Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
lòng mình chưa yên

Lòng mình chưa yên

Posted on 16/08/202427/06/2024 by admin

Ngày nay thấy có rất nhiều những bạn trẻ đang có trào lưu bỏ phố về rừng, với mong muốn tìm được một cuộc sống bình yên, tránh xa cái chen chúc chật chội ồn ào của thành phố.

Trước đây vẫn thường hay nói rằng một trong những địa điểm du lịch tôi yêu thích nhất vẫn là Đà Lạt, có vẻ phần nhiều là vì tôi thích cái sự yên tĩnh và không khí lạnh nơi đây.

Cũng từng muốn được sống và trở thành người Đà Lạt để được thoải mái tận hưởng cái không khí lạnh quanh năm, để được sống cuộc sống bình yên có phần lãng mạn và nhẹ nhàng nơi này, để có thể tránh xa những ồn ào chen chúc nơi thành phố chật chội, để có thể thảnh thơi mỗi sáng thúc dậy ngắm sương mù, hít thở cái không khí mát mẻ, để ngồi uống trà, vừa chill chill bên đống lửa vừa ngắm hoàng hôn và thành phố về đêm.

Mấy ngày cuối tuần thì đi trekking đi dạo trong rừng thông, mấy buổi chiều trời đẹp thì có thể đi dạo ở hồ Tuyền Lâm ngắm mặt hồ tĩnh lặng, chỉ nghĩ thôi là đã thấy lòng bình an và thoải mái vô cùng rồi. Nếu thật sự được sống ở nơi này chắc là thích lắm.

Nhưng sau này trong những chuyến đi, có dịp quay trở lại Đà Lạt, bản thân đã có sự quan sát và nhiều thay đổi trong góc nhìn so với trước đây, mới thấy rằng thật sự thì không có nhiều người Đà Lạt làm những điều mà tôi từng nghĩ.

Mấy đợt đi ngang qua Hồ Tuyền Lâm, tôi thấy có nhiều người ngồi câu cá đoán chắc là dân địa phương ở đây, nhưng họ không ngồi để chill, để ngắm hồ mà là ngồi để câu cá, dù tôi thấy gần đó có mấy biển báo không được phép câu cá.

Hồ xuân hương thì thấy có mấy cô chú tập thể dục, còn lại đa phần là khách du lịch đến để chụp ảnh lưu niệm. Còn ngắm hoàng hôn, uống trà, đi dạo trong rừng thông thì sao ? Tôi nghĩ không có nhiều người làm việc đó.

Dù có là người Đà Lạt thì tôi nghĩ họ vẫn giống như những người sống ở các thành phố khác, họ cũng có những công việc, mỗi ngày thức dậy vẫn phải đi làm, phải bận rộn vất vả với việc kiếm tiền, sáng đưa con đi học, chiều đón con về, đối với các chị em phụ nữ thì còn phải bận rộn lo cơm nước cho gia đình, còn những người đàn ông thì cũng bận rộn công việc cả ngày, không có nhiều thời gian giải trí, đến hết ngày nếu có được chút thời gian thì dùng để lướt điện thoại, xem tin tức, xem đá banh hay mấy clip giải trí khác mà cũng ít khi dành thời gian cho gia đình.

Người Đà Lạt, họ cũng có những gánh nặng, nỗi lo như bao nhiêu con người khác ở khắp nước Việt Nam này thôi. Họ cũng là con người, mà đã là con người thì cũng đều có tham sân si như nhau, cũng có những nỗi lo, những đau khổ, tổn thương giống như người Cần Thơ hay người Sài Gòn.

Cha mẹ Đà Lạt thì cũng sẽ kìm hãm con cái, không cho chúng được sống với cuộc đời, với lựa chọn của nó. Đàn ông thì cũng có những người bài bạc, rượu chè. Phụ nữ thì cũng có những người thích tò mò soi mói, ăn cơm nhà nói chuyện người ta. Người Đà Lạt thì cũng không tránh khỏi tâm trí so sánh, không tránh khỏi mấy cái tin tức giải trí từ mạng xã hội. Người ở đâu thì đều giống nhau nhiều ở thói hư tật xấu.

Có lẽ để người ta có thể thật sự được bình yên và tĩnh lặng thì yếu tố cây cối ở Đà Lạt thôi thì chưa đủ. Sương mù buổi sớm bao lấy những ngọn đồi xanh mướt, cũng không làm người dân nơi đây trân trọng hơn thiên nhiên và cây cối so với những người dân ở nơi khác. Tiếng thông reo mỗi khi có gió thổi qua cũng không làm người yêu thêm những thung lũng.

Những năm gần đây nếu bạn có dịp ghé thăm Đà Lạt, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy Đà Lạt đã có nhiều sự thay đổi, phần lớn những đồi thông đã được thay thế bằng những hàng dài nhà kính, màu xanh phủ khắp ngọn đồi thì giờ đều được thay thế bằng là màu trắng đục của ni lon nhà kính. Người ta nói Đà Lạt đang trên đà phát triển kinh tế. Rừng thông được thay thế bằng những căn villa san sát được xây cất nên.

Nếu không tận mắt đến và cảm nhận có lẽ tôi vẫn còn nghĩ Đà Lạt vẫn còn thơ mộng qua những tấm hình được up lên mạng xã hội dù biết rằng nó đã được chỉnh sửa qua nhiều lớp filter. Đâu ai biết họ đã phải đến sớm, xếp hàng chen chúc, chờ đợi để đến lượt checkin, chụp được tấm hình, rồi lại vội vã lên xe để nhanh chóng kịp di chuyển đến địa điểm tiếp theo. Tôi ít khi gặp được vị khách nào có thể giữ được im lặng, hít thở và tận hưởng không khí mát mẻ nơi cao nguyên này.

Một quán cà phê tôi từng có dịp ghé nhiều năm về trước, hôm nay ghé lại, có phần ngạc nhiên vì thấy đã có nhiều sự thay đổi. Trước đây khi tôi ghé quán có vẻ còn hoang sơ, không gian còn khá yên tĩnh và cảm giác yên bình. Nhưng bây giờ quán đã mở rộng ra rất nhiều, với rất nhiều cảnh trí, không gian cho khách du lịch chụp ảnh checkin. Rất nhiều đoàn khách ghé lại, họ tới rất nhanh, ồn ào và vội vàng, vội vàng uống nước, vội vàng chụp ảnh, vội vàng checkin, rồi vội vàng lên xe để di chuyển tiếp. Tôi không còn cảm nhận được cái không khí yên bình trước đây từng có nữa.

Tôi thấy chuyến xe ấy giống như chuyến xe rong ruổi mà cuộc đời mỗi người chúng ta đang đi, nhiều trạm dừng chân, nhiều trạm nghỉ, vội vã ngắm nhìn, rồi vội vã lên đường.

Trên chuyến xe đó họ sẽ không có cơ hội để khám phá những thứ sâu xa, với họ thì đó là những chuyến du lịch xa hoa với những món ăn đắc tiền, mua thật nhiều những món đồ xa xỉ, khi được tích trữ và trải nghiệm như thế họ chỉ có thể cảm nhận bằng 5 giác quan, mà không có được khả năng trải nghiệm thật sự. Không trải qua và nghiệm lại những điều họ thật sự trải qua, đối với họ mọi thứ trôi qua rất chóng vánh và sớm thôi họ sẽ lại tiếp tục lên đường và chạy theo những thứ mới mẽ hấp dẫn khác. Nhìn có vẻ như họ đang tận hưởng cuộc sống nhưng thực chất là đang trốn chạy cuộc sống mà thôi.

ít khi chúng ta đi với tâm trí bình an, vậy nên khi về nhà chúng ta cũng không mang về được sự tĩnh lặng, thứ duy nhất chúng ta mang về được có lẽ là một album với hàng trăm tấm ảnh để up dần lên facebook và rồi sau mỗi chuyến đi thì tâm trí lại càng hỗn độn hơn.

Chúng ta sống với rất nhiều những mâu thuẩn, luôn có cái gì đó không ổn, luôn còn thiếu một cái gì đó, nhưng thiếu điều gì thì chúng ta cũng không rõ, chỉ biết là mình cần phải tiếp tục tìm kiếm sự thay đổi đó từ bên ngoài hòng có thể khoả lấp được những khoảng trống từ bên trong.

Luôn nghĩ rằng nếu được sống ở một nơi khác mình sẽ hạnh phúc hơn. Nếu có được công việc đó, vị trí đó mình sẽ phát huy được thế mạnh nhiều hơn. Nếu được chọn lại mình sẽ có được những lựa chọn hoàn hảo hơn. Nếu được lấy người đàn ông đó thì đời mình sẽ hạnh phúc hơn, và nếu không có người đó mình sẽ không sống được, và chưa bao giờ đặt câu hỏi, trước khi gặp họ mình đã sống như thế nào mà giờ sự hiện diện của họ lại có ảnh hưởng nhiều đến thế. Và rồi cả cuộc đời chúng ta vẫn không ngừng lao đi để tìm kiếm một điều hoàn hảo nào đó từ bên ngoài, nơi sống hoàn hảo, công việc hoàn hảo, bạn đời hoàn hảo, sinh ra những đứa trẻ hoàn hảo đó mới là lúc mình có thể hạnh phúc được.

Và liệu khi có được hết những thứ ấy rồi có làm cho mình được bình yên và hạnh phúc hơn không ?

Vậy bao nhiêu là đủ ?

Nếu là tôi của trước đây câu trả lời có lẽ là: nhiều hơn những thứ mình đang có.

Hoá ra “nhiều hơn” là một mục tiêu không cố định, liên tục thay đổi và không ngừng di chuyển về phía trước. Đây là hiện tượng mà tâm lý học gọi là “vòng xoáy khoái lạc” hầu như là một phần trong bản tính mà đã là con người thì ai cũng có, là lý do giải thích cho việc tại sao khi ta ăn que kem thứ 3 không bao giờ ngon bằng vị của que kem thứ nhất. Ta thích nghi với những ham muốn mới, làm cho chúng không còn kích thích được như trước nữa.

Ta luôn muốn thêm một điều gì đó, khi đã đạt được một điều gì đó ta lại tiếp tục muốn thêm một điều gì đó khác nữa, cứ như vậy cuộc sống của ta chẳng bao giờ là đủ.

Thay vào đó điều ta cần làm là chọn hài lòng và biết ơn với những gì mình đang có, đó là đủ.

Epicurus đã xây dựng một hệ thống phân cấp những ham muốn. Đứng đầu tháp phân loại là những ham muốn “tự nhiên và thiết yếu”, ông hình tượng hoá giống như ta cần một ly nước sau một chuyến lặn lội băng qua sa mạc khô hạn vậy. Đó là những nhu cầu về ăn, mặc, có một mái nhà.

Nấc tiếp theo là những khao khát “tự nhiên nhưng không thiết yếu”, đó là nhu cầu có một ly rượu vang giá rẻ, sau khi đã uống ly nước lọc đầu tiên. Thường đó là nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, nơi ở tiện nghi.

Cuối cùng, ở dưới đáy tháp thứ Epicurus gọi là ham muốn trống rỗng “không tự nhiên cũng không thiết yếu”, ví như là một chai sâm panh đắt đỏ sau khi đã uống cả ly vang lẫn ly nước sau chuyến hành trình sa mạc. Đó là những ham muốn về quyền lực, danh vọng và sự xa xỉ.

Ông cho rằng chỉ cần thoả mãn ham muốn đầu tiên là chúng ta đã có được hạnh phúc rồi, ham muốn ở dạng thứ 2 cho chúng ta có được sự săn đón, đây là dạng ham muốn nên bỏ đi thì tốt hơn. Còn loại thứ 3 phải tránh xa.

Kỷ nguyên công nghệ, sự phát triển của internet đang hiện diện khắp nơi và không mục đích, nó luôn đặt con người luôn ở trong trạng thái phải liên tục tìm kiếm một điều gì đó và không bao giờ là đủ. Internet nuốt chửng mọi thứ kể cả tài sản quý giá nhất chúng ta có được đó là thời gian.

Hiểu được góc nhìn này giúp chúng ta học cách hài lòng, biết đủ, tránh xa đà vào những cuộc chiến nhu cầu tiêu dùng, sở hữu bất tận, từng bước không còn hạnh phúc mà luôn ở trong trạng thái thiếu thốn, phụ thuộc vào tiện nghi, luôn so sánh với người khác, bám chặt vào địa vị, sự công nhận từ những người xung quanh, để rồi không còn nhận ra đâu mới là điều mình cần để có được hạnh phúc thật sự.

Mọi khổ đau đều do ta nhầm lẫn giữa ham muốn không thể thiếu và ham muốn không thiết yếu Epicurus tin rằng, một khi vượt quá một ngưỡng nào đó, những ham muốn không thể tăng lên nữa cũng như một bầu trời đã chói chang không thể nào sáng sủa hơn, mà chỉ xuất hiện dưới nhiều dáng vẻ khác nhau. Một đôi giày mới hoặc một chiếc túi xách mới tượng trưng cho sự đa dạng ham muốn, thay vì gia tăng ham muốn.

Sự nhầm lẫn về những ham muốn chính là nguyên nhân gây nên những khổ đau. Epicurus cho rằng những ham muốn trống rỗng này là thủ phạm gây ra nhiều khổ đau nhất, vì chúng khiến con người ta không bao giờ cảm thấy được thoả mãn.

Chủ nghĩa hưởng lạc theo trường phái Epicurus là hưởng thụ đời sống xa xỉ ở một mức chừng mực nào đó, hoan nghênh bất cứ điều tốt lành nào đến với mình, đó là triết học về sự chấp nhận kèm lòng biết ơn.

.

Tôi viết những điều này không phải để chê hay nói rằng mình không còn thích Đà Lạt nữa, sự yêu thích mà tôi dành cho Đà Lạt vẫn vậy chỉ là tôi đã có thể nhìn sâu hơn vào thực tế và chính mình mà thôi, đó là nếu trong chúng ta chưa có sự bình an, vững vàng thì dù ta có đi đến đâu, nơi chốn thơ mộng cỡ nào đi chăng nữa, thì cuộc sống cũng vẫn sẽ như thế mà thôi.

Tôi nhận ra rằng, trong bất kì một sự do dự nào mà mình có, thì tận cùng nó luôn là nỗi sợ, sợ bản thân sẽ đưa ra những lựa chọn sai lầm, sợ những lựa chọn chỉ ở mức đủ tốt chứ không phải là hoàn hảo nhất. Mà không biết rằng thật ra những điều đem lại hạnh phúc không nhất thiết phải hoàn mỹ, chỉ cần vừa vặn phù hợp với mình là đủ.

Cuối cùng rồi mới hiểu.

Do lòng mình chưa yên.

Con đường đi muôn ngả.

Lối về chỉ một thôi.

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.