Mất mát là những gì ập đến khá đường đột, nhưng trải nghiệm mất mát đó lại đến khá từ tốn. Phải mất một khoảng thời gian ta mới nhận ra và chấp nhận được rằng, những thứ mình từng có giờ đã không còn.
Tác giả Eric Weiner từng viết: “Sự mất mát là một từ ngắn gọn nhưng đầy hăm doạ, nó chính là hoàng đế Napoleon của các đanh từ. Trừ phi mất bớt cân nặng, còn không thì mất hầu như lúc nào cũng mang nghĩa tiêu cực. Mất mát có nhiều kích cỡ khác nhau, duy cỡ nhỏ là không có, chúng khởi đầu ở mức trung bình và tăng dần từ đó. Chúng cũng có nhiều hương vị nữa, khi đau đớn, khi tuyệt vọng có khi chỉ đơn giản là bất tiện.
Như trải nghiệm của tôi mất một quyển sách vì khoảnh khắc mất đi sự chú tâm.
Sáng nay muốn tìm đọc lại một quyển sách cũ, thế mà phải loay hoay tận nửa tiếng đồng hồ vì mãi mà không tìm thấy được. Tôi nhớ rất rõ mình đã cất nó ở đây, không thể sai được.
Với niềm tin và sự quả quyết vào trí nhớ của mình, tôi lại mất thêm 30 phút nữa để tìm và kết quả cuối cùng là vẫn không tìm được.
Nhận diện thấy trong mình có 1 chút khó chịu, tôi phản ứng trước việc mất quyển sách một cách thái quá. Tôi nhận biết điều này bằng lý trí. Hít một hơi sâu và bắt đầu phân tích phản ứng của mình.
Cảm xúc này từ đâu ra nhỉ ?
Mình đã trải qua nhiều lần mất đồ, nhưng chưa bao giờ có cảm giác khó chịu đến vậy.
Vì lẽ gì mất đi quyển sách lại khiến mình rơi vào vòng xoáy khó chịu đến vậy ?
Hay bởi lẽ, nó đâu chỉ là một quyển sách. Những nghĩ suy được viết ra trên mỗi trang sách, những cái note, highlight, những trang được gấp góc cẩn thận… tất cả được ghi lại ở trạng thái chú tâm nhất. Và tôi biết những khoảnh khắc chăm chú đó thật mong manh và gần như không cách nào phục hồi được một khi đã mất đi.
Đi tìm một viên kim cương thất lạc còn dễ hơn là lần lại một ý nghĩ bị mất. Tôi có thể mua lại hàng chục quyển khác, mới hơn, sạch sẽ hơn, nhưng tôi không thể mua lại được những suy nghĩ của tôi trong khoảnh khắc đó. Đó là lý do tôi phải – nhất định phải – tìm được quyển sách và khôi phục kí ức của mình.
Trước đây quyển sách với tôi chưa có nhiều giá trị lắm cho tới khi tôi mất nó, có lẽ cuộc sống này cũng vậy, cách để thấy được giá trị của một thứ gì đó là khi ta đánh mất nó.
Khi việc tìm kiếm của tôi trở nên vô vọng, giá trị của quyển sách lại ngày càng tăng lên. Tôi tìm hết thùng sách này đến thùng sách khác, từ kệ này sang kệ khác, từ ngăn bàn này sang ngăn bàn khác. Kể cả những chỗ khuất cũng không bỏ sót. Không một dấu vết. Tôi lần lại từng kí ức của mình trong quá khứ. Có khi một chỗ tôi tìm đến bốn, năm lần. Tôi vẫn không bỏ cuộc.
Mất đi quyển sách gây ra sự hối tiếc đã đành, nhưng hành động thiếu sự chú tâm cũng làm cho tôi không ngừng trách móc chính mình.
Khi nhìn kĩ hơn vào những cảm xúc, tôi phải thừa nhận rằng, tôi không thực sự muốn tìm lại quyển sách của mình. Thực chất, tôi muốn sở hữu nó, tôi muốn giữ lại cái cảm giác mình đã từng có nó, tôi đang bị chi phối bởi ham muốn. Ta những tưởng khổ đau nằm ở đối tượng ta khao khát, nhưng thực tế, chủ thể duy nhất gây nên khổ đau là chính ta, chính ta mới là vấn đề. Tôi chẳng qua đang đắm chìm trong cơn ham muốn chứ không phải thứ tôi ham muốn. Một người nghiện không vật vã vì chất kích thích, họ chỉ khổ sở vì thèm cảm giác được dùng chất kích thích đó kèm theo sự giải tỏa khỏi cơn thiếu thốn.
Hít một hơi sâu và dừng lại.
Tôi phải đợi thôi.
Chỉ có sự đợi chờ.
Hay có khi tôi cũng nên chấp nhận, và buông tay.
Rồi thấy như cuộc sống này cũng vậy, một đời đầy rủi ro, đầy những lựa chọn. Những việc kinh doanh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những cuộc hôn nhân không phải lúc nào cũng màu hồng. Những kế hoạch, toan tính không phải lúc nào cũng xảy ra theo ý nguyện. Những con người ta gặp không phải lúc nào cũng suy nghĩ và hành động giống như ta. Lấy gì để đảm bảo kết quả sẽ diễn ra đúng ý mình.
Cuộc sống có những cái được mình có thể nhìn thấy nhưng một số khác lại không. Mất cũng vậy có những cái mất làm mình chao đảo tổn thương mình nhận diện ra được. Nhưng vẫn có những cái mất nó âm thầm bào mòn thiêu huỷ con người mình đi, nhưng mình vẫn không hề nhận ra. Lại có những cái mất trong cuộc đời này hoá ra lại được rất nhiều. Có lẽ bản thân cần trải nghiệm nhiều hơn nữa, phải ở một tầng nhận thức khác mới có thể nhận ra được những cái được mất không thuộc về thế giới hiện tượng vật chất này.
Nhiều lần bản thân mất đi niềm tin vào con đường mình đã chọn, vì những điều mình làm không mang lại kết quả rõ ràng.
Bằng một cách nào đó, những lần mất mát, những lần chạm đáy của cảm xúc, bên trong tôi luôn có một chút khát khao của bản năng, sự sinh tồn, muốn vực dậy và bước tiếp. Luôn có 1 tiếng nói bên trong rằng những thay đổi này đến để mình có thể sống khác đi, nếu không bản thân sẽ rơi vào những lối mòn cũ kĩ.
Cuộc sống cũ trước đây khiến tôi kiệt sức, không phải vì những thiếu thốn vật chất hay những vất vả mà bởi tôi không hiểu và không biết mình muốn điều gì và cần gì ngoài một sự lẻ loi và trống rỗng không ngừng nghỉ hiện diện bên trong tôi.
Sự trống rỗng bên trong đẩy tôi vào một cuộc khủng hoảng, quay lưng lại với chính mình, với những người xung quanh như một cuộc chạy trốn mà không biết trốn đi đâu. Cơn khủng hoảng về giá trị, một hội chứng tâm lý mà tôi đã từng trải qua.
Trước đây khi rời công việc cũ tôi vẫn mang theo một sự tức giận, trách móc, vì mình đã cống hiến nhưng không được trân trọng, cảm thấy bản thân mất đi giá trị, mặc dù chính mình là người đã lựa chọn rời đi, cũng đã tìm cho mình hướng đi mới nhưng bên trong tôi vẫn có những cơn khủng hoảng, những tổn thương tinh thần. Và kể cả mối quan hệ tình cảm cũng vậy, dẫu tôi có là người chủ động đưa ra những lựa chọn thì bên trong mình vẫn không tránh khỏi những tổn thương.
Những cuộc khủng hoảng về tinh thần nó nhấn chìm tôi, khiến tôi không còn tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, mất niềm tin, mất phương hướng, không thấy được đâu là giá trị của chính mình. Và phải mất thời gian khá lâu tôi mới lấy lại được tự tin trong công việc và cuộc sống của mình.
Các nhà phân tâm học từng kết lận rằng, đời người sẽ đi qua vài lần khủng hoảng, có những lần nhẹ nhàng đến nổi chúng ta khó mà nhận biết được. Có những lần như bão lớn, như những trận cuồng phong dữ dội, làm chúng ta nghi ngờ bản thân, không còn giá trị sống, không biết mình là ai, mất niềm tin vào cuộc sống, vì thấy chuyện được mất diễn ra quá vội vã, thấy mình chẳng thể níu giữ được điều gì. Khi đi qua trận khủng hoảng đó, một số người vẫn sẽ trở lại được cuộc sống bình thường, một số khác chọn từ bỏ vì bị nhấn chìm, thậm chí một số người lựa chọn tiêu cực kết thúc cuộc đời, số còn lại có thể vực dậy quay trở về cuộc sống nhưng là với một phiên bản tốt hơn, trưởng thành hơn.
Tự thấy chính mình thật may mắn, vì giờ đây sau những cơn khủng hoảng tôi thấy mình đã sống khác đi rất nhiều. Đây cũng là lời nhận xét mà một vài người quen lâu ngày gặp lại, một chút điềm tĩnh, một chút chậm lại, không còn muốn nhanh, muốn vội như giai đoạn tuổi trẻ. Một con người khác, khác hoàn toàn mình của trước đây, cái con người do gia đình, do xã hội tạo ra. Một cái tôi bao gồm cả những tổn thương, những sang chấn ngày còn bé, những quy chuẩn từ xã hội và cộng đồng.
Khi cuộc khủng hoảng đến, tôi cho rằng mình đã mất đi mọi thứ, và đúng thật tôi đã mất đi con người mình vốn sống trước giờ để có được mình của ngày hôm nay, một phiên bản hoàn toàn mới, một cái tôi bình an, một cái tôi dần được khoẻ mạnh.
Tất cả đều đến từ việc tôi đã dám chấp nhận.
Chấp nhận cảm xúc của chính mình, rằng việc đó không phải là yếu đuối mà đó là một sự mạnh mẽ. Tôi chấp nhận bản thân không hoàn hảo. Tôi chấp nhận có những giây phút tôi sẽ vô cùng yếu đuối. Tôi chấp nhận mình rất dễ xúc động. Tôi hoàn toàn chấp nhận con người thật của mình. Tôi chấp nhận mình không cần phải là một người phải có tài năng gì đó đặc biệt. Tôi chấp nhận mình là một người bình thường, sống một cuộc sống bình thường, khi là một người bình thường thì tất cả những lựa chọn trong cuộc sống của tôi cũng hoàn toàn bình thường, tôi có thể làm bất kì điều gì miễn thấy vui và bình an là được mà không sợ bất kì ai đánh giá.
Một sự thay đổi trong nhận thức giúp tôi nhận ra không có điều gì là bền vững hay bất biến cả, bền vững hay không là do mình có bỏ công vun đắp cho điều đó hay không. Đôi khi chỉ là ngồi yên không làm gì cả để mọi thứ tự động được phát triển. Không làm gì cũng là lúc mình có thời gian quay về bên trong tu chỉnh lại con người mình.
Tôi cũng không biết rồi những lựa chọn ấy sẽ dẫn tôi đi đến đâu.
Hay như Simone Weil từng nói: “Ta không có được những món quà quý giá nhất bằng cách lên đường săn tìm, mà thay vào đó, ta chờ đón chúng”.
.
.
.
.