Có lẽ trong chúng ta, từ bé đến lớn, ở mỗi gia đình sẽ luôn có một món ăn khoái khẩu, mang khẩu vị, nét đặc trưng riêng ở mỗi người nấu.
Cũng cùng một nguyên liệu, cùng một tên gọi món ăn, nhưng cách mỗi người nấu lại cho ra một hương vị rất khác. Rồi cách nấu đó lại được truyền cho những đứa con trong gia đình.
Giống như nàng vậy, nàng lớn lên học cách nấu ăn từ mẹ, cách hầm nồi canh từ mẹ, cách xào món rau từ mẹ, cách nêm nếm theo khẩu vị công thức của mẹ, rồi nàng cũng học được và nấu được.
Nàng cũng không biết ai là người đầu tiên nấu món ăn ấy, mà có lẽ bà nàng không biết, mẹ nàng cũng không biết, chỉ biết là cứ thế món ăn ấy, công thức ấy, khẩu vị ấy len lỏi qua nhiều thế hệ và giờ mẹ dạy lại cho nàng.
Và cứ mỗi lần nàng nấu món ăn ấy cả nhà sẽ ăn ngon lành.
Dần dần nàng nhận ra dẫu mình đã nấu được nhưng có một cái gì đó khác, một khẩu vị của riêng nàng, được biến tấu cho riêng nàng, rất khác so với những ngày xưa mẹ nấu.
Khẩu vị món ăn đã khác đi, nhưng cái sợi dây kết nối giữa nàng và mẹ là ở lại.
Cái tình thương, sự ấm áp là ở lại.
Cái thói quen đợi nhau, khi đã đủ thành viên cùng ngồi vào bàn ở lại.
Có lẽ nàng không thể nấu được khẩu vị ngày xưa của mẹ, nàng cũng không thể hy sinh được như mẹ, có thể nàng cũng không chăm chút và vun vén cho gia đình được như mẹ, nhưng trong nàng luôn có một phần của mẹ.
Cái tình yêu thương, cái sự chăm chút mẹ đã gieo vào nàng từ những ngày còn thơ bé.
Chính bàn tay mẹ đã chăm chút, vun vén cho chồi non đó từ những ngày mới nảy mầm trong bụng mẹ. Những điều bình dị, có phần nhỏ bé chẳng đáng để bận tâm. Song có những khi, ở giữa một nơi nào đó xa nhà, ở giữa những lúc bận bịu và mỏi mệt, khi nhớ lại có thể khiến nàng bất giác bồi hồi.
Cái hương vị ấy nó buộc nàng dừng lại, rằng dẫu có mệt mỏi và bế tắc đến thế nào đi nữa thì nàng vẫn còn một nơi để quay về, để nương tựa vào một món ăn mà mẹ nấu.
.
.
.
.
.