Mỗi một sinh mệnh khi đến với cuộc đời này như một hạt mầm, với tất cả kỳ vọng mong được lớn lên, vươn cao, vững chãi thích nghi với cuộc đời, để trở thành một cái cây tươi tốt. Và chúng ta đến với kiếp sống này cũng khát khao có được tình yêu thương, bình yên, có được niềm vui và hạnh phúc.
Những ước muốn thật quá đỗi con người, chứ chẳng ai lại mong muốn nhận lấy khổ đau, tổn thương, mất mát, chia lìa, hay những cay nghiệt của cuộc đời.
Nhưng tránh làm sao được, ngày ta được sinh ra đồng nghĩa chấp nhận điều kiện đi kèm là một ngày nào đó mình sẽ chết.
Bước vào đời với một kiếp sống ngắn ngủi, chỉ để học một bài học nào đó, hay để vay để trả một món nợ ân tình. Để rồi ngày rời đi, mỗi một người rời bỏ cuộc đời này đều để lại một câu chuyện, có câu chuyện với đầy sự mạnh mẽ và nghị lực, có câu chuyện bình an và nhẹ nhàng, lại có những câu chuyện đầy bi thương.
Và bi thương nhất là những câu chuyện khi đã rời khỏi cuộc đời này nhưng vẫn còn nhiều tiếc nuối vì những dự định, những điều còn dang dở. Có lẽ chính vì dang dở nên rồi họ sẽ lại phải đến cuộc đời này một lần nữa, để học lại bài học còn chưa hoàn thành, có lẽ vì dang dở nên mới có luân hồi, mới có muôn kiếp.
Mục đích duy nhất linh hồn mình có mặt trong kiếp sống này là để học một bài học nào đó.
Ngày bé thì học lật, học trường, học bò. Lớn chút thì học chữ, học lễ nghi, học quy tắc. Trưởng thành hơn thì học nghề, học cách kiếm tiền, học cách tạo ra giá trị. Ra đời học cách đối nhân xử thế, giao tiếp với những xung quanh. Về nhà học cách yêu thương gia đình, những thương bên cạnh. Vốn dĩ mọi thứ trong cuộc đời này đều phải học.
Sai thì học lại, học tiếp, học cho đến khi nào đúng. Đúng rồi thì vẫn tiếp tục học, học để mọi thứ tốt hơn nữa, đúng hơn nữa.
Nếu tin vào sự tồn tại của linh hồn, thì tất cả chúng ta đang có mặt tại đây đều là những linh hồn già cõi, đã trải qua rất nhiều những kiếp sống khác nhau, đã đến cuộc đời này rất nhiều lần, và mỗi lần đến là một lần học một bài học nào đó.
Hiểu được mình về mặt tâm linh (linh hồn) là hiểu được vì sao mình có mặt trong kiếp sống này cùng với linh hồn của cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, bạn bè thân thiết. Ngoài việc để học bài học cuộc đời mình còn tham gia vào bài học cuộc đời người khác nữa.
Mỗi chúng ta đều tự nguyện làm con cái của một cặp cha mẹ nào đó. Đó là lý do tâm linh cho việc chúng ta sinh ra ở đâu, là con của ai, tiếp xúc với người nào. Tất cả đều có chung mục đích là tốt cho quá trình trưởng thành của linh hồn. Hay còn gọi là nghiệp quả cho việc nhận lấy nỗi đau hay niềm vui từ ai đó gần gũi với chúng ta.
Cho đến cuối cùng, phần lớn những bài học của con người chỉ được học thông qua các thử thách, đó đều là những bài học có chủ ý.
Khi một điều bất như ý xảy đến, mình hiểu rằng đây là một bài học mình cần phải vượt qua, thay vì chọn vai trò là nạn nhân, mình tự hỏi: nếu không có thử thách ấy, nếu không có những con người, nếu không có những điều gây nên tổn thương đó cho mình, mình sẽ mất đi bài học nào?
Linh hồn chúng ta lớn lên cùng với những gì chúng ta khám phá được. Quá trình phát triển của linh hồn từ không hoàn thiện đến hoàn thiện dựa vào việc vượt qua những nhiệm vụ khó khăn trong thân xác các kiếp sống.
Chân lý phải đi đôi bằng sự trải nghiệm chứ không thể ngồi yên rồi dùng cái đầu để suy nghĩ được.
Vậy nên chỉ mong mỗi ngày có thể sống trọn vẹn, làm những điều mình muốn làm, đọc sách mỗi ngày để chủ động học thêm những điều mình muốn học, trao đi những yêu thương mình muốn trao, để chẳng may lỡ như một sớm mai nào đó mình không còn được thức dậy, ít ra bản thân vẫn có thể nhẹ nhàng, vì đã không còn điều gì mà mình chưa làm được.
.
.
.
.
.