Nàng đã trải qua cái tuổi 18 đôi mươi, sống trong vòng tay cha mẹ quá lâu, nên khi đến giai đoạn mà nàng nghĩ mình đã lớn, đã có đủ đôi cánh để bay được (gia đình không bỏ rơi nàng, cha mẹ cũng không bỏ rơi nàng) chỉ là đến một giai đoạn nào đó, nàng mong muốn được đi ra ngoài. Nàng cho rằng đã đến lúc thể hiện sự trưởng thành bằng cách là làm những thứ mình chưa từng làm.
Sống xa nhà là một bước ngoặt trong cuộc đời nàng. Đầu tiên là những ngày tháng xa nhà bước chân vào cánh cửa đại học. Nàng nhớ khi ấy nàng háo hức biết bao nhiêu.
Nhưng rồi chào đón nàng là những con đường xa lạ, những con người hoàn toàn lạ lẫm, nàng chẳng biết đi đâu về đâu. Lần đầu tiên nàng chợt nhận ra, cuộc sống này lại to lớn đến thế, còn nàng thì thật nhỏ bé.
Những buổi tối muộn đạp xe đi học về, lướt qua nàng là những gương mặt vội vã và hoàn toàn xa lạ. Nỗi nhớ nhà, một cảm giác cô đơn và lạc lõng ùa về, nó khiến lòng nàng bồn chồn và không yên.
Nhưng cuộc sống là thế, không có gì là tồn tại mãi mãi kể cả những nỗi buồn cũng vậy. Rồi nàng dần thích nghi và làm quen với những điều mới mẻ, cảm giác cô đơn cũng dần nguôi ngoai.
Nhưng những cảm xúc ấy vẫn yên náu trong một ngách nhỏ đâu đó ở tim nàng, để cứ mỗi dịp nào đó, khi bắt gặp những khung cảnh quen thuộc, nó lại hiện lên và vẫn khiến tim nàng thổn thức, nhắc nhở nàng luôn có một nơi để trở về, vậy nên đối với nàng nó là một cảm xúc thật đẹp.
. . .
Sống xa nhà đã dạy cho nàng rất nhiều điều: về lòng dũng cảm, sự độc lập, những cơ hội, những thất bại, vấp ngã và còn có cả sự trưởng thành.
Những đêm tối khóc muộn đó khiến nàng biết trân trọng hơn khoảnh khắc ngồi trên xe để cha chở về nhà, giây phút ấy nàng cảm thấy như được trở về tuổi thơ, khoảng thời gian nàng được cha đưa đón đến trường.
Những sự cô đơn lạc lõng khiến nàng trân trọng hơn tình cảm gia đình, để nàng thấy rằng những giờ phút được quây quần bên gia đình không phải là điều hiển nhiên. Tất cả đều là những món quà tuyệt vời nhất mà nàng có được và nàng cần phải trân trọng.
Những bước ngoặt trong cuộc đời nàng không phải là những mất mát hay đánh đổi như nàng nghĩ. Mà tất cả đều là những cơ hội để nàng được học hỏi, trưởng thành và phát triển hơn.
Bước ngoặt sống xa nhà cho nàng cơ hội có thêm nhiều kiến thức mới, khám phá năng lực và giá trị của chính mình.
Bước ngoặt thay đổi nghề nghiệp cho nàng cơ hội để nàng bước ra khỏi vùng an toàn, mở rộng giới hạn của bản thân.
Bước ngoặt trở về nhà, quay về bên trong dạy nàng cách lắng nghe những điều bình dị và cốt lõi nhất, rằng mọi thứ vẫn nguyên vẹn ở đây.
. . .
Bố mẹ nào cũng sẽ đều lo lắng cho tương lai của một đứa con cả.
Hình mẫu con nhà người ta, mong muốn con mình được làm những công việc như giáo viên, bác sĩ, những công việc mà ngày xưa cha mẹ nào cũng mong muốn con mình trở thành.
Trong thâm tâm nàng vẫn biết cha mẹ luôn muốn nàng làm công việc giống như cha mẹ làm, hoặc đôi khi như cha mẹ mong muốn. Nhưng rồi đến cuối cùng cha mẹ vẫn luôn âm thầm ủng hộ nàng, dù đôi khi cũng sẽ hỏi là tại sao con lại làm công việc này.
Nàng ước gì thời điểm đó có ai nói cho nàng biết được, rằng là những gì bố mẹ đang làm đều xuất phát từ tình thương, cha mẹ làm vậy bởi vì nàng là con gái của ba mẹ. Cha mẹ yêu thương, cha mẹ sợ con gái bị như thế này, như thế kia.
Nhưng giờ đây nhìn lại nàng thật sự biết ơn và trân quý cảm giác đó, vì nàng may mắn còn được bố mẹ quan tâm. Bởi tất cả những gì đã xảy ra đều xuất phát từ lòng yêu thương của bố mẹ và chỉ có lòng yêu thương mới có thể trả lời được hết tất cả.
Mâu thuẫn với người thân là không thể tránh khỏi. Nếu mâu thuẫn gây ra với người lạ thì ta có thể dễ dàng ngó lơ họ, với đồng nghiệp thì có thể chọn cách cùng lắm thì nghỉ việc…mặc dù biết đó đều là những giải pháp không tốt.
Nhưng còn mâu thuẩn với người thân thì sao, chúng ta thường không đủ cam đảm để đối diện và rồi lại tìm cách chạy trốn. Đó không còn là một giải pháp tốt nữa, bởi với người thân, ta phải đối diện với cảm xúc, phải hiểu về cái tôi của bản thân trước đã, rồi từ từ điều chỉnh với người thân của mình.
Đừng mong đợi mọi thứ sẽ ổn ngay lập tức. Đừng mong đợi là người thân sẽ thay đổi. Mọi thứ sẽ ổn hơn rất nhiều từ khi ta nhận thức được những căn phòng trống ẩn sâu trong những góc khuất của chính mình cái đã.
Nhưng thật ngạc nhiên, chỉ với việc nói ra và thừa nhận cảm xúc của mình, học cách bày tỏ cảm xúc, sống chủ động hơn, chăm chỉ hơn, truyền thông giao tiếp trong chánh niệm và tình yêu thương mà giờ đây mối quan hệ của nàng và gia đình dần tốt hơn và đã có nhiều thay đổi tích cực.
Nàng và cha mẹ có thoải mái với nhau hơn nhiều. Nàng cũng bắt đầu để ý tới cảm xúc của cha mẹ, đến việc những người thân sẽ tổn thương thế nào nếu như nàng có những cách hành xử thiếu suy nghĩ.
Sự thay đổi không đến từ việc nàng làm gì cho cha mẹ, mua gì cho cha mẹ, mà sự thay đổi đến từ việc nàng sống trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình, nàng biết mình cần phải làm gì để đạt được những thành quả mà bản thân mong muốn.
Nàng thấy rõ được sự yên tâm và hạnh phúc từ cha mẹ, và họ cũng dần bớt đi sự lo lắng khi thấy nàng đã tiến bộ và trưởng thành hơn mỗi ngày.
. . .
Bữa cơm, sự biết ơn và những ngày vui.
Người ta hay bảo nhau “bụt nhà không thiên”, rằng bạn có thể thay đổi được những người xung quanh nhưng duy những người thân bên cạnh là không thể thay đổi được.
Nhưng chỉ có tình yêu, chỉ có thể là tình yêu mới cho chúng ta thấy được những sự thay đổi kinh ngạc đến như vậy ở một con người.
Kể từ khi nàng có thói quen ăn uống thanh đạm, trên những mâm cơm cuối tuần luôn có thêm một đĩa rau luộc mà mẹ nàng chuẩn bị, không chỉ cho riêng nàng mà là cho cả gia đình cùng ăn.
Từ những gợi ý nho nhỏ, mẹ nàng bắt đầu đón nhận và có những sự thay đổi nho nhỏ trong căn bếp thông qua gia vị, mẹ nấu ăn nhạt hơn, ưu tiên cho vị ngọt từ rau củ quả, ít sử dụng bột ngọt hơn trước rất nhiều.
Những món mẹ nấu dù là ngon hay dở, nàng luôn thấy cảm động, vì nàng biết mỗi món ăn đều chứa đựng tất cả tình yêu thương và sự quan tâm mà mẹ bỏ vào. Cả cha nàng cũng vậy, những hôm mẹ cứ theo hỏi “Hôm nay canh có nhạt quá không? cha chỉ lắc đầu nói không và cứ thế là ăn hết.
Nàng buôn bỏ sự kỳ vọng và học cách trân trọng. Một người vợ, một người mẹ vất vả dành ra 2-3 tiếng mỗi ngày ở bếp để chế biến, nấu nướng, chăm chút cho từng bữa cơm, thì nhiệm vụ người ăn là ăn thật ngon, ăn bằng tất cả sự biết ơn, đó là phần thưởng tuyệt vời nhất dành cho người đã nấu bữa ăn này. Lúc ấy bao nhiêu mệt mỏi họ bỏ ra đều là xứng đáng.
Đương nhiên trong mỗi bữa ăn nàng và cha đều vào phụ mẹ. Cha sắp xếp chén đũa, nàng phụ mẹ lặt vặt trong bếp.
Gia đình nàng không có tập quán chụp hình mâm cơm trước khi ăn. Nên những mâm cơm đó vẫn giữ được sự ấm áp và nhẹ nhàng, bởi cả gia đình đều thật sự hiện diện và có mặt ngay khoảnh khắc đó bằng tất cả tình yêu thương dành cho nhau.
Mâm cơm gia đình khiến nàng cảm động và biết ơn vô cùng.
. . .
.
.
,