Khi đã đủ lớn để có thể tách mình ra khỏi những định kiến, những niềm tin cũ, những nề nếp hà khắc, lần đầu tiên trong đời, tôi được là chính mình.
Những thứ mà ngày ấy một đứa nhỏ không thể thay đổi được, nhưng lại là điều mà một người lớn như tôi hiện tại này đây có thể nhìn lại, quan sát, phân tích và lựa chọn thay đổi.
Giống như việc tôi có quyền nói lên ý kiến, quan điểm, suy nghĩ của mình. Tôi có quyền lựa chọn những điều mình muốn làm, muốn thử. Tôi có quyền đặt ra giới hạn, ranh giới tự do của cá nhân tôi và tất nhiên tôi cũng sẽ tôn trọng ranh giới của người khác.
Tôi có quyền lựa chọn mục tiêu, ý nghĩa, giá trị sống mà mình muốn theo đuổi.
Tôi có quyền lựa chọn người kết hôn, tôi có quyền lựa chọn và cân nhắc việc sinh ra và nuôi dạy một em bé.
Đã từng thấy rất nhiều bậc phụ huynh xung quanh họ sinh ra một đứa trẻ, rồi cứ thế nuôi chúng lớn, ông bà ngày xưa nuôi dạy thế nào thì mình dạy thế ấy, để rồi có những lời nói, hành động gây tổn thương cho đứa trẻ. Nỗi đau đó, tổn thương đó có thể sẽ theo nó cả đời.
Theo một nghiên cứu của Đại học California, nỗi đau của việc bị chối bỏ có những biểu hiện vật lý rõ ràng. Chấn thương tinh thần lâu dài ở tuổi thơ có thể tác động khiến cấu trúc và chức năng của não bộ thay đổi. Khi người ta có cảm nhận mình bị bỏ rơi, khước từ, một số vùng nhất định của não bộ cũng được kích hoạt, giống như ở những người đang chịu đau đớn vật lý.
Trẻ nhỏ thiếu sự ấm áp từ người chăm sóc khi lớn lên cũng thường có hồi hải mã nhỏ hơn. Vùng não bộ này quan trọng cho trí nhớ, sự điều hòa cảm xúc, điều chế stress, những yếu tố quan trọng cho việc thích ứng tâm lý và xã hội. Do đó, chúng thường thiếu sự dẻo dai tinh thần, sự bình tĩnh và cân bằng về cảm xúc để đối mặt với những sóng gió trong cuộc đời.
Những trải nghiệm tuổi thơ nhiều tổn thương nỗi sợ của chúng thường dẫn tới một thế giới quan tiêu cực. Kể cả khi sau này chúng lớn lên, ảnh hưởng trong xã hội, “thành công” trong sự nghiệp, nếu như không được chữa lành, một lúc nào đó khủng hoảng và trầm cảm có thể bùng nổ, khi một sự kiện trong cuộc đời khiến vết thương trong lòng lại vỡ ra, đau đớn.
Hiểu về tâm lý, hiểu về những sang chấn tổn thương của tuổi thơ, để có sự chuẩn bị kĩ trước khi có một em bé, có thể mình sẽ không cho con được tất cả như những bậc phụ huynh khác nhưng ít nhất mình sẽ không làm khổ con bằng những tổn thương mà mình đã từng có.
Vì mỗi chúng ta đều có rất nhiều những khổ đau tổn thương. Nó ở trong ta hơn 30 năm nay, đa phần đều đến từ những mối quan hệ với người thân trong gia đình. Để rồi đứa bé tổn thương ngày ấy, trong gần 30 năm sau vẫn đang trong hành trình chữa lành những tổn thương trong quá khứ, những vết thương do vô tình, vô ý, sự thiếu hiểu biết gây nên.
Và nếu không có sự nhận diện về tổn thương, những điều xảy ra bên trong, thì đứa trẻ ấy sẽ mang theo những tổn thương để bước vào những mối quan hệ và rồi sẽ lại tiếp tục làm tổn thương những người mà chúng yêu thương.
Và tôi không muốn, thật sự không bao giờ muốn trở thành người phụ huynh, trở thành người mẹ mà mình đã từng ghét. Tôi không muốn trở thành phụ huynh, trở thành người mẹ bắt con cái phải sống cho ước mơ của mình. Vậy nên tôi cần có sự chuẩn bị kĩ trong những lựa chọn của mình, nhất là việc quyết định sinh một em bé ra đời.
Đã nhiều lần tự hỏi mình câu hỏi, Liệu mình muốn có con không? Mình có muốn làm mẹ?
Vì cũng đọc nhiều sách về tâm lý, phật giáo, triết học, tâm linh, và thấy rằng để sống hạnh phúc, bình an và giải thoát là điều vô cùng khó. Để rồi bên trong cũng bật lên những câu hỏi: làm người khó đến vậy, thì tại sao mình lại muốn mang con đến cuộc đời này, bởi ngay cả chính mình vẫn còn nhiều bất an và hoang mang.
Rồi những suy nghĩ đó hiện tại chỉ dám giữ cho riêng mình vì biết nếu nói điều này với gia đình, cha mẹ, họ sẽ khó chấp nhận, vì việc kết hôn và sinh con vốn là chuyện hiển nhiên mà ai cũng sẽ làm.
Hầu hết các bậc phụ huynh họ chỉ chăm lo cho con cái của họ về mặt vật chất, thức ăn, sức khoẻ, mà ít khi có sự hiện diện và kết nối về mặt cảm xúc.
Nhưng rồi lại nghĩ bản thân cũng đang học cách thay đổi mỗi ngày để được tốt hơn và nếu có một đứa con mình sẽ muốn lan toả tình yêu thương nhưng vẫn cho con có được sự tự do mà con muốn.
Tôi muốn làm những điều mà trước đây mình chưa có được. Tôi muốn dành thời gian cho nó, muốn ở cạnh nó, muốn lắng nghe và chia sẻ những điều mà con muốn chia sẻ, kể cả những suy nghĩ, cảm xúc, vấn đề, hay bất cứ điều gì con muốn.
Nhưng tôi cũng biết đôi khi, sẽ có những lúc tôi không thể ở bên cạnh con, sẽ có những lúc tôi vắng mặt, sẽ có những lúc tôi có nhiều việc, căng thẳng, mệt mỏi, sẽ có lúc tôi không thể dung hoà được tất cả. Nhưng tôi muốn con biết rằng, tôi sẽ luôn là điểm tựa, luôn sẵn sàng bất cứ khi nào con cần.
Liệu gia đình, những người làm ông bà, cha mẹ có thể dạy đạo đức cho một đứa trẻ hay không? Sẽ dạy như thế nào?
Với nền văn hoá Á Đông, một niềm tin mạnh mẽ dành cho tôn giáo, trong tâm mỗi người luôn chứa đựng một truyền thống đạo đức, tin vào 2 chữ “phúc đức”. Ăn ở thế nào cho có phúc đức. Không hẳn phúc đức cho mình, mà là phúc đức cho con cháu, cho thế hệ sau.
Hay những ai tin vào việc tồn tại kiếp sau. Tư tưởng kiếp sau gắn liền với hành động, mỗi một hành động đều sẽ tạo ra nghiệp (quả). Hành động ác tạo ra nghiệp xấu, gây hậu quả ở kiếp này và cả kiếp sau.
Vậy nên đôi khi việc có niềm tin vào tôn giáo, tin vào ở kiếp sau, tin vào việc có nhân quả, tin vào nghiệp báo. Tin ở đây là tin vào những hành động mình làm dù là nhỏ nhất đều sẽ để lại sự ảnh hưởng và tạo ra kết quả. Niềm tin này cho mình có được sự tự do, tự do lựa chọn hành động, tự do lựa chọn cách sống, tự do lựa chọn thiện ác, tự do lựa chọn những quả nào sẽ đến với cuộc đời mình và cả những quả cho con cháu đời sau nữa.
Vậy nên có lẽ cách giáo dục tốt nhất vẫn là thông qua hành động của chính mình, lấy bản thân làm gương cho con trẻ noi theo.
Mình thế nào thì con mình thế ấy.
.
.
.
.