Mưa từ tối hôm qua đến sáng nay vẫn chưa có dấu hiệu tạnh, nghe mẹ nói là ti vi có báo đang có ấp thấp nhiệt đới.
Chui ra khỏi chăn, xếp chân, ngồi thiền.
Sau 30 phút, lồng ngực có chút ấm áp nhẹ nhàng, cảm nhận chân có hơi tê, nhưng vẫn ngồi thêm xíu nữa.
Mỗi khi dừng lại là lúc nàng bắt đầu đặt ra những câu hỏi cho chính mình:
Tự hỏi cuộc sống mình dạo này ra sao rồi ?
Mình có lớn hơn được chút nào không ?
Có sâu sắc hơn được 1 xíu nào không ?
Hoặc có được là chính mình hơn 1 tẹo nào không ?
Dù thiền đã phần nào giúp nàng có được đầu óc tĩnh lại và được sáng suốt hơn, nhưng nhận thấy bản thân vẫn còn có chút giận dữ và bối rối khi đối diện với một vài mối quan hệ xung quanh.
Cuộc sống này biết bao nhiêu là điều xảy đến bất như ý, nếu không giữ cho mình có được sự tỉnh thức thì những mô thức cảm xúc sớm thôi sẽ bị kích hoạt và quay trở lại, để rồi đời sống vật chất bộn bề, sự phức tạp trong các mối quan hệ xung quanh làm nàng cũng có nhiều nổi buồn và tổn thương, rồi dần dần đánh mất chính mình.
Vậy cần phải làm gì ?
Chắc bạn đang thắc mắc đúng không ?
Đó là “bắt đầu lại”
Bắt đầu thực tập thiền và điều chỉnh bản thân trở lại. Bắt đầu lại là một trong những nguyên tắc đầu tiên và có thể nói là quan trọng nhất trong việc thực hành thiền, bắt đầu lại với hơi thở, quay lại với đối tượng mà mình đang chú tâm.
Những ngày đầu khi ngồi xuống, nhắm mắt và bắt đầu thiền, trong đầu nàng xuất hiện hàng ngàn suy nghĩ: hôm nay mình sẽ ăn gì đây, tháng tới mình sẽ có kế hoạch gì, nhớ lại một vài mối quan hệ không mang đến cho nàng niềm vui, một vài hình ảnh của người quen cũ xuất hiện trong đầu, một vài sự tổn thương khi nhớ lại lời nói của những người xung quanh….
Và rồi chợt nhận ra mình đang để tâm trí lang thang. Hít một hơi thật sâu, bắt đầu quay lại quan sát hơi thở, và cứ như thế đều đặn cho đến hết buổi thiền. Đây là cách mà nàng cũng đã áp dụng trong mọi khía cạnh khác của cuộc sống.
.
Mọi chuyện trên đời này đều là tình cờ hay đều được sắp đặt ?
Nàng có bao giờ biết triết lý đâu. Bản tính năng động và tự do, nàng không chấp nhận một cách giải thích siêu thực như thế về cuộc sống.
Phật dạy: Đừng vội tin một điều gì dù điều đó được ghi trong kinh điển hay sách vở. Hãy quan sát, suy tư, thể nghiệm, thực chứng rồi mới tin.
Tất cả những trải nghiệm chúng ta có đều là những hình dung về thế giới trong tâm trí, chứ không phải thế giới như nó vốn dĩ. Triết gia đương đại Nigel Warburton từng nói tâm trí như một rạp chiếu phim khổng lồ, nơi mỗi người ở trong một phòng chiếu riêng biệt, xem cùng bộ phim. Những bộ phim này là thực tại của ta, khi không có người dõi theo màn hình, ngọn đèn máy chiếu tắt đi, nhưng bên trong máy bộ phim vẫn đang tiếp diễn.
Ta ít khi có khái niệm về bảo vệ tâm trí, chúng ta tiếp nhận bất kì điều gì đến với cuộc sống của mình.
Với tâm trí không ngừng so sánh, chúng ta ít khi hài lòng với cuộc sống của mình, vì ở trên mạng ấy mà, ai cũng đẹp, ai cũng xinh, ai cũng giỏi, ai cũng có thể kiếm được thật nhiều tiền, ai cũng được đi du lịch khắp nơi trên thế giới với những hình ảnh lung linh. Khi càng xem, càng nghe, càng đọc những tin tức này thì thuật toán ấy lại càng hiểu là ta quan tâm và sẽ liên tục cung cấp liên tục những thông tin tương tự như vậy.
Trong cuộc sống bộn bề thông tin như hiện tại, mỗi ngày thức dậy là biết bao tin tức được cập nhật lên, bộ phim yêu thích, youtuber yêu thích, tiktoker yêu thích, tình hình thế giới xung quanh, tất cả những điều đó không thể làm cho chúng ta thảnh thơi được. Mới nhận ra tâm trí mình đã hỗn loạn như thế nào trong suốt thời gian vừa qua.
Tâm trí sẽ đem lại sự giận dữ khó chịu, khi ta liên tục tiếp xúc với những nguồn thông tin tiêu cực. Ngược lại tâm trí sẽ trở nên dễ chịu và thoải mái hơn nếu chúng ta biết lựa chọn và chắt lọc nguồn thông tin đầu vào.
Đừng để tâm trí bị sao nhãng, mất tập trung, đừng để đến một ngày tâm trí trở thành những người bạn xấu luôn mang đến những điều tiêu cực. Hãy ý thức hơn với những giác quan của mình, những điều mắt nhìn thấy, những âm thanh tai sẽ nghe, những tin tức mình sẽ đọc, những người mình tiếp xúc mỗi ngày.
Nàng rèn cho mình đôi tai để biết mình cần nghe điều gì, để tâm trí cũng ít có cơ hội đi lung tung hơn.
Nàng trải nghiệm cuộc sống từ một góc nhìn vô tư, vô tư không chút vụ lợi, chứ không phải là vô cảm. Vô cảm tức là sự thờ ơ. Còn vô tư là lòng không mang kỳ vọng, không đòi hỏi bất kì điều gì, nhưng lòng vẫn mở rộng để đón nhận mọi thứ đến với mình.
Tập lắng nghe và gác lại mọi phán xét định kiến góc nhìn chủ quan, chỉ làm một việc duy nhất là nghe mà thôi. Chăm chú mà không phản ứng. Không phải là chối bỏ thế giới này mà là nàng chỉ đang đắm chìm trong một thế giới bên trong tĩnh lặng và trọn vẹn hơn mà thôi.
Lắng nghe như Schopenhauer: thế giới là một thể thống nhất. Khi chìa tay với 1 ai đó ta cũng đang nâng đỡ chính mình. Ta cảm nhận nỗi đau của kẻ khác cũng như nỗi đau bên trong ngón tay ta. Không phải một cảm giác xa lạ mà là một phần thuộc về chính mình. Lắng nghe là một hành động đầy trắc ẩn và yêu thương. Khi trao cho người khác cơ hội chia sẻ, ta cũng trao đi cả tấm lòng.
Rồi cứ sau mỗi buổi thiền những cảm xúc thuận lợi, sự biết ơn khiến người nàng nhẹ đi, tạo nên những chất hoá học chạy trong cơ thể, làm nàng thấy thoải mái hơn vui hơn, khi ở trong trạng thái đó nàng cũng dễ làm mọi thứ hơn.
Mục đích cuối cùng của việc làm thật nhiều tiền, sống thật lâu cũng chỉ là emotion-cảm xúc mỗi ngày thôi và có những người không hiểu chuyện đó nên họ luôn chờ đến thời điểm nào đó trong tương lai thay vì là sống ngay trong hiện tại.
Ngay lúc này là thời điểm lý tưởng nhất để bắt đầu lại mọi thứ, bạn không cần tự trách chính mình vì đã trì hoãn bấy lâu nay.
Chỉ đơn giản vậy thôi là ta đã gieo xuống một hạt giống cho một hành trình sự sống mới rồi.
.
.
.