- 1 lần mà bạn đi ghen tị với người khác là khi nào?
- 1 lần mà bạn trở thành đối tượng bị người khác ghen tị là khi nào?
Có bao giờ bạn tự hỏi chính mình những câu hỏi ấy chưa. Bạn có nhận thấy mình cảm thấy hạnh phúc cho một người bạn khi bạn biết tin vui của họ. Nhưng lại có chút tiếc nuối cho bản thân vì bạn không được trải qua vận may tương tự ?
Ngược lại, bạn có thấy mình cảm thấy hài lòng chút xíu khi nghe tin người khác thất bại. Hoặc gặp một số bất hạnh khiến bạn cảm thấy mình may mắn hơn không?
So sánh và ghen tị là thói quen và là bản tính luôn có ở trong mỗi con người chúng ta. So sánh để thấy mình tốt hơn người khác. So sánh để thấy mình thua kém người khác. Chúng ta so sánh từ ngoại hình, quần áo, gu ăn mặc, gia đình, tiền bạc…Hay thậm chí là cả những mối quan hệ xung quanh.
Thông thường, những người dễ bị ghen tị có xu hướng so sánh điều tồi tệ nhất trong cuộc sống của họ với điều tốt nhất trong cuộc sống của người khác — hiếm khi chúng ta muốn đánh đổi cả cuộc đời với người khác. Mà thay vào đó chúng ta ước mình có một thứ mà họ có. Như vậy để cuộc sống tốt hơn. Hoặc chúng ta so sánh những ngày vui nhất hoặc hoàn cảnh tốt nhất của họ với ngày tồi tệ nhất của chúng ta.
Ngày nay với sự phát triển ngày càng nhanh của MXH như: facebook, instagram, tiktok.. Dường như nó càng làm cho con người ta so sánh và ghen tị với người khác nhiều hơn nữa.
Nhiều nghiên cứu vê tâm lý gần đây đã chỉ ra rằng, việc sử dụng MXH thường xuyên khiến con người trở nên tiêu cực và khắc khe hơn với bản thân.

Nếu như ngày xưa, chúng ta phải đợi đến những dịp lễ tết. Tiệc tùng cưới hỏi. Họp mặt bạn bè. Để có dịp gặp nhau và trò chuyện về cuộc sống mỗi người. Thì bây giờ ai ai cũng có thể dễ dàng biết được cuộc sống của bạn bè. Người quen ngay trên MXH.
Những hình ảnh, tin tức về những chuyến du lịch. Những bữa tiệc cưới. Sinh nhật hoành tráng với những trang phục lộng lẫy, v.v. Liên tục được cập nhật và chia sẻ. Nó càng khiến ta khó có thể nào ngừng so sánh bản thân với người khác được.
So sánh nó giống như một cuộc chiến. Nghĩa là sẽ luôn có thắng và bại. Dù bạn là ai. Bạn thành công và hạnh phúc như thế nào. Thì sẽ luôn có người giỏi hơn bạn. Thành công hơn bạn. Khi so sánh với người khác như thế bạn sẽ luôn tìm thấy được những thua kém của bản thân so với họ.
Chính những cuộc so sánh ngầm đó. Nó khiến bạn càng thêm thất vọng về bản thân nhiều hơn. Đâu đâu cũng sẽ đầy rẫy những bất công. Ai cũng may mắn hơn bạn. Rồi nào là con nhà người ta. Bố mẹ người ta…Chính những thứ đó sẽ làm bạn rơi vào bất lực thầm chí là trầm cảm.
4 mảng mà con người ta hay đem ra để so sánh nhiều nhất đó là:
- Sự nghiệp
- Giáo dục, học tập
- Tình yêu
- Ngoại hình
Và khi bạn càng trưởng thành hơn thì nó sẽ dần thu hẹp lại 2 mảng mà bạn dễ bị tác động và so sánh nhất đó là: Tiền bạc và Gia đình.
So sánh thường xảy ra trong cùng giới tính và cùng độ tuổi. Ta thường hay so sánh bản thân ta với bạn bè cùng trang lứa. Xem họ hơn ta ở những điểm nào. Họ giỏi như thế nào và thành công ra sao. Họ lập gia đình. Họ có nhà có xe. Có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc như thế nào?
Tôi còn nhớ có lần ba tôi từng nói:
“Nhà người ta ai cũng có con đậu đại học. Nhà mình cũng phải có một người nha con”.
Mặc dù câu nói ấy không hoàn toàn có ý là so sánh tôi với người khác. Nhưng tôi của ngày đó là một đứa vô cùng nhạy cảm và tự ti. Và tôi biết ở thời điểm đó việc đậu đại học là một niềm vinh dự. Là thướt đo niềm tự hào cho gia đình tôi.
Câu nói đó vừa là động lực. Cũng vừa là áp lực mà tôi đã đặt ra quyết tâm cho bản thân mình. Nhất định phải thi đỗ đại học. Có những ngày tôi ôm bụng đau quằn quại phải đến bác sĩ. Tôi được chuẩn đoán là do stress dẫn đến đau dạ dày. Tôi cần nghỉ ngơi và giảm bớt căng thẳng nhiều hơn.
Bản thân tự thấy rằng. So sánh không bao giờ là một hình thức tích cực. Và đặc biệt là kiểu so sánh như “con nhà người ta” sẽ vô tình để lại những tác động tiêu cực, làm cho chúng ta cảm thấy mặc cảm tự ti, ghen tức vì bị đem ra so sánh với người khác. Những sang chấn ấy có thể kéo dài đến khi trưởng thành. Vô tình tạo nên thói quen luôn đem bản thân ra so sánh với người khác.
Bản thân tôi của ngày trước rất dễ bị ảnh hưởng bởi những so sánh từ người khác. Nhiều lần tôi nhận thấy bản thân mình đang đố kỵ với những thành công của những người xung quanh tôi. Đặc biệt là những người cùng độ tuổi với tôi. Cùng mục tiêu chúng tôi hướng tới. Tôi luôn đặt ra những câu hỏi hoài nghi về khả năng và năng lực của mình. Tự ước rằng giá như mình được may mắn như họ.
Cùng lúc đó, một số người lại âm thầm lấy tôi ra để so sánh. Một đứa bạn thân nhất của tôi, có lần nó nói với tôi rằng:
“Tao đã từng rất ngưỡng mộ mày. Ngưỡng mộ cuộc sống mày đang có. Ngưỡng mộ gia đình mày. Thậm chí ngưỡng mộ vì mày được sinh ra trong gia đình có bố mẹ yêu thương như thế”
Tôi còn nhớ khi bài viết chia sẻ về những lo âu mà tôi đã phải trải qua trong cuộc sống được đăng trên trang cá nhân của tôi. Có bạn là người quen của tôi bất chợt gửi tin nhắn cho tôi. Họ nói rằng nếu như họ không đọc được những dòng viết đó. Họ sẽ chẳng bao giờ có thể hiểu được là tôi đã từng phải trải qua lo âu và tiêu cực như thế nào.
Bạn bè nhìn vào tôi là một đứa vô cùng may mắn. Tôi luôn toả ra được nguồn năng lượng tích cực cho mọi người xung quanh. Tôi luôn vui vẻ. Tôi không phải gặp những áp lực về kinh tế gia đình. Tôi có một gia đình trọn vẹn. Có được cuộc sống như ở trên mây.
Và tôi đã khóc khi đọc được những dòng tin đó. Bởi vì trong những năm tháng ấy. Tôi cũng đang không ngừng ghen tị vì những người bạn của mình không phải bị áp lực học tập. Không phải bị những điều tiêu cực như tôi. Họ có cuộc sống vui vẻ và ít lo nghĩ hơn tôi.
====
Tôi tự hỏi điều gì khiến chúng ta không ngừng so sánh và ghen tị lẫn nhau đến vậy?
Giờ đây tôi bắt đầu quan tâm nhiều hơn về cái cách mà tôi đón nhận những thành quả của chính mình và kể cả cách mà tôi đón nhận thành công của người khác. Đây là quá trình mà tôi phải nhắc nhở bản thân mình rèn luyện hằng ngày để ngừng so sánh và bắt đầu sống.
1. Trước khi so sánh tôi sẽ nhìn nhận thông tin ở nhiều góc độ khác nhau.
Ta phải hiểu rằng. Sự thành công của người khác được tạo thành từ nhiều yếu tố khác nhau. Chứ không phải chỉ dựa vào may mắn là được.
Người khác chỉ chia sẻ về thành công của họ. Mà ít khi kể lại những khó khăn vất vả mà họ đã phải trải qua. Những thứ họ phải hy sinh để có được như ngày hôm nay. Vì vậy lúc này khi đem bản thân ra so sánh mà không suy xét nhiều nguồn là bạn đang bất công với chính mình.
Mặc dù xã hội đầy rẫy những bất công. Có những người vừa sinh ra đã ở ngay vạch đích. Họ chỉ cần với tay và đi theo những lộ trình mà đã được sắp xếp từ gia đình là được. Còn với những người xuất phát điểm là con số 0 tròn trĩnh. Họ phải vất vả, bầm dập như thế nào để có được những thứ mà họ muốn.
Và nếu chúng ta cứ mãi tập trung vào những điều mà chẳng bao giờ có thể thay đổi được thì sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ ngừng cố gắng và không bao giờ dám mơ ước nữa.
2. Tôi luôn cẩn thận hơn trong việc sử dụng MXH để giải trí
Sử dụng phương tiện truyền thông xã hội gây ra căng thẳng và so sánh xã hội.
Không khó để thấy rằng. MXH là nơi đầy rẫy những đố kỵ ganh đua, soi mói. Khiến ta luôn bị tác động bới những yếu tố tiêu cực và không ngừng so sánh bản thân với người khác.
Người ta phần lớn chỉ đưa lên mạng những khoảnh khắc vui vẻ nhất. Những gì lộng lấy nhất. Khi họ đứng trước một cảnh đẹp. Thay vì dành thời gian để tận hưởng khung cảnh ấy. Thì họ lại bận rộn để lựa chọn cho mình một cái filter để chụp ảnh đẹp nhất. Rồi lại mất hàng giờ để chỉnh sửa ảnh sao cho ưng ý nhất. Chỉ để đăng lên trang cá nhân kèm theo những câu triết lý châm ngôn sống chuẩn. Nên bạn phải hiểu rằng: Đó chỉ là một phần cuộc sống của họ. Bởi chẳng ai muốn thể hiện mình xấu trước mắt người khác cả.
Chỉ vài năm trước đây. Tôi đã từng đăng rất nhiều album, hình ảnh về những chuyến du lịch của mình. Tôi muốn người khác biết về tôi khi có một cuộc sống như thế. Rồi những bình luận. Những chia sẻ thể hiện quan điểm cá nhân, cái tôi rất lớn. Hay những kiểu phô trương thành công nho nhỏ mà mình đã đạt được.
Tôi còn nhớ, mình đã phải mất hàng giờ để ngồi xem lại và xoá đi những chia sẻ thể hiện cái tôi như thế. Những chỉ trích, những kiểu than vãn vô nghĩa.
Tại sao, ngày xưa tôi có thể đăng những điều như thế này nhỉ ?
3. Sống cho hiện tại và trân trọng những gì mình đang có
Quan trọng hơn hết hãy yêu bản thân nhiều hơn mỗi ngày. Yêu bản thân không có nghĩa là ích kỷ. Hãy nghĩ rằng đó là một trong những điều tốt đẹp mà ta cần làm cho chính mình. Bởi nếu bạn biết yêu bản thân mình thì bạn mới có thể dành tình yêu thương và chăm sóc cho người khác được.
Đối với tôi có thể đơn giản là tự thưởng cho bản thân 1 suất gội đầu massage thư giãn. Có nghĩa là 1 ngày trong tuần không làm gì cả. Chỉ đọc sách và xem phim. Mỗi người có thể có những định nghĩa và cách yêu bản thân khác nhau. Và luôn nhớ rằng:
“Hãy ngừng so sánh bản thân ngay hôm nay để bắt đầu sống”.