Skip to content
nguoithuongkhoinghiep.com

nguoithuongkhoinghiep.com

Một người đang đi – thông qua con chữ làm tấm gương phản chiếu để tự soi thấy chính mình

Menu
  • Bài viết
  • Tản văn
  • Chuyện viết
  • Ngẫu hứng
  • #nhatkynang
Menu
sự chú tâm

Nhiều lựa chọn, ít tự do

Posted on 16/04/202412/04/2024 by admin

Có bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi chính mình:

Mình có ưu tiên những việc cần làm chưa? Là gì? Có bao giờ mình đang tốn quá nhiều thời gian vào những thứ không thể kiểm soát được mà cũng chẳng mang lại lợi ích gì cho bản thân?

Tuổi trẻ chúng ta thích đòi hỏi, mong muốn có được nhiều thứ, tuổi trẻ chúng ta có quá nhiều lựa chọn. Đó là lợi thế, là cơ hội và cũng có khi lại cái bẫy, bởi càng nhiều lựa chọn chúng ta càng đánh mất đi sự tập trung.

Ngày nay, chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên của sự dư thừa, thời đại số, công nghệ 4.0 giúp chúng ta có được mọi thứ quá dễ dàng, chỉ cần một cái click chuột là đã có được thức ăn giao đến tận nơi, đã đặt được vé máy bay, đã đặt được phòng khách sạn, thậm chí là có thể hẹn hò online. Nhưng phải chăng thứ gì có được quá dễ dàng thì chúng ta sẽ không trân trọng, không thấy được giá trị của nó, có khi đó là thái độ hời hợt và xem thường.

Như nhà tâm lý Barry Schwartz đã trình bày trong cuốn “The Paradox of Choice”, sự đa dạng quá mức của cuộc sống hiện đại nhiều khi lại khiến chúng ta kém hạnh phúc hơn trước. Tác giả giải thích nghịch lý của sự lựa chọn là khi con người phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn tiềm năng, nên thay vì hài lòng, họ lại căng thẳng và gặp khó khăn để ra quyết định sáng suốt. Càng nhiều lựa chọn, thì đáp án cuối cùng ta chọn ra càng nhạt nhòa và ít thỏa mãn.

Không có thông tin làm cho người ta hoang mang, nhưng quá nhiều thông tin cũng không phải là điều tốt. Và rằng nhiều hơn, đôi khi lại chính là ít hơn (more is less).

Đây có lẽ là một mâu thuẫn của cuộc sống hiện đại mà tất cả chúng ta đều đang đối diện: chúng ta muốn có sự tự do, muốn có nhiều sự lựa chọn… nhưng nếu có quá nhiều, thì ta lại không thỏa mãn. Như khi chúng ta bị lạc giữa quá nhiều thông tin, và chúng ta phải liên tục xác định và tìm ra đâu là thông tin phù hợp đâu là con đường mà mình nên tin theo.

Con người cố gắng chế tạo ra những phương tiện để phục vụ mình tốt hơn như: máy bay siêu nhanh, tàu siêu tốc, đường cao tốc, nhưng càng có nhiều phương tiện thì con người lại càng bị phụ thuộc, càng kết nối nhiều với công nghệ thì lại càng không có thời gian dành cho nhau, càng đánh mất đi những kết nối chân thực, và nguy hiểm hơn là càng không có thời gian để thực sự sống.

Tiến sĩ tâm lý Jordan Peterson từng rất nhiều lần nêu ra câu hỏi: giữa gần như vô hạn những việc mà chúng ta có thể làm, chúng ta nên lựa chọn làm việc gì ở ngay thời điểm này?

Việc có quá nhiều video clip giải trí, làm cho chúng ta không thể lựa chọn được một video nào để xem. Việc có quá nhiều quảng cáo về những khoá học, những ngành nghề đem lại thu nhập cao khiến ta hoang mang và mất kiên nhẫn với công việc mình đang làm. Việc có quá nhiều nền tảng nội dung ngắn trên mạng xã hội, khiến chúng ta không thể dừng lại đọc một bài viết quá dài, vì không muốn bản thân phải bỏ lỡ những điều thú vị khác (nói chi đến một quyển sách).

“Sự tĩnh tâm và tin tức chúng không đi đôi với nhau. Sự thông thái và tin tức cũng không. Tin tức đang đẩy chúng ta ra khỏi sự cân bằng nội tại. Nếu bạn muốn trở nên thông tuệ hơn một chút, hãy đọc những cuốn sách giá trị thay vì những tin tức vô bổ” – Rolf Dobelli

Trong quyển “21 Bài học dành cho thế kỉ 21” có đoạn: “Thế kỷ mới đòi hỏi ở con người không chỉ là kiến thức mà là những kỹ năng mềm để nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi bao gồm: Tư duy phản biện (critical thinking), Giao tiếp (communication), Hợp tác (collaboration) và sáng tạo (creative). Việc giáo dục con người sẽ cần chuyển trọng tâm từ việc nhồi nhét kiến thức sang phát triển các kỹ năng thích nghi với sự học tập nhanh chóng của thời đại mới, kỹ năng chọn lọc những thông tin có ích mà chúng ta được tiếp cận. Đó là những gì con người cần để tìm được ý nghĩa cuộc sống của bản thân.”

Khi nhìn lại lịch sử 2.500 năm của triết học, ta sẽ nhận thấy một điểm giống nhau của hầu hết những triết gia họ luôn nhắc về yếu tố như tĩnh tâm, thanh thản, tâm an, tự tại, sự chú tâm này trước hết là loại bỏ đi yếu tố cảm xúc độc hại như ghen ghét, phẫn nộ, tự ti.

Trước đây chúng ta từng cho rằng, thứ quý giá nhất trên cuộc đời này là thời gian, điều này thật sự đúng nhưng chưa đủ. Vậy còn điều gì quan trọng hơn thời gian không? Đó là sự chú tâm (attention). Chúng ta có thể dành thời gian cho ai đó cả ngày, nhưng nếu ta không thật sự chú tâm vào người đối diện, vào câu chuyện, vào nỗi niềm của họ, những điều mà đối phương muốn chia sẻ, thì giá trị của khoảng thời gian đó cũng vô nghĩa. Chỉ khi ta thực sự dành sự tập trung, biết lắng nghe, dành sự chú tâm, đó mới là điều tạo nên giá trị. Tâm trí phân chia gây phiền não, khổ đau, sợ hãi, tâm trí chuyên chú mang lại niềm vui. Và ngày nay tin tức, mạng xã hội là những yếu tố đang dần phá vỡ đi sự chú tâm đó.

Tâm trí chúng ta luôn gặp rắc rối khi dính vào tính nhị nguyên, càng có nhiều sự lựa chọn, tâm trí càng bị rối. Điều cốt lõi của một triết lý sống thông minh đó là: có những thứ ta có thể tác động và cũng có những thứ ta không thể tác động.

Trong Chủ nghĩa khắc kỷ có đoạn: Cung thủ có thể kiểm soát việc anh ta chọn chiếc cung nào, rút mũi tên nào từ trong giỏ đựng, kéo cung mạnh tới đâu và vung tay cung ra sao. Nhưng từ khoảnh khắc bắn mũi tên đi, mọi thứ đều nằm ngoài tầm kiểm soát của anh ta, một cơn gió có thể thổi chệch mũi tên khỏi đường bay, hoặc mũi tên gãy trong lúc đang bay. Đó là những điều người cung thủ không kiểm soát được.

Đời người thường sẽ có 3 vòng tròn: vòng tròn của những sự việc có thể kiểm soát được, vòng tròn những việc mình không thể kiểm soát nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến mình, và vòng tròn của những việc mình hoàn toàn không thể kiểm soát dù cho có cố gắng đến mấy đi chăng nữa.

Ví như sức người có hạn, con người đâu thể điều khiển được đất trời, đâu thể điều khiển được mưa nắng, đâu thể làm cho ngày có nhiều hơn 24h, cũng như con người chúng ta luôn nhỏ bé trước thiên tai, trước mẹ thiên nhiên vậy.

Vậy nên sao không tập trung vào những điều bản thân mình có thể kiểm soát được, ví như mình sống như thế nào, mình làm công việc gì, làm ở đâu, làm ra sao, mình cần học thêm kỹ năng gì. Bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ mệt hay sao mà còn đem thêm chuyện của người ta làm thành của mình, rồi than mệt, than chán, than khổ mà không biết là mình mệt đều đến từ những chuyện của người khác chẳng liên quan gì đến mình.

Và cuộc sống của chúng ta cũng vậy, không phải tất cả mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của ta, tương tự với tin tức cũng vậy, ta không thể kiểm soát được những tin tức nào sẽ đến nhưng ta có thể kiểm soát được việc mình có tiêu thụ chúng hay không, và tiêu thụ như thế nào.

Nhà triết học Epictetus từng nói: “Sự chú ý của ngươi đặt ở đâu thì ngươi sẽ trở nên như thế. Nếu ngươi không tự quyết định được nên cho vào đầu những suy nghĩ và hành động nào thì kẻ khác sẽ quyết định việc đó thay ngươi.”

Hay như Seneca từng nói: ”Để đạt đến sự thông thái, chúng ta nên chọn một vài bậc thầy nhất định và hấp thu hoàn toàn những tác phẩm của họ. Tiêu thụ tin tức cũng như một chuyến đi, nếu một kẻ mãi đi đường, anh ta có rất nhiều người quen, nhưng không có bạn bè thực thụ.”

Trong bối cảnh ấy, có lẽ là lúc chúng ta cần phải thực hành nghiêm ngặt hơn câu châm ngôn của Mies Van Der Rohe: “less is more – ít hơn chính là nhiều hơn”. Đôi khi chúng ta cần phải có sự quyết đoán để loại bỏ đi những điều không cần thiết trong cuộc sống. Cần phải chú tâm hơn vào chiều sâu, vào những giá trị cốt lõi thay vì sự hào nhoáng hay vẻ bề ngoài.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ cần phải quay trở về bên trong và làm cho sáng rõ giá trị sống của mình. Việc có sự tập trung, kiên định, và cam kết với con đường đó, sẽ giúp bạn không còn phải lo nghĩ, và thật sự đạt được sự tự do.

Vậy nên là, khi thế giới càng trở nên ồn ào, sự chú tâm của bạn lại sẽ càng trở nên đắt giá.

Nhà hiền triết seneca từ 2000 năm trước đã kinh ngạc nhận ra rằng: hễ là chuyện tiền bạc thì chúng ta đều cực kỳ hà tiện. Nhưng đụng tới thời gian thì chúng ta lại hết sức phung phí, mặc dù thời gian mới là thứ tài sản duy nhất chúng ta thật sự phải tằn tiện.

.

.

.

Nhận bản tin mới nhất! 🎁

Đăng ký để nhận bài viết mới nhất từ ​​nguoithuongkhoinghiep.com!

Nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

close
Bản tin mới nhất!

nguoithuongkhoinghiep.com

Check your inbox or spam folder to confirm your subscription.

Bài Viết Mới Nhất

  • #nhatkynang – Ta vụng về
  • Bình an quá lại không quen.
  • #nhatkynang- Những điều bên cạnh
  • #nhatkynang – Giá mà mình
  • #nhatkynang – Cây cô đơn

Categories

  • #nhatkynang (143)
  • Bài viết (324)
  • Chuyện viết (29)
  • Ngẫu hứng (39)
  • Tản văn (280)
  • Uncategorized (108)

Tôi không đặt quảng cáo cho Blog vì muốn bạn đọc có được những trải nghiệm tốt nhất khi đọc các bài viết của tôi. Bạn có thểmời tôi một cốc cà phê, để tôi có thể sáng tạo và duy trì tiếp tục trên nền tảng này.

Về tác giả

Mỗi người rồi sẽ tìm thấy được phiên bản của chính mình. Tìm thấy mục đích và ý nghĩa trong cuộc sống nó cũng giống như ta đang bắt đầu chặng hành trình khởi nghiệp để đi tìm thấy chính mình.