em con khôn lớn.
Có lẽ sau này con cũng sẽ làm mẹ, con không biết rồi mình có thể nuôi dạy những đứa trẻ ấy ra sao, nhưng con sẽ cố gắng để đối xử với nó tốt như cái cách mà mẹ đã dạy con.
Nhưng con sẽ thay đổi một điều. Con sẽ để cho con của con được tự do lựa chọn, chọn điều nó muốn, chọn cuộc đời mà nó muốn sống, học cách tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của chính nó.
Con không dám hứa rồi mình sẽ là một người mẹ hoàn hảo nhất hay tuyệt vời nhất như mẹ đã từng nuôi dạy con, nhưng con sẽ một người mẹ vừa đủ tốt. Chỉ có thể cố gắng mỗi ngày, làm những điều có ích cho những người xung quanh, cho xã hội này.
Bởi con biết con sẽ là tấm gương để những đứa con của mình noi theo.
.
.
.
.