Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu

#nhatkynang – Người thương của nàng

Posted on 23/09/202323/09/2023 by admin

Theo góc độ xã hội:

Mối quan hệ với cha mẹ là một mối quan hệ hết sức thiêng liêng, nhưng đôi khi trong cuộc đời vội vã này ta lại vô tình quên mất đi sự thiêng liêng ấy. Ngày ta ra đời, họ chứng kiến trong sự hân hoan. Ngày họ rời bỏ cuộc đời này, để lại trong ta một sự trống trải vô định, sự mất mát quá lớn.

Sợi dây liên kết vô hình giữa chúng ta và cha mẹ là hết sức bền chặt, dù có chuyện gì đi nữa, dù thương dù ghét, dù có giận hờn, có tha thứ được cho nhau hay không, thì cha mẹ vẫn là người gắn bó với chúng ta xuyên suốt cả cuộc đời.

Theo góc độ tâm linh:

Vì có những đứa con bất hiếu, ngỗ nghịch, làm cho cha mẹ phiền lòng, buồn khổ. Nên nhiều người nói con cái là nợ. Có lẽ trong muôn vàn nhiều kiếp trước, cha mẹ từng gây lầm lỗi nào đó, đã sống quá nhiều kiếp, đều là những linh hồn già, đã quá nhiều lần thất bại, đã quá nhiều bài học đau thương, nên lại gặp và tiếp tục làm khổ nhau trong đời sống này, để cha mẹ phải mang vác trách nhiệm cưu mang và nuôi nấng để trả nợ.

Hay cũng có khi con cái ở kiếp sống nào đó từng mang ơn cha mẹ, rồi nguyện một đời nào khi đủ duyên để được làm con, để báo hiếu, phụng dưỡng và đền ơn đáp nghĩa.

Duyên và nợ có lẽ là một sợi dây liên kết vô hình nhưng lại rất bền chặt, dù cho có qua bao nhiêu đời kiếp đi nữa. Sợi dây liên kết buộc chặt gia đình đôi khi còn là một sợi dây của nghiệp lực, của nhân quả. Có thể chúng ta và cha mẹ là những linh hồn đi cùng nhau qua nhiều kiếp sống nên gắn bó tạo nên những mối liên kết khác nhau.

Như dân gian vẫn hay nói rằng, con gái là người tình kiếp trước của cha. Đó là khi những linh hồn đi cùng nhau qua nhiều kiếp sống nhưng vẫn luôn gần nhau, chỉ khác nhau về vai trò trong gia đình.

Mỗi kiếp sống là mỗi trải nghiệm, bài học và cuộc đời thăng trầm. Lúc này ta có thể thấy rằng, những mâu thuẫn với ba mẹ không dừng lại ở góc độ xã hội, mà còn ở góc độ tâm linh, của linh hồn nữa.

Liệu đâu là cách để có thể dung hoà được mối quan hệ thiêng liêng ấy?

. . .

Đã bao lâu rồi chúng ta và cha mẹ không còn ngồi chung một mâm cơm, và kể cho nhau nghe những câu chuyện vụn vặt đời thường.

Thời gian chúng ta dành cho cha mẹ ngày càng ít đi, vì bận mải mê vào công việc, hay có những người đã kết hôn thì bận chăm chút cho mái ấm gia đình riêng. Hoặc nếu có nhiều thời gian, thì phần lớn lại dành để lướt điện thoại, nhắn tin, xem tivi, tin tức thay vì ngồi xuống để nói chuyện cùng cha mẹ.

Chúng ta ngày càng mất kết nối với gia đình. Để rồi khi những cuộc gặp mặt chỉ còn là những cuộc tranh cãi vì thiếu sự lắng nghe, vì không thấu hiểu hay là sự áp đặt.

Cha mẹ ngăn cản con cái làm những công việc mà chúng muốn, chỉ vì đó là những công việc không danh giá, không ổn định, không đúng truyền thống gia đình. Họ chưa bao giờ hỏi rằng tại sao chúng lại chọn điều đó. Họ chẳng bận tâm, chỉ đơn giản là họ không chấp nhận được. Họ can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của con cái, từ cách ăn mặc, cách sống, sở thích, chỉ vì sợ người khác đánh giá, và sẽ ảnh hưởng đến cả hình ảnh của họ. Không nói chuyện được, chỉ cần gặp nhau là lại tranh cãi. Họ luôn lấy danh nghĩa là người sống từng trải, nhiều kinh nghiệm sống, người đi trước để đàn áp lên con cái mình.

Để rồi có những đứa con lựa chọn sống xa nhà với mong muốn duy trì khoảng cách vật lí với gia đình, thì phụ huynh không còn kiểm soát được nữa, thì mối quan hệ sẽ bớt mệt mỏi.

.

Có lẽ trên cuộc đời này, giữa hàng tỉ những con người đang cùng tồn tại, thì người thực sự có thể dành trọn vẹn tình thương yêu vô điều kiện cho nàng, chắc chỉ có thể là cha mẹ nàng mà thôi.

Đó là hai người thương nàng từ lúc nàng chưa ra đời, hai người thương nàng bằng tất cả tình yêu thương mà họ có được. Nhưng trong tình yêu thiêng liêng ấy, đôi lúc lại có tồn tại những mâu thuẩn, bất đồng quan điểm, và có khi là những cuộc tranh luận, cãi vả.

Nàng cũng đã từng loay hoay, chật vật như thế. Nàng trách cha mẹ sao không hiểu nàng, đã từng có lúc nàng ước, giá như nàng được sinh ra trong một gia đình khác, giống như những người khác để nàng được tự do hơn, để nàng không phải chịu sự quản lý từ cha mẹ.

Nhưng từ khi nàng bắt đầu học cách thay đổi chính mình. Thì hiện tại mối quan hệ giữa nàng và cha mẹ dễ thương vô cùng. Nàng học cách lắng nghe và thấu hiểu. Nàng cũng biết cách bày tỏ tình cảm dành cho người thương của mình.

Nàng của trước đây, đã từng có những hành xử sai trong quá khứ.

Tranh cãi:

Nàng đã từng tranh cãi với cha, vì bất đồng quan điểm, nàng cảm thấy cha luôn kiểm soát và muốn người khác làm theo ý cha. Nàng còn nhớ bầu không khí lúc đó chẳng dễ chịu chút nào, căng thẳng và ngột ngạt. Trong những cuộc cãi vã của 2 cha con, mẹ nàng thường chỉ im lặng, nhưng những lúc ấy nàng biết mẹ đang rất buồn.

Lúc đó vì cái tôi quá lớn, vì không nói lên được quan điểm bản thân, vì không thể thay đổi được cha mẹ, nên nàng giận, nàng khó chiu, nàng chỉ muốn đi khỏi nhà ngay lập tức, và nói rằng chẳng bao giờ muốn quay về nữa để cha mẹ thấy là nàng đã đúng, rằng cha mẹ sẽ phải nhường nàng một bước.

Nàng thấy mình sai.

Hãy thử một lần đừng cãi nhau với cha mẹ. Thử dừng lại một chút. Tại sao lại muốn chiến thắng chính cha mẹ của mình. Tại sao lại muốn phân định đúng sai với những người đã sinh mình ra, rồi giả như đến cuối cùng mình là người chiến thắng, rồi sao nữa?

Tranh cãi không giải quyết được vấn đề, nó chỉ gây thêm mâu thuẩn, càng làm cho mọi người trở nên xa cách và rồi chẳng thể hiểu được nhau nữa.

Sau quá nhiều lần tranh cãi, nàng hiểu rằng, không có ai đúng cũng chẳng có ai sai cả. Tranh luận để tìm được người chiến thắng, điều đó là vô nghĩa, cái cuối cùng nhận lại chỉ là sự rạn nứt của một mối quan hệ mà thôi. Khi tìm được người thắng và người thua, là cả 2 đều đã thất bại trong cuộc hội thoại, là tước đi cơ hội để thấu hiểu thế giới của nhau rồi.

Nàng nhận ra rằng, nàng lớn lên may mắn được đi nhiều nơi hơn cha mẹ, nàng được học tập, làm việc, gặp gỡ và học hỏi với nhiều người xung quanh. Còn cha mẹ nàng ở cái tuổi ngoài 60, họ không còn phát triển theo kịp những trào lưu, hay trend của xã hội hiện đại này nữa. Đặc biệt là với tốc độ phát triển vũ bão của mạng xã hội công nghệ ngày nay, thì cha mẹ nàng khó bắt kịp là chuyện thường tình.

Có lẽ họ ở cái tuổi mà họ có nhiều kinh nghiệm theo thời gian để truyền lại mà thôi. Cha mẹ chỉ ở nhà, còn chúng ta đi khám phá thế giới.

Vậy nên, đừng trách cha mẹ. Đừng tranh luận, đừng tìm mọi cách chứng minh bản thân đúng và họ sai. Đừng cố thay đổi họ, bởi chính ta mới là người cần làm điều đó.

Và chỉ khi ta cởi mở và chấp nhận nhau, đấy là khởi đầu cho một tình yêu thương đúng đắn. Bản thân ta hãy thay đổi và học cách yêu thương trước thay vì đợi chờ cha mẹ. Chỉ khi ta có thể thật sự thấu hiểu thì ta mới có thể yêu thương đúng cách.

Đâu là điều mà người thương của mình đang cần?

Không ít lần nàng từng trách rằng tại sao cha mẹ không hiểu nàng, rằng nàng chán ghét cái công việc đó ra sao, rằng nàng cảm thấy không còn thở nỗi khi chịu sự sắp đặt của gia đình. Tại sao cha mẹ không tôn trọng những lựa chọn và quan điểm của nàng.

Mãi sau này nàng mới tìm ra được câu trả lời, một câu trả lời cho mọi câu hỏi. Cha mẹ chỉ làm vì một điều duy nhất, đó là: thương nàng.

Còn nàng thì cũng chưa bao giờ thắc mắc đâu là những mong muốn, khát khao, hay ước mơ của cha mẹ. Nàng chưa bao giờ thắc mắc “Cha mẹ thật sự cần điều gì?”

Nàng thấy mình sai.

Cha mẹ chúng ta không có quá nhiều lựa chọn về nghề nghiệp. Thời đại của cha mẹ kể ra thì có vài cái nghề như giáo viên, bác sĩ, kế toán…những công việc mà họ có cơ hội tiếp xúc thông qua cuộc sống hằng ngày. Và động lực làm việc của họ cũng hướng tới việc tạo ra sự ổn định và kinh tế cho gia đình. Chỉ cần là công việc đem lại được thu nhập, để nuôi sống gia đình, thì đối với họ đã là một sự biết ơn quá lớn.

Còn thời đại của chúng ta thì ngập trong vô vàn những sự lựa chọn. Thử kể với họ về nghề kols, nhà sáng tạo nội dung, về streamer, về content creator, về blogger, về digital marketing, thì đó sẽ là những thế giới hoàn toàn mới đối với họ.

Cuộc sống của họ đa phần tập trung vào công việc, những công cuộc làm ăn, lo kế sinh nhai, là những mối quan hệ tình làng nghĩa xóm.

Cuộc sống của chúng ta là những video mới nhất trên mạng, những trào lưu mới mà mọi người đang bàn tán trên Facebook, những tin tức mới nhất của showbiz, hoa hậu này mới vừa chia tay với anh đại gia nọ. Hay cũng có khi là những trăn trở về chuyện đi theo đam mê, tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời.

Thế giới trong mắt ba mẹ và chúng ta là hoàn toàn khác biệt.

Có những trận cãi vã xảy ra chỉ vì một vài câu hỏi nhỏ như: “Sao chưa thấy dắt bồ về ra mắt cha mẹ? Sao mấy đứa bạn mày nó cưới hết rồi, mà mày vẫn chưa chịu cưới? Tại sao và tại sao?

Những lần đầu chỉ ậm ừ rồi cho qua. Vài lần, vài lần, rồi vài lần sau nữa, thì thái độ bắt đầu khó chịu, không thoải mái khi trả lời.

Đôi khi những câu hỏi đó chỉ xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm, lo lắng, họ muốn hiểu về con cái mình nhiều hơn. Bởi từ những ngày đầu lọt lòng, cha mẹ là người nuôi nấng và hiểu ý con cái mình nhất. Con quấy khóc là cha mẹ đã biết con cần điều gì và lập tức đáp ứng. Thói quen đó đã ăn sâu từ mười mấy năm đầu đời. Giờ đây khi con cái lớn lên, chúng bắt đầu hướng ra ngoài để học hỏi và khám phá những điểu mới mẻ, chúng bắt đầu có những quan điểm, cách sống riêng, chúng dần sống tự lập hơn. Những buổi gặp mặt, tâm sự, chia sẻ cũng dần ít hơn. Lúc ấy ba mẹ thấy họ không còn hiểu rõ về con mình nữa.

Sao con mình lại khó chịu, mình chỉ muốn hỏi xem chúng có đang gặp khó khăn hay vấn đề gì không? Nếu có thì bằng những kinh nghiệm sống mình có được, mình có thể chỉ dạy cho nó thêm mà. Mình cũng muốn nó sống tốt hơn thôi mà. Mình cũng muốn nó tìm được một người thương yêu chăm lo cho nó, bởi mình biết mình cũng đâu sống cả đời để lo cho nó được. Không có mình lo cho nó, một mình nó sẽ khổ, sẽ tội nó, mình muốn nó sống hạnh phúc thì cũng đâu có gì sai?

Họ cũng muốn bước vào thế giới của con cái.

Nhưng đôi khi chỉ vì thiếu kĩ năng làm cho họ rất bối rối, và họ đã chọn sai cách..

. . .

Càng trưởng thành, càng tĩnh lặng, thì nàng càng nhìn nhận rõ hơn về những cảm xúc của bản thân. Nhận diện được nguồn gốc của những cơn giận dữ, thì nàng thấy rằng, nguyên nhân của những sự giận dữ không bắt nguồn từ những câu hỏi mà nó xuất phát từ chính bản thân nàng.

Nguyên nhân của sự tức giận là do nàng chưa biết cách để kiểm soát được cảm xúc, thế giới nội tâm của mình, nàng khó chịu là có gì đó không ổn. Câu hỏi kia chỉ là tác nhân để kích động mớ cảm xúc tiêu cực đã có sẵn bên trong nàng trỗi dậy mà thôi.

Nàng giận dữ là vì thấy bản thân không được tôn trọng. Nàng thất vọng là vì thấy bản thân đang nổ lực rất nhiều những vẫn chưa được công nhận. Hay nàng khó chịu vì chính bản thân mình cũng đang kẹt trong cái sự so sánh đố kỵ đó.

Cả nàng và cha mẹ chủ yếu đều hành động dựa trên cảm xúc. Và khi nàng nhận thức được điều ấy, nàng dần học cách không phản ứng với những câu hỏi của cha mẹ.

Sự tĩnh lặng cho nàng thời gian để xử lí thông tin, giúp nàng quan sát được những cảm xúc đang trỗi dậy. Nàng có thể nhìn thấy vấn đề rõ ràng hơn, hiểu thấu được đâu là những điều mình cần làm.

Đối với cha mẹ nó chỉ là một câu nói bình thường mà họ vẫn hay thốt ra. Họ không hề hay biết nó lại làm tổn thương con cái nhiều đến như vậy. Họ không hề biết. Còn chúng ta thì vì cái tôi quá lớn và sự nhạy cảm nhiều một cách không cần thiết, ta kẹt lại trong những tổn thương đó, để rồi mãi mãi không thể tha thứ được cho nhau.

Ngồi xuống và lắng nghe những tâm tư, nỗi lòng, trăn trở, nguyện vọng của cha mẹ, ta sẽ dần hiểu ra cách mà cha mẹ nhìn ra thế giới. Từ đó có thể học cách để đồng hành cùng cha mẹ. Đó là bước đầu tiên để ta bước vào thế giới của phụ huynh mình. Hãy bước vào thế giới của cha mẹ, để hiểu cha mẹ hơn và cũng là cơ hội để cha mẹ có thể hiểu được mình.

Mối quan hệ với gia đình cũng giống như một khu vườn, cũng cần được vun xới và chăm bón. Hãy là người làm vườn chăm chỉ, những mâu thuẩn, tranh cãi, bất đồng quan điểm, đều như những cây cỏ dại mọc xen lẫn trong những bông hoa, lấy đi hết dưỡng chất và năng lượng sống của khu vườn. Điều đầu tiên ta cần làm là nhỏ bỏ cây dại đã mọc lên. Hãy nhổ từng cây dại, rồi bắt đầu tưới nước, bón phân.

Mỗi ngày dành thời gian tĩnh lặng, ngồi lại, mở lòng, để thấu hiểu nhau. Như việc đón chút nắng, chút gió, những bông hoa lại tươi tốt và khoe sắc trở lại, rồi ta sẽ được hưởng trái ngọt của mình, mối quan hệ sẽ lại được gắn kết.

Thay đổi bản thân, gieo vào những hạt giống tốt để xây dựng lại khu vườn mối quan hệ với cha mẹ.

Ai cũng có những sai lầm. Nhưng quan trọng ai là người có khả năng tha thứ cho đối phương mà thôi.

. .

.

,

,

,

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Leave a Reply

You must be logged in to post a comment.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.