Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
Người hạnh phúc đi tìm ý nghĩa cuộc đời

Người hạnh phúc đi tìm ý nghĩa cuộc đời

Posted on 03/01/2024 by admin

Stephen King viết trong cuốn hồi ký On Writing:

“Viết là một hoạt động thần giao cách cảm, dĩ nhiên rồi. Tôi không mở miệng nói một lời và bạn cũng chẳng mở miệng nói một lời nào với tôi… Chúng ta thậm chí không ở cùng một căn phòng, ngoại trừ việc chúng ta đang tồn tại cùng nhau. Chúng ta ở gần bên nhau, tâm trí chúng ta gặp nhau.”

Có nhiều ngày liền tôi không viết gì cả, chẳng muốn viết và cũng chẳng biết viết về điều gì.

Không phải ngày nào cũng có điều đặc biệt, cũng có cảm hứng đặt bút xuống viết. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi đi, khi phần lười trong tôi trỗi dậy.

Đó là những ngày lười viết, những ngày tôi chọn dừng lại thả mình vào cuộc sống, để cuộc sống trôi qua và cuốn theo cả tôi trong dòng chảy ấy, với tất cả những vui buồn, trống trải, hạnh phúc, cô đơn. Tôi gọi đó là những ngày xa xỉ. Và tôi cho phép mình được đắm chìm trong sự xa xỉ ấy.

Đó là lúc chợt nảy lên những suy nghĩ, những trăn trở, những câu hỏi:

“Vậy con người cho đến cuối cùng, chúng ta được sinh ra trên đời này để làm gì?

Liệu có phải để hoàn thành những sứ mệnh riêng, phục vụ cuộc sống với những mục đích riêng nào đó hay không?

Chúng ta sống để làm gì? Sống vì điều gì?

Yêu một ai đó? Hết mình vì họ? Còn mình thì sao?

Làm một công việc mà ta gọi là đam mê? Và sẽ đau khổ nếu không có được đam mê giống như những người xung quanh mình?

Đi thật nhiều nơi để khám phá những nơi chốn khác nhau trên thế giới? Gặp gỡ nhiều người, tạo ra giá trị cho người khác? Hết mình vì người khác?

Ai cũng được ban tặng một cuộc đời để sống. Nhưng không phải ai cũng sẵn lòng và đủ kiên trì để đi tìm ý nghĩa thực sự của cuộc đời mình đang sống.

Nhiều khi ta tưởng mình đang sống một cuộc đời có ý nghĩa. Nhưng biết đâu ý nghĩa đó lại được tạo ra bởi người khác, bởi truyền thống, bởi trào lưu. Ta vay mượn ý nghĩa mà bản thân vẫn không hề nhận ra.

Làm sao biết được ta đang sống một cuộc đời với ý nghĩa mà ta nên chọn? Làm sao để xây dựng một cuộc đời trọn vẹn, đủ đầy và sâu sắc? Làm sao để nhìn rõ đời mình?

.

Đôi lúc ta thấy mình hạnh phúc, nhưng có đôi lúc thì không. Dường như luôn còn thiếu 1 điều gì đó, mà có lẽ khi có được thứ ấy thì cuộc sống này mới được trọn vẹn đủ đầy.

Có phải hầu hết chúng ta đều như vậy không? Hạnh phúc với cuộc sống của mình ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn mong muốn thêm nhiều thứ khác.

Gia đình trọn vẹn hạnh phúc, nhưng chuyện tình cảm vẫn còn lận đận, muốn có một ai đó để yêu thương, muốn có một người bạn đời hoàn hảo. Nên dường như hạnh phúc nhưng vẫn chưa trọn vẹn.

Công việc ổn, đồng lương ổn, sự nghiệp thăng tiến, nhưng ngọn lửa đam mê của những ngày đầu giờ đây đã không còn, muốn có nhiều thành tựu hơn, muốn nhiều trải nghiệm hơn. Nên dường như hạnh phúc nhưng vẫn chưa trọn vẹn.

Cuộc đời vốn dĩ ai cũng đều như vậy, dù ta có được bao nhiêu thứ trong tay, thì vẫn luôn còn 1 thứ gì đó ngoài kia khiến ta mong muốn, khát khao được sỡ hữu. Luôn có những điều gì đó ngoài tầm với, luôn có những điều chưa mãn nguyện. Nên cuộc đời này vẫn chưa hoàn hảo, chưa trọn vẹn.

Bên trong rất nhiều người trong chúng ta là những lỗ trống sâu thẳm. Sự cô đơn, trống rỗng, sợ hãi, nỗi đau. Và cuộc đời này như một đại dương mênh mông mà ta khát khao muốn biết được hạnh phúc là gì. Ta lang thang khắp nơi trên cuộc đời này, kiếm tìm những điều để lấp đầy các lỗ trống, những vấn đề của mình, những cảm xúc sâu kín nhất.

Và dường như rất ít người trong chúng ta hài lòng với chỗ đứng của mình.

Hồi còn độc thân thì lo lắng áp lực khi thấy bạn bè xung quanh đã lấy chồng, ổn định cuộc sống gia đình, rồi bản thân lại loay hoay mải mê kiếm tìm một nửa.

Người lập gia đình rồi thì mệt mỏi chán nản, với bao nhiều là áp lực của cuộc sống hôn nhân, gánh nặng kinh tế gia đình, bất đồng quan điểm, lối sống sinh hoạt. Nên lắm lúc mệt mỏi thì chỉ muốn được thoát ra, lại ganh tị với cuộc sống của mấy con bạn độc thân xung quanh mình.

Người nghèo thì mong muốn được giàu có, được địa vị, được sự nổi tiếng, tung hô của mọi người xung quanh. Còn người nổi tiếng rồi thì lại mong muốn được làm một người bình thường, mong muốn kiếm tìm an yên trong bình lặng.

Việc không hài lòng với hiện tại một mặt tạo động lực cho con người tiến lên, nhưng mặt khác lại khiến con người ta rơi vào cái vòng lẩn quẩn so sánh, ganh tị không lối thoát.

Quá nhiều đau khổ, quá nhiều khó khăn. Đôi khi người ta không khỏi tự hỏi: Tại sao mình phải chịu đựng tất cả những điều này, ý nghĩa cuộc sống rốt cuộc là gì, sống để làm gì chứ? Rồi người ta bỗng thấy mình không có lý do gì để tiếp tục sống nữa.

.

Khi nhắc đến cuộc sống có ý nghĩa, vậy điều hiển nhiên vế ngược lại là cuộc sống vô nghĩa, chứ chẳng phải là cuộc sống bình thường hay đơn giản nữa.

Giả sử cuộc sống mỗi chúng ta giống như một thang đo, nếu:

10 điểm là cuộc sống vô cùng ý nghĩa.

0 là cuộc sống bình thường.

-10 là cuộc sống vô nghĩa.

Vậy cuộc đời mỗi chúng ta đang ở đâu trên thang điểm này?

Giả sử có những giai đoạn ta trở nên tiêu cực, hoang mang, mất phương hướng, sống một cách bản năng, có thể đó là lúc ta chạm điểm -10, một cuộc sống vô nghĩa.

Có thể đó là lúc ta phải đối diện với rất nhiều những câu hỏi nhức nhối: Tại sao chúng ta lại có mặt trên cuộc đời này? Tại sao bản thân lại cảm thấy trống rỗng, bất an, vô định đến vậy? Tại sao lại cảm thấy bản thân không có giá trị gì đối với những người xung quanh, thậm chí cũng không cảm thấy có giá trị với chính mình?

Mình đang sống vì điều gì, quanh đi quẩn lại chợt nhận ra không có mối quan hệ hay hoạt động nào có thể làm cho bản thân mình thấy được giá trị, có động lực để sống mỗi ngày. Một cuộc sống trì trệ, cứ thế lặp đi lặp lại ngày này sang ngày khác.

Mình muốn làm 1 điều gì đó, mình muốn bản thân trở nên có giá trị, nhưng lại không biết phải làm gì. Giá như có ai đó nói cho mình biết mình phải làm gì, đâu là con đường mình phải đi.

Những khoảnh khắc chạm đáy của cuộc sống vô nghĩa, đó là lúc chúng ta bắt đầu có những dấu hiệu về sức khoẻ tinh thần, đó là hiện trạng ta dễ bắt gặp hiện nay như trầm cảm, rối loạn lo âu, thậm chí là tự tử.

Tại sao ta thấy có rất nhiều người, họ có cuộc sống sung túc, họ tài giỏi, họ có mọi thứ mà bao nhiêu người ao ước có được, nhưng họ lại chọn từ bỏ, điều gì đã làm cho họ đi đến lựa chọn đó, lựa chọn mang lại rất nhiều sự thương tiếc cho người thân xung quanh, những người ở lại quan tâm đến họ.

Khi cuộc sống không còn ý nghĩa, đó cũng là lúc con người không còn động lực để sống.

…

Mốc số 0, đây có lẽ là mốc điểm số phổ biến nhất của rất nhiều người hiện nay trên thế giới này.

Một thời điểm bình thường, một cuộc sống bình thường, đôi lúc thấy bản thân có rất nhiều động lực, muốn được làm nhiều thứ, nhưng có lúc thì lại không.

Có những khoảnh khắc bất chợt tìm thấy và kết nối được với chính nguồn năng lượng bên trong. Nhưng cũng có lúc một khoảng thời gian dài phải sống và chạy theo những nguồn động lực ở bên ngoài. Một số thời điểm lại không tìm thấy động lực để làm bất kì điều gì.

Cảm xúc cứ đến rồi đi, khi ẩn khi hiện, khiến cuộc sống cũng chẳng thể nào bình ổn được.

Ta cảm thấy bản thân có giá trị với một vài người, nhưng đa phần số khác thì lại không. Ta cũng có một vài mối quan hệ để kết nối để chia sẻ, nhưng sao bên trong vẫn không cảm thấy được thuộc về.

Vẫn có một vài niềm đam mê, sở thích, vẫn cảm nhận được một vài niềm vui trong cuộc sống dù rằng nó không quá lớn.

Đôi lúc thấy bản thân vẫn sống tốt và sinh hoạt bình thường , nhưng thỉnh thoảng lại thấy trống rỗng, như đang bị kẹt lại trong một giới hạn nào đó, mà bản thân cũng không thể diễn tả được rõ ràng.

Rồi khi những cơn sóng cảm xúc qua đi, mọi thứ đâu lại vào đây, và chúng ta thì cũng tiếp tục quay lại với cuộc sống bình thường, với guồng quay cuộc sống quen thuộc trước đó, cứ thế sống theo chuẩn mực mà đám đông và xã hội đặt ra.

Cuộc sống bình thường khiến ta hoang mang khó xác định, ta thấy cuộc sống vẫn ổn nhưng để cảm thấy trọn vẹn và đủ đầy ý nghĩa thì lại không.

…

Và nhóm có được cuộc sống vô cùng ý nghĩa, có thể chạm mốc 9, 10. Đây là nhóm người khá hiếm hoi.

Họ có động lực rõ ràng, biết mình sống vì điều gì, chấp nhận bản thân, hiểu rõ bản thân. Họ có nguồn động lực mạnh mẽ, họ có thể duy trì nguồn động lực này mà không cần sự tác động từ bên ngoài, hay những người xung quanh.

Họ biết rõ được giá trị của bản thân và cũng biết cách để tạo ra thêm nhiều giá trị khác nữa cho những người xung quanh.

Họ luôn sống với lòng biết ơn, hài lòng, nhiệt huyết, hạnh phúc vì bản thân đang được sống. Họ có được sự trân quý dành cho cuộc sống này.

Họ biết cách yêu bản thân, chăm sóc bản thân và chăm sóc cho những người xung quanh, thể hiện qua cách họ sống, từng việc họ làm, cách mà họ trao đi yêu thương mỗi ngày.

Phần lớn thời gian cuộc sống của họ luôn thể hiện rõ ràng trong từng ngày mà họ sống, trong từng hoạt động mà họ tương tác với mọi người xung quanh, tương tác với cuộc đời.

…

Cả 3 nhóm này đều sống cả. Và con người chúng ta không nhất thiết là sẽ chỉ ở một thang điểm cố định, mà đôi lúc sẽ có sự xê dịch.

Ví như nhóm người ở mức số 0, đôi khi những biến cố xảy đến có thể khiến nhóm người ở mức số 0 có thể xuống âm vài điểm. Hay có những khoảnh khắc họ bất chợt tìm thấy niềm vui, bất chợt thấy hạnh phúc họ lại dịch chuyển về điểm dương.

Liệu có lúc nào đó bản thân đã từng phải chạm đáy cảm xúc hay chưa? Hay khoảng khắc nào ta thấy cuộc sống mình ý nghĩa nhất? Tại sao ta lại cảm thấy điều đó?

Có lẽ đến một lúc nào đó, chúng ta thử dừng lại, và đánh giá xem cuộc đời mình đang nằm ở đâu trên dãy thang điểm này.

—

Viktor E. Frankl, tác giả của quyển sách “Man search for meaning” nổi tiếng đã nói: Ta không phải là người cần hỏi ý nghĩa cuộc sống, ta chính là người bị hỏi. Cuộc sống vốn không nợ bạn điều gì, không có nghĩa vụ cung cấp cho bạn bất kỳ điều gì. Khi bạn sinh ra đời là bạn nợ cuộc đời một câu hỏi. Bạn đem lại ý nghĩa gì cho cuộc sống? Bạn sẽ làm gì với cơ hội được sinh ra làm người trên đời? Có bao nhiêu người đang sống ở trên đời ngoài kia. Tại sao bạn xứng đáng được sống”.

Frankl đã từng nói với những người không muốn sống, luôn thấy chán nản với cuộc đời thì cách tốt nhất là giúp họ nhận ra rằng cuộc sống vẫn còn trông đợi vào họ. Họ không làm những việc đó thì sẽ không có ai khác có thể làm.

Nói cho họ biết rằng, họ vẫn còn gia đình, vẫn còn rất nhiêu người yêu thương và luôn luôn sẵn sàng ở bên cạnh họ, những ước mơ, những khát khao, những điều còn dang dở đang đợi họ hoàn thành.

Và khi nhận thức được vấn đề theo hướng như thế, những khổ đau chịu đựng trong đời dường như cũng có ý nghĩa riêng của chúng.

…

Giống như người hạnh phúc sẽ không còn đi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?”, cũng sẽ không cố gắng giải thích tại sao như thế, mà họ chỉ chú tâm vào nhu cầu phát triển bản thân mỗi ngày.

Ta cần hiểu rằng cuộc đời này như một đại dương, có lúc tĩnh lặng, cũng có lúc sóng dữ cuộn trào. Việc của mình là hãy học cách hoà mình vào dòng chảy, học cách lướt trên những con sóng ấy một cách nhịp nhàng.

Vậy nên mỗi người chúng ta phải luôn tiếp tục nhắc nhở bản thân về chữ “why” của chính mình. Tại sao mình có mặt trên đời này, ý nghĩa mà mình muốn đem lại cho đời là gì, mình sẽ làm gì để tạo ra giá trị và giúp ích cho cuộc sống.

Giữ cho mình một tâm trí bình an và phẳng lặng, dù cho cuộc sống ngoài kia có ồn ào, mệt mỏi ra sao, dù cho vẫn còn biết bao là dự án, công việc, cuộc hẹn dang dở đi nữa.

Không ngừng mỉm cười, tránh xa những điều làm ta cạn kiệt năng lượng, và bao quanh mình bởi những người tri kỷ, những người có cùng giá trị với ta.

Học cách dừng lại để quan sát những nguồn năng lượng sống xung quanh, buông bỏ những bám chấp, định kiến, những đánh giá chủ quan về cuộc đời. Thay vào đó là thoải mái đón nhận bản chất của thực tại bằng sự linh hoạt của cảm xúc chính mình.

Nếu cần thiết cũng sẽ bỏ đi những kiến thức, những suy nghĩ, những niềm tin cũ trước đây bởi có thể giờ đây chúng không còn thật sự đúng nữa. Thay vào đó là sự cởi mở và đón nhận mọi điều mới lạ, xem mỗi tình huống thử thách đều là cơ hội để được học hỏi, mỗi thất bại đều là một người thầy. Mỗi tình huống cuộc sống là một cơ hội nhiệm màu để đời dạy cho mình về cách cho đi và nhận lại, về sự khiêm nhường, kiên nhẫn, lòng dũng cảm và tình yêu thương.

Khó khăn của ta là duy nhất, thử thách của ta là duy nhất, và cho đến cuối cùng bản thân mới là người tự cứu lấy chính mình, không một ai có thể làm thay ta. Nên ta không có lựa chọn nào khác ngoài lựa chọn đối mặt với nó bằng ý chí, nội lực.

Thay vì than vãn, đổ lỗi cho cuộc đời, hãy tự hỏi chính mình rằng: Trải nghiệm này sẽ mang đến cho tôi những bài học gì đây?

.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.