Trong 1 suy nghĩ của mình sẽ có rất nhiều lớp khác nhau bao gồm cả: những suy nghĩ mặc định, giả định, niềm tin, giá trị sống.
Giả định chính là những điều “mình tưởng”.
Mình tưởng mọi người nghĩ về mình như thế, mình tưởng ý của họ là như vậy, mình tưởng họ cũng sẽ có cùng cái nhìn với mình.
“Mình tưởng” chính là nguyên nhân trực tiếp tạo nên những mâu thuẩn dẫn đến việc bất đồng quan điểm trong giao tiếp. Mình tưởng đến từ những giả định bên trong mình, khi mình không có sự rõ ràng, mình vội vàng tin ngay vào những giả định đó để rồi hình thành nên những thiên kiến xác nhận.
Và khi mình hiểu được những giả định đó mình bắt đầu thoải mái hơn để đón nhận những điều mới mẻ, từ đó có thể lắng nghe tốt hơn và giao tiếp bình an hơn.
Mọi sự vật trong vũ trụ vốn không ngừng vận động, có khi biến chuyển bên trong, có khi là những thay đổi hiện hữu bên ngoài, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn, hay hơn hoặc tệ hơn. Cuộc sống vạn vật đều vô thường, con người cũng vô thường, nên kinh nghiệm cũng sẽ vô thường.
Ngày nào còn dùng những kinh nghiệm cũ, niềm tin cũ, góc nhìn cũ để quan sát thực tại là ngày đó còn dễ rơi vào những nhận thức sai lầm. Chính những nhận thức sai lầm, những góc nhìn lệch lạc là nguyên nhân gây nên khổ đau.
Kinh nghiệm cũ đó chính là thành kiến.
Thành kiến là là thái độ nhìn sự việc bằng một kinh nghiệm cũ, nên sẽ có thành kiến tốt và thành kiến xấu. Điều gì cho là tốt, là lợi cho mình thì mình thích, mình có thiện cảm, nhìn đâu cũng thấy màu hồng, mà bỏ qua những quan sát và nhận diện thận trọng.
Còn điều gì trái ý mình, khác với những điều mình biết trước giờ thì mình cho là xấu, là tệ, nhìn đâu cũng nghi ngờ, dè chừng, điều gì cũng giả dối, thế giới này thật xấu xa, không có ai dễ thương, không có ai tốt bụng. Đó là lúc mình đã đánh mất đi con mắt trong trẻo mà tạo hoá đã ban cho mỗi người.
Nên có câu: thấy sao để vậy, là để nhắc nhở mình giữ cho mình một góc nhìn sự việc như chính nó đang biểu hiện. Cái nhìn đó chính là trực giác mà ta hay nhắc tới, cái nhìn mà chưa từng bị những quan điểm hay niềm tin cũ áp đặt, không mang theo thái độ bảo vệ cái tôi càng lớn của mình.
Tư duy phản biện để mình nhìn rõ hơn những thông tin mình tiếp nhận.
Tính cách và giá trị sống giúp mình tương tác với người xung quanh.
Niềm tin cốt lõi giúp mình quan sát và nhận diện điều gì đang kích hoạt bên trong mình.
Niềm tin giới hạn giúp mình biết được điều gì đang cản trở mình.
Mỗi khi tiếp xúc với một người hay một sự việc nào đó, luôn nhắc nhở mình rằng mình có đang dùng thành kiến hay kinh nghiệm cũ để tiếp xúc với đối tượng hay không để từ đó có những thực tập điều chỉnh.
Luôn nhắc nhở sửa mình mỗi ngày, ngồi xuống thực tập quan sát nhận diện những niềm tin, kinh nghiệm mình đã có trước đây, những thói quen ngẫu nhiên trong vô thức mà mình đã có, đem nó ra quan sát rồi buông bỏ dần.
.
.
.
.