Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Mỗi hơi thở ra ta là trời đất

Mỗi hơi thở ra ta là trời đất

Posted on 18/03/202408/03/2024 by admin

Sáng trước khi đi làm, lượn quanh một vòng dãy trọ tắt mấy cái đèn bật sáng đêm qua, không chỉ riêng trước cửa phòng mình, mà trước những phòng khác nữa.

Ừ thì mình ở trọ. Trọ có lẽ được ví như một nơi tạm bợ, chẳng lâu dài, vậy hà cớ gì phải chăm chút xem như nhà ở được.

Ừ thì mình ở trọ. Mà nếu nhìn rộng ra thì tất cả chúng ta chẳng phải cũng đều là khách trọ hay sao, khách trọ của trần gian, khách trọ của cuộc đời. Và rồi ai cũng sẽ đều rời khỏi chỗ trọ, nhưng dù là ở trọ thì vẫn cố gắng sống sao cho đàng hoàng tử tế, sống tốt mỗi ngày để cuộc đời thêm ý nghĩa.

Cho đến cuối cùng ai rồi cũng phải nhận trách nhiệm cho mọi suy nghĩ, lời nói và hành động của mình, mình nhận lại những gì mình cho đi. Có gieo sẽ có gặt. Mọi từ ngữ, mọi hành động, mọi ý nghĩ đều vĩnh viễn để lại dấu ấn trên thế gian này, đều được biết đến và ghi lại mãi mãi. Vũ trụ sẽ không quên điều đó.

Mọi thứ xoay quanh ta, đều có sự kết nối. Không có gì là may mắn hay ngẫu nhiên trong vũ trụ này, mọi thứ đều liên kết với nhau, giữa không gian và thời gian, giữa con người với vạn vật, giữa đất – nước, nỗi sợ kết nối với bình tâm, hy vọng kết nối với tuyệt vọng,…và không một ai trong chúng ta bị gạt ra ngoài, tất cả đều là thành viên của vũ trụ.

Như trái đất và mặt trời. Sẽ ra sao nếu một ngày mặt trời không còn xoay quanh trái đất. Cây cối không thể quang hợp, không tạo ra oxy, không có oxy thì con người không thể sống được, rồi còn ảnh hưởng đến hàng tỷ thứ khác nữa. Vậy nên mọi thứ trên cuộc đời này đều liên quan đến nhau. Cái này xuất hiện để bổ trợ cho cái kia. Cái này có vì cái kia có.

Cũng như Sư ông từng nói: Khi thực tập nhìn sâu, ta sẽ thấy là một nguyên nhân không bao giờ có thể tạo ra kết quả được. Người thợ mộc không thể một mình tạo ra cái bàn. Nếu ông ta không có những dụng cụ như đinh, cưa, gỗ, thời gian, không gian, thức ăn, không có cha mẹ sinh ra ông và bao nhân duyên khác.

Cũng giống như khi nhìn vào một bông hoa. Người làm vườn chỉ là một nguyên nhân. Phải có đất, có mặt trời, đám mây, có phân bón, hạt giống và nhiều, nhiều thứ khác. Là cả một vũ trụ đang hợp sức để bông hoa được biểu hiện. Không có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Đó là tương tức, là sự liên quan mật thiết của mọi sự vật, luôn luôn tương trợ nhau, luôn luôn có ảnh hưởng lẫn nhau.

Các nhà khoa học đã từng nói khi chúng ta vỗ tay, tiếng động có thể ảnh hưởng tới một vì sao. Hay tiếng cánh bướm đập ở bên này quả đất có thể ảnh hưởng tới khí hậu ở bán cầu bên kia. Mỗi sự vật đều không cố định vì chúng chịu ảnh hưởng của các sự vật khác với nó. Những gì xảy ra cho ta có thể ảnh hưởng tới giải ngân hà xa tắp. Và các giải ngân hà xa xôi đó cũng có ảnh hưởng lên chúng ta.

Vậy mà lại có rất nhiều người vì danh lợi, tham vọng của bản thân mà sẵn sàng lợi dụng, giẫm đạp lên người khác để đi lên.

Trái đất có thể quay được, là do được mặt trời cung cấp năng lượng. Vậy tại sao trái đất phải quay? Bởi vì để thay đổi, để thích nghi, để sinh tồn, vì khi một thứ gì đó tiếp xúc với mặt trời quá lâu đều sẽ bị thiêu cháy, vậy nên muốn tồn tại thì buộc phải thay đổi phải thích nghi, phải không ngừng di chuyển. Đó vốn là quy luật của vũ trụ, quy luật của đất trời.

Trái tim con người vang lên những nhịp đập, cũng như trái đất xoay quanh mặt trời vậy, vẫn không ngừng làm việc bơm máu nuôi dưỡng từng cơ quan, từng tế bào trong cơ thể, để nuôi dưỡng một tổng thể, một cái biểu hiện là thân thể ta đang tồn tại mỗi ngày.

Giả sử mình ngừng thở thì sao?

Thì sự sống sẽ dừng lại.

Đại dịch covid vừa qua có lẽ là minh chứng rõ nhất cho hơi thở. Tại sao không khí xung quanh nhiều như vậy, nhưng có người hít thở được, có người thì lại không.

Có lẽ chúng ta cũng nên dành lời cảm ơn con virus này, vì nó cho con người trải nghiệm và hiểu được nhiều điều hơn. Hiểu được sự khó chịu từ những cơn sốt, mất mùi, mất vị, mới thấy quý hơn cái nồi cá kho quẹt hay tô canh chua mẹ nấu. Mấy cái món ăn mà thường ngày vừa ăn vội vã vừa lướt xem điện thoại hôm nay có trend gì mới, nên đâu có để ý, cảm nhận mùi vị đâu.

Rồi cũng hiểu được những lo âu sợ hãi của vacxin, của cái chết, cũng hiểu được tình cảm của những người xung quanh. Để rồi cũng bật khóc, cũng trân quý hơn những giọt nước mắt vì cảm động trước một hoàn cảnh, cảm động trước một kiếp người, cảm động vì bản thân đã hiểu và nhận ra được giá trị của những điều bình dị ấy.

Mấy nay đọc được một dòng viết của thầy Minh Niệm: Sau khi đại dịch covid qua đi, điều trở lại đầu tiên đó là tham sân si. Lẽ thường là vậy khi con người ta ở tận cùng sinh tử, gần đến cuối con dốc cuộc đời thì mới có thể buông bỏ được hết những sân si, mới chịu mở lòng giúp đỡ và yêu thương lẫn nhau.

Phải chăng sự sống ấy, cái vòng sinh tử ấy, chỉ gói gọn trong một hơi thở đó sao?

Vậy mà ngoài kia vẫn còn rất nhiều người chưa nhận ra được. Vẫn còn rất nhiều người cứ cuống cuồng hết chạy đi rồi chạy lại, vội vã với những dự án, vội vã những kế hoạch, vội vã với những tham vọng, mà chưa bao giờ có thể ngồi lại để lắng nghe nhịp tim và dành sự biết ơn cho nó.

Trời đất là mình.

Mỗi ngày còn thở là mỗi ngày còn biết ơn cuộc đời này.

Mất hơi thở là mất đi sự sống.

Mỗi hơi thở ra ta là trời đất. Mỗi hơi thở đi vào chính là cuộc sống đang truyền năng lượng vào trong ta. Mỗi hơi thở đi ra chính là cái chết tạm thời. Với mỗi lần thở, ta chết đi, rồi được tái sinh.

Tác giả Yuval Noah Harari trong cuốn “21 Bài học cho thế kỉ 21” từng viết:

Khi người ta đặt ra những câu hỏi lớn của cuộc đời, họ thường không có chút hứng thú gì với việc biết khi nào hơi thở của họ đang đi vào lỗ mũi và khi nào thì nó đang đi ra. Thay vào đó, họ muốn biết những thứ như điều gì xảy ra sau khi bạn chết. Thế nhưng điều bí ẩn thực sự của cuộc đời không phải là cái gì xảy ra sau khi bạn chết mà là cái gì xảy ra trước khi bạn chết. Nếu bạn muốn hiểu cái chết, bạn cần hiểu sự sống.

Nếu bạn có thể hiểu điều xảy ra với bạn khi khoảnh khắc này kết thúc và khoảnh khắc kia khởi đầu, bạn cũng sẽ hiểu điều gì sẽ xảy ra với mình vào lúc sự sống kết thúc. Nếu bạn có thể thực sự quan sát bản thân trong khoảng thời gian của một hơi thở, bạn sẽ hiểu được mọi thứ về khoảnh khắc ấy.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.