Nhân duyên vốn luôn chằng chịt trong cuộc đời này, gặp người này, rồi gặp người kia, người cũng như sông chảy đi không ngừng.
Nàng gặp nó ở một quán cafe, nó nhìn nàng với ánh mắt bơ vơ lạnh lẽo, nó bị trầm cảm sau sinh.
Trong ánh mắt đó nàng thấy nó sợ đủ điều, sợ người khác hiểu lầm, sợ người khác nghĩ sai về nó, sợ người thân một ngày nào đó sẽ rời đi bỏ nó lại, sợ bản thân không làm được một người mẹ tốt, sợ cả cái cảnh lỡ một ngày nó mất đi con nó phải sống như thế nào, sợ những âm thanh lớn, sợ tiếng kêu của những con vật trong đêm, sợ tiếng mái tôn kêu mỗi khi có gió thổi mạnh.
Sau một lúc nói chuyện, dần cảm thấy sắc mặt nó hồng hào hơn, nó nói cảm thấy người nhẹ đi nhiều, dần thả lỏng, cười thoải mái, nó nói nó biết ơn và thương gia đình nhiều lắm. Tình yêu thương có thể giúp người ta vượt qua được nỗi sợ, buông được nỗi sợ rồi thì người cũng thấy nhẹ nhàng hơn.
.
Có những ngày mở mắt, chào ngày mới, rồi buông câu: đời mệt thật.
Nhiều bạn hỏi, cuộc sống nàng không gặp chuyện buồn sao, không có điều gì bất như ý sao, vì họ chỉ thấy những dòng viết của nàng luôn có sự nhẹ nhàng, yên ã.
Chỉ biết rằng, giờ đây một câu, một chữ, một dòng nàng viết ra cũng chỉ muốn lan toả những nguồn năng lượng tích cực cho thế giới này, bởi ngoài kia có quá nhiều khổ đau rồi, vậy nên chẳng muốn gieo thêm những đau khổ nữa.
Dẫu biết rằng chút chia sẻ này như muối bỏ biển, nhưng có 1 hạt muối thì cũng mặn hơn là chẳng có gì mà, cái gì đến sẽ đến, cứ tận tâm, đừng nôn nao.
Thật ra mỗi ngày trôi qua vẫn sống mà, vẫn đi tiếp, rồi có khi thấy những điều mà trước đây bản thân chưa từng thấy, cũng ngẫm ra nhiều điều nhờ vào những vấp ngã tổn thương.
Cho đến tận bây giờ nếu ai hỏi nàng hạnh phúc có hình dáng thế nào thì bản thân cũng không biết được, duy chỉ biết được là từ lúc bắt đầu tìm về bên trong, thấu hiểu chính mình, thấu suốt về cái khổ, cái lo của thân xác và tinh thần, thì lại có lời nguyện mong mình bớt khổ và giúp người cũng bớt khổ.
Kinh nghiệm thoát khỏi khổ đau, chỉ đơn giản bắt đầu từ việc chấp nhận và ngừng trốn chạy.
Cái đến được rồi cũng sẽ đi được. Như cốc nước đã đầy thì chẳng thể rót thêm được gì nữa. Khi đã ở tận cùng tổn thương thì chẳng còn điều gì có thể làm đau thêm được nữa.
Như đứa trẻ sơ sinh chào đời bằng tiếng khóc, khóc vì sợ, vì chới với, vì có quá nhiều điều lạ lẫm, nhưng nếu không khóc thì sẽ khó sống được. Còn xã hội này thì sao, xã hội này luôn dạy chúng ta phải mạnh mẽ, không được khóc, vì khóc là yếu đuối, vậy nên dẫu có đau, cũng cố nén, không khóc. Nhưng dẫu thế nào thì cũng khóc thôi, chỉ khác là giọt nước mắt có chảy ra ngoài được hay không?
Nhưng nàng nghĩ rằng khi đã ở tận cùng của khổ đau, khi những giọt nước mắt không thể kiềm được nữa, vậy thì hãy cứ khóc đi, cứ là mình, cứ ở lại với cảm xúc của mình, hình như lâu rồi mình chưa được khóc, khóc xong thì hãy nhắc mình đau để thức tỉnh, để nhắc mình sống chưa đúng, nhắc mình phải sống khác đi, oán trách cũng chẳng khác gì. Đời có vay có trả, phải trả giá bằng chính cái đau của mình mới hiểu về những sai lầm.
Đời là vậy mà, cái gì xảy ra vì phải xảy ra, bất cứ điều gì đến đều có lý do của riêng nó. Có vay có trả. Trả xong thì nợ tự nhiên hết, muốn không còn nợ nữa thì đừng vay thêm.
Có ai sống trên đời này mà không mắc nợ đâu, hít một hơi thật sâu là nợ đất trời một hơi thở. Uống một ngụm nước là nợ con suối, nợ dòng sông. Ra đời thì nợ ân tình, nợ nhân duyên. Vậy nên mỗi ngày trả vay luôn phiên nhau tiếp nối, vì tiếp nối nên chắc cũng là lý do linh hồn mình chọn kiếp sống này, để học một bài học nào đó.
Nàng học cách buông.
Buông vì nhận ra mình đã tham. Đời thấy khổ, thấy nặng, thấy mệt là do mình đã tích luỹ quá nhiều. Hồi trước cứ thấy ai hơn mình là không chịu được, giờ thì những điều đó không còn ảnh hưởng nhiều đến nàng nữa, mới thấy bản thân đã có nhiều thay đổi.
Không oán trách, không đổ lỗi, không giận hờn hay chửi mắng ai, thấy ai không thích, thấy điều gì không hợp thì tránh đi chỗ khác, cốt cũng để không làm đau mình, đau người.
Có lẽ trong nàng đã sẵn hạt giống của sự đổi thay, thức tỉnh, những cái đau, những tổn thương, những vấp ngã chính là cái cơ hội, cái duyên, để tưới tẩm cho hạt giống bên trong nàng được nảy mầm.
Tập sống như trẻ nhỏ, với đầy lòng bao dung, giây trước giận, giây sau lại hoà. Tập sống như chim, nơi nào an lành thì đậu, nơi ồn ào thì tạm lánh xa. Tập sống như cây cỏ, hồn nhiên vô chấp, thuận tự nhiên, thuận thời thế, nắng ngẩng đầu, mưa thì cuối nhẹ.
Bình an chẳng ở đâu xa, bởi vốn ở trong lòng mình. Bên trong mình ổn rồi thì sống ở đâu cũng được.
Phật cũng đâu chỉ ở trong chùa miếu, mà phật đã có sẵn bên trong mỗi người.
.
.
.
.