Hầu hết mỗi chúng ta đều có quá nhiều suy nghĩ, ta luyến tiếc về những gì đã qua, hoang mang về những gì chưa tới, vô định khi nhìn về tương lai, tâm trí ta trở nên quá tải. Chính những dòng suy nghĩ không ngừng này là nguyên nhân dẫn đến những vấn đề về stress, trầm cảm hay rối loạn lo âu. Hay có thể gọi đó là trạng thái overthinking (suy nghĩ quá nhiều).
Tôi đã từng ở trong tình trạng nhiều đêm mất ngủ. Đêm tối tĩnh lặng, nhưng trong đầu tôi lại luôn ồn ào những suy nghĩ. Tôi nghĩ về đủ mọi thứ, nghĩ về gia đình, nghĩ về công việc, nghĩ về tương lai, những suy tư liên hồi không dứt.
Nghe đến đây bạn có thấy quen không? Bạn có thấy ít nhiều, đôi lần bản thân cũng từng rơi vào những trạng thái như thế. Khi bị overthinking, chúng ta bị kẹt lại trong một vòng lẩn quẩn, những vòng lặp liên hồi của suy nghĩ.
Chúng ta bị những suy nghĩ ấy nhấn chìm mà không thể làm gì được, không có cách nào để có thể thoát ra. Chúng ta trở thành nạn nhân của chính tâm trí mình. Tôi nghĩ vấn đề này có thể quen thuộc với nhiều người, nhất là với tuýp người có xu hướng nhạy cảm với lo âu.
Khi tìm hiểu sâu hơn các nhà nghiên cứu khoa học nhận thấy: Hình ảnh về quá khứ và tương lai thực chất đều được tạo ra bởi cùng một mạng lưới thần kinh của não bộ mà ta vẫn thường gọi là “trí tưởng tượng”.
Điều đó có nghĩa là những cảm nhận chủ quan của chúng ta về quá khứ và tương lai, thực chất đều là những ảo ảnh được tạo ra bởi trí tưởng tượng, đó chỉ là sản phẩm hư cấu của tâm trí mà thôi.
Vậy có cách nào để có thể dừng tâm trí lại hay không? Có cách nào để có thể kiểm soát được những suy nghĩ trong đầu mình?
Có một sự thật rằng, tâm trí sẽ liên tục sản sinh ra suy nghĩ với một cách hoàn toàn tự nhiên. Diễn ra một cách vô thức mà chẳng cần biết bản thân ta có chủ động thực hiện hay không.
Đôi khi ta chỉ muốn một giây phút nào đó, tâm trí có thể im lặng một chút cũng được, nhưng điều đó sẽ hoàn toàn không xảy ra.
Và cách duy nhất để ta có thể thoát ra được vòng lặp bất tận của những suy nghĩ không đầu không đuôi đó là tìm một việc gì đó để tập trung vào bằng việc sống trong hiện tại.
Sống ở hiện tại là như thế nào? Làm sao để có thể sống trong hiện tại? Và nó có khác biệt gì so với cách mà chúng ta đang sống mỗi ngày hay không?
Nhiều người thường nghĩ rằng sống ở hiện tại nghĩa là ta chỉ cần tận hưởng những gì diễn ra trước mắt, mà không cần phải suy nghĩ hay lo lắng nhiều về tương lai. Không cần có mục tiêu, hay kế hoạch gì cụ thể. Đây là một quan điểm hoàn toàn sai lầm.
Thậm chí nhiều bạn trẻ ngày nay còn đánh đồng lối sống trong hiện tại với lối sống YOLO. Hiện nay đang nổi lên một trào lưu sống trong giới trẻ đó là lối sống YOLO, “You Only Live Once – bạn chỉ sống một lần duy nhất” của một bộ phận giới trẻ phương Tây, chỉ tập trung vào tận hưởng khoái lạc nhất thời mà bỏ mặc đi những trách nhiệm lâu dài.
Tôi vừa đọc được một bài báo đăng tin về việc một cô gái đi du lịch quanh năm theo phương châm “Ta chỉ sống 1 lần trong đời” nên 28 tuổi vẫn không tiết kiệm được đồng nào. Đến khi cô bị ốm nặng phải nhập viện, bố mẹ ở quê phải đi vay khắp nơi mới đủ tiền lo viện phí cho cô.
Tuy nhiên, “sống ở hiện tại” hoàn toàn không giống như vậy.
Sống ở hiện tại không phải là chối bỏ quá khứ hay không cần lo nghĩ về tương lai, mà chỉ đơn giản là ta tập trung hoàn toàn sự chú ý của mình ở ngay hiện tại. Ý thức được những gì đang xuất hiện trong nhận thức của mình ngay tại đây và ngay bây giờ. Là việc ta sẽ cảm nhận toàn bộ sự việc, suy nghĩ của cuộc sống mà ta đang trải nghiệm, nhận biết chúng một cách rõ ràng và trọn vẹn nhất.
Chúng ta có sự quan sát, sự nhận biết, tự ý thức được các trạng thái tâm trí của mình, nhận thức và trải nghiệm trọn vẹn tất cả những gì đang diễn ra, cả bên trong lẫn bên ngoài mình.
Khi có thể sống trong hiện tại, ta có được một thái độ sống tỉnh thức, bình an và cân bằng. Ta dễ dàng kiểm soát tâm trí chính mình, không còn bị lệ thuộc và bị tác động bởi những xáo động, những điều tiêu cực bên ngoài. Vậy nên lời khuyên ở đây là hãy dành trọn tâm trí mình để tập trung vào công việc bạn đang làm.
Ví dụ khi ta làm một công việc nào đó hãy hướng toàn bộ sự tập trung vào công việc đó mà thôi. Khi ta thiền, ta sẽ hướng sự tập trung vào hơi thở. Khi ta làm việc ta hoàn toàn tập trung cho công việc. Khi cần nghỉ ngơi, hãy tập trung vào nghỉ ngơi. Lúc ấy những màn độc thoại trong tâm trí sẽ dần lắng xuống. Trả lại cho ta một tấm trí bình yên.