Mấy lần dự đám cưới, giây phút thấy cô dâu được cha dắt tay lên sân khấu rồi trao cho chú rể, kèm vài lời dặn dò và gửi gắm. Rồi nhìn thấy cô dâu, chú rể rơm rắm nước mắt, nắm tay nhau thật chặt, là một trong ít ỏi khoảnh khắc mà nàng thấy là đẹp nhất và cảm động nhất.
Mấy lần nàng hay nói vui với cha: “Nào con lấy chồng, cha đừng lên phát biểu gì hết nha. Cha mà phát biểu, là con khóc đó.”
Xong, hết khoảnh khắc đó thì đám cưới với nàng cũng chấm dứt. Phần còn lại rất ngán ngẩm.
Khách khứa đông nghẹt người, nhạc xập xình ầm ĩ, tiệc tàn rồi thì mọi thứ như một bãi chiến trường, như vừa có cơn bão quét qua, hỗn độn chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Nếu không muốn khác người bình thường, nếu không muốn hàng xóm dị nghị, dòng họ cười chê, thì chúng ta phải kết hôn, sinh con và đặc biệt là trước tuổi 30 thì càng tốt.
Đôi lúc nàng thấy định nghĩa về đám cưới sao mà còn bó hẹp và nhiều định kiến quá.
Có lẽ trong tư tưởng của thế hệ cha mẹ nàng, đám cưới như là một dấu chấm hết cho sự quan tâm của cha mẹ 2 bên, là kết thúc nghĩa vụ của cha mẹ, là để cha mẹ bớt đi gánh nặng lo lắng và suy nghĩ. Cha mẹ hay bảo rằng, lấy chồng đi để cha mẹ khỏi gánh nặng, nhẹ gánh lo. Lấy chồng rồi là tao giao cho người khác quản, mẹ khỏi phải quản mày nữa. Cưới đi cho yên bề gia thất.
Bản thân nàng chẳng đồng ý với kiểu tư duy này chút nào. Kiểu tư duy mà chỉ nhìn vào kết quả, nhìn vào quan điểm chung của số đông, mà chẳng chịu quan tâm đến quá trình.
Lẽ ra hôn nhân nên được coi là một bước đi của sự trưởng thành từ con cái. Rằng giờ đây con cái của họ đã có thể mở rộng trái tim để yêu một người xa lạ, một người không cùng dòng máu. Rằng con cái đã có đủ sự thấu hiểu và niềm tin rằng cả 2 sẽ gắn bó cùng nhau đi tiếp hành trình cuộc đời. Rằng con cái đã trưởng thành và biết chịu trách nhiệm cho chính cuộc đời mình và cả cuộc đời của người khác. Và việc kết hôn là một lựa chọn trong cuộc đời của con cái, chứ không phải gánh nặng mà ba mẹ phải mang trên vai.
Ngày nay nàng thấy có nhiều bạn trẻ có những cuộc hôn nhân sao chớp nhoáng quá. Cưới thật thì khó, chứ cưới đại thì dễ lắm. Cưới đại, về thấy hợp nhau thì ở, rồi vài ba tháng thấy không hợp thì dắt tay ra toà ly dị, đường ai nấy đi. Mạnh ai nấy đi tìm cho mình một hạnh phúc mới. Nhiều lúc tôi thấy họ xem hôn nhân sao mà đơn giản quá.
Vậy cưới rồi đó, mà cũng có yên bề gia thất đâu.
Cha mẹ vì sợ cái nhìn của người đời, sự lời bàn tán của hàng xóm xung quanh, “nhà có con lớn tuổi rồi mà vẫn chưa cưới gả được, chắc là có vấn đề gì rồi.”
Để rồi luôn thúc ép con cái mình phải kết hôn khi đến tuổi, khi thấy bạn bè nó đều đã kết hôn, khi thấy công việc đã ổn định, khi thấy anh chị em mày cưới hết rồi…mà không phải là khi con cái của họ đã sẵn sàng để bước vào một cuộc sống cần nhiều hơn về trách nhiệm.
Kết hôn không có nghĩa là chàng trai hay cô gái sẽ mặc định là một người chín chắn và trưởng thành, không có nghĩa là một người đàn ông/phụ nữ của gia đình. Sau lễ cưới có thể họ vẫn vậy, không có gì khác trước lắm.
Đám cưới chỉ là một sự kiện, nó chỉ mang hình thức của sự kết nối. Còn có hạnh phúc hay không, có đi cùng nhau đến đầu bạc răng long hay không, thì còn phụ thuộc vào cả 2 có yêu thương, thấu hiểu, bao dung và kết nối với nhau được hay không. Hôn nhân không chỉ là tình yêu. Hôn nhân là phải kèm theo nhiều thứ nữa.
.
Mẹ vẫn hay kể rằng ngày xưa cha mẹ cưới nhau là do qua mai mối. Bởi thập kỉ trước, thế hệ ông bà cha mẹ của nàng đa phần cưới xin là qua mai mối hoặc được sắp đặt trước.
Nhưng đó chỉ là chuyện của thập kỉ trước thôi.
Thời đại của nàng bây giờ, khi mà xã hội phát triển hơn, những tư tưởng thoáng hơn, những quan điểm định kiến cũng dần được xoá bỏ, và con người đã được lựa chọn tự do, đã được chọn người mình thích để tìm hiểu, rồi đi đến hôn nhân nếu cả hai thấy hợp nhau sau một đoạn thời gian bên nhau.
Vậy mà, cũng còn nhiều người cô đơn quá.
Thời đại online ngày càng phát triển, thích ai không nhất thiết phải tỏ tình trực tiếp, chỉ cần lên mạng viết vài ba câu caption thả thính lãng mạn là được. Những tấm hình đầy ẩn ý, những dòng trạng thái viết lúc thì thẳng thắng, lúc thì bâng quơ. Đọc vào tưởng viết cho tất cả mọi người, nhưng thật ra thông điệp ấy chỉ muốn gửi đến một người duy nhất. Và rồi, nếu nhận được nút like hoặc trái tim từ người ấy thì chắc sẽ vui sướng cả mấy ngày.
Thời của nàng bây giờ họ yêu nhanh, yêu vội, kết hôn vội, rồi tình cảm cũng vội tàn sau 1 vài khoảnh khắc thăng hoa.
Tình yêu không còn là bí mật hoặc là những điều mà hai người dành riêng cho nhau nữa. Tình yêu đã dần trở thành một sự chiếm hữu, một vật trang sức để thấy bản thân hơn người khác. Họ không yêu người khác như họ tưởng. Họ cũng không yêu chính bản thân họ. Họ đang chìm đắm trong sự chiếm hữu, chỉ để thoả mãn cái tôi bản thân. Và họ vẫn không biết rằng họ chỉ đang chạy trốn sự cô đơn trong lớp vỏ tình yêu mà thôi.
Tâm hồn, tính cách, điểm mạnh, điểm yếu, những góc nhỏ tươi đẹp của đối phương là cái không dễ để khám phá trong một vài lần gặp gỡ. Nhưng thể xác thì lại có thể chiếm hữu rất nhanh. Rồi sau những cuộc tình vội vã ấy, cái họ nhận lại vẫn là sự cô đơn và trống rỗng. Để rồi có người thì chọn dừng lại, có người thì vẫn tiếp tục đắm say và điên cuồng đuổi theo những cuộc tình mới.
Nàng cũng thường hay nói rằng, nàng chẳng quan trọng lắm cái gọi là tổ chức hôn lễ rình rang, phải chứng nhận kết hôn để có được sự cam kết. Nàng chẳng cần những vật chất bên ngoài đó, cái nàng cần chỉ là cả 2 có được sự kết nối và một tình cảm chân thật, hiểu nhau, tôn trọng nhau, giữ gìn nắm tay nhau bước tiếp trên cuộc đời này là đủ. (Nhưng với một phần tư tưởng như ở thế hệ cha mẹ nàng, thì những suy nghĩ này chắc sẽ bị triệt tiêu ngay từ khi nó vừa được nhen nhóm).
Nàng thấy rằng cả 2 chỉ cần đồng điệu ở những điểm cốt lõi. Ví dụ như nền tảng đạo đức, sự thống nhất trong việc xây dựng kế hoạch cho tương lai, thống nhất về quan niệm và định hướng giáo dục con cái, quan điểm về vị trí và vai trò của người phụ nữ và người đàn ông trong gia đình.
Còn lại những yếu tố về sở thích, tính cách, thói quen làm việc và giải trí, thể thao, những thói quen riêng khác, nếu không hoà hợp được thì vẫn nên tôn trọng sở thích của nhau.
Cũng nên dành thời gian để tìm hiểu về sở thích nửa kia của mình, để thấy rằng đôi khi việc khác nhau về sở thích lại giúp cho đối phương biết thêm được nhiều điều. Nó mang lại cho cuộc sống nhiều màu sắc hơn và bổ trợ tốt hơn cho nhau. Đâu là những điểm có thể hay không thể chấp nhận, đó hoàn toàn là quyết định của cá nhân từng người.
Từ yêu là một động từ, không phải danh từ. Cũng chính vì vậy mà khi yêu, bắt buộc ta phải hành động. Bởi tình yêu không phải là thứ để chiếm hữu hay chỉ mong cầu là có được. Ta không thể bắt người khác yêu thương ta. Cách duy nhất ta có thể làm là yêu ai đó một cách vô điều kiện, không mong cầu gì cả.
Mọi thứ đều do nhân duyên mà phát sinh, không có gì có thể tự nó sinh ra và mất đi. Dù là thuận duyên hay nghịch duyên, thì khi duyên đến mình biết, mình trân trọng, mình nuôi dưỡng và cho đi để nhân duyên được trọn vẹn. Và khi đã hết duyên thì mình chỉ nhẹ nhàng mỉm cười và để học cách thả buông.
Bản thân nàng vẫn có niềm tin sâu sắc rằng, việc tìm thấy nhau không phụ thuộc vào không gian, thời gian hay độ tuổi. Mà nó phụ thuộc sâu sắc vào những sự thay đổi từ bên trong của chính mỗi người. Lúc ấy, bản thân ta sẽ không xem những giá trị bên ngoài là quan trọng nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, ta cứ đón nhận một cách thong dong tự tại mà thôi.
Dành thời gian để yêu thương chính mình (yêu thương không có nghĩa là nuông chiều bản thân). Khi có thể thực sự kết nối với chính mình. Khi có thể trân trọng và biết ơn những gì đang có trong cuộc sống. Khi có thể bỏ bớt đi những mối quan hệ độc hại. Khi có thể học cách xây dựng và kết nối những mối quan hệ chân thật và chất lượng. Thì cũng là lúc mọi thứ trước mắt ta sẽ dần hiện rõ.
Trước mắt ta là người con gái mà ta thương, là người con trai hình mẫu lý tưởng mà ta vẫn hằng khát khao tìm kiếm.
Và rồi, cả 2 tìm thấy nhau.
Trọn vẹn và đủ đầy.
, ,
,
,
,