Chào bạn,
Hôm nay bạn cảm thấy thế nào, bạn có ổn không ?
Còn nàng thì không ổn chút nào.
Hôm qua khi tập yoga về, cảm nhận các cơ có hơi đau một chút (vì cô giáo cho bài tập nặng). Phần hơi ỉ i, tắm, gội đầu mà không lau khô ngay lặp tức. Sáng ngủ dậy thấy hơi mệt, người không bị nóng nhiều hay sốt gì cả, chỉ có chút lạnh, và các cơ thì hơi đau. À chắc là cảm rồi.
Tóm lại là phải nằm im một chỗ, không làm được gì, chỉ ngồi và xem phim. Một bộ phim đã xem 2 năm về trước, và đây là lần thứ 3 nàng xem lại, cảm xúc vẫn thấy hào hứng và cảm động. Bộ phim mà nàng thấy rằng có những khía cạnh cảm xúc đa dạng vô cùng.
Bộ phim có tên là “Hospital Play List-Những bác sĩ tài hoa”, nội dung phim kể về công việc của 5 người bạn đều là bác sĩ, cả 5 đều là giáo sư ở tuổi 40, mỗi người một hoàn cảnh sống, vấn đề khác nhau. Người thì đã ly hôn làm gà trống nuôi con, người thì muốn phụng sự cho chúa trời, người thì sau nhiều lần yêu thất bại thì không còn muốn yêu đương nữa, người thì cũng mới bắt đầu lại hành trình yêu đương. Xuyên suốt bộ phim là những câu chuyện về bệnh nhân, gia đình người bệnh, những khó khăn áp lực mà các bác sĩ phải đối mặt, những khoảnh khắc ấm lòng cảm động đã lấy đi nước mắt của tôi.
Trước đây từng xem phim vẫn có cảm xúc, vẫn có những lúc cảm động, nhưng thời điểm đó có thể nàng chưa đủ trải nghiệm để có thể thấm thía hết. Giờ xem lại, trong mỗi tình huống, mỗi câu thoại của từng nhân vật một, mới thấm thía và nhận ra được đó là giá trị của sự thấu cảm.
Cách bác sĩ nói những lời động viên, những hành động tinh tế dành cho bệnh nhân, cách những giáo sư kì cựu trong ngành dìu dắt những bác sĩ trẻ mới vào nghề.
Vào ngày quốc tế thiếu nhi, một người cha có con nhỏ, vừa bị tai nạn giao thông và tử vong, người cha ấy có nguyện vọng muốn hiến tạng, một bác sĩ đã đề nghị sẽ lấy tạng khi qua 12h đêm, qua ngày mới, vì bác sĩ ấy không muốn đứa trẻ lớn lên với nỗi đau không có cha vào ngày quốc tế thiếu nhi.
Một vị bác sĩ khác sẵn sàng bật nhạc thật lớn trong phòng sinh và nhờ người phụ tá chặn miệng để em bé không bật ra tiếng khóc lớn vì không muốn sản phụ biết rằng con cô ấy đã chào đời và không thể sống được.
Một người bác sĩ nhi, nhiều lần bất lực khi không cứu sống được những em bé, đối diện với việc tự trách mình, nhiều lần muốn bỏ nghề để được phụng sự cho chúa.
Khi xem những điều tốt đẹp đó, đôi lúc cũng bật cười, vì thấy rằng phim ảnh lúc nào cũng hoàn hảo, mọi thứ đều là màu hồng, còn thực tế thì lại khác xa lắm. Nhưng nàng chỉ biết một điều là sau tất cả đó là một cảm giác dễ chịu, thấy ấm lòng khi chứng kiến những điều tốt đẹp mà con người đang dành cho nhau trong cuộc sống.
Có thể thấy rằng một hành động quan tâm chăm sóc người khác có thể mang lại nhiều cảm xúc như thế, tại sao mình không dành sự quan tâm đó cho chính mình.
Tự hỏi 5 vị giáo sư đó họ lấy đâu ra những năng lượng, mục đích, ý nghĩa sống, để có thể hành động và kiên nhẫn với bệnh nhân, đồng nghiệp của mình như thế.
5 vị giáo sư mặc dù công việc và cuộc sống luôn bận rộn nhưng họ vẫn luôn có những sở thích và dành thời gian cho những sở thích đó. Điểm chung của những người này là bằng cách này hay cách khác họ vẫn biết cách để yêu thương chính mình.
Giáo sư nữ sẽ đi cắm trại mỗi cuối tuần, một giáo sư khác tham gia chạy marathon, một người khác thích chơi golf, một người khác dành thời gian ăn cơm với mẹ, một người là gà trống nuôi con thì sẽ nấu ăn, đưa con đi chơi, dành thời gian cho con. Để có thể tạo ra những hành động tử tế với người khác thì trước hết đến từ việc họ có khả năng yêu thương kiên nhẫn với chính mình trước thảy. Đó là điều quan trọng đầu tiên.
Trong hai mươi năm vừa rồi, ba mươi năm, bốn mươi năm bạn có từng yêu chính mình chưa?
Nhìn lại đoạn thời gian mà nàng đã đi qua, cũng có rất nhiều những mối quan hệ, có lúc nàng được yêu, có lúc nàng lâng lâng hạnh phúc, cũng có lúc nàng bị bỏ rơi, rồi lại buồn…Khi nhìn lại phần lớn những trạng thái đó đều được tạo ra từ thế giới bên ngoài, trách người khác sao lại làm nàng tổn thương. Mà không hề biết rằng chính nàng cũng đang làm điều đó, nàng cũng đang bỏ rơi mình mà không hề hay biết.
Luôn trách người khác bỏ rơi mình, vậy còn mình bỏ rơi mình thì ai trách đây? Người sẽ đi với mình đến hết cuộc đời này không ai khác là chính mình, vậy mà đã từng có lúc mình lạc mất đi người bạn ấy.
Là chính mình, làm chính mình, tìm thấy chính mình có lẽ những cụm từ mà chúng ta được nghe nhiều nhất trong những năm gần đây. Có khi nào bạn tự hỏi, tại sao mình cũng đã thử tìm hiểu đủ các kiến thức, thực hành cái này cái kia, đọc sách này sách nọ, nhưng sao vẫn không tìm thấy chính mình như bao nhiêu người khác.
Nhưng bạn à, có một điều nàng phải thú thực để được là chính mình là một điều rất khó bạn ạ. Khi nghe nàng nói thế, bạn cảm thấy thế nào, bạn có thấy mâu thuẩn không, bạn có tin nàng không? Nhưng không sao cả, bạn hãy cứ bình tĩnh và nghe tiếp câu chuyện nàng nói nhé.
Chúng ta rất khó để tìm được chính mình vì nhiều lý do, có thể từ bé đến lớn chúng ta đã có hình ảnh sai lầm về chính mình rồi, nếu ngay từ ban đầu đích đến đã sai thì sao mình có thể gọi là tìm đúng được bạn nhỉ.
Với khái niệm trước giờ có lẽ chúng ta cho rằng chính mình là việc sẽ có một hình ảnh tuyệt vời trong mắt gia đình và những người xung quanh, với những giấc mơ được trở thành sự thật, với việc bản thân sẽ đạt được mọi kỳ vọng trong cuộc sống, sẽ có được một tình yêu đích thực, sống cuộc sống bao nhiêu người mơ ước. Khi nào chưa đạt được những thứ ấy thì khi đó mình còn hối tiếc, còn khát khao, còn mong muốn được là chính mình.
Và bạn có bao giờ nghĩ những thứ đó là vỏ bọc, mặt nạ mà bạn đang khát khao chinh phục và sở hữu hay không?
Với nàng là chính mình có lẽ chỉ cần là phiên bản tốt hơn chính mình ở hiện tại và với cách nghĩ đó thì việc là chính mình có vẻ ít khó khăn hơn rất nhiều.
Đầu tiên đó là việc chấp nhận
Bắt đầu từ việc chấp nhận chính mình trước thảy, nàng chấp nhận mình có một vài thói quen xấu như thức đêm nhiều, dễ nổi nóng, khó kiềm chế cảm xúc, hay thường có những nỗi sợ, hay lo lắng suy nghĩ nhiều, hay sợ làm phiền người khác. Nhưng rồi mình cũng có những điểm tốt nữa mà: mình thích đọc sách, mình tập thể dục đều đặn mỗi tuần, mình biết dành yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh.
Vậy thôi đó, tất cả là mình với những điểm tốt và xấu như bao nhiêu con người khác.
Tất cả chúng ta thường xuyên bị dằn vặt bởi những đau khổ. Chúng ta đều tổn thương, đều chịu đựng, đều khao khát. Chúng ta đều trách cứ bản thân trước những quyết định tồi tệ, đều tiếc thương trước những mất mát, đều ám ảnh vì những khiếm khuyết cơ thể, đều dằn vặt vì những lựa chọn sai lầm, đều chới với vì những cơ hội đã vụt qua. Chúng ta biết mình có thể hạnh phúc hơn, giàu có hơn, viên mãn hơn nếu không làm những điều nào đó. Nhưng chúng ta không thể làm được gì. Chúng ta có nhu cầu dường như di truyền là phải kể đi kể lại câu chuyện của mình nhiều lần, đôi khi hơi quá nhấn mạnh về những biểu hiện kém cỏi nhất, những khoảnh khắc yếu kém nhất của chúng ta.
Chấp nhận thực tế, chấp nhận sự bất như ý này, chấp nhận sự không hoàn hảo, chấp nhận sự đổ vỡ, bởi cuộc sống này đôi khi mình không có nhiều lựa chọn như bản thân vẫn nghĩ. Đôi lúc khi nhìn lại những sự kiện trong quá khứ, nàng chợt thấy mình thật tệ, hình ảnh đó thật xấu xí, cái sự bất ổn của chính mình. Rồi không ngừng tự trách mình, ước rằng hay giá như.
Nhưng nàng biết quá khứ giờ đã ở lại phía sau, nàng biết mình không thể làm gì được nữa, nàng không thể thay đổi được hành vi, cảm xúc, suy nghĩ của bản thân ở trong quá khứ.
Tự nói với chính mình, có thể 5 năm hay 10 năm nữa mình cũng sẽ chẳng còn nhớ về những kí ức ấy nữa, hay có khi đến lúc ấy khi nhìn lại thì mọi thứ đã trở nên nhẹ nhõm hơn nhiều, bởi lúc ấy cảm xúc bắt đầu phôi phai nhiều rồi. Có lẽ khi ấy mình sẽ chỉ mỉm cười vì tuổi trẻ, sự bồng bột ngây ngô và những lỗi lầm có lẽ là điều hoàn toàn có thể hiểu được.
Chấp nhận chính mình, tha thứ cho mình từ đó cũng chấp nhận và tha thứ được cho cả người khác nữa. Biểu hiện rõ nhất cho việc chấp nhận chính mình là nàng biết cách sống trong hiện tại, bỏ qua những lỗi lầm trong quá khứ, không để những tổn thương trong quá khứ giày vò và giam giữ mình. Có lẽ mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời này đó là sự trải nghiệm, và càng chấp nhận chính mình thì việc trải nghiệm mới được diễn ra liên tục được, bởi vì lúc đó nàng sẽ không còn sợ sai nữa.
Điều thứ hai đó là sự trân trọng
Chúng ta thường hay so sánh mình với người khác để rồi luôn bất an và không hài lòng với những gì mình có. Điều mình cần làm là hãy học cách trân trọng mình trước thảy, hãy nhớ rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng đều hoàn hảo.
Vì sao mình chưa hài lòng với cơ thể mình ? Mình chưa yêu cơ thể mình là vì mình, vì tiêu chuẩn người khác đặt ra hay vì áp lực của những người xung quanh?
Khi có thể trân trọng những bộ phận, đặc điểm trên cơ thể mà không thêm vào bất kì tiêu chuẩn hay nhận xét nào từ những người xung quanh, đó là lúc nàng không còn phải đối diện với những cảm xúc khó chịu, bởi khi đã chấp nhận và trân trọng sẽ không còn sự phản ứng, không còn sợ hãi hay bất cứ lo lắng nào, đó là lúc nàng được là chính mình.
Khi bắt gặp ánh mắt khó chịu hay không hài lòng mà người khác dành cho nàng, nàng có thể hiểu là đó là chuyện của họ, không phải là vấn đề của nàng, nàng thấy ổn với cơ thể mình, nàng hài lòng và hiểu được sự quý giá và may mắn vì có được cơ thể này.
Dành sự biết ơn cho cơ thể mình vì nó đã được nuôi dưỡng bởi cha mẹ và rất nhiều những người đã yêu thương nàng. Nàng chấp nhận và yêu được cơ thể mình từ đó cũng biết cách trân trọng cơ thể của những người xung quanh.
Điều thứ ba đó là bao dung
Là con người ai cũng sẽ có những sai phạm, đó là điều hiển nhiên mà ai cũng gặp phải trong quá trình lớn lên và trưởng thành, có chăng khác nhau ở chỗ là mỗi người có cách nhìn nhận những lỗi sai ấy như thế nào thôi.
Có người nhìn sai lầm là những bài học. Có người để những nỗi sai kìm hãm và giam mình lại trong những lỗi sai ấy, dẫn đến thiếu tự tin rồi dần mất đi sự kết nối với chính mình, với những người xung quanh. Điều cần làm lúc này là để quá khứ là những bài học.
Khi càng bao dung, càng thấy bản thân đáng được trân trọng, và càng chấp nhận được chính mình.
.
Ngày trước với nàng việc đi ngủ chỉ là vì cơ thể đã mệt lả sau một ngày dài làm việc và cạn kiệt năng lượng, hay có khi thì trơ ra khi đã liên tục lướt trên những newsfeed đến nỗi nó còn không kịp cập nhật những tin tức mới nữa.
Giờ thì trước khi ngủ, nàng không xem điện thoại, chỉ nằm im, cảm nhận cơ thể, xem có chỗ nào khó chịu hay không, hít vào thở ra vài hơi thật chậm, cảm nhận cái lưng thật thoải mái khi đặt xuống tấm nệm thật êm, cảm giác tay chân hoàn toàn được thả lỏng, rồi chìm vào giấc ngủ tự lúc nào không biết.
Thỉnh thoảng vẫn nghe được một vài âm thanh, tiếng hát karaoke từ trong hẻm, tiếng nhạc, tiếng những clip tiktok không ngừng phát ra từ phòng bên cạnh. Nàng lắng nghe từng âm thanh, cũng có những đêm là sự yên ắng đến lạ thường, đó là lúc nàng cũng bắt đầu có những suy nghĩ xuất hiện.
Thời gian gần đây chất lượng giấc ngủ của nàng tốt lên rất nhiều, mỗi đêm đi vào giấc ngủ dễ, không bị trằn trọc nhiều, thức dậy thấy người cũng khoẻ và sảng khoái hẳn, ít ngáp hơn, ít lừ đừ. Mặc dù vẫn uống cà phê mỗi sáng, nhưng không phải uống vì để có cafein cho tỉnh táo, mà uống vì là thói quen, uống vì thích uống. Và thấy mình có thêm nhiều năng lượng cho một ngày.
Còn bạn thì sao ?
Mỗi ngày trôi qua bạn có làm gì để yêu thương cơ thể và trân trọng chính mình hay không ?
Có sở thích hay hoạt động nào bạn đã bỏ bê quá lâu vì áp lực công việc và cuộc sống hay không ?
Nếu có thể thì mỗi ngày hãy dành ra một chút thời gian, một chút thôi cũng được, chỉ để yêu thương chính mình thôi bạn nhé. Việc yêu thương bản thân không đến nỗi quá khó như chúng ta vẫn nghĩ đâu, thật ra nó đến từ việc mình có thể kiên nhẫn, dành thời gian, để tạo ra sự hài hoà về mặt cảm xúc, tâm trí, lối sống, tạo ra sự bình an trong những hoạt động hằng ngày của mình.
Hãy kết nối với bản thân, chữa lành những tổn thương và từ từ học cách yêu lấy chính mình, bạn nhé!
.
.’.
.